Ông Tập kêu gọi chuẩn bị chiến tranh, Thâm Quyến ra lệnh người dân mua đồ khẩn cấp
Hôm 13/10, chính quyền thành phố Thâm Quyến thuộc miền nam Trung Quốc đã ra lệnh cho tất cả công dân chuẩn bị nguồn cung khẩn cấp cho 72 danh mục, bao gồm có đủ thức ăn và nước uống trong 72 giờ và một chăn cứu hỏa. Mục đích của danh sách nguồn cung khẩn cấp là giúp người dân chuẩn bị cho các thảm họa tự nhiên.
Cụ thể, chính quyền thành phố Thâm Quyến cung cấp cho người dân hai danh sách, một cho “các nhu cầu cơ bản” và một cho “các nhu cầu toàn diện”. Danh sách đầu tiên gồm có 14 danh mục, bao gồm đèn pin với bộ tạo điện quay bằng tay mà có thể được sử dụng để sạc điện thoại di động; mặt nạ thở; thang thoát hiểm trong phòng cháy chữa cháy; đủ thức ăn và nước uống trong 72 giờ; túi sơ cứu, thuốc men, một áo mưa mà có thể được dùng làm lều; kéo đa năng, v.v.
Danh sách thứ hai có 72 danh mục bao gồm nhiều công cụ hơn, cũng như giấy tờ tùy thân, hộ chiếu, giấy sở hữu tài sản, tiền mặt và một thẻ SOS được viết bằng tiếng Anh, trong trường hợp một người cần tìm kiếm sự trợ giúp từ người nước ngoài.
Vào tháng trước, Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Quốc và một số chính quyền thành phố, như Bắc Kinh và Thiên Tân, đã ban hành các lệnh tương tự nhưng tin tức này không thu hút sự chú ý của dư luận.
Công tác chuẩn bị cho chiến tranh
Cùng ngày 13/10, Thâm Quyến cũng đưa ra thông báo rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu quân đội tập trung vào việc chuẩn bị cho chiến tranh, làm dấy lên các lo ngại rằng Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm lính hải quân tại thành phố Triều Châu, cũng nằm tại tỉnh Quảng Đông và cách Thâm Quyến khoảng 220 dặm (khoảng 354 km). Ông yêu cầu họ “phải đặt tất cả tâm trí và năng lượng của các đồng chí vào việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh, và duy trì tình trạng báo động cao”. Được biết, Thâm Quyến và Triều Châu nằm ở phía tây của Đài Loan.
Ngày 18/10, tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông đã dẫn lời một nguồn tin quân sự tại Bắc Kinh cho biết PLA (Quân Giải phóng Nhân dân, tên chính thức của quân đội Trung Quốc) đã điều động tên lửa tiên tiến nhất của họ là DF-17 tới bờ biển phía đông nam của nước này để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Đài Loan có thể xảy ra trong tương lai.
Chế độ Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù trên thực tế hòn đảo này là một quốc gia độc lập có chính phủ được bầu cử dân chủ, quân đội và tiền tệ của riêng họ. Bắc Kinh đã đe dọa sử dụng vũ lực quân sự để đưa hòn đảo này về dưới quyền [kiểm soát] của mình.
Động cơ phía sau thông báo của thành phố Thâm Quyến
Nhà bình luận các vấn đề Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), phân tích rằng thông báo của Thâm Quyến có thể nằm trong một chiến lược tuyên truyền nhằm đe dọa Đài Loan. Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, ông Đường cho biết: “Đó là một phần trong chiến lược tuyên truyền của ông Tập Cận Bình về việc ‘thống nhất Đài Loan bằng vũ lực’”.
Ông Đường nói thêm rằng khó có khả năng Bắc Kinh sẽ khởi xướng một cuộc xung đột, vì chế độ Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức chính trị. “Về mặt chính trị, ông Tập đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các bè phái khác nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng rất tồi tệ. Đài Loan có sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia phát triển khác, vì vậy Trung Quốc sẽ không thể sở hữu lực lượng quân sự mạnh hơn Đài Loan và các đồng minh của họ”.
Ngoài ra, nhà hoạt động dân chủ và học giả Trung Quốc tại Hoa Kỳ Vương Quân Đào (Wang Juntao) nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times tiếng Trung rằng ông tin ông Tập sẽ không khởi xướng một cuộc xung đột trong cuộc chiến ở eo biển Đài Loan trong tương lai gần, nhưng có thể làm điều đó trước năm 2027. Cha của ông Vương trước đây là một sĩ quan cấp thiếu tướng tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, vì vậy ông Vương có thể tiếp cận các nguồn tin nội bộ trong quân đội.
“Trong những năm gần đây, khoảng một nửa số chỉ huy cấp cao của PLA là được thăng chức từ các lực lượng không tham chiến, vì vậy họ không có khả năng chỉ huy một cuộc chiến thực sự ngay bây giờ. Thứ hai, một số lượng lớn vũ khí của PLA là những vũ khí mới được triển khai, chẳng hạn như máy bay chiến đấu J-20. Những người lính cần có thời gian để được huấn luyện cách sử dụng những vũ khí này”, ông Vương nói.