Ông Tập đến Hồng Kông nhân dịp kỷ niệm 25 năm chuyển giao thành phố
Hôm 30/06, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến Hồng Kông, trong bối cảnh các quan chức thế giới chỉ trích sự đàn áp của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với thành phố cựu thuộc địa của Anh quốc. Đây là lần đầu tiên ông Tập rời Trung Quốc đại lục sau 29 tháng.
Chuyến thăm lần này của ông Tập là để đánh dấu kỷ niệm 25 năm chuyển giao Hồng Kông cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền.
Trong một bài diễn thuyết ngắn gọn tại ga xe lửa Tây Cửu Long ở Hồng Kông hôm 30/06, ông Tập cho biết Hồng Kông đã vượt qua nhiều thách thức trong những năm qua và đã “tái sinh từ đống tro tàn” với “sức sống mãnh liệt.” Sau đó, ông đã gặp gỡ hơn 160 quan chức và những người ủng hộ Bắc Kinh.
Lần cuối cùng ông Tập đến thăm thành phố này là vào ngày 01/07/2017 khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên thệ nhậm chức lãnh đạo đời thứ tư của thành phố. Tuy nhiên, không giống như chuyến đi trước, lần này ông Tập không phải đối mặt với các cuộc biểu tình đông đảo bởi vì hầu hết các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng, như La Quán Thông (Nathan Law) và Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), những người tham gia cuộc biểu tình năm 2017, đều bị cầm tù hoặc đã bị cưỡng bức lưu vong.
Bắc Kinh đã thi hành luật an ninh quốc gia hà khắc tại Hồng Kông từ tháng 06/2020 nhằm dập tắt bất đồng chính kiến tại trung tâm tài chính toàn cầu hưng vượng một thời này.
Cảnh sát đã tăng cường an ninh bằng cách đóng cửa các nhà ga đường sắt cao tốc và các địa điểm khác trên khắp thành phố trước khi ông Tập đến. Họ cũng đã chỉ định các khu vực an ninh, phong tỏa các con đường, và thực thi khu vực cấm bay vào ngày 01/07.
Đầu tuần này, hơn 10 ký giả từ các hãng thông tấn địa phương và quốc tế đã bị từ chối khi ghi danh đưa tin về các sự kiện ngày 01/07 vì “lý do an ninh”.
Những lo ngại về COVID
Các nhà chức trách Trung Quốc chưa công bố chi tiết lịch trình của ông Tập, nhưng nhiều khả năng ông sẽ nghỉ đêm tại Thâm Quyến, một thành phố lân cận thuộc Trung Quốc đại lục và trở lại Hồng Kông vào ngày hôm sau để tham dự các sự kiện ngày 01/07.
Vào ngày 01/07, ông Tập dự kiến sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Lý Gia Siêu – cựu Cục trưởng Cục Bảo An giờ sẽ đảm trách chức vụ tân đặc khu trưởng thứ sáu dẫn dắt chính quyền thành phố. Ông Lý, tương tự người tiền nhiệm, nằm trong danh sách trừng phạt của Hoa Kỳ vì đã tước đi quyền tự chủ và tự do của thành phố theo luật an ninh quốc gia.
Chuyến thăm kéo dài hai ngày này cũng đánh dấu chuyến đi đầu tiên ra khỏi Trung Quốc đại lục được biết đến của ông Tập trong vòng hai năm rưỡi qua. Nhà lãnh đạo Trung Quốc, vốn sẵn sàng để bảo đảm nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tại một cuộc họp quan trọng của đảng vào mùa thu này, đã không bước ra khỏi đất nước kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Chế độ của ông Tập đã thực hiện chính sách “zero COVID” hà khắc ở cả đại lục và Hồng Kông.
Để chuẩn bị cho chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập, hàng ngàn khách mời, trong đó có các quan chức hàng đầu, các nhà lập pháp và các nhà ngoại giao, đã vào khách sạn để cách ly từ đầu tuần này và thực hiện các xét nghiệm acid nucleic hàng ngày như một phần của biện pháp phòng ngừa COVID-19.
Gần đây, Hồng Kông đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 với 2,358 ca nhiễm COVID-19 được thông báo hôm 30/06.
Chỉ trích về nhân quyền
Chuyến thăm được dàn dựng công phu diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chỉ trích từ quốc tế đối với các hành vi lạm dụng nhân quyền của ĐCSTQ, chẳng hạn như cuộc đàn áp các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
Lời chỉ trích mới nhất đến từ lãnh đạo các quốc gia G-7, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp, và Nhật Bản. Trong cuộc họp thượng đỉnh hôm 28/06, nhóm G-7 đã kêu gọi ĐCSTQ thực hiện các cam kết của họ bằng cách khôi phục nhân quyền, quyền tự do, và tự chủ của Hồng Kông.
Lời kêu gọi Bắc Kinh duy trì các nghĩa vụ quốc tế của họ có sự tham gia của các đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc hôm 30/06.
“Nhân dịp kỷ niệm 25 năm chuyển giao Hồng Kông, chúng tôi sát cánh với tất cả những người đang tìm cách khôi phục các quyền tự do dân chủ và xã hội dân sự năng động từng đưa Hồng Kông vươn lên trở thành một trong những thành phố sôi động nhất thế giới,” Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu James P. McGovern (Dân Chủ-Massachuset) nêu rõ.
Họ cho rằng trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Trung Quốc đã thất hứa khi áp đặt một đạo luật an ninh quốc gia sâu rộng và hà khắc, đồng thời cải tổ hệ thống bầu cử chỉ để những người trung thành với Bắc Kinh mới có thể điều hành thành phố. Quyền tự do báo chí cũng bị hạn chế, khi các hãng thông tấn độc lập, bao gồm cả Apple Daily và Stand News nổi tiếng, đã bị đóng cửa một cách cưỡng bức.
Theo tuyên bố, it nhất 10,500 người dân Hồng Kông đã bị bắt giữ vì các tội liên quan đến chính trị và biểu tình kể từ tháng 06/2019, đồng thời hơn 113 người hiện đang phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia. Các chủ tịch của tổ chức dân sự cho biết, tính đến tháng Một, ít nhất 65 tổ chức xã hội dân sự đã giải tán hoặc rời khỏi thành phố vì lo sợ bị đàn áp theo luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt, đồng thời cho biết thêm rằng xu hướng này tăng nhanh trong nửa cuối năm 2021.
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.