Ông Tập Cận Bình sẵn sàng chống lại một cuộc đảo chính quân sự
Trước khi thảo luận về những gì đang xảy ra với lãnh đạo Đảng Tập Cận Bình, chúng ta cần xem xét một tình huống tương tự trong lịch sử của Trung Quốc.
Vào ngày 13/09/1971, một chiếc phi cơ đã bị rơi ở Wendul Khan, Mông Cổ, tất cả 9 người trên tàu bay đều thiệt mạng. Trung Cộng nói rằng ông Lâm Bưu, người kế nhiệm ông Mao Trạch Đông, cùng với vợ và con trai, là nạn nhân của vụ tai nạn chí tử này khi họ đào thoát sang Liên Xô. Ngay sau đó, nhà chức trách làm rõ thêm rằng ông Lâm đã lên kế hoạch cho một cuộc đảo chính quân sự để ám sát Mao Chủ tịch.
Ông Lâm Bưu đã có một cuộc đời binh nghiệp đáng chú ý trong thời chiến và cũng đóng một vai trò quan trọng như cánh tay phải đắc lực của ông Mao sau khi Trung Cộng nắm chính quyền ở Trung Quốc. Vào tháng 04/1969, khi Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 9 của Trung Cộng thông qua một bản hiến pháp mới của Đảng, đã gọi ông Lâm là “chiến hữu thân cận và là người kế nhiệm của Mao Trạch Đông.”
Vì vậy, ông Lâm và những người thân cận của ông trong quân đội được gán nhãn là một “nhóm phản cách mạng.” Kết quả là, hàng ngàn quan chức quân đội cao cấp đã bị thanh trừng. Ngoài các thuộc cấp liên quan, hàng chục ngàn quân nhân cũng bị ảnh hưởng.
Nỗ lực ân xá cho ông Lâm
Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Cộng, Đảng đã thực hiện một số hành động để khôi phục danh tiếng cho ông Lâm. Ví dụ, trong các thước phim chiến tranh của Trung Quốc được sản xuất vào những năm 1990, ông Lâm được miêu tả như là một thiên tài quân sự. Trong phiên bản sửa đổi năm 2007 của Từ điển Bách khoa Quân sự Trung Quốc, ông Lâm được mô tả là “một trong 36 chiến lược gia quân sự đương đại của Trung Quốc.” Và vào tháng 03/2008, Tân Hoa Xã đã xuất bản một bài xã luận, nói rằng công lao lịch sử của ông Lâm cần được khẳng định.
Ông Lâm thực sự là chiến lược gia chủ chốt trong một số trận chiến quyết định của Trung Cộng chống lại quân đội Nhật Bản và quân đội Quốc dân đảng của Trung Quốc, và được đánh giá cao về tài năng quân sự của mình.
‘Đảng chỉ huy súng’
Tuy nhiên, hôm 16/09, tạp chí lý luận hàng đầu của Trung Cộng Cầu Thị (Qiushi) đã đăng một bài báo lên án ông Lâm vì “âm mưu một cuộc đảo chính quân sự” vào những năm 1970. Bài báo nhấn mạnh rằng lịch sử thành lập của Trung Cộng là về “Đảng chỉ huy súng”. Nói cách khác, Đảng luôn luôn kiểm soát quân đội.
Mặc dù phạm vi ảnh hưởng chính của ông Lâm là trong quân đội, bài báo trên Cầu Thị nói rằng lý do khiến âm mưu đảo chính của ông Lâm thất bại là do “toàn thể Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) kiên quyết nghe theo Đảng và làm theo chỉ thị của Đảng.”
Bài báo cũng chỉ trích ông Trương Quốc Đào (Zhang Guotao), một thành viên sáng lập của Trung Cộng, vì “cố gắng sử dụng súng để chỉ huy Đảng,” cũng như phê bình một lãnh đạo đầu tiên khác của Trung Cộng, ông Vương Minh (Wang Ming), vì chủ trương rằng mọi quyết định phải được sự chấp thuận của “Mặt trận Thống nhất”. Cả ông Trương và ông Vương đều bị thanh trừng trong các cuộc đấu tranh tư tưởng chính trị của Trung Cộng khi ông Mao dần lên nắm quyền.
Bài báo đã được đăng lại rộng rãi bởi các kênh truyền thông khác của nhà nước Trung Quốc.
Lời cảnh báo của ông Tập
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại Hoa Kỳ, ông Trần Phá Không (Chen Pokong) nói với The Epoch Times rằng bài báo của nguyệt san Cầu Thị dường như cho thấy rằng hiện đang có một kế hoạch đảo chính trong PLA và chính quyền trung ương gặp khó khăn lớn trong việc kiểm soát quân đội. Bài báo này, khi nhấn mạnh rằng chính Đảng là người chỉ huy họng súng, có ý định cảnh báo quân đội rằng ông Tập, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy, là người có quyền tối cao đối với PLA.
Ông Sùng Thăng (Chong Sheng) (bút danh), một nhà bình luận chính trị độc lập ở Trung Quốc, cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông Sùng nói với The Epoch Times rằng ông Tập đã thanh trừng nhiều quan chức cộng sản trung thành với cựu bí thư Giang Trạch Dân, và đã chống lại các lực lượng đối lập trong nội bộ của Trung Cộng trong suốt những năm qua.
Hôm 15/09, ông Tập đã thị sát một căn cứ quân sự bí mật ở tỉnh Thiểm Tây, và bài báo của Cầu Thị đã xuất hiện vào ngày hôm sau. Điều đó cho thấy, ông Tập muốn đưa ra một thông điệp rõ ràng cho quân đội: khi ông có cuộc đối đầu cuối cùng với phe Giang, quân đội phải nghe theo chính quyền trung ương. Nói cách khác, quân đội phải nghe theo chỉ thị của ông Tập, ông Sùng cho biết.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: