Ông Tập Cận Bình nói, Trung Quốc cởi mở với các cuộc đàm phán về trợ cấp của nhà nước
Hôm 04/10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết chế độ này sẵn sàng đàm phán về các khoản trợ cấp của nhà nước cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước—một thực tiễn đã trở thành một điểm cố hữu trong quan hệ thương mại Mỹ – Trung.
Trong bài diễn thuyết trực tuyến khai mạc Triển lãm Nhập cảng Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ giữ “thái độ tích cực và cởi mở” trong các cuộc đàm phán về các chủ đề như kinh tế kỹ thuật số, thương mại và môi trường, trợ cấp công nghiệp, và các công ty nhà nước.
Ông nói, Trung Quốc sẽ hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương tập trung vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời cho biết thêm rằng hệ thống này đã phải đối mặt với “một số thách thức.”
Ông Tập nói trong bài diễn thuyết tối hôm thứ Năm (04/11), “Cởi mở là một đặc điểm khác biệt của Trung Quốc đương đại.”
Các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã nhiều lần mô tả các khoản trợ cấp nhà nước to lớn của Bắc Kinh là một hành vi kinh tế không công bằng mang lại cho các công ty Trung Quốc một lợi thế đáng kể so với các công ty khác trên thị trường quốc tế.
Vào tháng Mười, Tham tán Hoa Kỳ David Bisbee đã nói với WTO, tổ chức vừa bắt đầu xem xét lần đầu các chính sách thương mại của Trung Quốc kể từ năm 2018, rằng trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc “làm lệch sân chơi” so với hàng hóa và dịch vụ nhập cảng. Ông Bisbee nói, Hoa Kỳ sẽ sử dụng tất cả các công cụ sẵn có để bảo đảm có các cải cách từ Bắc Kinh.
Trong một bài phát biểu hôm 04/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD trợ cấp cho các lĩnh vực quan trọng như thép, năng lượng mặt trời, và nông nghiệp. Các sản phẩm này của Trung Quốc đã bị bán phá giá trên thị trường toàn cầu với mức giá mà các công ty Hoa Kỳ phải vật lộn để cạnh tranh, khiến nhiều nhà máy của Hoa Kỳ trong quá trình này phải đóng cửa.
Vào cuối tháng 10, bà Tai nói với các nhà điều hành ngành thép rằng, Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, là “nguồn cơn lớn nhất” dẫn đến tình trạng dư thừa thép toàn cầu. Trung Quốc sản xuất hơn 1 tỷ tấn mỗi năm, chiếm gần 60% sản lượng thép của thế giới.
Vào cuối tháng Mười, Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã đạt được một thỏa thuận cho phép một số thép và nhôm của Âu Châu nhập cảng vào Mỹ mà không bị đánh thuế, một hành động mà bà Tai nói sẽ giúp “ngăn chặn sự rò rỉ của thép và nhôm Trung Quốc vào thị trường Mỹ.”
Bà Tai cũng ủng hộ các công cụ nhắm vào việc đầu tư được Trung Quốc trợ cấp trong ngành sản xuất thép ở Đông Nam Á thông qua dự án cơ sở hạ tầng to lớn của Bắc Kinh, Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Ông Wang Shouwen, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, gần đây đã kêu gọi loại bỏ các khoản trợ cấp nông nghiệp “to lớn” ở một số nước phát triển như một phần của việc Bắc Kinh thúc đẩy cải cách WTO, ngay cả khi Bắc Kinh phải đối mặt với các khiếu nại lâu dài từ các thành viên WTO khác về chính sách hỗ trợ nông nghiệp của riêng mình.
Hôm 01/10, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng Hoa Kỳ đang chờ đợi Trung Quốc đáp ứng các cam kết mua 200 tỷ USD theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng coi việc giảm thuế có đi có lại là “kết quả mong muốn” để giúp giảm lạm phát trong nước, hiện đang ở mức cao nhất trong 30 năm.
Bà nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters rằng, “Đại diện thương mại của chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ xem xét cắt giảm thuế quan bổ sung. Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc đáp ứng các cam kết mà họ đã đưa ra trong giai đoạn một, nhưng sự ổn định và cuối cùng có lẽ là việc giảm thuế quan theo cách có đi có lại có thể là một kết quả đáng mong đợi.”
Bắc Kinh đã tự định vị mình là một “người ủng hộ trung thành” chủ nghĩa đa phương mặc dù các nhà phân tích cho rằng chế độ này đã gây ảnh hưởng và lật đổ các tổ chức quốc tế, đồng thời thúc đẩy một hệ thống giá trị của riêng mình. Trước đây, Trung Quốc cũng đã mô tả các cuộc triển lãm quốc tế như một nền tảng để chiếu hình ảnh của một Trung Quốc cởi mở.
Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế của nước này. Hôm thứ Hai (01/11), Bộ trưởng Thương mại Wang (của nước này) cũng đã yêu cầu tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số, một mối quan hệ đối tác giữa New Zealand, Chile, và Singapore thúc đẩy thương mại kỹ thuật số.
Bà Eva Fu viết cho The Epoch Times ở New York, tập trung vào các mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền.
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: