Ông Tập Cận Bình bộc lộ dã tâm của Trung Quốc, Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 hé lộ thiếu sót về công nghệ
Vài ngày sau khi kết thúc lưỡng hội, tạp chí “Cầu Thị,” một hãng thông tấn của Trung Quốc, đã đăng bài diễn văn của ông Tập Cận Bình tại hội nghị Học viện Khoa học Trung Quốc cách đây ba năm, phơi bày dã tâm của Trung Quốc muốn tranh đoạt vị trí “Trung tâm khoa học và cao điểm sáng tạo” của thế giới. Tuy nhiên, Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 do lưỡng hội tuyên bố đã vô tình tiết lộ chi tiết những thiếu sót của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Bài diễn văn của ông Tập phơi bày dã tâm thống trị công nghệ của Trung Quốc
Ngày 15/03/2021, tạp chí “Cầu Thị,” một hãng thông tấn Trung Quốc, đã đăng tải bài diễn văn quan trọng của ông Tập Cận Bình tại hội nghị Học viện Khoa học Trung Quốc ba năm về trước. Trong bài diễn văn, ông Tập tự nhận [Trung Quốc] muốn “trở thành trung tâm khoa học trọng yếu và cao điểm sáng tạo của thế giới.” “[Hiện nay là thời điểm] chúng ta cần kiến thiết một cường quốc khoa học công nghệ trên thế giới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.”
Ngày 28/05/2018, Hội nghị Viện sĩ lần thứ 19 của Học viện Khoa học Trung Quốc và Hội nghị Viện sĩ lần thứ 14 của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã khai mạc tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình đã tham dự cuộc họp và có bài diễn văn.
Ông Tập đã nói tại hội nghị rằng “Nếu Trung Quốc muốn thịnh vượng, muốn phục hưng, thì nhất định phải dốc sức phát triển khoa học công nghệ.” Ông nhấn mạnh rằng, một cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cải cách công nghiệp mới đang tái cấu trúc lại thế giới, “Khoa học công nghệ chưa bao giờ có ảnh hưởng sâu sắc đến tiền đồ vận mệnh đất nước như hiện nay,” mà Trung Quốc lại đang “đứng trước một cơ hội lịch sử ngàn năm có một, đồng thời cũng đối mặt với một thử thách khắc nghiệt khi bị gia tăng khoảng cách.
Chỉ bốn ngày trước bài đăng của tạp chí “Cầu Thị,” lưỡng hội của Trung Quốc đã chính thức công bố Đề cương Kế hoạch Năm năm lần thứ 14. Nội dung đầy đủ của “Đề cương” gồm 19 mục, trừ phần mở đầu và kết luận thì còn lại 17 mục. Trong đó, được sắp xếp ưu tiên ở vị trí “Mục 2” chính là chiến lược công nghệ “kiên trì đổi mới,” thậm chí việc “phát triển kỹ thuật số” cũng được liệt vào vị trí “Mục 5,” điều này đã thể hiện đầy đủ thái độ trọng thị của Trung Quốc đối với khoa học công nghệ ở thời điểm hiện tại và cả tương lai.
Đề cương Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 nêu rõ “tự lực tự cường về khoa học công nghệ” là trụ cột chiến lược cho sự phát triển quốc gia, đề ra việc “tăng cường chiến lược quốc gia về lực lượng khoa học công nghệ,” và kiện toàn “thể chế toàn quốc theo hình thái mới” của Trung Quốc.
Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất chỉ ra rằng ông Tập Cận Bình đang lặp lại những lời cũ, đặc biệt là tuyên bố phải trở thành “trung tâm khoa học và cao điểm đổi mới chủ yếu của thế giới” chứ không phải là “một trong số những” trung tâm khoa học và cao điểm đổi mới của thế giới, còn thêm việc lưỡng hội đưa chiến lược khoa học công nghệ lên vị trí sống còn, tiền hô hậu ủng, một lần nữa thể hiện rõ ràng dã tâm tranh bá khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Kể từ năm 2018, các hành động chiến lược của Trung Cộng như “Made in China 2025,” quân-dân dung hợp và đánh cắp công nghệ tiên tiến của nước ngoài đã phải gánh chịu một loạt các cuộc tấn công của chính phủ Trump. Trong mấy năm gần đây, Trung Cộng đã hạ thấp đáng kể giọng điệu tuyên truyền về chiến lược khoa học công nghệ.
Tiết lộ số 1 từ Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 về khoa học công nghệ: Khoảng cách đổi mới công nghệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ lại một lần nữa tăng lên
Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 đã đề ra 20 mục, trong đó có 4 mục liên quan trực tiếp đến công nghệ: Mục 2-Khắc phục khó khăn trong các lĩnh vực nghiên cứu tuyến đầu; Mục 3-Cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ là việc trọng đại của quốc gia; Mục 8-Kinh tế số là ngành trọng điểm; Mục 9-Viễn cảnh ứng dụng số hóa.
Mục 1: Các chỉ số chính về phát triển kinh tế xã hội trong kế hoạch Năm năm lần thứ 14 cũng liệt kê “thúc đẩy đổi mới” là loại chỉ số thứ hai sau “phát triển kinh tế,” cụ thể bao gồm ba chỉ số đổi mới là (1) mức tăng kinh phí đầu tư toàn xã hội cho việc nghiên cứu phát triển (%), (2) trong 10.000 người thì có bao nhiêu bằng sáng chế phát minh giá trị cao, (3) giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp cốt lõi trong kinh tế số tính theo phần trăm GDP (%).
Các mục tiêu chính về phát triển xã hội được đề nghị trong Mục 1 là đặt ra chỉ tiêu mang tính đại biểu cho chiến lược khoa học công nghệ-kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho nghiên cứu và phát triển (gọi tắt là R&D) tăng bình quân hơn 7%/năm, phấn đấu cường độ đầu tư đạt mức cao hơn thực tế của thời kỳ Kế hoạch Năm năm lần thứ 13.”
Mục 2: Khuôn khổ của đề cương kế hoạch dài hạn của Trung Quốc; bao gồm việc sửa đổi các chỉ số R&D-“tăng tỷ trọng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu cơ bản chiếm ít nhất 8% toàn bộ kinh phí đầu tư cho R&D.” Đây cũng là một chỉ số quan trọng trong kế hoạch chiến lược khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Cường độ đầu tư kinh phí cho R&D (GERD/GDP), tức tỷ trọng của kinh phí toàn xã hội chi cho R&D trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP), luôn là một trong những chỉ số cốt lõi để đo lường khả năng đổi mới công nghệ của một quốc gia. Nó cho thấy một quốc gia sẵn sàng dành bao nhiêu nguồn lực cho hoạt động R&D, thể hiện mức độ coi trọng của quốc gia đó đối với khoa học công nghệ. “GERD” là chữ viết tắt tiếng Anh của “Tổng chi tiêu quốc nội cho R&D” (Gross domestic expenditure on R&D). “R&D” là viết tắt tiếng Anh của “nghiên cứu và phát triển” (Research and Development).
Vậy tình hình Trung Quốc áp dụng chiến lược giành vị trí “trung tâm khoa học và cao điểm đổi mới chủ yếu của thế giới” thực tế ra sao?
Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn luôn chủ trương đổi mới công nghệ. Chỉ có điều, nếu nhìn vào “cường độ R&D,” một chỉ số đánh giá thực lực R&D, thì mặc dù đầu tư vào nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã tăng lên trong hai thập kỷ qua, nhưng nó không tương xứng với vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ví dụ, tổng kinh phí đầu tư vào R&D của Trung Quốc liên tiếp đứng thứ 2 thế giới kể từ năm 2013, cường độ đầu tư vào R&D của Trung Quốc cũng tăng từ 0.75% vào năm 1999 lên 2,23% vào năm 2019. Tuy nhiên, nếu so sánh với cường độ đầu tư vào R&D tại cùng thời điểm của các nước phát triển như: 3.07% của Hoa Kỳ, 3.18% của Đức, 3.24% của Nhật Bản và 4.64% của Hàn Quốc, thì vẫn còn tồn tại một khoảng cách rất lớn. (nguồn số liệu về các quốc gia dẫn từ OECD).
Trọng yếu hơn là, Trung Quốc dường như đã kiệt lực trên trên con đường chạy đua để bắt kịp Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, cường độ R&D của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ bỏ xa.
Lấy kế hoạch Năm năm gần đây nhất của Trung Cộng, Kế hoạch Năm năm lần thứ 13 làm ví dụ, Kế hoạch Năm năm lần thứ 13 đưa ra mục tiêu tăng mức đầu tư cho R&D lên 0.4 điểm phần trăm trong Năm năm và đạt 2.5% vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cường độ đầu tư vào R&D của Trung Quốc năm 2019 là 2.23%, và trong suốt 4 năm đầu chỉ hoàn thành 32.5% tiến độ kế hoạch.
So sánh giữa tổng lượng đầu tư và cường độ đầu tư vào R&D của Trung Quốc từ năm 2010 đến 2019, chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù kinh phí đầu tư cho R&D của Trung Quốc đang tăng, nhưng tốc độ gia tăng “cường độ đầu tư” đang chậm lại, đường biểu thị “cường độ đầu tư R&D” có xu hướng dần đi ngang.
Nhưng do mục tiêu chính của Trung Cộng là đánh cắp công nghệ-nên khoảng cách “cường độ đầu tư R&D” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thực sự thu hẹp trong hầu hết thời gian 20 năm qua, chênh lệch 1.8 điểm phần trăm vào năm 1999 đã thu hẹp còn 0.66 điểm phần trăm vào năm 2015.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, khoảng cách cường độ R&D giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bắt đầu mở rộng trở lại, từ 0.69 điểm phần trăm vào năm 2016 đã tăng lên 0.84 điểm phần trăm vào năm 2019.
Điều đáng đề cập ở đây là việc ông Trump lên nắm quyền vào cuối năm 2016. Trong nhiệm kỳ của ông Trump, chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu cảnh giác với sự xâm nhập của Trung Cộng và chống lại việc Trung Cộng đánh cắp công nghệ của Hoa Kỳ.
Chỉ tiêu về khoa học công nghệ trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14: “Bước lùi lớn”
Trái ngược hoàn toàn với bài diễn văn đầy dã tâm của ông Tập tại hội nghị của Viện Khoa học Trung Quốc chính là chỉ tiêu theo kiểu “bước lùi lớn” về khoa học công nghệ trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14.
Ví dụ, kế hoạch Năm năm lần thứ 14 không tuân theo các quy tắc cũ là thiết lập các chỉ số định lượng cho “cường độ đầu tư R&D”-vốn là tiêu chuẩn đánh giá khoa học công nghệ trọng yếu nhất. Thay vào đó, nó đưa ra một tiêu chí hàm hồ: nhắm đến kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho R&D tăng bình quân hơn 7%/năm, phấn đấu cường độ đầu tư cao hơn con số cụ thể của thời kỳ Kế hoạch Năm năm lần thứ 13.
Trên thực tế, theo báo cáo chính thức của Trung Quốc, trong giai đoạn Kế hoạch Năm năm lần thứ 13 (dữ liệu năm 2020 chưa được công bố), tăng trưởng hàng năm của đầu tư cho R&D của Trung Quốc đề ở mức hai con số. Cũng có nghĩa là, phạm vi tăng trưởng kinh phí đầu tư R&D bình quân theo năm mà Trung Quốc đã đặt ra cho Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 (trên 7%), còn không bằng mức độ thực tế (theo con số cụ thể) của kế hoạch Năm năm trước đó. Điều này phản ánh mức độ chú trọng của Trung Quốc vào khoa học công nghệ và khả năng đổi mới không hề tăng lên mà đang giảm đi.
Một dữ liệu thống kê khác từ Trung Quốc cho thấy, mục tiêu “cường độ R&D” trong kế hoạch phát triển công nghệ do Trung Cộng đề ra chưa bao giờ trở thành hiện thực trong suốt 20 năm qua.
“Kế hoạch Năm năm lần thứ 10,” “Kế hoạch Năm năm lần thứ 11,” “Kế hoạch Năm năm lần thứ 12” và “Kế hoạch Năm năm lần thứ 13” của Trung Cộng đã thiết lập các chỉ số kế hoạch cho cường độ đầu tư vào R&D lần lượt là: 1.55 (thực tế năm 2005 là 1.32%); 2% (thực tế năm 2010 là 1.75%); 2.2% (thực tế năm 2015 2.1%); 2.5% (thực tế năm 2019 là 2.23%, chưa bằng 1/3 tiến độ kế hoạch).
Trước những phân tích này, nhà bình luận Lý Lâm Nhất nhận xét, nếu đem đối chiếu với phát ngôn hùng hồn của ông Tập cách đây ba năm, thì những tiêu chí hồ đồ về các chỉ tiêu khoa học công nghệ và bước lùi lớn trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 của Trung Cộng đã tiết lộ một thực tế là Trung Cộng không còn tiền, do đó không thể đảm bảo đầu tư cho nghiên cứu khoa học, chỉ có thể “nỗ lực” sao cho cường độ đầu tư lớn hơn thời kỳ “Kế hoạch Năm năm lần thứ 13.”
Tiết lộ số 2 từ Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 về khoa học công nghệ: Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản không đủ
Mặc dù Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 của Trung Cộng đã phát đi tín hiệu muốn cạnh tranh với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực vi mạch bán dẫn (chip), trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử, nhưng đồng thời cũng đã bộc lộ những thiếu sót trong chiến lược khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Ngoài việc không có khả năng bảo đảm cường độ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, một thiếu sót lớn khác trong khoa học công nghệ của Trung Quốc là không đủ đầu tư cho nghiên cứu cơ bản.
Chiến lược khoa học công nghệ trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 đề nghị rằng “tỷ lệ kinh phí cho nghiên cứu cơ bản trên tổng kinh phí cho R&D nên tăng trên 8%.”
Tuy nhiên, theo số liệu chính thức của Trung Quốc, ngay cả trong năm 2019, khi tỷ lệ kinh phí cho nghiên cứu cơ bản đạt mức cao mới, lần đầu tiên đột phá từ 6% lên 6.03%; hay vào năm 2015, khi lần đầu tiên đột phá mức 5%, đạt mức 5.1%, thì chỉ số này của Trung Quốc vẫn kém xa Hoa Kỳ và Châu Âu.
Tỷ lệ kinh phí cho nghiên cứu cơ bản ở Hoa Kỳ đã vượt quá 10% ngay từ những năm 1960. Trong 20 năm qua, tỷ lệ này đã ổn định từ 16% đến 20%, tỷ lệ của các quốc gia Âu Mỹ nhìn chung vẫn nằm trong phạm vi này.
Nói cách khác, tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc trong nhiều năm qua chỉ bằng một phần ba so với các nước phát triển ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Nghiên cứu cơ bản được coi là nền tảng của đổi mới công nghệ. Tỷ lệ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản thể hiện khả năng đổi mới của một quốc gia và cũng là chìa khóa cho những đột phá của các ngành công nghệ tuyến đầu hoặc công nghệ hạch tâm. Ví dụ như Nhật Bản, trong quá trình phát triển cấp tốc, tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản trên tổng chi cho R&D đã duy trì ở mức trên 20% trong một thời gian dài.
Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của hai học giả Trung Quốc đại lục là Tôn Ngọc Đào và Vương Thiến có tên “Tăng cường đầu tư của Chính phủ vào R&D để ứng phó với cạnh tranh Trung-Mỹ,” nghiên cứu cơ bản ở Trung Quốc chủ yếu do các trường đại học và cơ quan nghiên cứu của chính quyền thực hiện, và kinh phí chủ yếu là các quỹ tài chính. Đầu tư không đầy đủ của chính phủ cho R&D đã gây khó khăn cho việc khai triển nghiên cứu cơ bản trong dài hạn, ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực đổi mới đầu nguồn. Bài báo cho rằng Trung Quốc nên tăng cường đầu tư chính phủ vào R&D để giải quyết vấn đề công nghệ “mang tính sống còn.”
Ngoài ra, theo một bài báo của hãng thông tấn tự lập “Nghiên cứu đổi mới,” kể từ những năm 1950, đầu tư của Hoa Kỳ vào nghiên cứu cơ bản tính theo tỷ trọng GDP gần như tăng gấp bốn lần; và tỷ trọng nghiên cứu cơ bản trên kinh phí R&D cũng tăng gần gấp đôi.
Bài báo chỉ ra rằng mặc dù kinh phí nghiên cứu cơ bản ở Hoa Kỳ chủ yếu được tài trợ bởi chính phủ liên bang, nhưng dưới sự lãnh đạo của chính phủ, kinh phí đầu tư đến từ khu vực doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng đáng kể. Từ năm 1953 đến năm 2015, trong tổng kinh phí nghiên cứu cơ bản của Hoa Kỳ, đầu tư của chính phủ liên bang vào kinh phí nghiên cứu cơ bản vẫn nằm trong khoảng 44% đến 69%, và các doanh nghiệp là nhà tài trợ kinh phí lớn thứ hai với tỷ lệ đầu tư chiếm khoảng 15% đến 34%.
So với đầu tư nghiên cứu cơ bản theo phương thức đa nguyên hóa của Hoa Kỳ, theo “Bản tin thống kê về quỹ khoa học công nghệ” của Trung Quốc, kinh phí nghiên cứu cơ bản của Trung Quốc là 133.56 tỷ NDT vào năm 2019; trong đó có 5.08 tỷ NDT là do các doanh nghiệp đầu tư, trong đó kinh phí nghiên cứu cơ bản chỉ chiếm 3.8%, tỷ lệ này chỉ bằng 1/10 ~ 1/5 của Hoa Kỳ.
Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 của Trung Cộng nhằm tăng tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản lên 8%, không chỉ thua xa các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Châu Âu, mà còn phải đối mặt với các vấn đề khó khăn thực tế là chính quyền Trung Cộng thiếu tiền, còn khối doanh nghiệp thì không sẵn lòng đầu tư.
Tiết lộ số 3 từ Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 về khoa học công nghệ: Hỗn loạn trong quản lý khoa học công nghệ và tham nhũng nghiêm trọng trong nghiên cứu khoa học
Mục 2 trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 đề nghị “hoàn thiện cơ chế, thể chế về đổi mới khoa học công nghệ,” trong đó bao gồm việc khai triển các hệ thống quản lý khoa học công nghệ như “lập bảng tuyên dương” và “đua ngựa.”
“Lập bảng tuyên dương” là một danh từ mới được đề cập đến trong Báo cáo công tác chính phủ tại lưỡng hội năm ngoái của Trung Cộng. Thực tế, những năm gần đây, chính quyền các địa phương cũng đã bắt đầu thử nghiệm các chính sách nghiên cứu khoa học tương tự. Ví dụ, năm 2017, tỉnh Quý Châu đã đưa ra hệ thống danh sách “bảng vàng công nghệ”; năm 2018, tỉnh Quảng Đông đã thí điểm hệ thống lên danh sách các dự án công nghệ lớn trong các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi.
Trung Cộng gần đây đã tung ra các chính sách như “Lập bảng tuyên dương,” mục đích nhằm nỗ lực giải quyết các “chứng bệnh kinh niên” của Trung Quốc như quản lý khoa học công nghệ hỗn loạn và tham nhũng nghiêm trọng trong nghiên cứu khoa học.
Tờ Tin tức Bắc Kinh, một kênh thông tấn của Trung Quốc đại lục đã đưa tin: Ngày 17/04/2019, Bộ Giáo dục Trung Cộng đã ra thông báo yêu cầu cán bộ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học không được làm giả, biển thủ các dự án khoa học công nghệ, quỹ nghiên cứu khoa học, giải thưởng, danh hiệu…
Thông báo của Bộ Giáo dục Trung Cộng không phải là “bắn tên không đích,” việc biển thủ quỹ giáo dục và nghiên cứu khoa học, thậm chí cả quỹ R&D quốc phòng, v.v. của Trung Cộng, từ lâu đã trở thành “luật bất thành văn” trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc.
Ví dụ, lĩnh vực chip điện tử mà Trung Quốc muốn đột phá nhất đã nhiều lần nổ ra những vụ án gian lận trong sản xuất lõi chip gây chấn động toàn quốc. Nổi tiếng nhất trong số đó là “Dự án Hán tâm 863” của Trung Quốc vào năm 2003, và vụ lừa đảo chip Vũ Hán “Hongxin” (Hoằng Tâm) cỡ hàng trăm tỷ NDT bị vỡ lở vào năm ngoái.
Tên đầy đủ của “Dự án 863” là Dự án Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Cao Quốc gia. Đây là một dự án nghiên cứu cơ bản cấp quốc gia do chính quyền Trung Cộng lãnh đạo nhắm đến mục tiêu nghiên cứu công nghệ cao. Dự án đã kết thúc vào năm 2016.
“Dự án Hán tâm” do Chính quyền thành phố Thượng Hải công bố năm 2003 là một phần quan trọng của “Dự án 863.” Năm 2006, dự án này bị vạch trần: Những con chip “Hán tâm” made in China mà dự án này nghiên cứu và phát triển thực chất là những con chip được nhập về từ Hoa Kỳ và đem làm giả sau khi logo ban đầu bị xóa đi bằng cách đánh bóng thủ công. Trước đó, chip “Hán tâm” không chỉ được các chuyên gia có thẩm quyền trong nước kiểm tra chứng nhận là con chip DSP đầu tiên của Trung Quốc có quyền sở hữu trí tuệ độc lập, từ đó trực tiếp biển thủ hàng trăm triệu NDT tiền kinh phí nghiên cứu khoa học của Trung Quốc, mà đồng thời còn gây thiệt hại 1.1 tỷ NDT cho Đại học Giao thông Thượng Hải và các tổ chức khác.
Dự án Wuhan Hongxin (Vũ Hán Hoằng Tâm), được thành lập vào năm 2017, tự công bố có tổng vốn đầu tư 128 tỷ NDT, từng được chính quyền thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc liệt vào danh sách dự án trọng điểm. Tính đến cuối năm 2019, dự án đã tích lũy được mức đầu tư 15,3 tỷ NDT. Năm 2020, dự án đổ bể, có nguồn tin tiết lộ rằng tất cả nhân viên đều đã bị sa thải.
Nhà bình luận Lý Lâm Nhất cho hay, những chính sách khoa học công nghệ mới được đề ra trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 như “Lập bảng tuyên dương” chính là gián tiếp thừa nhận tình trạng tham nhũng nghiêm trọng trong nghiên cứu khoa học của Trung Quốc. Bất kể là chính sách mới gì chăng nữa, chỉ cần thuộc quản chế của thể chế chính trị Trung Cộng hủ bại, thì đều khó mà cải biến được hiện trạng hỗn loạn trong quản lý khoa học công nghệ của Trung Quốc.
Ông Lý Lâm Nhất cho rằng Đề cương Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 mà Trung Cộng công bố, một cách “vô tâm” đã phơi bày những “tệ nạn” trong hệ thống khoa học công nghệ và nội tình sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Do đó, khó có thể tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ có thể dựa vào tự chủ trong đổi mới nghiên cứu khoa học mà đột phá được công nghệ then chốt “mang tính sống còn.” Vậy nên, trọng tâm của cuộc chiến khoa học công nghệ của Trung Quốc hẳn vẫn là đánh cắp công nghệ tiên tiến từ Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ cần duy trì mức độ cảnh giác cao trước vấn đề trộm cắp công nghệ và xu hướng trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 14 của Trung Cộng.
Do Ye Ziming thực hiện
Hằng Nga biên dịch
Xem thêm: