Ông Stephen Moore: Lạm phát và một cuộc suy thoái có thể xảy ra đang làm xói mòn quyền tự do của người Mỹ
Cựu cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Stephen Moore cho biết các chính sách kinh tế và chi tiêu lớn của chính phủ ông Biden đã gây ra lạm phát lớn và một cuộc suy thoái kinh tế có thể xảy ra, làm xói mòn quyền tự do của người dân mỗi ngày. Ông nói rằng người Mỹ phải vùng lên để giành lại các quyền hiến định của họ.
Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Fresh Look America” của Đài truyền hình NTD được phát sóng hôm 04/07, ông Moore nói: “Toàn bộ ý tưởng của Hiến Pháp Hoa Kỳ là thực sự hạn chế chi tiêu và quyền lực của chính phủ liên bang.”
Ông nói, “Bằng cách nào đó [có] ý tưởng rằng làm cho chính phủ lớn hơn sẽ giải quyết được các vấn đề của chúng ta. Không, điều đó khiến chúng ta ít tự do hơn, khiến chúng ta nghèo đi, và đang làm xói mòn chính những quyền tự do đã khiến nước Mỹ trở thành một nơi đặc biệt.”
Ông Moore nói, chính phủ liên bang rất nhỏ trong những ngày đầu thành lập, và chỉ cần 20 con ngựa và xe đẩy để di chuyển đồ đạc của chính phủ từ Philadelphia đến thủ đô mới, Hoa Thịnh Đốn. Chính phủ liên bang chính thức chuyển đến Hoa Thịnh Đốn vào năm 1800.
Ông Moore cho biết chính phủ đã mở rộng bằng cách tăng chi tiêu, chẳng hạn như trong những năm sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
“Khi cuộc khủng hoảng năm 2008 xảy ra, chúng ta đã mắc rất nhiều sai lầm. Chúng ta bắt đầu cứu trợ các công ty. Lẽ ra chúng ta chỉ tạm hoãn thuế thu nhập trong một năm. Biện pháp này sẽ ít tốn kém hơn tất cả các gói cứu trợ. Và việc này sẽ thực sự khích lệ người dân ra ngoài làm việc và bắt đầu các công việc kinh doanh mới hoặc tái thiết đất nước,” ông nói.
Ông cho biết chính phủ dưới thời ông Obama đã chi khoảng 1 ngàn tỷ USD cho các chương trình kích thích kinh tế của ông và giờ đây “chúng ta muốn chi 3, 4 hoặc 5 ngàn tỷ USD.”
Ông Moore nhớ lại rằng khi ông đến Hoa Thịnh Đốn vào năm 1984, nợ của quốc gia là chỉ hơn 1 ngàn tỷ USD. Hiện tại, khoả nợ này là hơn 30 ngàn tỷ USD.
“Vì vậy, quý vị có được sự phát triển lớn mạnh của chính phủ,” ông nói. Hoa Thịnh Đốn chính là đang hút lấy quyền lực từ phần còn lại của quốc gia. Điều này giống như chúng ta đang bày tỏ lòng tôn kính của mình đối với Hoa Thịnh Đốn. Đáng lẽ họ phải làm việc cho chúng ta, nhưng giờ đây chúng ta đang làm việc cho họ.”
Ông Moore cho biết, không có gì đáng ngạc nhiên khi ba quận ở khu vực Thủ đô nằm trong số những quận giàu có nhất của quốc gia. Ông còn lưu ý rằng Hoa Thịnh Đốn tạo ra “luật sư, luật, quy định, và quan chức.”
Tạp chí Forbes đưa tin rằng các quận Loudoun và Fairfax ở tiểu bang Virginia và Howard ở tiểu bang Maryland là một trong mười quận giàu nhất.
Người dân Mỹ ngày càng nghèo hơn
Ông Moore khẳng định rằng việc chi tiêu thiếu cân nhắc của chính phủ ông Biden đã gây ra lạm phát khổng lồ.
Ông Moore nói: “Khi quý vị chỉ đổ tiền vào nền kinh tế, quý vị đi vay và quý vị in tiền để thanh toán cho tất cả những thứ đó, rất hiển nhiên như mặt trời mọc đằng đông và lặn đằng tây rằng quý vị sẽ có lạm phát. Tôi quả là ngạc nhiên khi có những nhà kinh tế sửng sốt về kết quả đó.”
“Những chương trình chi tiêu của chính phủ, trong hầu hết mọi trường hợp, chúng thực sự làm cho đất nước nghèo đi. Tất cả những gì chúng làm là phân phối lại thu nhập từ người này sang người khác. Chúng làm giảm các động cơ khuyến khích người dân làm việc, đầu tư, và xây dựng doanh nghiệp,” ông nói. “Chính hệ thống tư bản thị trường tự do mới là con ngỗng đẻ trứng vàng. Chứ không phải là chính phủ. Chính phủ không tạo ra bất cứ điều gì ngoại trừ sự tàn phá, và các quy tắc và quy định và các quan chức quan liêu.”
Theo báo cáo tháng Sáu từ Cục Thống kê Lao động, chỉ số giá tiêu dùng 12 tháng, một thước đo lạm phát, đã tăng 8.6% trong tháng Năm, mức cao kỷ lục trong 40 năm qua.
Hôm 23/06, ông Moore đã làm chứng trong một phiên điều trần được tổ chức bởi Heritage Foundation (Tổ chức Di sản) và do Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) làm chủ tọa, rằng các chính sách của Tổng thống Joe Biden đã khiến người dân Mỹ trở nên nghèo hơn.
Ông Moore nói tại phiên điều trần: “Tiền lương đang tăng với tốc độ 5%. Đây là toán học cơ bản. Nếu tháng này qua tháng khác, thu nhập của người dân tăng chậm hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát, thì họ sẽ trở nên nghèo hơn theo thời gian. Ông Joe Biden đang làm cho nước Mỹ trở nên nghèo đi.” Ông Moore là một thành viên xuất sắc của Heritage Foundation, một trong những tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống có ảnh hưởng nhất của quốc gia.
Suy thoái
Các nhà kinh tế đang tranh luận rằng liệu chúng ta sẽ bị suy thoái kinh tế trong tương lai gần hay không. Gần đây, nhiều nhà kinh tế đã lên tiếng bi quan rằng suy thoái là không thể tránh khỏi. Ví dụ, ông William Dudley, cựu chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, đã viết trên Bloomberg hôm 22/06 rằng một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi vào cuối năm tới. Ông cảnh báo rằng Fed đã mất quá nhiều thời gian để chống lạm phát.
Ông Moore nói, tác động đầu tiên của suy thoái đối với quyền tự do của người dân là sinh kế của người dân gặp rủi ro. Ông giải thích rằng nhiều người sẽ mất việc làm và nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản trong thời kỳ suy thoái kinh tế sâu sắc.
“Điều thực sự khiến tôi thất vọng là sự suy giảm của nền kinh tế mà chúng ta đang chứng kiến thực sự trái ngược với những gì chúng ta nên thấy nếu chúng ta còn duy trì các chính sách của ông Donald Trump,” ông Moore nói. “Tôi hơi thiên vị vì tôi từng làm việc cho ông Donald Trump về kinh tế. Nhưng chúng ta lẽ ra sẽ có nền kinh tế đáng tự hào ngay lúc này.”
Ông Moore giải thích rằng hiện nay, chúng ta phần lớn đã bỏ đại dịch COVID-19 lại phía sau: Các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, mọi người trở lại làm việc và mọi người lại chi tiêu. Ông nói thêm, “Vì vậy, không có lý do gì để nền kinh tế này không vô cùng mạnh mẽ.”
Ông Moore nói rằng chúng ta “có lẽ” đã ở trong một cuộc suy thoái.
“Và đó là kết quả của hầu hết mọi quyết định mà ông Joe Biden đã đưa ra đối với nền kinh tế. Và tôi không thể nghĩ ra quá nhiều trường hợp ngoại lệ,” ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Associated Press vào tháng trước (06/2022), ông Biden đã gọi tuyên bố rằng kế hoạch giải cứu đại dịch của ông là nguyên nhân dẫn đến lạm phát là “kỳ quái”.
“Trước hết, [suy thoái] không phải là không thể tránh khỏi. Thứ hai, chúng ta đang ở một vị thế mạnh mẽ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua tình trạng lạm phát này,” ông Biden đã nói vậy. “Nếu đó là lỗi của tôi, tại sao ở mọi quốc gia công nghiệp lớn khác trên thế giới, lạm phát lại cao hơn?”
Ông Biden còn nói thêm: “Nếu đó là hệ quả của chính sách chi tiêu của chúng tôi, thì chúng tôi đã giảm thâm hụt. Chúng tôi đã tăng việc làm, tăng lương.”
Tuy nhiên, ông Daniel Dale, người kiểm tra thực tế của CNN cho biết, mức giảm thâm hụt 360 tỷ USD trong năm tài chính 2021 thấp hơn nhiều so với mức 870 tỷ USD mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính vào đầu năm 2021. Ông Marc Goldwein, một chuyên gia về thâm hụt, nói với ông Dale rằng tuyên bố của ông Biden là một “thực tế đảo ngược” và thâm hụt sẽ giảm nhiều hơn nữa nếu ông Biden nhậm chức và “không làm gì cả.”
‘Bảo cho quý vị biết quý vị phải sống như thế nào’
Ông Moore cho biết một chính phủ đang mở rộng có xu hướng kiểm soát người dân nhiều nhất có thể.
Ông nói: “Phe cánh tả ở Mỹ không phải là giúp đỡ người nghèo, giảm phân biệt chủng tộc hay cố gắng tái thiết nền kinh tế. Phe cánh tả chỉ nhắm vào một từ: QUYỀN LỰC. Họ muốn quyền lực. Họ muốn bảo cho quý vị biết quý vị phải sống như thế nào.”
“Hãy nghĩ về điều này. Họ đang bảo cho quý vị biết những trường nào con quý vị có thể học. … Họ muốn loại bỏ thuốc lá. Quý vị không thể hút một điếu thuốc lá. Họ muốn bảo cho quý vị biết quý vị đặt máy điều nhiệt ở đâu trong nhà, quý vị sử dụng bóng đèn gì. Giờ đây, mọi quyết định mà quý vị đưa ra, hầu như các chính trị gia phải chấp thuận mới được. Và chúng ta thật sự đang từ bỏ quyền tự do của mình từng ngày từng ngày.”
Chính phủ ông Biden gần đây đã yêu cầu người Mỹ sử dụng xe điện để ứng phó với giá xăng cao. Hồi tháng 08/2021, ông Biden đã ký một sắc lệnh trong đó đặt mục tiêu 50% xe hơi bán ra ở Mỹ vào năm 2030 là xe điện.
New York đã đề xướng “điện khí hóa mọi thứ” để đạt được nền kinh tế không phát thải vào năm 2050. Nếu kế hoạch mục tiêu được đề xướng này được thông qua, tiểu bang này sẽ buộc cư dân của mình chuyển sang các thiết bị điện để nấu ăn, sấy quần áo, hoặc đun nước ngay năm 2030.
Ông Moore cho biết nhiều cơ quan quản lý cũng đang siết chặt các quyền tự do hiến định của người dân.
“Chúng ta có khoảng 30 cơ quan quản lý, các cơ quan ABC — FTC [Ủy ban Thương mại Liên bang], CDC [Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh], FDA [Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ]. Ý tôi là, tôi có thể kể tên tất cả những cơ quan này. Có những phòng ban nhỏ của các cơ quan quản lý đang đưa ra những luật này,” ông nói.
“Vì vậy, chúng ta đã giao quyền lực vi hiến này cho những người thậm chí không được người dân bầu chọn. Và đó là cách mà rất nhiều luật này được tạo ra.”
Ông Moore đã lưu ý rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vốn có thể đánh thuế người dân Mỹ bằng cách in tiền.
“Quyền đánh thuế đúng ra phải thuộc về Quốc hội,” ông cho biết. “Nhưng bằng cách in tiền, về cơ bản, Fed đang đánh thuế chúng ta, và họ không cần phải đến Quốc hội để làm điều đó. Vì vậy, tôi coi đó như một sự ủy thác quyền lực ngoài Hiến Pháp.”
Các cuộc thăm dò về quản trị thường niên của Gallop cho thấy nhiều người dân Mỹ ủng hộ một chính phủ nhỏ hơn. Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ kể từ khi Gallop bắt đầu theo dõi xu hướng này cách đây 30 năm. Một trường hợp xảy ra ngay sau vụ tấn công khủng bố 11/09 và một trường hợp trong khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa có quan điểm khác nhau về vai trò của chính phủ. Trong hai năm qua, các cuộc thăm dò của Gallop cho thấy ít nhất 78% thành viên Đảng Dân Chủ tin rằng chính phủ nên làm nhiều hơn, trong khi 15 đến 22% thành viên Đảng Cộng Hòa cũng tin như vậy.
Giải pháp
Ông Moore nói, để đảo ngược xu hướng này, người Mỹ cần phải chủ động.
“Chúng ta phải chủ động,” ông nói. “Bỏ phiếu thôi cũng chưa đủ. Bỏ phiếu rất quan trọng và mọi người nên bỏ phiếu vì đó là cơ hội duy nhất của quý vị để tác động trực tiếp đến chính trị. Tuy nhiên, chúng ta cần có những nhà hoạt động. Chúng ta cần có người ứng cử vào các cơ quan, ứng cử vào các hội đồng trường học, ứng cử vào PTA, ứng cử vào các vị trí quan chức địa phương, ứng cử cho cuộc đua lập pháp tiểu bang của quý vị, hoặc ứng cử vào hội đồng thành phố, hoặc bất kỳ vị trí nào cho quý vị lên tiếng về cách hoạt động của chính phủ.”
Ông Moore nói thêm: “Chúng ta không thể phớt lờ chính phủ, nếu không họ sẽ chà đạp lên chúng ta.”
Ông Moore nói, bầu cử thành viên Đảng Cộng Hòa không nhất thiết là giải pháp bởi vì một số thành viên Đảng Cộng Hòa cũng thích kiểu chính phủ lớn.
“Tôi là một người theo Đảng Cộng Hòa, nhưng tôi không nghĩ rằng Đảng Cộng Hòa nhất thiết phải luôn là giải pháp. Thực sự cần có công dân đứng lên và nổi dậy về những gì đang xảy ra. Và sau đó các chính trị gia phải chú ý. Một lần nữa, chúng ta không làm việc cho họ. Họ làm việc cho chúng ta.”
Anh Harry Lee là một phóng viên của The Epoch Times tại New York. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].