Ông Richard Grenell: Hệ tư tưởng Hoa Kỳ Trước tiên sẽ còn mãi
Mặc dù một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất các chính sách “Hoa Kỳ Trước tiên”-cựu Tổng thống Donald Trump-đã rời nhiệm sở, nhưng bản thân hệ tư tưởng ấy vẫn “sẽ còn mãi,” theo ông Richard Grenell, cựu Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ.
Diễn thuyết tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) ở Orlando, Florida hôm 27/02, ông Grenell đã ghi nhận công lao của ông Trump vì đã “điều chỉnh thành công chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích của người dân Hoa Kỳ” và cho rằng sự điều chỉnh này đã được dân chúng đón nhận đến mức nó chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại thông qua các hành động của chính phủ hiện tại.
“Hệ tư tưởng Hoa Kỳ Trước tiên sẽ còn mãi,” ông Grenell nói. “Ngay cả trong tháng đầu tiên của chính phủ mới, sự yêu mến trong cử tri và những thành tựu chiến lược của Hoa Kỳ Trước tiên bảo đảm rằng nó không còn thuộc về một đảng hay một chính trị gia nào nữa,” ông nói thêm, có lẽ đang đề cập đến một số hành động mang âm hưởng Hoa Kỳ Trước tiên do chính phủ ông Biden thực hiện.
Chỉ vài ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh “Sản xuất tại Hoa Kỳ” nhằm tăng cường hoạt động mua sắm các sản phẩm được sản xuất tại Hoa Kỳ, chủ yếu bằng cách thắt chặt các quy định về mua sắm liên bang và trao cho chính phủ vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Hành động này khiến các cơ quan liên bang khó mua các sản phẩm nhập cảng hơn bằng cách tăng các yêu cầu về hàm lượng nội địa, giảm bớt các quy định cho phép miễn trừ các quy tắc hiện hành của Đạo luật Mua hàng Hoa Kỳ, và thắt chặt việc thực hiện các nỗ lực mới.
Ông Trump đã tranh cử vào năm 2016 trên một nghị trình rõ ràng là [đặt] “Hoa Kỳ Trước tiên,” với một bài diễn văn về chính sách đối ngoại mang tính bước ngoặt vào tháng Tư năm đó (2016), vốn được hiểu rộng rãi là đánh dấu sự thoái lùi khỏi các chính sách can thiệp của những người tiền nhiệm. Sau khi ông đắc cử, các yếu tố thực tiễn trong hệ tư tưởng của ông Trump trở nên rõ ràng hơn. Về mặt kinh tế, ông theo đuổi các chính sách nhằm ưu tiên lợi ích của người lao động Hoa Kỳ bằng cách cố gắng buộc các tập đoàn xuyên quốc gia chuyển chuỗi cung ứng của họ trở lại quốc nội, và bằng cách tìm cách bảo vệ họ khỏi cạnh tranh nước ngoài không công bằng từ cả các trung tâm lương thấp như Trung Quốc và từ tình trạng nhập cư bất hợp pháp đã làm giảm mức tiền lương.
“Từ khi được đưa ra, hệ tư tưởng này đã cho thấy nó sẽ không dễ dàng bị vứt sang một bên. Người dân Hoa Kỳ yêu cầu tham gia vào quá trình của việc hoạch định chính sách đối ngoại một cách dân chủ. Một khi họ có được điều này, họ sẽ không bao giờ để mất nó. Không bao giờ,” ông Grenell nói.
Hệ tư tưởng Hoa Kỳ Trước tiên của ông Trump cũng tìm cách hạn chế sự tham dự vào cái mà ông thường gọi là “các cuộc chiến tranh bất tận,” và đàm phán lại các hiệp ước thương mại và quốc phòng quốc tế để có được một thỏa thuận tốt hơn cho Hoa Kỳ.
“Các chính phủ tiền nhiệm đã cố gắng hạn chế người dân Hoa Kỳ tham gia vào việc quyết định loại chính sách đối ngoại nào mà đất nước này nên theo đuổi. Họ đã giao nó cho các nhà kỹ trị và viên chức biên chế không được bầu chọn với sự giúp đỡ của các nhà vận động hành lang và những người khác có lợi ích tài chính ở nước ngoài,” ông Grenell cho biết.
“Vẫn có một nhóm các chuyên gia chính sách đối ngoại muốn khôi phục lại cách làm cũ này. Họ nói với chúng tôi rằng chúng tôi không thể hiểu những vấn đề phức tạp đâu,” ông nói. “Họ nói với chúng tôi rằng các quốc gia khác sẽ thất bại và thất thủ nếu chúng tôi không gửi thêm quân đội Hoa Kỳ. Họ nói với chúng tôi họ có thể giải quyết các vấn đề của chúng tôi bằng cách tạo ra nhiều chương trình chính phủ hơn.”
“Nhưng họ nói dối chúng tôi, và họ nghĩ rằng chúng tôi không nhìn thấy điều đó,” ông nói.
Ông Grenell lập luận rằng một cách tiếp cận sáng tạo từ bên ngoài đã cho phép đàm phán lại thành công các thỏa thuận thương mại dưới thời ông Trump vốn “làm cho [các] mối liên hệ của chúng ta công bằng hơn và tốt đẹp hơn” và dẫn đến những đột phá trong các lĩnh vực lâu nay bị sa lầy trong sự bế tắc ngoại giao, như các thỏa thuận bình thường hóa của Hiệp ước Abraham giữa Israel và các quốc gia Ả Rập đã được đàm phán với sự giúp đỡ của Tòa Bạch Ốc.
“Bài học ở đây là những người bên ngoài luôn có điều gì đó đáng nói, luôn luôn có điều gì đó để đóng góp,” ông Grenell nói.
Trong bài diễn văn của mình, ông Grenell cũng ám chỉ về việc có thể sẽ tranh cử thống đốc California, khi nói rằng “chưa bao giờ thấy một vụ truất phế nào tốt hơn” so với nỗ lực truất phế Thống đốc Gavin Newsom.
“Và tất nhiên, nếu một quan chức công vụ vẫn không thực hiện lời hứa của họ, và nếu quý vị không thể giới hạn nhiệm kỳ của họ hoặc truất phế họ kịp thời, sẽ luôn có một lựa chọn khác: quý vị có thể tự mình ra tranh cử với họ,” ông Grenell nói tại phần cuối của bài diễn văn của mình.
Ông Roger L. Simon, cộng tác viên của Epoch Times, trong một bài bình luận, đã bày tỏ sự hoan nghênh trước viễn cảnh rằng ông Grenell có thể đang suy nghĩ đến việc thách thức chức thống đốc với ông Newsom.
“Ông Grenell đã có một sự nghiệp đáng kinh ngạc, bắt đầu tại Liên Hợp Quốc, trải qua nhiệm vụ đại sứ của mình tại Đức, nơi ông gần như là người duy nhất đối mặt với bà Angela Merkel và kiềm chế bà ấy trong vấn đề Iran và sau đó là công việc quan trọng của ông với tư cách là quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia,” ông Simon đã viết.
“Nhưng liệu một đảng viên Cộng Hòa có thể thực sự giành được chức thống đốc ở Wokeland trong thời đại ngày nay không? Tôi không biết nữa, nhưng nếu ai đó có thể, đó sẽ là Ric,” ông viết.
“Mọi người đang bỏ chạy đến Các tiểu bang Màu đỏ (Vui lòng không mang quan điểm chính trị của quý vị theo),” ông viết và nói thêm, “Ai đó sẽ phải sửa chữa vấn đề đó.”
Do Tom Ozimek thực hiện
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: