Ông Ray Dalio nói lạm phát đình trệ là ‘cái giá lớn’ trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed
Trong một ghi chú hôm thứ Ba (21/06), tỷ phú đầu tư Ray Dalio cho biết cuộc chiến của Fed nhằm dập tắt lạm phát đang tăng cao sẽ rất có thể đem lại “cái giá lớn” là làm suy yếu nền kinh tế Hoa Kỳ và lạm phát đình trệ.
Ông Dalio cho biết trong một bài đăng của mình trên LinkedIn rằng lạm phát đình trệ, là sự kết hợp của tăng trưởng chậm chạp và lạm phát cao, hiện là trường hợp cơ bản của ông cho chiều hướng mà nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ diễn ra khi Cục Dự trữ Liên bang thắt chặt các thiết lập tiền tệ sau nhiều năm nới lỏng tiền tệ.
“Về lâu dài, Fed rất có thể sẽ vẽ ra một đường lối dung hòa dưới dạng lạm phát đình trệ,” ông Dalio cho biết, lập luận rằng, bằng cách giữ chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo quá lâu, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ về cơ bản bị mắc kẹt với việc phải thông qua các chính sách chống lạm phát mà có thể sẽ dẫn đến hạn chế tăng trưởng tín dụng tư nhân và làm suy yếu nền kinh tế.
Ông viết: “Fed đang chuyển từ việc in và mua nợ với tốc độ hàng năm khoảng 1.5 ngàn tỷ USD sang bán với tốc độ hàng năm là 1.1 ngàn tỷ USD, và từ giảm mạnh lãi suất sang tăng mạnh”.
Ông nói thêm: “Vì lý do đó, chúng ta đã trải qua bước tiến lớn đột ngột và hiện đang trải qua bước lùi lớn”.
Ông Dalio nhớ lại những ngày tháng của cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker và việc thắt chặt tiền tệ “thấu xương” của ông để đối phó với lạm phát tăng vọt trong những năm 1970, với các chính sách của ông đã đưa tỷ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ xuống 10.8%, hạn chế nhu cầu, và giảm áp lực giá cả.
“Lạm phát giảm do người dân và các công ty bị bóp nghẹt và giảm chi tiêu. Điều đó luôn là như thế và lần này sẽ là như thế,” ông Dalio dự đoán.
Ông đưa ra tham chiếu về tỷ lệ thất nghiệp hai con số trong thời kỳ Volcker vì cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg News rằng hàng triệu người Mỹ sẽ phải mất việc làm để kiềm chế lạm phát cao hàng thập kỷ.
Cảnh báo của ông Dalio được đưa ra sau một cuộc phỏng vấn gần đây mà ông thực hiện với một tờ báo của Úc, trong cuộc phỏng vấn ông dự đoán rằng nỗi đau của lạm phát đình trệ sẽ buộc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới phải tránh việc thắt chặt và cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Dự đoán của ông về việc Hoa Kỳ và các nền kinh tế khác phải đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ ngày càng tăng giống với dự báo gần đây của Ngân hàng Thế giới về nguy cơ lạm phát đình trệ và suy thoái ngày càng tăng.
Nền kinh tế toàn cầu đang “bước vào thứ mà có thể trở thành một giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng,” Ngân hàng Thế giới cho biết trong một tuyên bố kèm theo việc công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của họ.
Tuy nhiên, lạm phát đình trệ không phải là một kết quả có thể dự đoán trước, các nhà phân tích tại Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) cho biết trong một ghi chú hôm thứ Tư, vốn nhằm để giảm bớt các kỳ vọng lạm phát đình trệ.
Họ viết: “Một vài khác biệt giữa tình hình kinh tế hiện tại và tình hình trong những năm 1970 khiến khả năng lạm phát đình trệ sẽ xuất hiện bây giờ là ít hơn.”
Các nhà phân tích này chỉ ra các yếu tố như sự phụ thuộc vào dầu mỏ giảm đáng kể và áp lực tăng lương bị hạn chế do thực tế là người lao động đã trở nên ít đoàn kết hơn và các chương trình chỉ số tiền lương ít phổ biến hơn, làm giảm khả năng của các tác động lớn của lạm phát vòng hai và vòng xoáy giá lương đáng sợ.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’