Ông Powell không thể hứa hẹn về ‘hạ cánh mềm’ và tránh suy thoái khi chống lại lạm phát
Hôm 12/05 chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và các sự kiện địa chính trị “lớn” đang diễn ra trên toàn cầu có thể cản trở nỗ lực của Fed trong việc thiết kế cái gọi là “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuyên bố của người đứng đầu ngân hàng trung ương đã lên tới mức thừa nhận về khả năng suy thoái.
Ông Powell đã đưa ra những nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn trên “Marketplace” của NPR, trong đó ông được hỏi liệu ông có lo ngại hơn về viễn cảnh lạm phát cao đang tiếp diễn hay quan điểm rằng phản ứng thắt chặt tiền tệ của Fed đối với giá cả tăng cao có thể gây ra một cuộc suy thoái.
Ông Powell trả lời: “Đây là một môi trường rất thách thức để hoạch định chính sách tiền tệ. Tất nhiên, mục tiêu của chúng tôi là đưa lạm phát trở lại mức 2% mà không để nền kinh tế rơi vào suy thoái, hoặc, nói theo cách này, mà duy trì được thị trường lao động vẫn khá mạnh.”
Gọi sự ổn định giá cả là “nền tảng” mà nền kinh tế dựa vào, ông Powell nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của Fed là chế ngự được giá cả phi mã, nói rằng “không có gì trong nền kinh tế hiệu quả” trừ khi lạm phát được kiềm chế.
‘Sẵn sàng làm nhiều hơn’
Ông Powell nhắc lại kỳ vọng của mình rằng Fed sẽ thắt chặt các thiết lập về tiền tệ bằng cách tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tới nhưng nói thêm rằng ngân hàng trung ương sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn nếu các điều kiện bảo đảm.
“Chúng tôi có một loạt các kỳ vọng về nền kinh tế. Nếu mọi thứ diễn ra tốt hơn chúng tôi mong đợi, thì chúng tôi sẵn sàng can thiệp ít hơn. Nếu nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn những gì chúng tôi mong đợi, thì chúng tôi sẵn sàng can thiệp nhiều hơn,” ông Powell nói, đặt ra câu hỏi về việc liệu Fed có cân nhắc tăng thêm 75 điểm cơ bản hay không, điều mà ông đã từ chối làm, chỉ nói rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ “thích ứng với dữ liệu sắp tới và triển vọng đang thay đổi.”
Sau đó, ông Powell được hỏi về con đường dẫn đến “vụ hạ cánh mềm truyền kỳ này”, viễn cảnh mà việc thắt chặt chính sách tiền tệ không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Ông Powell trả lời, “Hạ cánh mềm sẽ là một thách thức, sẽ không dễ dàng,” và thừa nhận rằng “nền kinh tế lẽ ra đã tốt hơn” nếu như đã bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn vào tháng Ba.
Hạ cánh mềm
Nói về những thách thức, người đứng đầu Fed nói rằng chính sách tiền tệ có thể hạ nhiệt nhu cầu đang tăng cao, vốn là một phần của vấn đề lạm phát, nhưng ngân hàng trung ương không có công cụ để giải quyết các yếu tố từ phía cung.
Ông Powell nói: “Ở đây, nguồn cung là một phần quan trọng của câu chuyện, nhưng hơn thế nữa, có những sự kiện lớn, những sự kiện địa chính trị lớn đang diễn ra trên khắp thế giới, sẽ đóng một vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế trong khoảng năm tới.”
“Vì vậy, câu hỏi về việc liệu chúng ta có thể thực hiện một vụ hạ cánh mềm hay không, lại có thể thực sự phụ thuộc vào các yếu tố mà chúng ta không kiểm soát được. Nhưng chúng ta nên kiểm soát thứ có thể kiểm soát được. Và những gì chúng ta kiểm soát là công việc phải làm cho nhu cầu, nhu cầu đang vượt xa so với cung.”
Ông Powell nói rằng các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ cố gắng “điều chỉnh nhu cầu theo cách để thị trường lao động trở lại cân bằng và giúp lạm phát quay trở lại mức 2%.”
Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, cùng với những động lực của trào lưu “Đại Bỏ Việc”, đã dẫn đến tình trạng tỷ lệ cơ hội việc làm tăng cao kỷ lục, khi số lượng người bỏ việc ngày càng tăng. Hiện có khoảng hai cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp, gây áp lực tăng lương khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người lao động.
Ông Powell nói: “Tiền lương đang tăng lên ở những mức cao không bền vững và không tương xứng với lạm phát thấp. Và vì vậy, những gì chúng ta cần làm là giảm nhu cầu, tạo cơ hội cho nguồn cung phục hồi và điều chỉnh cung cầu.”
Được yêu cầu tóm tắt không quá năm từ về mối quan tâm chính của mình, ông Powell đã nói, “kiểm soát lại lạm phát.”
Lạm phát đạt đỉnh
Lạm phát được phản ánh trong dữ liệu Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) cho thấy giá cả tăng với tốc độ 8.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái, chậm hơn một chút so với tốc độ 8.5% vào tháng Ba, khiến một số nhà phân tích cho rằng lạm phát đã đạt đỉnh và tốc độ tăng giá sẽ bắt đầu giảm. Những người khác thì không chắc chắn như vậy.
Giám đốc phân tích tài chính của Bankrate, ông Greg McBride, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng ông nhận thấy lạm phát đang trở nên rộng khắp hơn, đồng thời thận trọng trọng việc đánh đồng sự sụt giảm trong dữ liệu CPI với việc lạm phát đã đạt đỉnh.
Ông McBride nói: “Tốc độ tăng giá đã dịu lại, nhưng không giảm nhiều như kỳ vọng. Nếu không tính đến sự sụt giảm về giá năng lượng — vốn đã có vẻ không còn như thế nữa tại thời điểm này — thì tình trạng tăng giá vẫn còn phổ biến. Với tỷ lệ hàng năm giảm từ 8.5% xuống 8.3%, có thể dễ bị thôi thúc để nói rằng chúng ta đã thấy mức đỉnh, nhưng chúng ta cũng đã từng thấy dấu hiệu giả trước đây như trường hợp của tháng Tám năm ngoái.”
Trong khi dữ liệu về lạm phát CPI cho thấy áp lực giá cả đang giảm bớt, thì một thước đo về áp lực lạm phát tiềm ẩn đã tăng tốc, cho thấy nhiều khả năng tăng giá hơn.
Lạm phát lõi, loại bỏ các danh mục thực phẩm và năng lượng dễ biến động và được các nhà kinh tế coi là thước đo chính xác hơn về áp lực lạm phát tiềm ẩn, đã tăng tốc vào tháng Tư.
So với cùng thời kỳ năm trước và cả so với tháng trước, lạm phát lõi đã tăng lần lượt lên 6.2% và 0.6%. Đặc biệt, chỉ số lạm phát lõi hàng tháng, đã cao gấp đôi so với tốc độ 0.3% được ghi nhận vào tháng Ba, cho thấy áp lực lạm phát có thể chưa đạt đến đỉnh điểm.
‘Cuộc khủng hoảng về giá cả sinh hoạt’
Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz, ông Mohamed El-Erian, đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng vấn đề lạm phát ở Hoa Kỳ sẽ luôn biến thành một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khi áp lực giá cả mở rộng sang nhiều nhóm hàng hoá hơn, tiếp tục làm xói mòn mức lương của nhiều gia đình Mỹ và làm giảm cầu.
Tiền lương danh nghĩa, không được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng 5.5% trong năm tính đến tháng Tư, nhưng tốc độ tăng giá tiêu dùng nhanh hơn 8.3% có nghĩa là tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát đã thực sự giảm 2.8%.
Trong một cuộc phỏng vấn trên “Squawk Box” của CNBC hôm 11/05, ông El-Erian đã được hỏi về việc tiền lương thực tế giảm trong tháng Tư và tác động của nền kinh tế có lạm phát cao hơn mức tăng lương và khiến các sản phẩm đắt đỏ hơn đối với các gia đình Mỹ là gì.
Nhà kinh tế này trả lời: “Đó là khi vấn đề lạm phát cũng trở thành vấn đề tăng trưởng. Tại sao? Khả năng chi trả. Mức độ mà giá cao phá hủy nhu cầu.”
Ông đã nhấn mạnh: “Chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi chúng ta nói về cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt — và chuyện này chính là như thế.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: