Ông Powell cho biết tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại khi áp lực phi toàn cầu hóa ngày càng tăng
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ông nghĩ rằng khá “có khả năng” các lực lượng của quá trình phi toàn cầu hóa sẽ gia tăng, dẫn đến một trạng thái bình thường mới với các khu vực chia nhỏ hơn có đặc điểm là áp lực lạm phát cao hơn, năng suất thấp hơn, và tăng trưởng kinh tế chậm hơn.
Ông Powell đã đưa ra nhận xét trên hôm 29/06, trong cuộc thảo luận tại diễn đàn chính sách thường niên của Ngân hàng Trung ương Âu Châu ở Sintra, Bồ Đào Nha.
“Chúng ta đã sống qua một thời kỳ lạm phát thấp trên toàn thế giới — đây là toàn cầu hóa, nhân khẩu học già đi, năng suất thấp, công nghệ cho phép tất cả những điều đó,” ông Powell nói, và miêu tả điều đó như một thế giới trong đó lạm phát nhìn chung đã “không phải là một vấn đề” trong các nền kinh tế phát triển.
Ông tiếp tục, “Kể từ sau đại dịch, chúng ta đang sống trong một thế giới mà nền kinh tế đang được thúc đẩy bởi các lực lượng rất khác nhau, chúng ta biết điều đó,” lưu ý rằng điều vẫn chưa biết là liệu mọi thứ có trở lại môi trường lạm phát thấp trước đây hay không, và nếu được như vậy, thì ở mức độ nào.
Chủ tịch Fed cho biết: “Chúng tôi e rằng đó sẽ là một sự pha trộn.”
“Trong khi đó, chúng ta đã gặp phải một loạt cú sốc về nguồn cung, chúng ta đã có lạm phát rất cao trên toàn thế giới, chắc chắn là trên tất cả các nền kinh tế phát triển, và… chúng ta đang học cách đối phó với nó,” ông nói. Những nhận xét này được đưa ra khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhìn chung đã bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao liên tục và đang vội vã thắt chặt các thiết lập tiền tệ nới lỏng để hạ giá cả tăng vọt.
‘Chắc chắn là một kết quả có khả năng xảy ra’
Ông Powell cho biết công việc của Fed trong việc đạt được sự ổn định giá cả và việc làm tối đa trong điều kiện bình thường mới với các lực lượng mới khởi tác dụng này là một “bài tập rất khác” so với những gì ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã làm trong 25 năm qua, đồng thời cho thấy rằng tăng trưởng kinh tế chậm hơn sẽ là một sự đánh đổi không thể tránh khỏi trong việc chống lạm phát.
Ông nói: “Nếu những gì chúng ta nhìn thấy là sự phân chia lại thế giới thành các khu vực địa chính trị và kinh tế cạnh tranh, trong trạng thái đảo ngược của toàn cầu hóa, thì điều đó chắc chắn nghe có vẻ như là năng suất thấp hơn và tăng trưởng thấp hơn.”
Ông Powell nói, “Đó chắc chắn là một kết quả có khả năng xảy ra và tôi nghĩ ở một mức độ nào đó có thể là một kết quả có khả năng cao sẽ xảy ra.”
Khi được người điều hành hội thảo yêu cầu bình luận về việc liệu nền kinh tế Hoa Kỳ có thể chịu được “sự tấn công dữ dội” của việc tăng lãi suất hay không, ông Powell trả lời rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang ở “trạng thái khá mạnh”, lưu ý các yếu tố như tiết kiệm gia đình cao và thị trường lao động thắt chặt.
Ông nói thêm rằng mục tiêu của chu kỳ tăng lãi suất của Fed là để tăng trưởng kinh tế ở mức “vừa phải”, gọi đây là “sự điều chỉnh cần thiết” nhằm mục đích làm giảm nhu cầu trong nền kinh tế Hoa Kỳ và đưa nó phù hợp hơn với nguồn cung.
Ông cho biết, “Hiện tại, cung và cầu đang thực sự mất cân bằng ở nhiều khu vực của nền kinh tế Hoa Kỳ, thị trường lao động là một ví dụ điển hình cho điều đó,” với tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 3.6% và khoảng hai vị trí việc làm cho mỗi người tìm việc.
Ông nói thêm, “Chúng ta cần làm cho chúng cân bằng tốt hơn để lạm phát có thể giảm xuống,” ngụ ý rằng Fed đã sẵn sàng để chấp nhận một số tác động xấu của thị trường lao động như cái giá phải trả khi hạ nhiệt lạm phát.
‘Không có gì bảo đảm’ về một cuộc hạ cánh mềm
Ông Powell nói rằng ông nhìn thấy có “những con đường” để Fed đạt được cái gọi là hạ cánh mềm, khi lạm phát giảm nhưng tỷ lệ thất nghiệp không tăng lên đáng kể, mặc dù ông cho biết thêm rằng “không có gì bảo đảm là chúng tôi có thể làm được điều đó.”
Ông Powell nói, “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được điều đó,” nhưng “rõ ràng nó là một điều gì đó sẽ khá thách thức.”
Nhận xét của ông Powell được đưa ra sau các tuyên bố gần đây của các quan chức Fed khác cho thấy ngân hàng trung ương tin rằng chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hiện tại là cần thiết để dập tắt lạm phát và sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại — nhưng suy thoái không phải là không thể tránh khỏi.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester, một thành viên bỏ phiếu của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) — cơ quan thiết lập lãi suất, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (29/06) trên CNBC rằng Fed “mới chỉ ở bước đầu” trong nỗ lực tăng lãi suất của mình và thực tế đó mang theo nguy cơ suy thoái.
‘Chuyến đi gập ghềnh’
Mặc dù có nguy cơ suy thoái kinh tế, nhưng bà Mester nhấn mạnh rằng Fed cần phải tiếp tục “khẩn trương” tăng lãi suất, đồng thời để xử lý lạm phát, bà cho rằng ngân hàng trung ương sẽ có thể phải nghiêng về phía điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Bà nói với CNBC: “Hiện chúng tôi đang trên đường đưa lãi suất của mình lên một mức bình thường hơn và sau đó có thể là cao hơn một chút trong phạm vi hạn chế.”
Bà Mester dự đoán rằng điều mà bà mô tả là một “chuyến đi gập ghềnh” hướng tới các điều kiện tài chính thắt chặt hơn có thể sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp 3.6% của hiện tại lên mức 4% đến 4.25% trong hai năm tới.
Chủ tịch Fed New York John Williams cho biết trong một cuộc phỏng vấn khác trên CNBC rằng ông cũng nhìn thấy nguy cơ suy thoái, mặc dù đó không phải là “kịch bản cơ bản” của ông.
Ông Williams dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong cả năm xuống mức từ 1% đến 1.5%, gọi đây là “sự suy giảm mà chúng ta cần thấy trong nền kinh tế để thực sự giảm áp lực lạm phát mà chúng ta có và giảm lạm phát.”
Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp gần đây nhất, với các hợp đồng tương lai của Quỹ Fed đặt tỷ lệ xác xuất tăng 75 điểm cơ bản nữa trong cuộc họp chính sách vào tháng Bảy tới là 89.1%. Điều đó sẽ đưa lãi suất tiền gửi qua đêm chuẩn vào phạm vi mục tiêu trong khoảng từ 2.25% đến 2.50% từ mức 1.50% đến 1.75% hiện tại.
Bà Mester nói rằng Fed có thể sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất lên mức cuối cùng là từ 3% đến 3.5%.
Điểm xoay chiều sang nới lỏng của Fed?
Ông Nick Reece, Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư và Nghiên cứu Vĩ mô tại Merk Investments, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố qua thư điện tử rằng kỳ vọng của thị trường đối với việc tăng lãi suất của Fed đã thay đổi.
Ông nói: “Mức đỉnh chu kỳ tăng lãi suất dự kiến của Fed đã tăng cao hơn và sớm hơn trong tháng qua: từ mức đỉnh dự kiến 3.25% vào giữa năm 2023 đến mức 3.75% vào cuối năm 2022.”
Ông Reece nói thêm, tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed thường không kéo dài hoặc tăng cao như thị trường mong đợi và “trên thực tế, điểm xoay chiều sang nới lỏng của Fed có thể đã bắt đầu.”
Ông chỉ ra thực tế là lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm đã tăng vọt lên 3.45% vài tuần trước và kể từ đó đã giảm trở lại khoảng 3%.
“Lợi suất 2 năm thường đạt đỉnh tại hoặc trước khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed đạt đỉnh và cao hơn chu kỳ tăng lãi suất,” ông nói. Nhận xét của ông được đưa ra khi các nhà theo dõi thị trường cố gắng dự đoán khi nào Fed có thể xoay chuyển khỏi chính sách thắt chặt hơn và điều chỉnh phân bổ danh mục đầu tư để kiếm lợi nhuận từ việc chuyển pha này.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’