Ông Pompeo đáp lại chỉ trích rằng ông ‘quá tôn giáo’ với tư cách Ngoại trưởng
Vào hôm 20/9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đáp lại những chỉ trích gần đây rằng ông “quá tôn giáo” trong vai trò là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ.
Phát biểu từ Nhà thờ Prestonwood Baptist ở Plano, Texas, ông Pompeo đã nói chuyện cởi mở về đức tin Cơ đốc của mình, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin ở Hoa Kỳ và vai trò của đức tin trong công việc của ông.
Ông nói, “Chúng ta biết nước Mỹ sẽ tốt nhất khi đức tin được quảng truyền rộng rãi. Chúng ta bảo vệ nhân quyền bên trong biên giới và bên ngoài biên giới của chúng ta mà không có quốc gia nào khác trong lịch sử văn minh có thể làm. Và chúng ta không hoàn hảo. Đôi khi chúng ta mắc sai lầm. Thật vậy, ở nước Mỹ của chúng ta — một số trong những thất bại lớn nhất của chúng ta là khi chúng ta đã không thừa nhận vị trí mà đức tin cần phải đóng vai trò trong cuộc sống của chúng ta.”
Trở về sau chuyến công du bốn quốc gia, ông Pompeo đã đề cập đến vai trò của đức tin khi ông là nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, đáp lại những nhận xét gần đây của cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính phủ Obama, bà Susan Rice.
“Mike Pompeo đã là một ngoại trưởng quá tôn giáo, bản thân điều này có vấn đề vì mặt khác ông ấy được cho là đại diện cho toàn bộ nước Mỹ, tất cả các tôn giáo của chúng ta”, bà Rice nói với Rachel Maddow, người dẫn chương trình của kênh MSNBC hồi tháng 8.
Ông Pompeo cũng phản hồi về một bài phân tích tin tức trên tờ New York Times (NYT) nói rằng việc thảo luận về Cơ đốc giáo và chính sách đối ngoại của ông đã “ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ mà đức tin vào kinh Phúc Âm đang ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.”
“Họ [NYT] nói rằng,“trong những thập kỷ gần đây, không có ngoại trưởng nào đã nói cùng một mạch về Cơ đốc giáo và chính sách đối ngoại cởi mở và nhiệt thành như ông Pompeo”, ông cho biết.
“Hãy nhìn xem, việc kết nối đức tin với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là một điều cấp thiết. Nó quan trọng. Đó là một điều tốt. Tôi đã được nhắc nhở về điều đó chỉ mới trong tuần này, chỉ mới vừa tuần trước”, ông Pompeo nói, lưu ý rằng ông đã có mặt tại buổi lễ của Tòa Bạch Ốc hôm 15/9 khi hai thỏa thuận hòa bình Trung Đông lịch sử được ký kết giữa hai quốc gia là các quốc gia Ả Rập và Israel.
“Nhiều thứ mà chúng tôi đã làm đã kích hoạt điều đó. Tổng thống đã đưa ra quyết định công nhận vùng đất trong kinh thánh này và Jerusalem là thủ đô hợp pháp của quốc gia đó”.
“Nhưng cuối cùng, những nhà lãnh đạo đó, cả khi công khai và lúc riêng tư, đã nói rất rõ ràng rằng họ kiên quyết rằng đức tin của họ là trung tâm của thành tựu này, đó là điều mà chúng ta cùng có thể đạt được”, ông Pompeo nói.
“Mặc dù các quốc gia này đã và có thể sẽ có những bất đồng về nhiều thứ trong thời gian tới, tôi tin tưởng rằng đức tin của họ là điều đã thúc đẩy họ có thể đến đúng nơi để đưa ra những quyết định tốt đẹp này cho cả hai dân tộc của họ. Không phải ngẫu nhiên mà các hiệp định lịch sử giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Israel và Bahrain được gọi là Hiệp định Abraham.”
Ông Pompeo nói thêm, đức tin không chỉ là sức mạnh mà còn cần phải có theo truyền thống của Hoa Kỳ.
“Đặc biệt là trong những thời điểm đầy thử thách này, việc duy trì quảng truyền rộng rãi đức tin không chỉ đơn giản là chấp nhận được mà còn là điều khẩn thiết”, ông nói. “Thực tế rằng chúng ta là con người; những người cha lập quốc của chúng ta đã nhận ra điều đó. Và những người đàn ông này – những người đàn ông tuyệt vời này cách đây hơn 240 năm trở về trước – đã ghi vào những tài liệu cốt lõi của chúng ta rằng đức tin trên thực tế sẽ được quảng truyền rộng rãi. Chúng ta cần phải sống theo điều đó từng mỗi ngày”.
“Ở Hoa Kỳ, chúng ta có một sự hiểu biết rất rộng rãi. Nếu bạn không có đức tin và đó là lựa chọn của bạn, chúng ta đúng là không cho phép một chính phủ quốc gia thành lập một quốc giáo. Nhưng tất cả mọi người trong căn phòng này đều biết các quốc gia trông như thế nào khi tự do tôn giáo bị loại bỏ và sự quảng truyền rộng rãi đức tin bị diệt trừ.”
Ông Pompeo chỉ ra các quốc gia nơi mà sự quảng truyền rộng rãi về tự do tôn giáo đã bị trục xuất, và nói rằng “tấm gương tuyệt vời” nhất hiện nay có lẽ là Đảng Cộng sản Trung Quốc và cách đối xử của nó với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác — hơn 1 triệu người trong số họ đã bị giam giữ trong một mạng lưới các cơ sở giam giữ ở vùng Tân Cương.
Ông Pompeo nói, “Triệt sản cưỡng bức, phá thai cưỡng bức, thời nay ở trong thế giới mà chúng ta đang sống. Họ phải chịu phục tùng – bị tra tấn, và tệ hơn nữa.”
“Đó là một phần trong cuộc tấn công liên tục của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào đức tin. Đó là cuộc chiến về đức tin mà đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hoa Kỳ, dưới thời Tổng thống Trump, đang coi trọng vấn đề này một cách nghiêm túc”.
Đáp lại lời bình phẩm của bà Rice về ông Pompeo, cô Ashley McGuire của Hiệp hội Công giáo nói rằng cô tin rằng nhận xét này “tiếp tục duy trì kiểu mẫu cố chấp chống tôn giáo của Đảng Dân Chủ”.
Cô McGuire nói với trang Washington Free Beacon, “Các thành viên Đảng Dân Chủ đã nói rõ rằng họ nghĩ rằng đức tin không có chỗ đứng ngoài kia nơi công cộng ở Hoa Kỳ. Trên thực tế, chính truyền thống lâu đời của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ quyền của người dân thuộc mọi tín ngưỡng, bao gồm cả những người giữ chức vụ công, được nói một cách cởi mở về đức tin của họ, chính điều đó đã khiến đất nước này trở thành một quốc gia đa nguyên.”