Ông Navarro cảnh báo về ‘vực thẳm’ kinh tế trừ khi các nhà lập pháp có biện pháp cứu trợ COVID-19
Cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc rằng trừ khi các nhà lập pháp tại Hoa Thịnh Đốn thu hẹp sự khác biệt của họ và thông qua gói cứu trợ COVID-19 mới, nhiều người dân Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với nguy cơ rơi vào “vực thẳm” kinh tế.
Hôm 25/11, ông Navarro cảnh báo rằng hành động khẩn cấp là cần thiết trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại do đợt viện trợ trước đó sắp hết và đất nước phải đối mặt với làn sóng phong tỏa lần thứ hai trong bối cảnh các trường hợp nhiễm virus Trung Cộng đang bùng phát trở lại.
“Điều tôi lo lắng là hàng triệu người dân Hoa Kỳ ngoài kia có nguy cơ rơi vào vực thẳm này mà không có sự hỗ trợ, và đây là lý do tại sao một chương trình cho Giai đoạn 4 được cả hai đảng đồng thuận là rất quan trọng,” ông Navarro nói khi đề cập đến một gói cứu trợ.
“Tôi hiểu rằng có rất nhiều tranh cãi đang diễn ra, nhưng tối thiểu, những gì chúng ta cần phải làm là đánh trúng ba điểm của la bàn,” ông nói. “Chúng tôi phải giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực của chương trình PPP; điều đó đã rất, rất thành công,” ông cho biết khi đề cập đến Chương trình Bảo vệ Tiền lương đã cung cấp các khoản vay có thể được xóa, được thiết kế để tạo động lực trực tiếp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ công nhân trong biên chế.
“Chúng ta có thể thực hiện một đợt kích thích [kinh tế] dành cho các hộ gia đình,” ông nói, “và theo nhiều cách khác, quan trọng nhất là chúng ta phải gia hạn khoản cứu trợ thất nghiệp khẩn cấp do đại dịch,” dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng 12.
Trong nhận định riêng với Fox News hôm 25/11, ông Navarro mô tả tốc độ tăng trưởng chậm lại và các đợt phong tỏa mới là “lực lượng song mã” sẽ tấn công nền kinh tế, và “trừ khi Capitol Hill thống nhất hành động và tiến bước [chống lại] sự phá hoại đó… chúng ta sẽ gặp vấn đề.”
Các cuộc thảo luận về một gói kích thích kinh tế khác vẫn bị đình trệ, với Hạ viện thuộc Đảng Dân Chủ nhanh chóng yêu cầu đáp ứng một gói cứu trợ rộng lớn trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD, và Thượng viện của các đảng viên Cộng Hòa cương quyết với các biện pháp mục tiêu trị giá khoảng 1 nghìn tỷ USD.
Nhận xét của ông Navarro được đưa ra khi các trường hợp nhiễm virus mới hàng ngày đã tăng lên mức cao nhất trong những tuần gần đây ở Hoa Kỳ.
Dịch virus đang trỗi dậy đã khiến các quan chức ở hơn một chục tiểu bang phải thắt chặt các biện pháp hạn chế đối với các doanh nghiệp để cố gắng làm chậm sự lây nhiễm, bao gồm việc ban hành các quy định về khẩu trang, hạn chế quy mô tụ tập, hạn chế ăn uống tại nhà hàng, giảm giờ mở cửa và sức chứa của các quán bar và cửa hàng.
Do sự bùng phát dịch bệnh ngày càng nhanh, nền kinh tế Hoa Kỳ đang phải đối mặt với áp lực từ việc sa thải liên tục, thu nhập giảm và người tiêu dùng lo lắng.
Dữ liệu kinh tế do Bộ Lao động công bố ngày 25/11 cho thấy số lượng người dân Hoa Kỳ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã tăng khoảng 30,000 người lên 778,000 người, tuần thứ hai liên tiếp tăng là một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng lây lan virus có thể buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm. Trước đại dịch, số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần là khoảng 225,000.
Một báo cáo riêng từ Bộ Thương mại chỉ ra rằng chi tiêu của người tiêu dùng chỉ tăng 0.5% trong tháng trước, mức tăng yếu nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch. Chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Báo cáo tương tự cũng cho thấy thu nhập cá nhân, [động lực] thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, đã giảm 0.7% trong tháng 10.
Một mối đe dọa tiềm tàng khác đối với chi tiêu của người tiêu dùng là hai chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung của liên bang sắp hết hạn, chỉ một ngày sau lễ Giáng Sinh, sẽ chấm dứt trợ cấp cho khoảng 9.1 triệu người đang thất nghiệp.
Tâm lý người tiêu dùng cũng đi xuống, cùng với cả thước đo niềm tin của Conference Board và Khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan đều giảm vào tháng 11, cho thấy rằng số người dân Hoa Kỳ lo lắng và không chắc chắn về phúc lợi tài chính của họ đã nhiều hơn trước.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, đã cảnh báo trong một bài nghiên cứu rằng nền kinh tế sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược ngày càng mạnh cho đến khi các nhà lập pháp phá vỡ sự bế tắc hiện nay của họ và đồng ý về nhiều biện pháp kích thích kinh tế hơn.
“Nền kinh tế sẽ rất bất ổn từ nay cho đến khi chúng ta nhận được gói giải cứu tài khóa tiếp theo,” ông nói. “Nếu các nhà lập pháp không thể thống nhất được với nhau, nền kinh tế sẽ rất khó tránh khỏi sự suy thoái trở lại.”