Ông Navarro bảo vệ chính sách thuế quan của TT Trump đối với Trung Quốc trước Bộ Tài chính và Wall Street
Hôm 16/07/2021, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã chỉ trích chính sách thuế quan của Tổng thống (TT) Trump đối với 360 tỷ USD hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc. Bà Yellen cho biết sau chuyến công du một tuần tại Âu Châu rằng, “Quan điểm cá nhân của tôi là thuế quan đã không được áp dụng đối với Trung Quốc theo cách cân nhắc kỹ lưỡng đến các vấn đề cần giải quyết và lợi ích của Hoa Kỳ. Thuế quan là thuế nhắm vào người tiêu dùng. Trong một số trường hợp, đối với tôi, dường như những gì chúng ta đã làm gây tổn thương cho người tiêu dùng Hoa Kỳ, và loại thỏa thuận mà chính phủ tiền nhiệm đã đàm phán thực sự không giải quyết được nhiều vấn đề căn bản mà chúng ta gặp phải với Trung Quốc.”
Nhưng bà Bộ trưởng Yellen đã sai về quan điểm. Phản ứng từ Tiến sĩ Peter Navarro, một trong những kiến trúc sư chính về thuế quan của ông Trump, vừa gay gắt vừa làm sáng tỏ. Trong một email gửi tới The Epoch Times, ông viết, “bất kể ai đang nắm quyền, Bộ Tài chính Hoa Kỳ bị chủ nghĩa toàn cầu của Wall Street và các tập đoàn đa quốc gia kìm hãm. Tôi đã đấu tranh với cựu Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin liên tục tại Bộ Tài chính – và ông ấy cũng liên tục từ chối thực hiện các chính sách thương mại của ông Trump. Bà Yellen cũng không khác gì vì Wall Street nắm được bà ấy và bà ấy không hiểu gì về những gì xảy ra tại các cộng đồng sản xuất trong nền kinh tế thực của Hoa Kỳ.” Ông Navarro nói thêm rằng, “TT Biden cần phải kiềm chế bà ấy.”
Cựu TT Trump, ông Navarro và những người khác trong chính phủ tiền nhiệm đã áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc như một chiến lược kinh tế và an ninh quốc gia để bảo vệ ngành công nghiệp của Hoa Kỳ và phục hồi những thiệt hại kinh tế từ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc lên tới 600 tỷ USD mỗi năm. Họ coi thuế quan là một biện pháp điều chỉnh không mong muốn nhưng cần thiết chống lại các hành vi thương mại có tính chất thôn tính của Trung Quốc và những nỗ lực dai dẳng nhằm phá hoại nền kinh tế và sự đổi mới của Hoa Kỳ.
Ông Navarro viết: “Trong một thế giới thương mại không công bằng, thuế quan là một công cụ thiết yếu để san bằng sân chơi cho những người lao động và nhà sản xuất Hoa Kỳ cạnh tranh chống lại mọi hành vi gian lận thương mại và lao động bóc lột.”
Ông lưu ý trong email của mình rằng thép, nhôm và một số đồ tiêu dùng lâu năm của Hoa Kỳ đã nhận được sự hỗ trợ thiết yếu từ thuế quan. Ông viết: “Chính phủ TT Trump đã cứu các ngành công nghiệp thép và nhôm của Hoa Kỳ bằng các loại thuế quan bảo vệ chống lại việc bán phá giá không công bằng và ồ ạt.”
Bán phá giá là một thủ đoạn kinh tế săn mồi được các nhà xuất cảng ngoại quốc sử dụng để làm suy yếu các ngành của các đối thủ cạnh tranh. Khi bán phá giá, các tổ chức ngoại quốc cố tình định giá hàng hóa xuất cảng của mình dưới “giá trị thị trường hợp lý” để đẩy các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường. Khi các đối thủ cạnh tranh phá sản và rời khỏi thị trường, các tổ chức ngoại quốc sử dụng vị thế độc quyền của họ trên thị trường Hoa Kỳ để tăng giá đến các mức bóc lột hoặc giữ lại toàn bộ hàng hóa không cho đến tay người tiêu dùng Hoa Kỳ. Bán phá giá được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận là một hành vi có thể [sử dụng] thuế quan để chống lại.
Thuế quan của ông Trump nhằm bảo vệ ngành sản xuất của Hoa Kỳ, điều mà chính phủ cũ xem là chiến lược. Nguyên tắc của họ là “an ninh kinh tế là an ninh quốc gia.” Các ngành công nghiệp phải duy trì sức mạnh và khả năng phục hồi để cung cấp việc làm, lực lượng lao động có tay nghề cao, đóng góp vào nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung, và cung cấp một hệ sinh thái sản xuất lành mạnh, theo đó các mặt hàng thiết yếu cho an ninh quốc gia – từ máy thông gió đến động cơ phi cơ, từ siêu máy điện toán đến trạm phát 5G – được nghiên cứu, phát triển và sản xuất với chuỗi cung ứng an toàn tại Hoa Kỳ.
Một cơ sở công nghiệp vững chắc có giá trị nội tại và tự thân, bao gồm việc sản xuất hàng tiêu dùng có thể không được coi là chiến lược đối với an ninh quốc gia, nhưng vẫn quan trọng đối với nền kinh tế và sự đổi mới của Hoa Kỳ. Mục tiêu của thuế quan không phải là hạ giá, mà là công ăn việc làm để giúp nâng cao sức mua, và một cơ sở công nghiệp cứu được những sinh mạng trong tình huống khẩn cấp. Việc tăng doanh thu của chính phủ và sức mua của người lao động thông qua các công việc sản xuất tốt hơn có thể bù đắp cho bất kỳ sự tăng giá nào có thể gây ra.
Những tác động tích cực không phải lúc nào cũng ngay lập tức. Khi được hỏi về sự suy yếu của ngành xe hơi Hoa Kỳ, kể cả dưới thời TT Trump, ông Navarro trả lời: “TT Trump đã thành công trong việc đàm phán lại NAFTA nhưng những lợi ích dành cho ngành công nghiệp xe hơi sẽ mất vài năm để thể hiện. Bí mật của USMCA [Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ-Mexico-Canada] là các quy tắc về thành phần sản xuất trong nước nghiêm ngặt mà chúng tôi đã có thể đàm phán được.”
Ông Navarro trả lời về ngụ ý mang tính chất quy kết của bà Yellen về giá cao do thuế quan:
“Sự gia tăng lạm phát hiện nay là do bốn lực lượng chính: kích thích tài chính và tiền tệ lớn, tắc nghẽn trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng do đại dịch, cuộc chiến của ông Joe Biden về dầu và khí đốt tự nhiên, và lạm phát tiền lương do mất cân đối cấu trúc trong thị trường lao động, cũng lại là kết quả của đại dịch. Thuế quan hoàn toàn không liên quan gì đến lạm phát. Là con số không, không một chút nào. Chúng ta đã có thuế quan trong nhiều năm dưới thời chính phủ TT Trump mà không có lạm phát. Đây là một hiện tượng của chính phủ ông Biden. Lạm phát giảm trong thời chính phủ TT Trump do sự kết hợp của tăng trưởng mạnh mẽ và năng suất tăng cùng với sự thống trị năng lượng chiến lược và bãi bỏ quy định. Trung Quốc đã hấp thụ bất kỳ tác động lạm phát nào có thể có từ thuế quan bằng cách phá giá đồng tiền của mình.”
Ông Navarro cho rằng sự thiếu hiểu biết một cách dai dẳng về những lo ngại của giới lao động trong Bộ Tài chính Hoa Kỳ là do các tổ chức tài chính của Hoa Kỳ tạo ra vì nhiều nhân sự đến từ Wall Street. Để giải quyết vấn đề tại Bộ Tài chính, ông nói, “Quý vị phải bắt đầu bằng cách vứt đi rác rưởi của Wall Street, đặc biệt là rác từ Goldman Sachs, nơi không ngừng cung cấp những nhân sự quan liêu ấy. Sau đó, quý vị cần một vị Bộ trưởng Tài chính hiểu giới lao động Mỹ, thứ mà rõ ràng cả ông Mnuchin và bà Janet Yellen đều đã không làm hoặc không định làm.”
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách có nhan đề “Tập Trung Quyền Lực” (sắp ra mắt vào năm 2021) và “Không Xâm Phạm,” đồng thời đã biên tập cuốn sách “Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Anders Corr thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: