Ông Kevin McCarthy bị cách chức Chủ tịch Hạ viện
Lần đầu tiên trong lịch sử, Hạ viện bỏ phiếu bãi nhiệm một vị chủ tịch.
Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã bị cách chức Chủ tịch Hạ viện trong một cuộc bỏ phiếu của Hạ viện theo một đề nghị bãi nhiệm từ một thành viên trong đảng của ông đưa ra.
Hành động chưa từng có này đã đẩy Hạ viện vào tình huống mà chắc chắn sẽ là cuộc chiến đầy tranh cãi cho chức chủ tịch khi cùng lúc đó Hạ viện phải tranh đấu về lịch trình để hoàn tất tiến trình phân bổ ngân sách và tiếp tục cuộc điều tra đàn hặc Tổng thống Joe Biden.
Cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 216 phiếu thuận – 210 phiếu chống là một chiến thắng đáng kể — và mỉa mai — dành cho vị Dân biểu nổi loạn Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida). Ông Gaetz chỉ tập hợp được bảy thành viên Đảng Cộng Hòa tham gia cùng mình khi ông dựa vào các thành viên Đảng Dân Chủ để lật đổ ông McCarthy.
Một trong những điều chủ yếu mà ông Gaetz phàn nàn về vị chủ tịch này là ông ấy đã thông qua dự luật với phiếu bầu của Đảng Dân Chủ mà đa số thành viên Đảng Cộng Hòa phản đối.
Ông McCarthy, người đạt được chiếc búa Chủ tịch Hạ viện hồi tháng Một sau 15 vòng bỏ phiếu, đã giữ chiếc búa này được 9 tháng.
Đây là lần đầu tiên một chủ tịch [Hạ viện] bị cách chức thông qua một kiến nghị bãi nhiệm. Năm 2015, Dân biểu John Boehner (Cộng Hòa-Ohio) đã từ chức chủ tịch và rời khỏi Quốc hội trước khi một kiến nghị như vậy được đưa ra. Lần cuối cùng có một cuộc bỏ phiếu về một kiến nghị như vậy là vào năm 1910 nhưng không thành công.
Trước khi có sự bãi nhiệm, một hành động đưa ra đề nghị bãi nhiệm đã thất bại qua một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 208 phiếu thuận – 218 chiếu chống. Mười một thành viên Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu phản đối việc đưa ra đề nghị này.
Sáng ngày 03/10, ông McCarthy nói trên CNBC rằng ông sẽ không thực hiện bất kỳ sự nhượng bộ nào với Đảng Dân Chủ để giữ lấy chiếc búa.
Các thành viên Đảng Dân Chủ đã tham gia cùng một số thành viên Đảng Cộng Hòa để truất phế ông McCarthy khỏi vị trí chủ tịch khi Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York) nói rằng lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu ủng hộ đề nghị bãi nhiệm này.
“Bây giờ là lúc các thành viên Đảng Cộng Hòa phải có trách nhiệm chấm dứt Nội chiến của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện,” ông Jeffries nói trong một tuyên bố. “Do họ không sẵn lòng thoát khỏi chủ nghĩa cực đoan MAGA một cách xác thực và toàn diện, nên lãnh đạo Đảng Dân Chủ tại Hạ viện sẽ bỏ phiếu đồng ý với Đề nghị Truất phế Chủ tịch của Đảng Cộng Hòa sắp tới.”
Dưới thời ông McCarthy làm chủ tịch, Hạ viện đã thông qua đạo luật giải quyết mức trần nợ, một thỏa thuận mà ông đã đạt được với Tổng thống Joe Biden; an ninh biên giới; năng lượng Mỹ; và các đặc vụ IRS mới. Ngoại trừ dự luật mức trần nợ, thì các dự luật này đã dừng lại khi đến Thượng viện và không có cơ hội trở thành luật.
Điều gì dẫn đến kiến nghị bãi nhiệm
Để có được chức chủ tịch, ông McCarthy đã đồng ý chấp nhận một sự thay đổi quy tắc trong đó cho phép bất kỳ thành viên nào đều được đưa ra kiến nghị bãi nhiệm bất cứ lúc nào.
Một ngày sau khi Quốc hội ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa bằng cách thông qua nghị quyết chi tiêu tạm thời (CR) trong vòng 45 ngày để gia hạn tài trợ sau khi kết thúc năm tài khóa, ông Gaetz đã lên truyền hình để loan báo ý định bãi nhiệm vị chủ tịch này.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm 01/10, ông Gaetz cho biết: “Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được một thỏa thuận với những người theo phái bảo tồn truyền thống trong Hạ viện hồi tháng Một và kể từ đó, ông ấy đã vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn nhiều lần thỏa thuận đó.”
Mặc dù ông Gaetz và những người khác thường xuyên đề cập đến thỏa thuận này, nhưng không ai sẵn sàng cung cấp đầy đủ chi tiết về nội dung của thỏa thuận.
Sau đó, đề cập đến cái được cho là một thỏa thuận mà ông McCarthy đã bí mật có với phe đối lập, ông Gaetz nói thêm, “Thỏa thuận này, mà ông ấy ký với Đảng Dân Chủ đã thực sự vượt qua rất nhiều rào cản chi tiêu mà chúng tôi thiết lập, là giọt nước cuối cùng tràn ly.”
Ông Gaetz nói thêm: “Đêm qua, tôi biết được rằng ông Kevin McCarthy đã có một thỏa thuận bí mật với Đảng Dân Chủ về vấn đề Ukraine.”
“Vì vậy, khi ông ấy đang dụ dỗ các thành viên Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu cho một nghị quyết chi tiêu tạm thời mà không có tiền dành cho Ukraine, nói rằng chúng ta sẽ gây khó khăn cho Thượng viện về vấn đề Ukraine, rồi ông ấy quay lại và thực hiện một thỏa thuận bí mật.”
Ông McCarthy phủ nhận việc ông đã thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Hôm 02/10, ông Gaetz đã chỉ trích vị chủ tịch này tại Hạ viện, coi việc bội chi của chính phủ là “con đường lát gạch vàng do Chủ tịch McCarthy trải ra.”
Điểm tới hạn
Khi đồng hồ điểm đến năm tài khóa mà không có thỏa thuận chi tiêu nào được đưa ra, ông McCarthy đã đưa một nghị quyết chi tiêu tạm thời do Đảng Cộng Hòa bảo trợ ra sàn Hạ viện, được gọi là Đạo luật Tăng cường An ninh Biên giới và Duy trì Phân bổ Ngân sách, năm 2024.
Dự luật dài 165 trang này sẽ gia hạn nguồn tài trợ chính phủ thêm một tháng, đồng thời giảm tổng chi tiêu tùy ý cho mục đích phi quốc phòng khoảng 8%. Dự luật này cũng có một gói gồm các dự luật an ninh biên giới.
Hôm 29/09, 21 thành viên Đảng Cộng Hòa đã cùng Đảng Dân Chủ bác bỏ dự luật này, tin rằng Hạ viện không nên gia hạn tài trợ chính phủ trong bất kỳ trường hợp nào mà vẫn tiếp tục nỗ lực để thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách bắt buộc ngay cả khi điều đó dẫn đến việc tạm thời đình chỉ các dịch vụ không cần thiết của chính phủ — tức là chính phủ bị đóng cửa.
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện cũng tức giận việc ông McCarthy đưa ra dự luật phân bổ ngân sách phụ để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine, được thông qua hôm 28/09 bất chấp sự phản đối của đa số thành viên Đảng Cộng Hòa.
Những sự kiện đó rõ ràng đã khiến ông Gaetz cuối cùng thực hiện được lời đe dọa yêu cầu truất phế vị chủ tịch này.
“Và lý do chúng tôi được ủng hộ việc đóng cửa chính phủ không phải là lỗi của hệ thống. Đó là một tính năng,” ông Gaetz nói. “Mục tiêu của ông Kevin McCarthy là đưa ra nhiều lời hứa mâu thuẫn, trì hoãn mọi thứ, ủng hộ chúng tôi chống lại quan điểm chính trị đóng cửa chính phủ và, vào cuối ngày, thổi bay những rào cản chi tiêu mà ông ấy đã đồng ý.”
Ông Gaetz với ông McCarthy
Ông Gaetz đã công bố ý định của mình trong lần xuất hiện trên chương trình “State of the Union.”
“Tôi thực sự có ý định đệ đơn yêu cầu bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện McCarthy trong tuần này,” ông nói. “Chúng ta cần phải giải quyết chuyện khó xử này. Chúng ta phải tiến lên phía trước với sự lãnh đạo mới vốn có thể tin cậy được.”
Ông Gaetz dẫn ra việc ông McCarthy đang lưỡng lự giữa vấn đề và nhận xét rằng ông ấy đã không giữ lời hứa.
“Nghe này, một điểm chung mà mọi người đều có là không ai tin tưởng ông Kevin McCarthy. Ông ấy đã nói dối ông Biden. Ông ấy đã nói dối những người theo phái bảo tồn truyền thống trong Hạ viện. Ông đã luôn để cho những kẻ chiếm đoạt ghi một con số hoàn toàn khác,” ôngnói.
Trên chương trình “Face the Nation” của CBS, ông McCarthy đã phúc đáp ông Gaetz: “Bắt đầu thôi.”
Ông McCarthy cho biết việc ông Gaetz đang muốn lấy chiếc búa khỏi tay ông là “không có gì mới” và ông Gaetz đã tìm cách làm như vậy kể từ khi ông McCarthy tranh cử chức chủ tịch hồi tháng Một, mà cuối cùng đã giành chiến thắng sau 15 vòng bỏ phiếu và có nhiều nhượng bộ trước Freedom Caucus theo đường hướng cứng rắn, bao gồm cả việc hạ thấp giới hạn đưa ra kiến nghị bãi nhiệm xuống chỉ còn một thành viên.
“Ông ấy quan tâm đến việc bảo đảm các cuộc phỏng vấn trên truyền hình hơn là làm điều gì đó. Ông ấy muốn đẩy chúng ta vào tình trạng đóng cửa, thậm chí còn đe dọa địa hạt của ông ấy rằng tất cả quân nhân ở đó sẽ không được trả lương chỉ vì ông ấy muốn thực hiện đề nghị này.”
Tranh luận sôi nổi
Hạ viện đã chật kín một cách bất thường vì gần như tất cả các thành viên của cả hai đảng đều tham dự cuộc tranh luận kéo dài hàng giờ đồng hồ.
Ông Gaetz mở đầu bằng việc liệt kê những phản đối của mình với Chủ tịch Hạ viện, trong đó tập trung vào việc vị chủ tịch này được cho là đã không tận dụng thế đa số hẹp của Đảng Cộng Hòa để giành được sự nhượng bộ từ phía Thượng viện và Tòa Bạch Ốc do Đảng Dân Chủ kiểm soát.
“Nhiều người trong chúng tôi đã khẩn cầu Chủ tịch, nhiều lần khẩn cầu Chủ tịch, hãy sử dụng mức trần nợ để thúc đẩy việc cắt giảm chi tiêu và cải tổ. Nhưng thay vào đó, ông ấy đã thương lượng tăng không giới hạn mức trần nợ cho đến hết ngày 25/01. Chúng ta có thể cùng nhau và vui vẻ chi tiêu bao nhiêu tùy ý cho đến hết ngày 25/01, mà không có chiến thắng đáng kể nào dành cho người dân Mỹ trong [Đạo luật Trách nhiệm Tài khóa] hoặc Đạo luật Trách nhiệm Thất bại đó,” ông Gaetz nói trong cuộc tranh luận.
Vị Nghị sĩ của Florida này đã lập một danh sách những thất bại được cho là của ông McCarthy và kết luận, “Chúng ta cần một chủ tịch, lý tưởng là một người không muốn trở thành chủ tịch và đã không theo đuổi điều đó bằng mọi giá trong suốt quãng đời trưởng thành của mình, người sẽ tận dụng thời điểm này và làm mọi thứ có thể để chiến đấu cho đất nước.”
“Tôi phải bỏ phiếu … để bãi nhiệm Chủ tịch.”
Một vài thành viên Đảng Cộng Hòa tranh luận chống lại ông McCarthy — ông Gaetz và các Dân biểu Bob Good (Cộng Hòa-Virginia) và Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona) — tập trung vào ba vấn đề: nhu cầu cải tiến thủ tục Hạ viện để cho phép nhiều ý kiến đóng góp hơn từ những thành viên bình thường; khoản nợ quốc gia ngày càng tăng, điều mà họ tin là ông McCarthy chưa làm đủ để giải quyết; và họ thiếu tin tưởng vào vị chủ tịch này vì được cho là đã thất hứa trong một số vấn đề.
Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) dẫn dắt cuộc tranh luận ủng hộ ông McCarthy, nói rằng, “Liệu chúng ta có đồng tình với Chủ tịch hay không. Ông ấy đã làm đúng. Ông ấy đã làm điều đúng đắn … cho tổ chức này. Ông ấy cho thấy tổ chức này có thể hoạt động trong thời điểm khủng hoảng. Và cuối cùng, tôi nghĩ ông ấy đã làm điều đúng đắn cho đảng của chúng ta.”
“Ông ấy bảo đảm rằng chúng ta có thể tiếp tục đàm phán và đạt được [những chiến thắng theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống] trong một chính phủ bị chia rẽ, điều mà đòi hỏi phải có sự cho đi và nhận lại ở một mức độ nào đó. Vì thế tôi rất tự hào về vị chủ tịch này. Tôi rất tự hào khi được phò trợ ông ấy.”
Một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã tranh luận sôi nổi ủng hộ ông McCarthy, khẳng định tư cách và khả năng lãnh đạo của ông, và khẳng định ông đã cải thiện đáng kể tính minh bạch trong cách thức vận hành của Hạ viện.
Những người khác kêu gọi thận trọng khi vội vã bãi nhiệm chủ tịch, cảnh báo rằng điều đó sẽ khiến Hạ viện rơi vào tình trạng hỗn loạn khi cơ quan này rất cần tập trung hoàn thành tiến trình phân bổ ngân sách trước khi CR hết hạn.
“Viện này đã thông qua nguồn tài trợ cho hơn 70% các khoản phân bổ ngân sách của chính phủ liên bang và đang ở Thượng viện, nơi họ đã không thông qua — còn chúng ta đang truy lùng nhau và nói về các tiến trình nội bộ của mình?” Lãnh đạo đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) cho biết.
“Chủ tịch McCarthy đã và đang lãnh đạo ở cấp cao nhất để bảo đảm rằng chúng ta có các quy định để thực hiện công việc của mình theo một cách khác với những gì Hạ viện đã làm trước đây,” ông Scalise nói thêm, đồng thời kêu gọi các thành viên tiếp tục tập trung vào sứ mệnh của mình.
Những người khác đưa ra giả thuyết rằng việc bỏ trống chiếc ghế chủ tịch chắc chắn sẽ dẫn đến bế tắc, mà tình trạng này chỉ có thể được giải quyết bằng sự hợp tác với Đảng Dân Chủ, làm mất dần lợi thế của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
Khi cuộc tranh luận kết thúc, cuộc bỏ phiếu được thực hiện bằng cách điểm danh.
Những thành viên Đảng Cộng Hòa Andy Biggs (Arizona), Ken Buck (Colorado), Tim Burchett (Tennessee), Eli Crane (Arizona), Matt Gaetz (Florida), Bob Good (Virginia), Nancy Mace (South Carolina), và Matt Rosendale (Montana) đã cùng với 208 thành viên Đảng Dân Chủ bãi nhiệm ông McCarthy khỏi ghế chủ tịch.
Theo quy định của Hạ viện, Dân biểu Patrick McHenry (Cộng Hòa-North Caroline) được tuyên bố là chủ tịch tạm thời, sẽ đảm nhiệm chức vụ cho đến khi bầu được chủ tịch mới.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times