Ông Ken Starr: Thượng viện ‘hoàn toàn không có thẩm quyền’ để xét xử cựu TT Trump
Cựu công tố viên đặc biệt Ken Starr đã góp thêm vào làn sóng những tiếng nói bảo thủ lập luận rằng Thượng viện không có thẩm quyền tổ chức phiên tòa đàn hặc cựu TT Donald Trump.
Ông Starr, trong chuỗi bình luận với Fox News hôm thứ Hai (01/02), nói rằng Thượng viện không thể xét xử một vị tổng thống đã rời nhiệm sở.
“Câu trả lời dứt khoát là không,” ông Starr cho biết và nói thêm rằng “văn bản của Hiến pháp theo tôi là hoàn toàn rõ ràng về phán quyết trong các trường hợp đàn hặc” có đề cập đến vấn đề “cách chức và có thể bị truất quyền.” Ông lập luận rằng “một cựu quan chức, theo đúng nghĩa, là không thể bị phế truất.”
Đầu tháng này (01/2021), 45 thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu bác bỏ việc tiếp tục phiên tòa đàn hặc dự kiến diễn ra vào ngày 08/02 tới đây, một gợi ý mạnh mẽ nhất rằng nỗ lực đàn hặc của Đảng Dân Chủ chắc chắn sẽ thất bại. Để kết tội tại Thượng viện yêu cầu 67 phiếu bầu thay vì chỉ đa số quá bán và đòi hỏi 17 đảng viên Đảng Cộng hòa đồng tình với Đảng Dân Chủ.
Một lập luận khác chống lại phiên tòa đang tỏ ý đặt ra yêu cầu rằng Chánh án Tối cao Pháp viện John Roberts, người đã từ chối chủ trì sự kiện này, phải là chủ tọa phiên tòa. Thay vào đó, các đảng viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện đã bổ nhiệm Thượng nghị sỹ Patrick Leahy (Dân Chủ-Vermont), Chủ tịch Thường trực của Thượng viện, để chủ tọa phiên tòa.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) tuần trước cho biết cuộc bỏ phiếu nhằm bãi bỏ phiên tòa hồi tuần trước là một sự “vô trách nhiệm sâu sắc.”
“Chỉ có năm thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa sẵn sàng đưa ra lập trường trên nguyên tắc chống lại nỗ lực liều lĩnh và thiếu cân nhắc của các thành viên trong thể chế này, những người đang muốn bào chữa cho chiến dịch của Tổng thống Trump nhằm lật ngược cuộc bầu cử và dường như để bào chữa cho việc kích động đám đông mà mỗi người trong số chúng ta đều đã nếm trải tại Điện Capitol này,” ông Schumer nói tại phòng họp. “Tôi chỉ đơn giản là muốn nói với tất cả các cộng sự của mình rằng, đừng nhầm lẫn, sẽ có một phiên tòa xét xử và những bằng chứng chống lại cựu tổng thống sẽ được trình bày với màu sắc sống động để cả nước và mỗi người dân chúng ta một lần nữa được nhìn thấy.”
Hạ viện đã đàn hặc cựu TT Trump trước khi ông rời nhiệm sở vào đầu tháng này vì các cáo buộc kích động và gây nổi dậy trong cuộc bạo loạn hôm 06/01 tại Điện Capitol. Cựu TT Trump về sau cho biết ông tin rằng bài phát biểu của mình trước những người ủng hộ hôm 06/01 là thích đáng.
“Thượng viện hoàn toàn không có thẩm quyền xét xử cựu Tổng thống Donald Trump và nếu họ tiếp tục làm như vậy, họ sẽ… vi phạm” dự luật về tước quyền công dân và tịch thu tài sản (bill of attainder) của Hiến pháp để trừng phạt một ai đó “một cách hồi tố,” ông Starr nói thêm.
Vài ngày trước, Giáo sư Luật của Đại học Harvard, ông Alan Dershowitz cũng đã đưa ra những lập luận tương tự như ông Starr.
“Việc này sẽ là vi hiến, nhưng điều đó có lẽ sẽ không làm các thượng nghị sỹ bận tâm,” ông Dershowitz nói với Fox News. “Hiến pháp rất rõ ràng. Chủ thể, đối tượng, mục đích của việc đàn hặc là cách chức một tổng thống đang tại vị. Và đã có hai tiền lệ cho điều này. Tiền lệ thứ nhất rất hiển nhiên. Khi Tổng thống Nixon từ chức với dự đoán sẽ bị đàn hặc và cách chức, đã không có nỗ lực nào để đàn hặc ông ấy sau khi ông ấy rời nhiệm sở”. Cựu TT Richard Nixon đã chọn từ chức thay vì đối mặt với khả năng bị Thượng viện xét xử vào những năm đầu thập niên 70.
“Rõ ràng là Thượng viện đã mất đi quyền xét xử vào thời điểm đó,” ông nói về cuộc đàn hặc cựu TT Nixon. “Những người ủng hộ [việc đàn hặc] đã viện dẫn một tiền lệ khác. Năm 1876, đã có một nỗ lực thất bại, một nỗ lực không thành công để cách chức bộ trưởng chiến tranh. Trong một cuộc bỏ phiếu ban đầu, Thượng viện đã bỏ phiếu kín, và với một cuộc bỏ phiếu kín, họ có thẩm quyền xét xử một người đã từ chức.”
Jack Phillips
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: