Ông John Kerry bị chỉ trích vì phớt lờ câu hỏi về tội ác của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ
Đặc phái viên khí hậu Hoa Kỳ John Kerry đã tỏ ra thờ ơ với cảnh ngộ của người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc khi ông nói “cuộc sống luôn đầy rẫy những lựa chọn khó khăn” trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Bloomberg.
Ông Kerry đã được hỏi như sau, “Hiển nhiên một ưu tiên của chính phủ Tổng thống Biden là thực sự giải quyết vấn đề khí hậu, nhưng đó không phải là ưu tiên duy nhất. Cũng có những điều khác, chẳng hạn như tình hình của người Duy Ngô Nhĩ ở phương Tây. Vậy quy trình để người ta đánh đổi khí hậu bằng nhân quyền là gì?”
Đáp lại, ông Kerry nói: “Cuộc sống luôn đầy rẫy những lựa chọn khó khăn trong mối bang giao giữa các quốc gia.”
Để chứng minh cho lập luận của mình, ông Kerry đã dẫn chứng về cựu Tổng thống Ronald Reagan – người mà theo ông Kerry “nghĩ Liên Xô là Đế chế Tà ác” – nhưng đã đến Iceland để gặp nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tại Hội nghị Thượng đỉnh Reykjavík vào tháng 10/1986.
Cuộc họp cuối cùng đã dẫn đến Hiệp ước các Lực lượng Nguyên tử Tầm trung năm 1987 giữa Liên Xô và Hoa Kỳ.
Ông Kerry tiếp tục, “Vấn đề tôi đang đưa ra là, ngay cả khi có những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng, mà vì thế Tổng thống Ronald Reagan đã lên án họ, chúng ta phải tìm ra một con đường phía trước để làm cho thế giới an toàn hơn, để bảo vệ các quốc gia của chúng ta và cùng hành động vì lợi ích của chúng ta.”
Ông cho biết thêm, “Chúng ta có thể làm và phải làm điều tương tự như thế ngay bây giờ. Đúng, chúng ta có khá nhiều vấn đề, một số vấn đề đa dạng [với Trung Quốc], nhưng trước hết, hành tinh này phải được bảo vệ đã.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương viễn tây Trung Quốc, khiến họ bị cưỡng bức triệt sản, cưỡng bức phá thai, bị tra tấn, cưỡng bức lao động và đuổi những đứa trẻ ra khỏi gia đình các em. Ngoài ra, chế độ cộng sản này còn đang giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tập trung.
Một người Duy Ngô Nhĩ mang quốc tịch Kazakhstan, bà Gulbakhar Jalilova, 54 tuổi, một cựu tù nhân, nói với The Epoch Times vào năm 2018 rằng những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ đã bị tra tấn về tâm lý và thể chất, bị đầu độc và thậm chí bị sát hại bằng cách chích các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Cũng trong năm 2018, một cựu tù nhân người Duy Ngô Nhĩ khác, cũng có quốc tịch Kazakhstan, 54 tuổi, nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện được ẩn danh, cho biết có nhiều cô gái trẻ đã bị cưỡng bức trong các trại giam này và được cho uống thuốc để ngăn cản việc có thai.
Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), thành viên cao cấp của Đảng Cộng Hòa trong Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích về nhận xét của ông Kerry.
Ông McCaul tuyên bố rằng, “Câu trả lời phớt lờ tội ác diệt chủng ghê tởm kia của Đặc phái viên John Kerry là không phù hợp với các giá trị và lợi ích của Hoa Kỳ, và tôi thực sự kêu gọi ông ấy hãy lập tức rút lại lời bình luận ấy.”
Ông cho biết thêm: “Hoa Kỳ không bao giờ nên bỏ qua những hành động tàn bạo và diệt chủng như vậy để đổi lấy những cam kết mà ĐCSTQ đưa ra về khí hậu, đặc biệt khi ĐCSTQ có một quá khứ đã được chứng minh là luôn phớt lờ các cam kết quốc tế của họ.”
“Tôi kêu gọi Ngoại trưởng Blinken cung cấp một báo cáo đầy đủ một cách chính xác về những cam kết mà Đặc phái viên Kerry đang thực hiện với Trung Quốc thay mặt cho Hoa Kỳ.”
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã gọi nhận xét của ông Kerry là “kinh khủng” trong một bài đăng trên Twitter.
Ông Cruz viết rằng, “Các thành viên Đảng Dân Chủ của Tổng thống Biden: Chúng tôi quan tâm đến tiền ($$) nhiều hơn là nhân quyền, chế độ nô lệ hay các trại tập trung của Trung Quốc.”
Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới có trụ sở tại thành phố Munich (Đức) đã không phúc đáp ngay một yêu cầu bình luận.
Đầu tháng này (09/2021), ông Kerry đã đến Trung Quốc để tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh về biến đổi khí hậu. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tận dụng cuộc gặp với ông Kerry để yêu cầu Hoa Thịnh Đốn “chú ý và chủ động hưởng ứng ‘hai danh sách’ và ‘ba điểm mấu chốt’ của Trung Quốc.”
Một trong những danh sách đó đã yêu cầu Hoa Kỳ phải hiệu chỉnh lại “những hành vi sai trái” của mình, bao gồm cả việc thu hồi các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Cộng, vốn đã được Hoa Kỳ công bố để đáp lại những vi phạm nhân quyền được báo cáo rộng rãi.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: