Ông Elon Musk tiết lộ thêm chi tiết về kế hoạch của mình cho Twitter sau khi thâu tóm
Ông Elon Musk đã tiết lộ thêm chi tiết về những gì ông dự định thay đổi tại Twitter sau khi có xác nhận rằng công ty đã chấp nhận đề nghị mua lại của ông. Kế hoạch của ông trùm công nghệ bao gồm các tính năng mới và các cách để nâng cao lòng tin vào nền tảng này.
Hôm 25/04, hội đồng quản trị của Twitter cho biết họ đã chấp thuận lời đề nghị mua lại Twitter của ông Musk với giá 54.20 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt, trong một thỏa thuận trị giá khoảng 44 tỷ USD.
Việc mua lại này thể hiện mức cao hơn 38% so với giá cổ phiếu đóng cửa của Twitter hôm 01/04, với việc ông Parag Agrawal, Giám đốc điều hành của Twitter, cho biết trong một tuyên bố rằng ông tin thỏa thuận này “là con đường tốt nhất về phía trước cho các cổ đông của Twitter.”
‘Nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động’
Trong một tuyên bố, ông Musk đã cung cấp một số chi tiết về những loại thay đổi mà ông dự định đối với nền tảng mạng xã hội này, nơi cam kết về quyền tự do ngôn luận bị ông nhiều lần đặt ra nghi vấn.
Ông nói, “Tự do ngôn luận là nền tảng của một nền dân chủ đang hoạt động, và Twitter là quảng trường thành phố kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận.” Điều này phù hợp với những tuyên bố trước đây của ông rằng Twitter hoạt động như một “quảng trường thành phố trên thực tế”, nơi các cuộc trò chuyện quan trọng có thể diễn ra với càng ít ràng buộc càng tốt.
Hôm thứ Hai (25/04), ông Musk cho biết Twitter có “tiềm năng to lớn” và ông muốn làm việc với công ty cùng người dùng của họ để “khai mở” và làm cho nền tảng “tốt hơn bao giờ hết”.
Ông cho biết ông ấy có kế hoạch “nâng cao” Twitter với các tính năng mới, điều mà ông không cung cấp thêm chi tiết. Ông Musk trước đó đã tạo một cuộc thăm dò ý kiến trên Twitter hỏi người dùng liệu họ có muốn có nút chỉnh sửa trên nền tảng hay không, cho thấy rằng đây có thể là một trong những thay đổi mà ông đang tìm cách thực hiện.
Hôm thứ Hai, ông Musk cũng cho biết ông muốn biến các thuật toán của nền tảng thành “mã nguồn mở để tăng độ tin cậy”, đồng thời “đánh bại các chương trình thư rác và xác thực tất cả người dùng”.
Điều này cũng củng cố nhận xét trước đó của ông rằng mục tiêu của ông khi tìm cách mua Twitter và biến nền tảng này thành một công ty tư nhân là biến Twitter thành một pháo đài của tự do ngôn luận — bằng cách mở rộng thuật toán của nền tảng cho sự giám sát của công chúng và làm cho các chính sách kiểm duyệt của họ minh bạch hơn.
‘Thuật toán hộp đen’
Tự cho mình là “người theo chủ nghĩa tự do ngôn luận”, ông Musk nói với khán giả tại một sự kiện TED gần đây ở Vancouver, Canada, rằng Twitter nên cho phép biểu đạt không bị hạn chế, mặc dù nền tảng này phải làm như vậy một cách phù hợp với luật pháp.
“Theo quan điểm của tôi, Twitter nên phù hợp với luật pháp của đất nước,” ông Musk nói, thừa nhận các giới hạn pháp lý hợp lý về quyền tự do ngôn luận như trực tiếp kích động bạo lực hoặc kích động hỗn loạn.
Ông Musk nói, “Nhưng vượt ra ngoài điều đó và không rõ ai đang thực hiện những thay đổi ở đâu, có những tweet được thăng cấp và hạ cấp một cách bí ẩn mà không có cái nhìn sâu sắc về những gì đang diễn ra, có một thuật toán hộp đen thúc đẩy một số thứ và không thúc đẩy những thứ khác, tôi nghĩ điều này có thể khá nguy hiểm.”
Ông nói thêm: “Ý thức trực quan mạnh mẽ của tôi là có một nền tảng công cộng được tin cậy tối đa và bao trùm rộng rãi là vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh.”
Nghiêng về phía tự do ngôn luận
Ông Musk cũng bày tỏ sự miễn cưỡng về việc cấm vĩnh viễn người dùng khỏi Twitter, thay vào đó ưa thích để “những khoảng thời gian chờ” tạm thời.
“Tôi không nói rằng tôi có tất cả các câu trả lời ở đây,” ông Musk nói tại bài thuyết trình TED. “Nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi rất không muốn xóa mọi thứ, chỉ cần hết sức thận trọng với các lệnh cấm vĩnh viễn. Tôi nghĩ những khoảng thời gian chờ là tốt hơn so với các lệnh cấm vĩnh viễn.”
Về việc điều chỉnh các chính sách kiểm duyệt của Twitter, ông Musk cho biết ông muốn nghiêng về phía tự do ngôn luận.
Ông Musk nói, “Nếu nghi ngờ, hãy để bài viết đó, hãy để nó tồn tại. Nếu đó là một vùng xám, tôi sẽ nói rằng hãy để dòng tweet đó tồn tại. Nhưng rõ ràng là trong trường hợp có lẽ có nhiều tranh cãi, quý vị sẽ không nhất thiết phải quảng bá tweet đó.”
Ông Musk nói, “Một dấu hiệu tốt cho thấy liệu có quyền tự do ngôn luận hay không, là người mà quý vị không thích được phép nói điều gì đó mà quý vị không thích. Và nếu đúng như vậy, thì chúng ta có quyền tự do ngôn luận.”
‘Chúng tôi lo ngại’
Ông Musk đã nhiều lần đặt câu hỏi về cam kết của Twitter đối với tự do ngôn luận, sau những cáo buộc rằng nền tảng này đàn áp một số quan điểm thiểu số và quan điểm của người theo phái bảo tồn truyền thống về mặt chính trị. Twitter đã bác bỏ những tuyên bố đó.
Nhiều người ủng hộ quyền tự do ngôn luận đã ca ngợi việc chào mua thâu tóm của ông Musk, trong khi những người phản đối bày tỏ lo ngại rằng việc biểu đạt ít ràng buộc hơn trên Twitter sẽ khiến việc lạm dụng phạm vi tiếp cận và sức mạnh của nền tảng, chẳng hạn như lan truyền thông tin sai lệch, là điều quá dễ dàng.
Trong một loạt các tweet phản hồi về hành động tiếp quản của ông Musk, Tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại về sự xói mòn của các chính sách nhằm bảo vệ người dùng.
Tổ chức Ân xá Quốc tế viết: “Chúng tôi lo ngại về bất kỳ bước nào mà Twitter có thể thực hiện để làm xói mòn việc thực thi các chính sách và cơ chế được thiết kế để bảo vệ người dùng.”
Nhóm cho biết: “Điều cuối cùng chúng tôi cần là một Twitter cố tình làm ngơ trước những phát ngôn bạo lực và lăng mạ người dùng.”
Khi việc mua lại Twitter được xác nhận, nhà sáng lập Tesla đã kêu gọi “những người chỉ trích thậm tệ nhất” của mình ở lại trên nền tảng này.
Ông viết trong một bài đăng trên Twitter, “Tôi hy vọng rằng ngay cả những người chỉ trích tôi thậm tệ nhất vẫn ở lại trên Twitter, vì đó là ý nghĩa của tự do ngôn luận.”
Ông Dan Ives, một nhà phân tích tại công ty đầu tư Wedbush Securities, nói với BBC rằng ông hy vọng hầu hết người dùng sẽ chọn một “cách tiếp cận chờ xem” về việc họ ở lại hay rời khỏi nền tảng, dựa trên những thay đổi diễn ra.
Ông Ives nói với hãng thông tấn rằng: “Bây giờ là về việc thu hút người dùng mới và ngăn chặn những kẻ đào tẩu khỏi nền tảng.”
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: