Ông Elon Musk giải quyết vấn đề Twitter theo cách cổ điển của người Mỹ
Trong những ngày gần đây, hai nhân vật mang tính biểu tượng của công chúng Mỹ, ông Elon Musk và ông Barack Obama – mỗi người theo phong cách thương hiệu của riêng mình – đã gây tiếng vang lớn với những thành phần khán giả rất khác nhau trong cuộc tranh luận về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt ở đất nước này.
Hôm 25/04, ông Elon Musk đã đạt được thỏa thuận với ban giám đốc của Twitter để mua lại và đưa công ty này trở thành tư nhân. Ông Musk đã cam kết xoay chuyển nền tảng này theo hướng tôn trọng các nguyên tắc tự do ngôn luận, để Twitter “được tin cậy tối đa và mang tính toàn diện rộng rãi.”
Ít được chú ý hơn, một vài ngày trước đó, hôm 21/04, ông Barack Obama, cựu tổng thống có xuất thân là người tổ chức cộng đồng, đã diễn thuyết trước khán giả tại Đại học Stanford. Trong một bài thuyết trình trơn tru, ông đã thách thức mức độ liên quan – bản thân giá trị – của “tự do ngôn luận” với hầu hết mọi người. Ông Obama nói rằng nguyên nhân thúc đẩy sự bất đồng điển hình khỏi chủ nghĩa chính thống tự do là lòng thù hận và sự cố chấp, thuyết âm mưu, thông tin sai lệch do nhà nước bảo trợ (Nga!), và tuyên truyền của công ty. “Quy định phải là một phần của câu trả lời để chống lại thông tin sai lệch trực tuyến.” Các ẩn ý ở đây? Nếu quyền kiểm soát Twitter tuột khỏi tay những người cấp tiến, thì chính phủ nên kiểm duyệt thông tin, các quan điểm, và sự tham dự ở đó.
Nhiều nhà bình luận bác bỏ quan điểm cho rằng những gì xảy ra trên Twitter là việc của chính phủ. Đó là một doanh nghiệp tư nhân. Nền tảng là của họ, nên quy tắc thuộc về họ. Công ty này không làm gì thách thức các quyền Tu chính án thứ Nhất của người dùng cả. Đó là toàn bộ câu chuyện, thế là hết.
Không đơn giản như vậy. Tu chính án thứ Nhất không phải là vấn đề. Việc Twitter có toàn quyền để hoạt động như “cảnh sát tư tưởng,” ngay cả trong lĩnh vực riêng của công ty này, là kết quả của những miễn trừ đặc biệt về trách nhiệm pháp lý theo thông luật, được cấp cho bởi Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông năm 1996, một luật liên bang ưu tiên cho việc sửa lỗi của luật pháp tiểu bang về các tổn hại dân sự (tort law).
Theo các nguyên tắc thông luật, “nhà phân phối” nội dung không chịu trách nhiệm khi người tạo nội dung (người viết) phạm các lỗi như phỉ báng hoặc cố ý gây đau khổ về tinh thần. “Nhà phân phối” cổ điển là quầy báo, hiệu sách, hoặc thư viện. Nhưng một “nhà xuất bản”, chẳng hạn như một tờ báo, tạp chí, hoặc nhà xuất bản sách, thường xuyên thực hiện quyết định của người biên tập, chịu trách nhiệm và nghĩa vụ tương tự như người tạo nội dung mà họ xuất bản. Quý vị có thể đưa nhà xuất bản ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Vào thuở ban sơ của Internet, một liên minh lưỡng đảng ở Hoa Thịnh Đốn đã cấp cho các nền tảng trực tuyến những gì tốt nhất của cả hai thế giới: quyền tự do thực hiện quyết định về biên tập của “nhà xuất bản” và quyền miễn trừ trách nhiệm của “nhà phân phối”. Cả hai đảng chính trị đều tin rằng quyền tự do kiểm duyệt nội dung là điều cần thiết để các nền tảng Internet phát triển, duy trì các tiêu chuẩn cộng đồng, và bảo đảm “sự đứng đắn” trên mạng.
Nhưng chúng ta đang sống trong thời đại của các nền tảng thống trị kiểu Orwell, trí tuệ nhân tạo, và giám sát di động. Trên thực tế, chính phủ đã cấp phép cho khu vực tư nhân kiểm duyệt các phát ngôn chính trị. Mục 230 là nguồn gốc của quyền tự do của Twitter trong việc xóa các tweet, đình chỉ người dùng, xóa tài khoản vĩnh viễn, “ẩn nhận xét” (“shadow ban”), và lợi dụng thuật toán một cách tinh vi để làm nổi bật hoặc ngăn chặn bất kỳ tiếng nói nào mà Twitter chọn, mà không phải chịu hậu quả pháp lý. Nếu không có Mục 230, theo các nguyên tắc thông luật và quy chế tổn hại dân sự của quốc gia, hành vi biên tập của Twitter sẽ dẫn đến việc bị coi là một “nhà xuất bản”, không phải là một “nhà phân phối”. Công ty này sẽ bị đưa ra tòa và chịu trách nhiệm về hậu quả của bất kỳ nội dung nào mà họ cho phép trên nền tảng. Với Twitter như một “túi tiền rủng rỉnh” tiềm năng trong các vụ kiện dân sự, chúng ta sẽ thấy một loạt các vụ án tổn hại dân sự cũng liên quan đến những người dùng bình thường của nền tảng này.
Hơn 25 năm sau khi luật được ban hành, không ai kỳ vọng việc bãi bỏ Mục 230 là đơn giản. (Hồi tháng 12/2020, tổng thống đương thời Donald Trump đã cố gắng — ông yêu cầu “chấm dứt” Mục 230 và phủ quyết ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ khi ông không đạt được điều đó. Phủ quyết này đã bị bác bỏ một cách nhanh chóng bởi lưỡng đảng).
Thay vì thế, chúng ta nên chuyển trọng tâm của mình sang hai thực tế: một số ít công ty công nghệ kiểm soát các nền tảng thống trị, và các hệ tư tưởng cấp tiến đã thành lập hoặc thu phục những công ty này. Đây là những thách thức căn bản nhất hiện nay đối với quyền tự do ngôn luận và biểu đạt.
Có rất ít sự đồng thuận về những gì có thể giảm bớt sự kiềm kẹp của các đại công ty công nghệ (Big Tech). Thị trường không hẳn sẽ tự điều chỉnh: Một số công ty này có thể là công ty độc quyền tự nhiên. Công nghệ đột phá có thể đánh bật những công ty này khỏi vị thế của họ. Công bằng mà nói, chính phủ liên bang sẽ không giúp được gì nhiều – Big Tech quá có ảnh hưởng, hiểu biết, kết nối, và ủng hộ giới tinh hoa chính trị.
Ông Elon Musk đặt ra thách thức nghiêm trọng đầu tiên đối với sự thống trị của các đại công ty công nghệ cấp tiến. Và ông ấy đang làm theo cách cổ điển của người Mỹ: ông ấy mua Twitter từ tay họ.
Ông Musk sẽ khai mở nhiều thứ hơn là chỉ ngôn luận và biểu đạt. Ở phía sau, chúng ta thấy một cuộc tranh luận và trận chiến lớn khác đang diễn ra với việc mua lại Twitter – một cuộc tranh luận mà ông Barack Obama hiểu rất rõ — về giá trị trân quý của quyền tự do hội họp của chúng ta.
Ông Barack Obama có một vị trí thuận lợi độc đáo. Ông vẫn được nhiều người coi là đỉnh cao của quyền lực và uy tín cấp tiến ở đất nước này. Nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng ông Obama vẫn còn giận dữ cho đến ngày nay, về những thất bại vang dội dưới tay của hai phong trào cơ sở. Tiệc Trà (“Đã Đánh Thuế Đủ Rồi”) đã thành lập một Quốc hội của Đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 2010, loại bỏ đa số của Đảng Dân Chủ vốn đã thông qua Obamacare. Chiến dịch tranh cử tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump đã làm trật bánh cái gọi là “nhiệm kỳ thứ ba” của thời Tổng thống Obama dưới bề ngoài của người kế nhiệm là bà Hillary Clinton.
Những người cấp tiến đã bị bất ngờ vào năm 2010 và 2016 vì hầu hết cái gọi là hoạt động “cơ sở” của Cánh tả Mỹ là “hoạt động không do tự phát” – mà là các hoạt động được tạo ra theo yêu cầu để tác động đến dư luận, được tài trợ bởi giới tinh hoa giàu có trong nước, và đôi khi là các nhóm lợi ích ở ngoại quốc. Chúng được tạo ra để trưng bày và không hiệu quả lắm. Phỏng chừng, hầu hết những người cấp tiến đều nghĩ rằng Tiệc Trà chỉ là tấm bình phong cho anh em nhà Koch, và chiến dịch tranh cử của ông Trump chỉ là Nga núp sau một “chiếc xe của thằng hề.” Cựu Tổng thống Obama hiểu rõ hơn ai hết sự nguy hiểm của các phong trào cơ sở chân chính.
Quyền tự do hội họp ít nhất cũng đe dọa đến Cánh tả hiện đại như quyền tự do ngôn luận, và đây có thể là một trong những ổ khóa mà ông Elon Musk mở ra ở Twitter. Điều quan trọng không chỉ là thể hiện bản thân, mà là chứng kiến những người khác nói một cách thoải mái (quý vị không đơn độc), kết nối với những người khác có chung niềm tin và quan điểm với quý vị, cũng như xây dựng mạng lưới và cộng đồng — tất cả những điều mà những người cấp tiến đã tích cực ngăn chặn trong nhiều năm.
Liệu Twitter, dưới thời ông Elon Musk, có trở thành nền tảng cho các phong trào cơ sở lớn tiếp theo quét qua hệ thống chính trị của chúng ta? Liệu những người cấp tiến có cố gắng dùng Mục 230 làm vũ khí để áp đặt sự kiểm duyệt không? Chúng ta hãy cùng đợi xem.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Tony Hall là cựu giám sát viên của Khu vực bầu cử số 7 của San Francisco. Ông đã giữ các vị trí điều hành và hành chính tại bảy cơ quan khác nhau của thành phố ở cả ba nhánh của chính phủ — Hành pháp, Lập pháp, và Tư pháp trong khoảng thời gian 33 năm. Ông cũng là một ca sĩ-người biểu diễn giải trí được đánh giá cao ở vùng Vịnh.
Ông Larry Marso tốt nghiệp trường Luật Stanford và chương trình kinh tế cao học Woodrow Wilson School tại Đại học Princeton. Tại New York, ông hành nghề luật sư tại Cravath, Swaine & Moore, làm giám đốc ngân hàng đầu tư M&A tại Morgan Stanley và điều hành các tổ chức tài chính M&A cho UBS Paine Webber. Ông hiện là cố vấn mua bán và sáp nhập vùng Vịnh, nhà tư vấn công nghệ, và nhà phân tích dữ liệu chính trị.
Tony Hall và Larry Marso thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: