Ông Boris Johnson: Anh Quốc sẽ không ‘gạt bỏ’ đầu tư của Trung Quốc
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ không “gạt bỏ” đầu tư từ Trung Quốc bất chấp một danh sách dài các cuộc luận chiến đang diễn ra với chế độ cộng sản này về các vấn đề như Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, và Biển Đông.
Ông Johnson nói trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Đầu tư Toàn cầu ở London: “Tôi sẽ không nói với quý vị rằng chính phủ Anh Quốc sẽ gạt bỏ mọi lời đề nghị từ phía Trung Quốc. Trung Quốc là một phần rất quan trọng trong đời sống kinh tế của chúng ta và sẽ là thế trong một thời gian dài – toàn bộ cuộc đời của chúng ta.”
Nhưng ông cho biết điều đó không có nghĩa là Anh Quốc nên “ngây thơ” với sự tham gia của chính quyền Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng tự nhiên quan trọng của Anh Quốc, chẳng hạn như năng lượng hạt nhân và công nghệ 5G.
Ông Johnson cho biết nước Anh “cần thận trọng” về cách mà nước này quản lý cơ sở hạ tầng quan trọng của mình và đầu tư trực tiếp ngoại quốc từ phía Trung Quốc, và “đó là lý do tại sao chúng tôi đưa vào một số pháp chế mà chúng tôi có.”
“Tôi không có chống Trung Quốc, thực sự không chút nào,” ông cho biết, và nói thêm, “Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời, một nền văn minh vĩ đại.”
“Bất chấp mọi khó khăn, bất chấp tất cả các cuộc đàm luận gay go về Đức Đạt Lai Lạt Ma hay Hồng Kông hay người Duy Ngô Nhĩ – những khía cạnh mà chúng tôi sẽ tiếp tục giữ nguyên quan điểm của mình – thì giao thương với Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng trong một thời gian rất dài.”
Quan hệ Anh-Trung đang ở điểm thấp nhất trong nhiều năm do những bất đồng về một danh sách dài các vấn đề, nổi bật nhất là việc chính quyền này vi phạm Tuyên bố Chung Trung-Anh về Hồng Kông và các chính sách được cho là diệt chủng ở Tân Cương.
Để đối phó với những vi phạm này, chính phủ Anh Quốc đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và cấp cho người dân Hồng Kông có Quốc tịch Anh (Hải ngoại) một con đường trở thành công dân Anh Quốc.
Tháng trước, Anh Quốc đã khiến Bắc Kinh khó chịu hơn nữa khi tham gia AUKUS, một liên kết đối tác an ninh ba bên mới với Hoa Kỳ và Úc trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Johnson vẫn mong muốn duy trì liên kết kinh tế tích cực với Bắc Kinh. Vào tháng 01/2020, ông đã đưa ra đề nghị với đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei một vai trò hạn chế trong các phần “không nhạy cảm” của mạng 5G của Anh Quốc, một quyết định đã bị đảo ngược vào tháng 07/2020 dưới áp lực dữ dội từ phía chính phủ Tổng thống Trump.
Theo học giả người Úc Clive Hamilton, Anh Quốc và Đức bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi sự xâm nhập của ĐCSTQ “vì vai trò của họ trên thế giới và vì sự ngây thơ chất phác của giới tinh hoa hàng đầu ở những quốc gia đó” trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, học thuật, văn hóa, và truyền thông.
Ông Hamilton, đồng tác giả của cuốn “Bàn tay Ẩn: Vạch trần Cách Đảng Cộng sản Trung Quốc Đang Định hình lại Thế giới,” nói với The Epoch Times hồi tháng Chín năm ngoái rằng đã có “một sự thức tỉnh trong Nghị viện Anh” về mối đe dọa do chính quyền Trung Quốc gây ra.
Nhưng ông cảnh báo rằng còn “quá sớm để bắt đầu ăn mừng.”
Bản tin có sự đóng góp của Sharon Hsu và PA
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: