Ông Blinken và quan chức EU ủng hộ Lithuania trước sự chèn ép của Trung Quốc
Hôm 22/12, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và trưởng ban chính sách ngoại giao của Liên minh Âu Châu Josep Borrell đã cùng nhau thảo luận về những mối quan tâm chung của họ trước chiến thuật chèn ép của Trung Quốc, đặc biệt là những hành động nhắm vào Lithuania – một quốc gia thành viên của EU.
Theo tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price, hành động cưỡng bách của chế độ cộng sản này đối với Lithuania đang leo thang, cả về chính trị và kinh tế, và nó cũng “tác động đến cả các công ty Hoa Kỳ và Âu Châu.”
Ông còn nói thêm, “Họ nhấn mạnh sự đoàn kết tiếp tục của chúng tôi đối với Lithuania khi đối mặt với hành vi chèn ép của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và cam kết hợp tác cùng nhau để tăng cường khả năng phục hồi kinh tế.”
Theo một tuyên bố riêng của Cơ quan Hành động Ngoại giao Âu Châu, ông Borrell nói với ông Blinken rằng EU “sẽ cùng nhau chống lại mọi áp lực chính trị và các biện pháp chèn ép được áp dụng đối với bất kỳ thành viên nào của mình.”
Chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch trừng phạt nhằm vào Lithuania, sau quyết định nâng cấp mối bang giao với Đài Loan của quốc gia Baltic này bằng cách đồng ý mở một đại sứ quán trên thực tế ở thủ đô Vilnius, sử dụng tên chính thức của Đài Loan.
Việc lựa chọn từ ngữ này có ý nghĩa rất quan trọng vì Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh của mình. Do đó, Bắc Kinh đã gây áp lực lên các nước để không cho phép Đài Loan mở các văn phòng thương mại dưới tên “Đài Loan” hoặc tên chính thức của hòn đảo này là “Trung Hoa Dân Quốc,” mà phải là “Đài Bắc”.
Đài Loan, một quốc gia độc lập trên thực tế với chính phủ và quân đội được bầu cử dân chủ, hiện đang có 14 đồng minh ngoại giao. Cả Lithuania và Hoa Kỳ đều không phải là đồng minh chính thức của Đài Loan.
Chiến dịch trừng phạt này bao gồm việc Bắc Kinh triệu hồi đại sứ của họ tại Lithuania và hạ cấp quan hệ ngoại giao với quốc gia Baltic này. Cuối tháng trước, Trung Quốc thông báo rằng họ đã ngừng cấp thị thực tại đại sứ quán của họ ở Lithuania.
Bắc Kinh cũng cố gắng điều chỉnh hệ thống khai báo hải quan của mình, chặn hàng hóa từ Lithuania tại các cảng của Trung Quốc.
Gần đây, ông Antanas Venckus, một quan chức cao cấp của Bộ Nông nghiệp Lithuania, nói với Hãng thông tấn Trung ương do chính phủ Đài Loan điều hành rằng Trung Quốc đang gây áp lực buộc các công ty quốc tế không được hợp tác với các công ty của Lithuania.
Một công ty quốc tế mà Trung Quốc đã gây áp lực là nhà sản xuất phụ tùng xe hơi của Đức, Continental, theo Reuters.
Cuộc điện đàm giữa ông Blinken và ông Borrell diễn ra một ngày sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ nói chuyện với Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte. Trong cuộc điện đàm đó, ông Blinken đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Lithuania khi nước này đối mặt với sự cưỡng bách của Trung Quốc.
Khi được hỏi về cuộc điện đàm giữa ông Blinken và bà Simonyte, ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đổ lỗi cho Lithuania về “những khó khăn nghiêm trọng” trong mối quan hệ song phương, trong một cuộc họp giao ban hàng ngày hôm 22/12.
Ngoài ra, ông Triệu cho biết Trung Quốc “không bắt nạt” các quốc gia khác và cáo buộc Hoa Kỳ mới là quốc gia đã tham gia vào “hoạt động cưỡng bách kinh tế và quân sự.”
Những phát ngôn chống lại Lithuania của ông Triệu hôm 20/12 — cách quốc gia Baltic này sẽ rơi vào “thùng rác của lịch sử” ra sao khi ủng hộ Đài Loan — đã khiến ông Matas Maldeikis, một thành viên của Quốc hội Lithuania, phẫn nộ.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đe dọa ‘quét Lithuania vào thùng rác của lịch sử’, điều này thật nực cười, vì đó là nơi mà chủ nghĩa cộng sản thực sự đang ở,” ông Maldeikis viết trên Twitter.
The Chinese Communist Party is threatening to "sweep Lithuania into the trashcan of history", which is ironic, because that's where communism already is.#StandWithTaiwan 🇱🇹💕🇹🇼🍍
— Matas Maldeikis MP 🇱🇹 (@MatasMaldeikis) December 22, 2021
Lithuania không phải là vấn đề duy nhất mà ông Blinken và ông Borrell thảo luận. Theo Bộ Ngoại giao, hai nhà lãnh đạo này cũng nói về cam kết tiếp tục tăng cường liên kết đối tác Hoa Kỳ-EU, cũng như sự cần thiết của các hành động phối hợp để hỗ trợ Ukraine chống lại hành vi gây hấn quân sự của Nga.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: