Ông Biden sẽ đưa cho mọi người nhiều tiền hơn
Tổng thống Joe Biden chắc hẳn đã đọc W.W. Jacobs, một tác giả người Anh đầu thế kỷ 20 với những truyện ngắn nhẹ nhàng, đáng yêu.
Những câu chuyện của ông Jacobs thường được kể qua lời của một người gác đêm tại cầu cảng ở bến tàu London. Câu chuyện “An Odd Freak” (“Một điều quái lạ dị thường”) bắt đầu như thế này: “‘Nói đến tiền’, người gác đêm trầm ngâm nói trong khi chọn một hộp đựng xà phòng trống trên cầu cảng để làm chỗ ngồi, ‘cả thế giới sẽ khác đi nếu tất cả chúng ta có nhiều tiền hơn. Đó có thể sẽ là một nơi tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người.’”
Tổng thống hẳn đã ghi lòng tạc dạ thông điệp này, rõ ràng đúng là vậy. Người gác đêm đã trở thành chuyên gia kinh tế của ông Biden. Theo đó, nhờ có tổng thống, mọi người sẽ sớm có nhiều tiền hơn trước, mặc dù (như thường lệ) một số người sẽ thu được nhiều tiền hơn những người khác, tùy thuộc vào việc họ có phải là nhà thầu của chính phủ, thành viên của những nhóm được ưu ái hay các nhóm tương tự khác hay không.
Liệu tiền có giữ được giá trị lâu dài sau khi được phân phối theo kiểu này hay không là một câu hỏi chỉ có thể được trả lời bằng trải nghiệm.
Tuy nhiên, không có cách nào tốt hơn để thỏa mãn mong muốn được ca ngợi là hào phóng và có tấm lòng cao cả hơn là việc cho đi tiền của người khác, hoặc thậm chí là tạo mới nó từ lớp không khí mỏng manh, từ hư không. Ngay cả khi nó giảm giá trị như là một hệ quả, nó sẽ tốt hơn là không có gì.
Xúc tiền xung quanh như thể đó là những quân cờ trên bàn cờ dường như đang là xu hướng thời thượng ngày nay. Một khi cơ sở hạ tầng đã được xây dựng và mọi người đang từ tình trạng phá sản được đưa lên đỉnh cao thịnh vượng chưa từng thấy, thì sẽ còn nhiều việc phải làm cho những kẻ xúc tiền.
Ví dụ, sẽ có các khoản bồi thường phải được chi trả cho tất cả con cháu của những nô lệ xưa kia ở Hoa Kỳ. Điều này sẽ dẫn đến một vũ điệu mới của hàng nghìn tỷ USD.
Chúng ta đã đi được bao xa kể từ khi bóng đêm che phủ trong những năm 1920! Vào những ngày đó, đã có hàng triệu [dollar] nhảy nhót ở Cuba khi giá đường tăng vọt như hỏa tiễn sau Đệ nhất Thế chiến (mặc dù nó đã sớm rơi xuống như một viên đá trong thinh không).
Những ngày đó họ đơn giản, ngây thơ và chất phác làm sao, chỉ nghĩ đến hàng triệu! Đối với chúng ta, sẽ không ít hơn hàng ngàn tỷ, tức là hàng triệu triệu [dollar].
Như ông Humpty Dumpty chắc chắn cũng sẽ nói, bạn có tiến bộ! Chúng ta giàu hơn hàng triệu lần so với những người Cuba nghèo của một thế kỷ trước.
Siêu lạm phát
Trong căn bếp của mình, tôi có một bộ sưu tập đã được đóng khung ngay ngắn các tờ tiền giấy của các quốc gia đã trải qua siêu lạm phát (cũng có những tờ tiền có chân dung các bạo chúa). Đấy là tôi còn chưa đưa vào đó một tờ tiền giấy đến từ “ngày hạnh phúc” khi ở Bolivia; tôi đã đổi 50 USD tại một ngân hàng và phải quay trở lại khách sạn lấy một chiếc túi để chứa được tất cả số peso mà tôi nhận được.
Tôi cũng chưa đưa vào đó bất kỳ đồng “intis” nào [đơn vị tiền tệ của Peru]; lúc tôi đi uống trà, tôi tự nhủ nên đổi một vài USD trước hay sau khi đi. Thật may mắn khi tôi đã chọn phương án thứ hai bởi vì nếu tôi chọn đổi tiền trước thì tôi đã mất 20% giá trị khi đang nhâm nhi tách trà của mình.
Có lẽ tờ tiền yêu thích của tôi trong bộ sưu tập siêu lạm phát là tờ tiền 50 nghìn tỷ dollar Zimbabwe. Tôi thích nó hơn tờ tiền 100 nghìn tỷ vì sự phối màu: xanh lá cây hơn là xanh lam.
Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe lúc bấy giờ đã hứa sẽ trả cho người cầm tờ giấy bạc đó số tiền 50 nghìn tỷ dollar, nhưng tôi không thể hình dung nổi ý nghĩa thực sự của cam kết đó trong thực tế. Hàng trăm nghìn giao dịch viên đếm từng đồng dollar một ư?
Tôi nhớ, một cách tình cờ, đồng dollar Zimbabwe và đồng dollar Rhodesian trước đó thực sự có giá trị nhất định.
Bồi thường
Nhưng quay trở lại khuyến nghị về sự bồi thường cho con cháu của những nô lệ ở Hoa Kỳ. Chúng ta hãy bỏ qua các vấn đề trong việc xác định chính xác tỷ lệ bộ gen của một người có nguồn gốc nô lệ.
Rốt cuộc, nếu người dân Pháp ở Saint Domingue vào thế kỷ 18 (trước khi trở thành Haiti) có thể tìm ra 64 mức độ trắng đen trong bảng phả hệ của họ, chắc chắn cần phải có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại mới có thể kết luận đủ chính xác?
Nhưng có vẻ như những người ủng hộ ý tưởng bồi thường cho chế độ nô lệ chưa nghe đến việc ghi sổ kép: họ chỉ tính đến những tổn hại đã phát sinh chứ không tính đến lợi ích nhận được.
Tất nhiên, nhiều tổn hại gây ra là cố ý, hoặc ít nhất là có thể dự đoán được, và những lợi ích nhận được là ngẫu nhiên, chứ không phải là kết quả của kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, những lợi ích nhận được là đáng kể, và chắc chắn phải được tính toán để đối ứng lại với những tổn hại.
Như một chỉ số sơ bộ, tôi so sánh thu nhập hộ gia đình trung bình của các hộ gia đình người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ với thu nhập của người dân Nigeria, và tương tự là tuổi thọ trung bình của họ. Sự tương phản có thể còn gây ấn tượng mạnh hơn nữa bằng cách chọn các quốc gia khác mà [từ đó] người dân bị bắt đi làm nô lệ, nhưng tôi không cố gắng thổi phồng nữa.
Thu nhập trung bình của hộ gia đình da màu ở Hoa Kỳ là khoảng $59,000; của Nigeria là $5,000. Tuổi thọ của người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ là 75 tuổi, ở Nigeria là 54 tuổi. Ngay cả khi áp dụng sự chênh lệch về sức mua, người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ giàu hơn nhiều lần so với người Nigeria và họ sống lâu hơn trung bình 21 năm, một lợi thế không nhỏ.
Nói cách khác, ở những khía cạnh quan trọng, người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ đã là những người hưởng lợi ròng từ việc vận chuyển cưỡng bức tổ tiên của họ đến Hoa Kỳ. Điều này không hề có ý gì nhằm làm giảm đi sự khủng khiếp của chế độ nô lệ, nhưng nó đưa ra góc nhìn khác đối với những yêu sách đòi bồi thường của những người hiện đang sinh sống.
Tôi có một sự quan tâm cá nhân đối với việc bồi thường. Mẹ tôi, một người tị nạn từ Đức Quốc xã, không được hưởng thừa kế gì từ cha mẹ của bà, những người chắc chắn thuộc tầng lớp trung lưu. Chính phủ Đức đã từng đề nghị bồi thường cho bà, và bà đã từ chối, với sự tiếc nuối non nớt của tôi vào thời điểm đó, khi điều đó có thể giúp tình hình kinh tế của bà bớt căng thẳng (và tiếp đến là tình hình kinh tế của tôi) trong suốt cuộc đời.
Bà gọi những sự bồi thường này là tiền máu. Nhưng với tôi, rõ ràng là tôi không có yêu sách nào đối với nước Đức, và cuộc sống của tôi sẽ không được cải thiện nếu tôi theo đuổi, hoặc thậm chí giành chiến thắng, với một yêu sách như vậy.
Ngược lại, đó sẽ là một sự tìm kiếm hèn kém và thiếu trung thực. Việc theo đuổi một điều gì đó không vì lý do gì cả–không vì lý do gì cả, tức là đoạt lấy trái với lòng tự trọng.
Tác giả Theodore Dalrymple là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông là biên tập viên cộng tác của Journal of New York và là tác giả của 30 cuốn sách, trong đó có “Life at the Bottom”. Cuốn sách mới nhất của ông là “Embargo and Other Stories”.
Do Theodore Dalrymple thực hiện
Minh Trí biên dịch
Xem thêm: