Ông Biden kêu gọi phương Tây ‘đoàn kết và quyết tâm’ trong bài diễn văn tại Warsaw
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có bài diễn văn tại Warsaw vào thứ Bảy (26/03), đồng thời Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống sẽ đưa ra lời kêu gọi đoàn kết và quyết tâm của phương Tây khi đối mặt với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Tại thời điểm đưa tin này, ông Biden đang ở Ba Lan, nơi mà ông đã gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Vào cuối ngày, ông Biden sẽ gặp gỡ các quan chức Ba Lan khác và những người tị nạn Ukraine ở Warsaw, để có cái nhìn trực tiếp về các nỗ lực nhân đạo của Hoa Kỳ khi đối mặt với làn sóng ồ ạt những người đi chạy nạn tránh chiến tranh.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu (25/03) rằng TT Biden có kế hoạch đưa ra một bài diễn văn quan trọng vào thứ Bảy ở Warsaw, nơi ông sẽ “nói chuyện về các vấn đề hiện tại” và mức độ cấp bách của những thách thức mà liên minh phương Tây đang phải đương đầu khi họ đáp trả cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Ông Sullivan cho biết bài diễn văn của ông Biden sẽ đưa ra cái nhìn tổng quát về “ý nghĩa của cuộc xung đột ở Ukraine đối với thế giới, và tại sao điều quan trọng là thế giới tự do vẫn đoàn kết và kiên quyết khi đối mặt với cuộc xâm lược của Nga.”
Ngài tổng thống cũng sẽ đưa ra những dự báo của chính phủ về diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine kể từ đây.
Khi được các phóng viên hỏi liệu chính phủ có đánh giá là Nga sẽ hành động chống lại các nước Đông Âu khác hay không, ông Sullivan cho biết các hành động của Nga ở Ukraine cho thấy sự sẵn sàng coi thường các biên giới quốc tế và “luật đi đường căn bản của cộng đồng quốc tế”.
Ông Sullivan nói rằng việc ông Biden hỗ trợ khai triển thêm lực lượng ở các nước Đông Âu là nhằm gửi một “thông điệp rõ ràng” tới Moscow rằng Hoa Kỳ và các đồng minh NATO của họ sẵn sàng bảo vệ “từng inch lãnh thổ của NATO, và ngăn chặn bất kỳ suy nghĩ nào rằng ông Putin có thể thực hiện cuộc xâm lược sâu hơn của Nga vào NATO.”
Một diễn biến quan trọng đứng từ góc độ cân nhắc an ninh dọc theo sườn phía đông của NATO là thực tế Belarus đang được tận dụng làm nơi bày binh bố trận cho các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và rằng quốc gia đồng minh này của Nga đã thay đổi hiến pháp của mình để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc huy động hơn nữa quân đội và năng lực của Nga trên lãnh thổ của họ.
Ông Sullivan nói rằng, mối đe dọa về việc Belarus có thể tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột này là một lý do tại sao các lực lượng NATO được bố trí dọc sườn phía đông phải “thể hiện sức mạnh và quyết tâm”.
Ông Sullivan nói thêm rằng quá trình ngoại giao giữa Ukraine và Nga vẫn tiếp tục, với một số đồng minh NATO đóng vai trò trong các cuộc đàm phán, mặc dù Hoa Kỳ không trực tiếp tham gia.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, có chung đường biên giới trên biển với Ukraine và Nga ở Biển Đen, có quan hệ tốt với cả hai và đã đề nghị làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này.
Trình bày trước phóng viên tại Brussels sau hội nghị thượng đỉnh bất thường của NATO vào thứ Năm (24/03), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết mục tiêu chính trong nỗ lực hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ là đưa tổng thống Ukraine và tổng thống Nga cùng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong một bài diễn văn trên video hôm thứ Sáu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy cho biết ông đã điện đàm với ông Erdogan và họ đã thảo luận về “những nỗ lực có thể giúp Ukraine tiến gần hơn đến hòa bình và chấm dứt hành động xâm lược lãnh thổ ngoại bang vô nghĩa này của Nga.”
Văn phòng của ông Erdogan cho biết hôm thứ Sáu rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vốn là điều mà ông Zelensky nói trong bài diễn văn của mình phải là một điều kiện của một thỏa thuận thương lượng.
“Chủ quyền của Ukraine phải được bảo đảm,” ông Zelensky nói. “Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được bảo đảm. Tức là các điều kiện này phải công bằng. Và người dân Ukraine sẽ không chấp nhận nước khác.”
Tổng thống Zelensky, người cho biết rằng 16,000 quân nhân Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này, một lần nữa kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình “có ý nghĩa” với Nga.
“Có ý nghĩa. Khẩn cấp. Công bằng. Vì kết quả, không phải vì sự chậm trễ,” ông Zelensky nói.
Các nhà phân tích và quan chức đã đặt câu hỏi về sự chân thành của Nga trong việc tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình. Một số người lập luận rằng chỉ khi Moscow cảm thấy rằng có cơ hội bảo đảm một chiến thắng quân sự trong chiến dịch gần như đến hồi kết này, thì Điện Kremlin mới có thể tham gia vào các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss là người chỉ trích thẳng thắn các cuộc đàm phán này, bày tỏ lo ngại rằng các cuộc đàm phán đang bị Nga sử dụng như một “màn hỏa mù” để tập hợp lại trước một cuộc tấn công mới.
“Tôi rất hoài nghi,” bà Truss nói với tờ Times of London trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Những gì chúng tôi chứng kiến là nỗ lực tạo không gian cho người Nga tập hợp lại. Cuộc xâm lược của họ không diễn ra theo kế hoạch,” bà nói.
“Tôi e rằng cuộc đàm phán là một nỗ lực khác để đánh lạc hướng và tung hỏa mù. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng chúng ta đã đến lúc để đàm phán,” bà cho biết thêm.
Tình báo Anh đã vẽ nên bức tranh về một cuộc tiến công gặp khó khăn của Nga trong việc đáp ứng các mục tiêu chiến dịch, bị chậm lại do các vấn đề hậu cần và sự kháng cự quyết liệt của Ukraine.
“Các lực lượng của Nga đang miễn cưỡng tham gia vào các chiến dịch bộ binh đô thị quy mô lớn, thay vì dựa vào việc sử dụng bừa bãi các cuộc bắn phá trên không và pháo binh trong một nỗ lực làm mất tinh thần lực lượng phòng thủ,” tình báo Anh cho biết trong một bản cập nhật ngày 26/03.
“Nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục sử dụng hỏa lực hạng nặng vào các khu vực đô thị để hạn chế những tổn thất vốn đã quá lớn của chính mình, với cái giá là thêm thương vong cho dân thường,” tình báo Anh cho biết.
Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc cho biết trong bản cập nhật ngày 25/03 rằng tổng cộng 1,081 dân thường đã thiệt mạng và 1,707 người bị thương trong cuộc giao tranh ở Ukraine.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: