OFAC: Các nhà đầu tư Hoa Kỳ không bắt buộc phải thoái vốn khỏi các công ty quân sự Trung Quốc sau lệnh cấm
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã ban hành hướng dẫn mới liên quan đến các lệnh trừng phạt Tổ hợp Công nghiệp-Quân sự Trung Quốc (CMIC) để đáp lại các câu hỏi thường gặp, chỉ hai ngày trước thời hạn các nhà đầu tư Hoa Kỳ phải thoái toàn bộ số chứng khoán nắm giữ của họ ở các công ty quân sự Trung Quốc được chỉ định.
Hướng dẫn mới, được công bố hôm 01/06, nói rằng “người dân Hoa Kỳ không bắt buộc phải thoái số chứng khoán nắm giữ CMIC của họ trong thời gian thoái vốn thích hợp là 365 ngày và có thể tiếp tục nắm giữ các chứng khoán đó sau thời gian thoái vốn.”
Hướng dẫn nêu rõ: “E.O. 13959, như đã được sửa đổi, cho phép việc mua hoặc bán được thực hiện chỉ với mục đích thoái vốn chứng khoán CMIC, nhưng chỉ trong thời gian thoái vốn 365 ngày. Theo đó, không có sự cho phép của OFAC thì bất kỳ giao dịch mua hoặc bán nào như vậy đều bị cấm sau thời gian thoái vốn 365 ngày.”
Theo Herbert Smith Freehills LLP, điều này có nghĩa là việc thoái vốn trong 365 ngày là không bắt buộc; đúng hơn, chính sự cho phép mua hoặc bán nhằm vào Chứng khoán CMIC là hoàn toàn vì mục đích thoái vốn.
Công ty luật có trụ sở tại London này cho biết mặc dù chính sách mới không áp đặt nghĩa vụ thoái vốn, nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ bị cấm thoái vốn bất kỳ cổ phiếu CMIC Securities nào mà họ giữ lại sau khi giai đoạn thoái vốn kết thúc.
Công ty luật này nêu rõ: “Về mặt thực tế, do không có sự chắc chắn về thời gian mà Chương trình Trừng phạt CMIC hoặc các biện pháp trừng phạt đối với các công ty CMIC riêng lẻ sẽ kéo dài bao lâu, các cá nhân và công ty Hoa Kỳ sẽ được thuận lợi khi xem xét thoái vốn trước thời hạn thoái vốn, vì khả năng thoái vốn sau thời hạn của họ hiệu quả sẽ tùy thuộc vào việc Chương trình bị đình chỉ (hoặc vào các biện pháp trừng phạt đối với các CMIC riêng lẻ bị chấm dứt).”
Chính sách mới cho phép các tổ chức tài chính Hoa Kỳ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch Chứng khoán CMIC của và thay mặt cho các khách hàng không ở Hoa Kỳ, mặc dù Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) đã cảnh báo rằng việc tái đầu tư cổ tức sẽ cấu thành việc “mua” Chứng khoán CMIC và do đó bị cấm theo lệnh này.
Hôm 03/06/2021, Tổng thống Joe Biden đã ký lệnh, sửa đổi lệnh cấm từ thời ông Trump đối với đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc, chỉ định 59 công ty có liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng và giám sát Trung Quốc.
Lệnh này cấm vốn đầu tư của Hoa Kỳ hỗ trợ cho tổ hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc, các chương trình nghiên cứu và phát triển quân sự, tình báo, và an ninh của Trung Quốc, cũng như sản xuất vũ khí và thiết bị liên quan.
Ông Biden nói: “Ngoài ra, tôi thấy rằng việc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc bên ngoài [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ] và sự phát triển hoặc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc để tạo điều kiện cho đàn áp hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tạo thành những mối đe dọa đáng chú ý và khác thường.”
Cựu Tổng thống Donald Trump ban đầu đã ban hành sắc lệnh (pdf) vào ngày 12/11/2020, cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc được Ngũ Giác Đài chỉ định là có quan hệ với quân đội Trung Quốc, với lý do đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thông qua chiến lược quốc gia táo bạo mang tên “Hợp nhất Quân sự-Dân sự” của họ, sử dụng các công ty Trung Quốc để tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc, chính thức được gọi là Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), sắc lệnh của cựu TT Trump nêu rõ.
Cuối tháng 12/2020, chính phủ ông Trump đã gia hạn lệnh cấm đầu tư để áp dụng cho bất kỳ công ty con nào của một công ty quân sự Trung Quốc cộng sản. Bộ Ngân khố cho biết họ đã lên kế hoạch niêm yết công khai các công ty con do các công ty quân sự Trung Quốc “sở hữu từ 50% trở lên” hoặc “được xác định là bị kiểm soát” bởi các công ty này.
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.