Núi lửa Kilauea ở Hawaii phun trào
Một vụ phun trào khác đã được phát hiện tại núi lửa Kīlauea trên Đảo Lớn (Big Island) của Hawaii, khiến Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) phải nâng mức cảnh báo núi lửa từ “theo dõi” lên “cảnh báo.”
Sự kiện này đánh dấu đợt phun trào thứ ba trong năm nay của núi lửa Kīlauea, sau các đợt phun trào trước đó hồi tháng Một và tháng Sáu. Trong tiếng Hawaii, Kīlauea có nghĩa là “lan thật rộng”.
Theo USGS, vụ phun trào núi lửa được phát hiện vào khoảng 3 giờ 15 phút chiều, theo giờ địa phương vào ngày 10/09, bắt đầu từ bên trong miệng núi lửa Halemaʻumaʻu và “trên sườn dốc về phía đông ở miệng núi lửa cao nhất của Kīlauea.”
USGS cho biết trước vụ phun trào đã có “một giai đoạn địa chấn mạnh” và “sự nâng lên nhanh chóng của miệng núi lửa cao nhất.”
“Những giai đoạn mở đầu của vụ phun trào diễn ra mạnh mẽ. Hình ảnh qua webcam cho thấy các vết nứt ở đáy miệng núi lửa Halemaʻumaʻu tạo ra những dòng dung nham trên bề mặt đáy miệng núi lửa,” cơ quan này cho biết trong một tuyên bố.
USGS cho biết thêm: “Hoạt động này được giới hạn ở Halemaʻumaʻu và các mối nguy hiểm sẽ được đánh giá lại khi núi lửa tiếp tục phun trào.”
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Hawaii (EMA) cho biết vụ phun trào không gây ra mối đe dọa về dung nham cho các cộng đồng lân cận, nhưng các hạt và khói núi lửa có thể gây ra các vấn đề về hô hấp.
“Tại thời điểm này, dung nham ở Kīlauea chỉ giới hạn ở miệng núi lửa cao nhất và không gây ra mối đe dọa về dung nham cho các cộng đồng,” cơ quan này tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter.
Cơ quan này cho biết thêm, “Tuy nhiên, các vụ phun trào phát ra các hạt và khí núi lửa có thể gây ra những vấn đề về hô hấp cho những người tiếp xúc.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times