Nữ tổng thống đầu tiên của Moldova thay đổi lập trường về Trung Quốc, phá vỡ thông lệ lâu năm
Nữ tổng thống đầu tiên của Moldova, bà Maia Sandu, đã phá vỡ một thông lệ lâu năm khi không vinh danh đại sứ Trung Quốc tại Moldova khi ông ấy kết thúc nhiệm kỳ. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Moldova đang thay đổi lập trường ủng hộ Trung Quốc đã có từ lâu của họ.
Bà Sandu, 49 tuổi, nhậm chức vào ngày 20/12/2020, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Moldova khi đánh bại ông Igor Dodon, cựu Tổng thống Moldova và lãnh đạo Đảng Xã Hội của Moldova, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Moldova là một quốc gia hậu Xô Viết ở Đông Âu với dân số 4.02 triệu người. Nước này tuyên bố độc lập vào ngày 27/08/1991.
Vào hôm 20/09, hãng thông tấn nhà nước của Nga Sputnik đưa tin, ông Dodon đã tiết lộ rằng bà Sandu đã không vinh danh đại sứ Trung Quốc tại Moldova, ông Trương Nghịnh Hồng (Zhang Yinghong), người mới đây đã kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Ông Dodon cho biết hành động của bà Sandu là khiêu khích đối với Trung Quốc, đặc biệt là trong những tháng gần đây, họ đã vinh danh Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và Pháp. Ông Dodon đã gọi Trung Quốc là đối tác chiến lược của Moldova và cáo buộc bà Sandu “không tôn trọng” Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo trang web chính thức của đại sứ quán Trung Quốc tại Moldova, vào hôm 17/09, ông Trương đã gửi lời chào tạm biệt tới Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Moldova, Nicolay Popescu, nhưng bà Sandu đã không có mặt.
Bà Sandu tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu Kinh tế Moldova năm 1994 và lấy bằng thạc sĩ về chính sách công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010. Từ tháng 06/2010 đến tháng 07/2012, bà là cố vấn cho Giám đốc Điều hành của Ngân hàng Thế giới tại Hoa Thịnh Đốn. Từ tháng 07/2012 đến 07/2015, bà phụng sự với tư cách là bộ trưởng giáo dục của Moldova, và từ tháng 06-11/2019 bà đã giữ chức thủ tướng trước nhiệm kỳ tổng thống này.
Vào hôm 27/08/2021, nhân dịp kỷ niệm 30 năm độc lập của Moldova, bà Sandu nói với tất cả công dân rằng Moldova sẽ thực hiện các bước vững chắc để hội nhập vào Âu Châu và có được chỗ đứng trong Liên minh Âu Châu (EU). Bà Sandu là nhà lãnh đạo Moldova đầu tiên công khai lập trường ủng hộ EU và tầm nhìn về việc gia nhập Liên minh Âu Châu, điều mà bà đã làm từ năm 2016.
Lịch sử lâu dài ủng hộ chủ nghĩa cộng sản của Moldova
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Moldova và ĐCSTQ đã thiết lập mối liên kết ngoại giao vào ngày 30/01/1992. Kể từ đó, hai bên thường xuyên hợp tác trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế cũng như thường xuyên tổ chức các chuyến thăm song phương.
Vào tháng 09/2009, ĐCSTQ đã thành lập Viện Khổng Tử đầu tiên của mình ở Moldova. Các Viện Khổng Tử thường được coi là một cách thức để Bắc Kinh quảng bá tuyên truyền dưới chiêu bài giảng dạy, can thiệp vào quyền tự do ngôn luận trong các khuôn viên trường, và thậm chí do thám sinh viên. Một báo cáo điều tra do Cơ quan Tình báo An ninh Canada đưa ra năm 2007 nói rằng ĐCSTQ đã cố gắng sử dụng Viện Khổng Tử để thao diễn quyền lực mềm của mình.
Vào tháng 09/2013, sau khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình lần đầu tiên giới thiệu “Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI),” Moldova và sáu quốc gia khác ở Âu Châu và Á Châu đã ký một biên bản ghi nhớ về việc đồng xây dựng BRI với sự hợp tác của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Moldova đã dựa vào Nga trong một thời gian dài và tích cực ủng hộ các chính sách của ĐCSTQ. Ví dụ, vào tháng 05/2010, dưới sự can thiệp của Trung Cộng, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Quốc gia đã hủy bỏ hai buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun.
Sáng ngày 25/05/2010, theo giờ địa phương, đoàn múa và dàn nhạc của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York đã có mặt trước Nhà hát Nhạc Vũ kịch Quốc gia ở Moldova theo đúng lịch trình, thu xếp vào nhà hát để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn lúc 7 giờ tối, NTD đưa tin. Tuy nhiên, nhà hát này đã đóng cửa, nhân viên của nhà hát đã chờ ngoài cửa hơn 5 giờ đồng hồ nhưng bộ phận tiếp nhận của nhà hát này cũng như chính quyền địa phương đã từ chối phản hồi.
Người quản lý nhà hát tiết lộ với công chúng vào ngày 24/05/2010 rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc và đại sứ quán Trung Quốc tại Moldova đã gây áp lực lớn lên chính phủ Moldova để cưỡng chế hủy bỏ hai chương trình biểu diễn của Shen Yun.
Hành động của Moldova đã bị Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2010 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lên án. Báo cáo này nêu rõ rằng mặc dù Nhà hát Moldova đã ký hợp đồng biểu diễn với Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp vào ngày 20/01/2010, nhưng nhà hát đã không chịu nổi áp lực từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hội nhập Âu Châu Andrei Popov, buộc phải hủy bỏ chương trình biểu diễn đã được lên lịch này. Ông Popov nói rằng chương trình biểu diễn đó có thể làm tổn hại đến mối bang giao với ĐCSTQ.
Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun có trụ sở tại New York đã vươn lên trở thành đoàn múa cổ điển Trung Quốc hàng đầu thế giới chỉ trong vòng mười năm, tái sinh một loại hình nghệ thuật cổ đại đã bị thất truyền ở Trung Quốc dưới chế độ cộng sản. Năm 2006, các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả một số người đã thoát khỏi cuộc đàn áp ở Trung Quốc, đã cùng nhau đến New York để thành lập một công ty nghệ thuật nhằm phục hưng 5,000 năm văn minh Trung Quốc và triển hiện văn hóa truyền thống chân chính của Trung Quốc khắp năm châu. Trung Cộng từ lâu đã can thiệp vào các chương trình biểu diễn toàn thế giới kể từ khi Shen Yun bắt đầu lưu diễn, dùng mọi nỗ lực để làm mất uy tín của công ty này cũng như gây áp lực buộc các nhà hát và chính phủ phải hủy bỏ buổi biểu diễn.
Bà Winnie Han hiện đang đưa các tin tức về Trung Quốc cho The Epoch Times. Bà từng là giảng viên tại Đại học Nam Thông của Trung Quốc và là biên tập viên cho The Epoch Times New Zealand. Bà có bằng Cử nhân và Thạc sĩ Tâm lý học Giáo dục và Phát triển cũng như Thạc sĩ Triết học và Tiến sĩ trên tạp chí Women’s Studies.
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: