Nữ sinh Toronto tìm kiếm sự giúp đỡ cho người mẹ bị bức hại ở Trung Quốc: ‘Hãy cứu lấy mẹ tôi’
Cô Lưu Minh Viên cho biết mẹ cô đã bị giam giữ vào tháng Chín giữa cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của Bắc Kinh.
Một nữ sinh cao đẳng ở Toronto đang lên tiếng phản đối việc chính quyền Trung Quốc giam cầm mẹ cô vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công.
“Hôm nay, tôi đang chia sẻ câu chuyện về tôi và gia đình tôi. Nhưng đây cũng là câu chuyện của vô số học viên Pháp Luân Công trong hơn 20 năm qua,” cô Lưu Minh Viên (Liu Mingyuan) nói vào ngày 18/11 tại một cuộc biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc nhằm thu hút sự chú ý về tình cảnh của mẹ cô khi đức tin của bà bị nhà cầm quyền cộng sản này đàn áp.
Mẹ của cô Lưu Minh Viên, bà Lưu Diễm (Liu Yan), đã bị chính quyền Trung Quốc bắt vào ngày 30/09 tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc, và đã bị giam giữ ở đó kể từ đó.
Cô Lưu Minh Viên, 24 tuổi, còn có tên khác là Lucy, đã chuyển đến Canada vào tháng Tám để theo học ngành hoạt hình máy tính tại trường Cao đẳng Sheridan.
Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã nhiều lần chứng kiến gia đình mình bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chia rẽ vì tu luyện Pháp Luân Công.
“Tôi chỉ hy vọng rằng chúng ta có thể nâng cao nhận thức nhiều hơn và mang lại sự giúp đỡ từ xã hội quốc tế để chấm dứt cuộc bức hại tàn bạo này.”
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần truyền thống của Trung Hoa, gồm các bài tập chậm rãi tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên tắc “chân, thiện, nhẫn”. Còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện này xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 1992 và nhanh chóng truyền ra rộng rãi do những lợi ích được báo cáo đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Theo ước tính của chính quyền Trung Quốc, đến năm 1999, môn tu luyện này đã thu hút từ 70 đến 100 triệu người theo học trên khắp nước này.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân coi sự phổ biến đó là một mối đe dọa đối với sự cai trị độc tài toàn trị của nhà cầm quyền này. Vào ngày 20/07/1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch thù ghét theo kiểu Cách mạng Văn hóa và đàn áp bạo lực nhằm xóa bỏ môn tu luyện này.
Ông ta cũng thành lập “Phòng 610”, một cơ quan tư pháp giống Gestapo với các văn phòng địa phương trên khắp cả nước, để dẫn đầu cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trên toàn quốc. Được đặt tên theo ngày thành lập 10/06/1999, phòng 610 được trao quyền bỏ qua luật pháp và các thủ tục tư pháp để tiến hành cuộc đàn áp này.
Sinh ra trong cuộc bức hại
Bà Lưu Diễm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1994. Trước khi bị bắt lần gần đây nhất, bà từng bị giam giữ và bỏ tù vì đức tin của mình. Năm 1999, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ bà cùng với con gái, khi đó mới 2 tuổi, vì không chịu từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công.
Bà Lưu Diễm cuối cùng được trả tự do, và sau đó bà đã tìm thấy một công việc giảng dạy tại Đại học Cát Lâm – Cao đẳng Lambton ở thành phố Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc. Công việc sử dụng lĩnh vực chuyên môn về Anh ngữ của bà đã giúp bà tiếp xúc gần với các học giả Canada, vì trường này có liên kết đối tác với các trường đại học Bắc Mỹ bao gồm cả Đại học Memorial University of Newfoundland.
Nhưng vào năm 2001, sự nghiệp của bà Lưu Diễm tại trường cao đẳng này đã kết thúc khi ông Giang tăng cường chiến dịch bức hại khắc nghiệt đối với các học viên Pháp Luân Công. Cảnh sát một lần nữa nhắm vào bà, và bà buộc phải ẩn náu.
Tại thời điểm đó, “trong một lần cố lừa bắt mẹ tôi, cảnh sát đã cố bắt tôi làm con tin tại trường mầm non của tôi,” cô Lưu Minh Viên nói.
Để tránh bị đàn áp thêm nữa, cha của cô Lưu Minh Viên, một họa sĩ và nhà điêu khắc tài năng, đã quyết định chuyển nhà đến một thành phố khác. Tuy nhiên, sau khi chuyển đến Côn Minh, họ lại bị nhắm vào. Cha của cô Lưu Minh Viên đã bị bắt giam vào năm 2012 và bị kết án 4 năm tù, còn mẹ của cô thì bị giam giữ vào năm 2015 và bị kết án 3 năm tù.
Cô Lưu Minh Viên cho biết mẹ cô sẽ có thể phải đối mặt với ba đến bốn năm tù nữa sau vụ bắt giữ gần đây nhất.
Ông Joel Chipkar, một phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada, cho biết bà Lưu Diễm là một trong số 12 tù nhân lương tâm khác có liên hệ với Canada mà vẫn bị giam giữ ở Trung Quốc vì họ tu luyện tín ngưỡng tinh thần Pháp Luân Công.
Một trong số những người này là công dân Canada Tôn Thiến (Sun Qian), người bị bắt tại Bắc Kinh hồi tháng 02/2017. Cảnh sát Trung Quốc đã đột kích nhà cô, lôi cô ra ngoài, và đưa cô đến một trung tâm giam giữ. Sau đó cô bị tra tấn với mục đích buộc cô từ bỏ đức tin của mình.
Hồi tháng 06/2020, hơn ba năm sau khi bị bắt, cô Tôn bị kết án 8 năm tù. Cô cũng đã từ bỏ quốc tịch Canada của mình trong khi bị giam giữ, một hành động mà những người ủng hộ cô tin rằng đã được thực hiện dưới sự ép buộc.
Ông Chipkar lưu ý rằng ĐCSTQ có tiền sử “sử dụng sự can thiệp, tuyên truyền, và tin tức giả mạo” nhằm gây ảnh hưởng đến các quan chức chính phủ Canada, chẳng hạn như bằng cách ma quỷ hóa các nạn nhân của chế độ này để dập tắt sự ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc.
“Đảng cộng sản không chỉ nhắm vào Pháp Luân Công, mà còn nhắm vào các giá trị của Canada, đạo đức và lương tâm của tất cả các quan chức chính phủ Canada và công dân Canada,” ông Chipkar nói.
Anh Andrew Chen là phóng viên của Epoch Times tại Toronto.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: