NSA đồng ý tiết lộ hồ sơ về hoạt động gián điệp không chính đáng của FBI đối với 16,000 người Mỹ
Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã chấp thuận công bố hồ sơ về hành vi gián điệp không chính đáng của FBI trên hàng ngàn người dân Hoa Kỳ, cơ quan mật này tiết lộ trong một bức thư gần đây.
Theo luật sư Ty Clevenger, sự chấp thuận này có thể báo hiệu một sự rạn nứt giữa NSA và FBI.
Năm ngoái (2020), ông Clevenger đã đệ trình một yêu cầu về Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) thay mặt cho Dự án Minh bạch, một tổ chức bất vụ lợi của Texas, nhằm tìm kiếm thông tin về các truy vấn không thích đáng của FBI đối với các cơ sở dữ liệu tình báo để lấy thông tin của 16,000 người dân Hoa Kỳ.
Những truy vấn này đã vi phạm các quy tắc quy định về cách thức sử dụng kho thông tin tình báo nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ, Thẩm phán quận Hoa Kỳ James Boasberg, người từng được cựu Tổng thống Obama bổ nhiệm và hiện đang là chủ tọa của Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISC), viết trong một bản ghi nhớ kiêm lệnh năm 2019 đã được giải mật vào năm ngoái.
FBI nhấn mạnh rằng các truy vấn cho tất cả 16,000 người này “có khả năng cao một cách hợp lý là sẽ trả về thông tin tình báo nước ngoài hoặc bằng chứng phạm tội vì [phần này bị bôi đen],” ông Boasberg viết. Nhưng vị thẩm phán này nhận thấy quan điểm đó “không xác đáng,” ngoại trừ các truy vấn về chỉ bảy người trong số đó.
Tuy nhiên, ông Boasberg vẫn cho phép tiếp tục việc thu thập dữ liệu, khiến bà Elizabeth Goitein, đồng giám đốc Chương trình Tự do và An ninh Quốc gia tại Trung tâm Tư pháp Brennan, phải than thở về quyết định của tòa án về chương trình thu thập dữ liệu vốn được cấp phép bởi Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (FISA) này. Bà cho rằng việc thu thập dữ liệu “thậm chí còn khó hiểu hơn nữa khi ý kiến [của tòa án] được đưa ra không lâu sau khi chính phủ báo cáo rằng việc nộp đơn FISA là có lỗi và thiếu sót trong cuộc điều tra của ông Carter Page.”
Ông Page từng là trợ lý tranh cử của cựu Tổng thống đương thời Donald Trump khi ông còn là ứng cử viên, người từng bị FBI điều tra bất hợp pháp.
Sau khi lệnh của thẩm phán được công khai, ông Clevenger đã đệ trình yêu cầu FOIA để được cung cấp thông tin về các truy vấn không chính đáng cho cả hai cơ quan tình báo FBI và NSA.
FBI đã từ chối yêu cầu này. Trong một văn kiện hồi tháng Hai, một quan chức đã nói với ông Clevenger rằng văn kiện mà vị luật sư này viết “không chứa đủ thông tin mô tả để cho phép điều tra hồ sơ của chúng tôi.”
Ban đầu NSA cũng từ chối yêu cầu này, nhưng sau đó đã chấp thuận một kháng nghị về quyết định trên, bà Linda Kiyosaki, một quan chức NSA, cho biết trong một văn kiện tháng này.
“Quý vị đã yêu cầu tất cả các tài liệu, hồ sơ và bằng chứng hữu hình khác phản ánh việc điều tra không chính đáng đối với 16,000 cá nhân được mô tả trong một bản Ý kiến của FISC vào ngày 06 tháng 12 năm 2019,” bà Kiyosaki viết.
Ông Clevenger tin rằng lập trường mới của NSA báo hiệu sự rạn nứt giữa hai cơ quan, có khả năng là do FBI đã nhiều lần lạm dụng các quy tắc quy định về việc tìm kiếm các cơ sở dữ liệu tình báo trong khi NSA phần lớn thì không.
“Đã có một trận chiến giữa họ, chẳng hạn như ông Mike Rogers từng cố gắng chặn quyền truy cập của FBI vào cơ sở dữ liệu của NSA hồi năm 2016,” ông Clevenger nói với The Epoch Times, đề cập đến cách mà Đô đốc Mike Rogers, cựu giám đốc NSA, đã hoàn toàn không cho các điệp viên của FBI sử dụng cơ sở dữ liệu này vào năm 2016 như thế nào.
“Và do đó, có một số lịch sử về việc NSA cố gắng hạn chế quyền truy cập của FBI vì họ biết rằng FBI đang lạm dụng việc đánh chặn dữ liệu,” ông nói thêm.
NSA và FBI đã không hồi đáp các yêu cầu bình luận.
Do Zachary Stieber thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: