North Dakota: Công ty Trung Quốc bị nghi có liên hệ với ĐCSTQ, gây ảnh hưởng đến an ninh
Việc một nhà sản xuất các sản phẩm lên men sinh học của Trung Quốc xuất hiện ở Hoa Kỳ đang được ca ngợi là một thành công cho nền kinh tế địa phương, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về các tác động đến an ninh quốc gia và mối tương quan tiềm ẩn với lao động cưỡng bức của công ty này.
The Epoch Times đã trò chuyện với ông Ross Kennedy, nhà sáng lập của tổ chức Fortis Analysis, về nghiên cứu gần đây của ông liên quan đến Công ty TNHH Tập đoàn Phụ Phong (Fufeng Group Limited) có trụ sở tại Trung Quốc, đã chuẩn bị sẵn sàng để mở nhà xưởng tại miền trung tây Hoa Kỳ. Công ty Phụ Phong là nhà sản xuất các sản phẩm lên men sinh học có nguồn gốc từ ngô, vốn được sử dụng trong khâu thành phẩm, từ thức ăn chăn nuôi đến dược phẩm. Là một công ty được niêm yết ở Hồng Kông, tập đoàn này có nhiều công ty con trên khắp thế giới, nhưng người ta có thể tìm thấy phần lớn các cơ sở sản xuất của họ ở phía đông bắc Trung Quốc.
Vào đầu tháng Mười Một, có thông báo cho rằng Tập đoàn Phụ Phong đang trong quá trình đàm phán để đưa công ty kinh doanh nông sản của mình đến thành phố Grand Forks, tiểu bang North Dakota. Nhà máy mới này sử dụng quy trình sản xuất nhờ vào quá trình lên men tinh bột ngô, dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 25 triệu dạ bắp ngô mỗi năm. Chi phí xây dựng ước tính lên đến gần 350 triệu USD. Phụ Phong USA, một công ty con của họ tại Hoa Kỳ, đang thực hiện nỗ lực mới này.
Được mệnh danh là khoản đầu tư “lịch sử” và giúp thay đổi cục diện cho nông dân trong khu vực, dự án tiềm năng này đã được mô tả là “khoản đầu tư có vốn tư nhân lớn nhất trong lịch sử của khu vực”, theo ông Keith Lund của Liên đoàn Phát triển Kinh tế Vùng Grand Forks. Hôm 12/01, giới chức thành phố dự kiến chấp thuận việc cắt giảm đáng kể các khoản thuế cho Tập đoàn Phụ Phong, tờ Grand Forks Herald đưa tin.
Kế hoạch trong tương lai sẽ là cơ sở “nghiền ngô ướt” và dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2024 hoặc năm 2025, theo như kênh thông tấn địa phương đưa tin. Công ty này sẽ sản xuất bột gluten ngô (Corn Gluten Meal, CGM), cám gluten ngô, lysine, và threonine được sử dụng chủ yếu trong các sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Trong khi các chuyên gia kinh tế địa phương tỏ ra lạc quan thì những người khác lại lo ngại về tác động của cơ sở này đối với môi trường. Tuy nhiên, một số nhà quan sát và người dân đã lên tiếng lo ngại về nhân quyền và các hệ lụy về an ninh của việc giao dịch với một công ty Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng giám sát đối với các hành vi lạm dụng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kể cả hành vi cưỡng bức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ ở vùng viễn tây Tân Cương.
Trong một bức thư gửi cho biên tập viên của tờ Grand Forks Herald hôm 31/01, bà Diana Hoverson nói rằng chuyện này “nghe có vẻ như là North Dakota đang chuẩn bị bắt tay với ma quỷ!” Vì lý do đó, ông Kennedy cho biết ông đã bày tỏ nhiều mối lo ngại tương tự và mục tiêu ban đầu trong nghiên cứu của ông về Tập đoàn Phụ Phong chỉ đơn giản là tìm kiếm những sự dính líu có thể có liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ. Nhưng những khám phá của ông nhanh chóng leo thang, điều này làm dấy lên điều mà ông ấy mô tả là “một vấn đề an ninh quốc gia đáng lo ngại.”
Mối liên hệ với ĐCSTQ
Ông Lý Học Thuần (Li Xuechun) là giám đốc điều hành cao cấp nhất tại Tập đoàn Phụ Phong kể từ tháng 11/2016, đảm nhiệm các chức vụ sau: người sáng lập chính, tổng giám đốc, và chủ tịch hội đồng quản trị. Ông cũng là cổ đông nắm quyền kiểm soát (chiếm đa số) của công ty.
Ông Lý từng là một đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Sơn Đông, vùng đông bắc Trung Quốc. Đại hội Nhân dân là một cơ quan lập pháp bù nhìn của ĐCSTQ. Theo ông Kennedy, ông Lý đã đảm nhận vị trí này trong năm năm.
Năm 2003, ông Lý được chính quyền tỉnh Sơn Đông khen thưởng “Thành tựu Xuất sắc”, ông Kennedy nói rằng “ông ta là hiện thân của sự phối hợp giữa các mục tiêu kinh tế và chính trị của khu vực Sơn Đông và ĐCSTQ.”
Theo ông Kennedy, người sáng lập công ty này có mối liên hệ với việc giám sát chất lượng của ĐCSTQ, đặc biệt là khi tập đoàn này chuẩn bị thành lập cơ sở đầu tiên tại Hoa Kỳ.
Hồi đáp nghi vấn báo chí của The Epoch Times về liên hệ của ông Lý với ĐCSTQ, thị trưởng Brandon Bochenski của Grand Forks cho biết, dự án này đã được tiếp cận với “mức độ thẩm định gắt gao.”
“Chúng tôi đã liên hệ với Thống đốc, các cơ quan của tiểu bang ND [North Dakota], Thượng nghị sĩ và Dân biểu Hạ viện về dự án này,” ông Bochenski phúc đáp trong một tuyên bố qua email.
“Chúng tôi nhìn thấy lợi ích kinh tế của một cơ sở nghiền ngô ướt mới trong khu vực. Chúng tôi đang tiến hành thẩm định càng nhiều càng tốt và tìm kiếm các cơ quan liên bang thích hợp để có thông tin chi tiết và chỉ thị về an ninh quốc gia,” ông nói thêm.
Mối đe dọa an ninh quốc gia?
An ninh quốc gia là mối lo ngại chính của ông Kennedy, ông lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây, đã “tham gia sâu rộng vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn” trên khắp thế giới, nói thêm rằng một số địa điểm họ lựa lựa chọn đều là “các khu vực có tầm quan trọng về chiến lược và an ninh quốc gia.”
Thực tế là địa điểm được chấp thuận [để xây dựng nhà máy] chỉ cách Căn cứ Không quân Grand Forks (AFB), tiểu bang North Dakota khoảng 21km (13 dặm), đây là một điều đáng lo ngại. Ông Kennedy cho biết: “Vùng đất được đề cập rộng khoảng 1.5 km² (370 mẫu Anh) và có tầm nhìn trực diện [đến căn cứ không quân ở đây].
Bắt đầu từ năm 2023, Căn cứ Không quân Grand Forks AFB sẽ được kiến thiết nhằm mục đích biến căn cứ này trở thành [cơ quan] chỉ huy về các hoạt động tình báo, giám sát và do thám (ISR) trong tương lai. Nhiệm vụ vận hành ISR thường liên quan đến rất nhiều hoạt động mật khác nhau, như giám sát bằng phi cơ không người lái hay vệ tinh, để theo dõi các mối đe dọa toàn cầu.
Với mục tiêu hoàn thành cơ sở của Phụ Phong vào giữa năm 2024, ông Kennedy tin rằng Căn cứ Không quân Grand Forks, tiểu bang North Dakota, có khả năng là mục tiêu lâu nay của chính quyền Trung Quốc.
Ông Kennedy cho biết: “Doanh nghiệp Trung Quốc này có thể tiếp cận căn cứ Grand Forks dưới chiêu bài thành lập một cơ sở sản xuất thức ăn dinh dưỡng và phụ phẩm, nhưng cũng có thể là đang thiết lập khả năng giám sát một cách vừa thụ động vừa chủ động đối với một trong những tài sản đáng giá nhất của đất nước.”
Ông cho biết, “Có một lượng dữ liệu khổng lồ đến và đi từ căn cứ này, và khi có tầm nhìn trực diện đến cơ sở chuyển tiếp [dữ liệu] này,” ông nói thêm rằng “các tùy chọn này trở nên thuận tiện hơn rất nhiều cho bất kỳ ai muốn bắt tay vào việc tạo ra các bẫy đối với dữ liệu đó.” Ông cũng lo ngại về việc những người [có mưu đồ] bất chính có thể theo dõi chuyển động vật lý của con người, thiết bị và phi cơ đến và đi từ căn cứ này.
Ông John Lenkart, một giám đốc điều hành cao cấp đã nghỉ hưu của FBI, người từng chịu trách nhiệm về các mối đe dọa phản gián do các công ty viễn thông Trung Quốc gây ra, cũng bày tỏ một số lo ngại tương tự. Ông chia sẻ với The Epoch Times rằng khoảng cách 21km (13 dặm) từ cơ sở này đến Grand Forks AFB là “hơi xa” để thu thập dữ liệu liên lạc, nhưng ông ấy không loại trừ khả năng đó. Trên thực tế, ông nghi ngờ rằng chính quyền Trung Quốc có thể “tìm cách tiến gần hơn đến căn cứ mà không cần phải thông báo quá nhiều.”
Tuy nhiên thứ mà bất kỳ kẻ trung thành với chính quyền Trung Quốc nào cũng có thể dễ dàng truy xuất được, đó là các mô thức vận hành của phi cơ hoặc bất kỳ hoạt động giám sát nào khác liên quan đến việc di chuyển đến và đi từ căn cứ đó. “Các thành viên của chính quyền Trung Quốc đã chứng tỏ bản thân đủ thông minh để tìm ra những phương thức hiệu quả để hoàn thành việc này trong khi vận hành dưới vỏ bọc thương mại.”
Ông Lenkart cho biết, các hoạt động tình báo dựa vào con người là không còn nghi ngờ gì nữa. Với tổng số dân là 56,500 người, Grand Forks là thành phố lớn nhất gần với căn cứ không quân. Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc có thể đưa người dân của họ vào mảnh đất này, vào thành phố này, để thu thập thông tin từ các sĩ quan cao cấp và hạ sĩ quan đang tại ngũ. “Kiểu nhân viên này sẽ sống trong thành phố và đi thám thính thành phố này vào bất kỳ ngày nào được chỉ định.”
Ông Lenkart nói rằng: “Đó là phương thức hoạt động của chính quyền Trung Quốc, tận dụng gần như là mọi cơ hội để xâm nhập vào xã hội [Hoa Kỳ] cũng như đánh cắp tài sản trí tuệ, và hơn thế nữa.” Xét đến mối liên hệ của Tập đoàn Phụ Phong với ĐCSTQ, không có gì là khó hiểu khi chính quyền Trung Quốc có thể cử các điệp viên để thực hiện nhiệm vụ gián điệp lợi dụng hoạt động sản xuất của công ty này làm vỏ bọc.
Gần đây, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer (Cộng Hòa-North Dakota) cũng đã bày tỏ các lo ngại tương tự. “Các nhiệm vụ quan trọng mà quân đội của chúng ta thực hiện tại Căn cứ Không quân Grand Forks phải được bảo mật,” ông Cramer nói trong một tuyên bố với tờ Grand Forks Herald. “Việc làm và lợi ích kinh tế cho nông dân tiểu bang Grand Forks và North Dakota phải được cân bằng với những lo ngại trong dài hạn về việc Trung Quốc thâm nhập vào chuỗi cung ứng thực phẩm của chúng ta,” nghị sĩ nói thêm.
Với ông Cramer, dự án này của Tập đoàn Phụ Phong “đòi hỏi cần có sự thẩm định,” vì “Trung Quốc không phải là một đối tác đáng tin cậy.”
Ông Kennedy đồng tình, và nói rằng “với tất cả những thứ đã được cân nhắc, chính phủ địa phương và Căn cứ Không quân Grand Forks không thể tin vào mặt tốt của [Trung Quốc].”
Thị trưởng Bochenski của tiểu bang Grand Forks cho biết ông đã thực hiện một số biện pháp phòng thủ vì thấy rằng cơ sở này quá gần với căn cứ không quân. Ông cho biết thành phố đã “liên lạc với Chỉ huy Cánh của Cánh Do thám 319, người đã bảo đảm với chúng tôi rằng công ty này sẽ được xem xét ở mức độ sát sao hơn trong Không quân và các cơ quan an ninh quốc gia có liên quan.”
The Epoch Times đã liên lạc với Không quân Hoa Kỳ để xin bình luận.
Mối lo ngại về lao động cưỡng bức
Tập đoàn Phụ Phong đã phủ nhận rằng họ hoặc bất kỳ công ty con nào của họ đã sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ, và hồi tháng 06/2021 đã thực hiện kiểm toán với bên thứ ba cho nhà máy duy nhất của họ ở khu vực Tân Cương, cơ sở Công nghệ sinh học Phụ Phong Tân Cương, rằng đã không phát hiện bất kỳ trường hợp sử dụng lao động cưỡng bức nào.
Vấn nạn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ đang thu hút sự giám sát ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong bối cảnh các nghiên cứu đang được tiến hành cho thấy việc sử dụng lao động cưỡng bức trong các ngành công nghiệp khác nhau ở Tân Cương, từ bông vải cho đến vật liệu sử dụng [trong sản xuất] các tấm quang năng. ĐCSTQ đã giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người dân tộc thiểu số Hồi giáo khác trong khu vực, khiến họ trở thành đối tượng của nạn lao động cưỡng bức, nhồi sọ chính trị, tra tấn, và các hình thức ngược đãi khác, trong một chiến dịch bị chính phủ Hoa Kỳ và các Nghị viện của phương Tây gán nhãn là tội ác diệt chủng.
Năm ngoái (2021), Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên cấm mọi hoạt động nhập cảng từ Tân Cương vì vấn đề lao động cưỡng bức. Thị trưởng Bochenski đã rất hoan nghênh biện pháp này, và dẫn chứng Đánh giá Thương mại Đạo đức Thành viên Sedex (SMETA) được một bên thứ ba thực hiện ở nhà máy Tân Cương của Phụ Phong, như bằng chứng về sự tuân thủ của tập đoàn này.
Tuy nhiên, ông Kennedy, người đã xem xét bản báo cáo dài 80 trang này, đã không hoàn toàn bị thuyết phục bởi các kết quả kiểm toán, mà ông mô tả là “sạch như li như lau.”
Đã kinh doanh ở Trung Quốc gần hai thập niên và am hiểu quá rõ điều kiện [làm việc] của nhiều nhà máy tại quốc gia này, đặc biệt là những nhà máy liên quan đến sản xuất hóa chất và sản phẩm sinh học, ông Kennedy cho biết ông không loại trừ [đó là] một báo cáo thiên lệch, một báo cáo chỉ để bảo đảm với những cổ đông phương Tây trong cơ sở Grand Forks, rằng [doanh nghiệp này] không có dính líu gì tới lao động cưỡng bức hoặc các điều kiện làm việc tồi tệ khác.
Lý do chính khiến ông lo ngại đó là vị trí của nhà máy này. Ông cho biết công ty Công nghệ sinh học Phụ Phong Tân Cương tọa lạc tại phía tây của Khu Xuất cảng Urumqi, cách cơ sở giam giữ và lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng — Cơ sở Đầu Đồn Hà #2 — khoảng 1,5 km.
Ông Kennedy cũng đã xem xét hồ sơ việc làm và tài chính của công ty này. SMETA báo cáo rằng có đến “708 nhân viên cố định trong nhà máy” tại thời điểm kiểm tra. Ông cho biết: “[SMETA] đã có cơ hội để kê khai số lượng lao động và chi phí lao động, các con số này không phải được ước tính một cách sơ sài.”
Ngoài ra, ông Kennedy đã lưu ý một bức ảnh do SMETA cung cấp, ở trang 77, mà ông nhận thấy rằng rất kỳ lạ đối với một cơ sở hiện đại. “Trong một bức ảnh chụp phòng đóng gói, có vô số các bao tải có trọng lượng 25kg nằm trên sàn, [và] có thể nhìn thấy rằng có người đã đong đầy và niêm phong các bao tải này bằng tay — không phải bằng máy móc tự động.”
Ông nói rằng, loại công việc chân tay này chắc chắn sẽ đòi hỏi số lượng lớn người lao động và càng làm tăng thêm mối lo ngại của ông về “các hoạt động lao động mờ ám.”
Phụ Phong USA đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và Trung Quốc.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: