Nông dân Canada và Ireland: Hạn chế phát thải mới sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực
Canada và Ireland đang thực hiện các chính sách để buộc nông dân của họ cắt giảm lượng khí thải carbon mà nông dân cho rằng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất lương thực. Bất chấp những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn, các chính sách này dường như chỉ đạt được kết quả nhỏ cho nghị trình “giảm thiểu phát thải carbon.”
Một số quan chức cấp tỉnh của Canada gần đây đã chỉ trích chính phủ liên bang của họ vì đã đặt mục tiêu cắt giảm 30% lượng khí thải từ việc sử dụng phân bón tổng hợp vào năm 2030 mà không hỏi ý kiến các tỉnh bang “về những gì có thể đạt được hoặc có thể thực hiện được.”
“Các tỉnh đã hối thúc chính phủ liên bang thảo luận về chủ đề quan trọng này, nhưng rất thất vọng khi biết rằng mục tiêu đã được đặt sẵn,” các Bộ trưởng Nông nghiệp của Saskatchewan và Alberta cho biết trong một thông cáo hôm 22/07.
Theo một nghiên cứu do Fertilizer Canada, một tập đoàn công nghiệp, thực hiện vào năm ngoái (pdf), sự cắt giảm 20% việc sử dụng phân bón có thể khiến nông dân Canada thiệt hại hơn 48 tỷ USD doanh thu do năng suất thấp hơn vào năm 2030.
Ông Nate Horner, Bộ trưởng Nông nghiệp của tỉnh Alberta cho biết trong thông cáo này: “Đây là vụ mùa đắt đỏ nhất mà mọi người từng trồng, sau một năm khó khăn vất vả trên những cánh đồng.”
“Thế giới đang mong đợi Canada tăng sản lượng và là giải pháp cho tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Chính phủ Liên bang cần thể hiện rằng họ hiểu điều này.”
Theo dữ liệu của chính phủ Canada, sử dụng phân bón tổng hợp là nguyên nhân gây ra ít hơn 2% lượng khí thải carbon của Canada. Bù lại, Canada chịu trách nhiệm cho khoảng 1.4% lượng khí thải toàn cầu.
Trong khi đó, ngành công nghiệp phân bón Canada đã có một chương trình gọi là Quản lý Chất dinh dưỡng 4R, nếu được khai triển trên các khu vực canh tác chính, thì sẽ cắt giảm được lượng khí thải từ 15–22% đồng thời tăng lợi nhuận bằng cách sử dụng phân bón hiệu quả hơn. Do đó, sự khăng khăng của chính phủ đối với con số 30% có nghĩa là giảm khoảng 0.1–0.2% lượng khí thải năm 2019 của Canada và khoảng 0.002–0.005% lượng khí thải trên thế giới vượt quá những gì mà ngành công nghiệp này phải nỗ lực để đạt được.
Ireland cũng ở trong một tình huống tương tự. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Charlie McConalogue được cho là chuẩn bị đồng ý với mục tiêu giảm 27 đến 28% lượng khí thải carbon cho lĩnh vực của mình.
Nông nghiệp chiếm hơn một phần ba lượng khí thải carbon tương ứng của cả nước, đặc biệt là do hoạt động chăn nuôi gia súc phát triển mạnh mẽ không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, mà còn cung cấp một số lượng lớn sản phẩm xuất cảng như thịt bò và sữa bò.
Kế hoạch khí hậu của chính phủ Ireland kêu gọi cắt giảm 22–30%. Ở phần cuối của hạn mức này, kế hoạch đó sẽ gây ra “sự sụt giảm đáng kể trong sản lượng” và có khả năng “tàn phá ngành nông nghiệp ở Ireland,” Chủ tịch Hiệp hội Nông dân Ireland (IFA) Tim Cullinan đã từng nói trước đây.
Khí thải nông nghiệp của Ireland lên tới khoảng 21 megaton CO2 mỗi năm. Cắt giảm 28% sẽ dẫn đến lượng khí thải toàn cầu giảm 0.05%.
Ông Cullinan đã đặt câu hỏi rằng điều đó có ý nghĩa gì nếu các quốc gia khác không làm theo.
“Chúng tôi phải đặt câu hỏi là việc đó dùng để làm gì,” ông chất vấn tại một cuộc biểu tình vào tháng Mười Một (2021), tờ The Irish Times đưa tin.
Ông cho rằng Ireland đã điều hành “một trong những hoạt động canh tác hiệu quả nhất” trên thế giới.
Các quy định giảm quy mô canh tác có hiệu lực gần đây đã gây ra các cuộc biểu tình lớn ở Hà Lan và dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka.
Vòng cuối cùng về mục tiêu phát thải carbon đã được các chính phủ cam kết tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 hồi năm ngoái (2021). Nhiều nhà khoa học khí hậu dự đoán rằng lượng khí thải ngày càng tăng sẽ gây ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như bão và hạn hán, mặc dù vậy trong lịch sử, những dự đoán thảm khốc hơn đã không thành hiện thực.
Các nhà phê bình đã cho rằng nghị trình “giảm thiểu phát thải carbon” sẽ làm suy giảm mức sống mà không đạt được sự thay đổi có ý nghĩa nào về khí hậu. Ngoài ra, Trung Quốc, quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới tính đến nay, và Ấn Độ vẫn không có ý định hạn chế nền kinh tế của họ chỉ vì giảm lượng khí thải carbon.
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông từng đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.