Nỗi sợ suy thoái gia tăng khi lạm phát ở Hoa Kỳ tăng lên 8.5%
Nhà kinh tế cảnh báo nền kinh tế Hoa Kỳ có thể ở trong “tình trạng lạm phát đình trệ đáng sợ” vào kỳ bầu cử tháng 11
Lạm phát của Hoa Kỳ đã tăng tốc lên mức 8.5% hàng năm vào tháng Ba, làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái.
Một số nhà kinh tế tin rằng việc giành lại quyền kiểm soát giá cả sẽ đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nhiều, điều này có thể đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái.
Các nhà phân tích Wall Street đã dự báo về một đợt suy thoái trong năm tới. Tuần trước (04-10/04), Deutsche Bank đã trở thành ngân hàng lớn đầu tiên dự báo suy thoái kinh tế vào năm 2023. Theo ngân hàng này, việc Fed thắt chặt hơn nữa [chính sách tiền tệ] dự kiến sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế Hoa Kỳ vào cuối năm sau và đầu năm 2024.
Bank of America cũng có triển vọng bi quan tương tự. Chiến lược gia trưởng về đầu tư Michael Hartnett đã tuyên bố trong một lưu ý gần đây rằng phản ứng muộn màng của Fed đối với “lạm phát vượt tầm kiểm soát” sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái. Trong một câu nói, ông đã tóm tắt quan điểm của ngân hàng: “‘Cú sốc lạm phát’ đang ngày càng tồi tệ, ‘cú sốc lãi suất’ mới chỉ là bắt đầu, ‘cú sốc suy thoái’ đang tiến đến.”
Theo nhiều người, lạm phát cao là kết quả của các quyết định chính sách của Hoa Thịnh Đốn, bao gồm chi tiêu kích thích quá mức của chính phủ và việc “in tiền” của Fed.
Đường cong lợi suất gần đây đã đảo ngược trong một vài ngày, có nghĩa là lãi suất ngắn hạn vượt quá lãi suất dài hạn. Điều này khiến các nhà đầu tư tự hỏi liệu một cuộc suy thoái có sắp xảy ra hay không. Kể từ năm 1980, sự đảo ngược đường cong lợi suất luôn đi trước các cuộc suy thoái.
Ông Desmond Lachman, nhà kinh tế học là thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) nói với The Epoch Times: “Kỳ vọng của tôi là chúng ta đang tiến gần đến mức đỉnh điểm của lạm phát, nhưng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao một cách khó chịu trong vài tháng tới.”
Ông Lachman lưu ý rằng thị trường trái phiếu, vốn đã khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược, đã đúng khi dự đoán rằng lạm phát sẽ ở mức vừa phải vì việc Fed thắt chặt [chính sách tiền tệ] sẽ gây ra một cuộc suy thoái.
Ông Lachman nói, “Trên thực tế, tôi nghĩ rằng có một rủi ro thực sự là nền kinh tế Hoa Kỳ có thể sẽ hạ cánh rất khó khăn nếu lãi suất cao hơn của Hoa Kỳ làm vỡ bong bóng thị trường chứng khoán, nhà ở, và tín dụng hiện tại. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể quay trở lại tình trạng nền kinh tế rất yếu và lạm phát giảm tốc nhanh chóng vào đầu năm 2023.”
“Tất cả những điều này không phải là điềm báo tốt cho triển vọng của Đảng Dân Chủ trong kỳ bầu cử giữa kỳ vì vào tháng Mười Một, nền kinh tế có thể ở trong tình trạng lạm phát đình trệ đáng sợ.”
Tuy nhiên, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đang muốn “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong khi tiến hành cuộc chiến chống lạm phát. Fed chỉ ra rằng họ sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng tới và cắt giảm 95 tỷ USD mỗi tháng trên bảng cân đối kế toán 9 ngàn tỷ USD để thắt chặt trạng thái tiền tệ của mình.
Mối đe dọa mới
Theo ông Lachman, áp lực tiền lương và tình trạng giá thuê nhà tăng hiện tại sẽ tiếp tục khiến lạm phát ở mức cao và khiến cuộc chiến của Fed trở nên khó khăn hơn.
Các hạn chế COVID-19 của Trung Quốc cũng đang đặt ra mối đe dọa mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách “zero COVID” nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc đã khiến các thành phố lớn như Thượng Hải phải chịu các đợt phong tỏa mới. Điều này dự kiến sẽ làm gia tăng tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu và gây thêm áp lực lạm phát đối với hàng hóa và nguyên liệu thô nhập cảng từ Trung Quốc.
Giá dầu giảm do nhu cầu của Trung Quốc giảm cũng chỉ là tạm thời. Trong khi các nhà phân tích tin rằng các hành động gần đây của chính phủ ông Biden đối với dầu sẽ mang lại một chút hòa hoãn cho người tiêu dùng, họ dự đoán giá dầu thô sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Chính phủ ông Biden gần đây đã cho phép một đợt “xuất lịch sử” từ các kho dự trữ xăng dầu của Hoa Kỳ và đã chấp thuận việc sử dụng xăng E15 giá cả phải chăng vào mùa hè.
Theo ông Phil Flynn, nhà phân tích năng lượng cao cấp của Price Future Group, những hành động này sẽ không có tác động như mong muốn đối với giá xăng.
Ông viết trong một ghi chú gần đây rằng việc xuất dầu từ các kho dự trữ chiến lược “cũng giống như việc uống rượu để giảm đau. Giờ thì nó có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng cuối cùng quý vị sẽ kết thúc với một cảm giác nôn nao kinh khủng.”
Sau đợt giảm của tuần trước, giá dầu đã bắt đầu tăng trở lại, do lạc quan rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ sớm phục hồi và cảnh báo của OPEC rằng việc thay thế dầu xuất cảng của Nga là bất khả thi.
Trong khi đó, giá lương thực toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất được ghi nhận.
Việc Nga xâm lược Ukraine đã tạo ra tình trạng bất ổn và biến động đáng kể trên thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc cho biết trong tháng Ba chỉ số giá lương thực của họ đã tăng 13%, đạt mức cao nhất mọi thời đại. Đặc biệt, giá dầu thực vật, ngũ cốc, và thịt đã tăng vọt lên mức chưa từng có.
Cuộc khủng hoảng ở Đông Âu và các lệnh trừng phạt đối với Nga đang khiến chuỗi cung ứng thực phẩm trở nên dễ bị tổn thương hơn. Cùng nhau, Nga và Ukraine sản xuất hơn ⅓ lượng lúa mì của thế giới. Ngoài ra, quyết định ngừng xuất cảng phân bón của Nga trong thời gian còn lại của năm 2022 được cho là sẽ khiến các vấn đề mà các nhà sản xuất Hoa Kỳ phải đối mặt thêm phần nghiêm trọng.
Tuần trước (04-10/04), CHS, một trong những hợp tác xã hàng đầu của Hoa Kỳ do nông dân làm chủ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về khả năng thiếu hụt nguồn cung phân bón do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, vốn là một nguồn cung cấp phân bón lớn cho thị trường toàn cầu.
Theo ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust, cuộc khủng hoảng ở Ukraine và tác động của nó đối với hàng hóa đặt ra những thách thức trước mắt đối với người tiêu dùng và nền kinh tế Hoa Kỳ.
Ông nói với The Epoch Times, chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Hoa Kỳ đã giảm xuống mức “cực kỳ thấp” và điều này cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng sẽ chậm lại trong tương lai.
Ông Tilley kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang sẽ quyết liệt trong vài tháng tới. Tuy nhiên, ông dự báo rằng khi lạm phát và nền kinh tế suy giảm trong nửa cuối năm, các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ cần lùi lại một bước khỏi tư thế thắt chặt của họ.
Điều này có thể ngăn cản một cuộc hạ cánh khó khăn cho nền kinh tế.
Ngoài ra, ông Tilley cho biết có một số tín hiệu trong nền kinh tế có thể giảm bớt áp lực lạm phát. Một trong số đó là chỉ số Manheim được sử dụng cho xe hơi và xe tải. Chỉ số này đã giảm trong hai tháng qua.
Tình trạng tắc nghẽn cảng cũng đã được cải thiện đáng kể. Chỉ số Giá cước Container Toàn cầu của Drewry (DWCI) cho thấy chi phí vận chuyển một container đã giảm hơn 20% kể từ mức cao nhất vào tháng Chín năm ngoái, ông lưu ý. Ngoài ra, trong khi tiền lương tiếp tục tăng, tốc độ tăng đã hạ nhiệt trong ba tháng qua.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng lạm phát rất khó lường,” ông Tilley nói.
Ông lưu ý, “Chắc chắn có rất nhiều nguy cơ rằng lạm phát có thể tiếp tục tăng,” khiến Cục Dự trữ Liên bang phải hành động mạnh mẽ hơn để kiềm chế.
Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện từ ngày 29/03 đến ngày 01/04, gần một nửa số nhà đầu tư dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới. Khoảng 21% số người được hỏi tin rằng cuộc suy thoái tiếp theo sẽ xảy ra vào năm 2024, trong khi chỉ 15% dự đoán nó sẽ xảy ra trong năm nay.
Bà Emel Akan là phóng viên đưa tin về chính sách kinh tế của Tòa Bạch Ốc tại Hoa Thịnh Đốn. Trước đây, bà làm việc trong lĩnh vực tài chính với tư cách là chuyên viên ngân hàng đầu tư tại JPMorgan và là cố vấn tại PwC. Bà tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Georgetown.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: