Nội Mông: Cắt quyền vay ngân hàng và an sinh xã hội của những phụ huynh tẩy chay chính sách mới
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình tẩy chay trường học diễn ra trong ba tuần liên tiếp, các nhà cầm quyền ở Nội Mông thử nghiệm một chiến thuật mới nhằm gây áp lực, buộc người dân địa phương tuân thủ chính sách hạn chế dạy học bằng tiếng Mông Cổ. Chính quyền sẽ cắt quyền nhận thưởng, vay ngân hàng và các khoản thanh toán an sinh xã hội của những người phản đối.
Từ cuối tháng 8, người dân tộc thiểu số Mông Cổ ở Nội Mông đã biểu tình trước các văn phòng chính quyền địa phương và trường học. Họ phản đối chính sách mới yêu cầu các lớp học tiểu học và trung học cơ sở phải giảng dạy bằng tiếng Quan Thoại và sử dụng sách giáo khoa tiếng Trung được chuẩn hóa.
Dân tộc Mông Cổ có ngôn ngữ và văn hóa khác biệt với dân tộc Hán nói tiếng Quan Thoại.
The Epoch Times cũng nắm nhiều tài liệu nội bộ của chính quyền cho thấy Nội Mông lên kế hoạch trấn áp các cuộc biểu tình ở địa phương và sử dụng các nhóm “mặt trận thống nhất” để thúc đẩy chính sách này.
Các mối đe dọa
Lianchao Han, một luật sư nhân quyền người Trung Quốc hiện đang là nhà nghiên cứu tại Viện Hudson think-tank của Hoa Kỳ, đã đăng tải trên Twitter một tài liệu do chính quyền A Ba Ca Kỳ (Abag Banner) ở địa khu Tích Lâm Quách Lặc (Xilingol League) ban hành. Trong đó liệt kê chi tiết tám quy tắc liên quan đến chính sách mới. Một “Kỳ” là một thành phố cấp quận ở Nội Mông.
Kể từ khi chính quyền công bố chính sách ngôn ngữ mới vào cuối tháng 8, hàng ngàn học sinh đã bỏ học để phản đối và từ chối quay trở lại trường.
Trong tài liệu mà ông Han có được từ các nguồn ở Trung Quốc, chính quyền Kỳ đã thông báo với tất cả các chính quyền thị trấn trong Kỳ để đảm bảo rằng ít nhất 70% học sinh tiểu học và trung học cơ sở đều có mặt ở trường trong thời gian điểm danh vào lúc 5 giờ chiều vào ngày 14/9. Lịch học ở Trung Quốc thường kéo dài từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
90 phần trăm học sinh phải có mặt ở trường trước 5 giờ chiều ngày hôm sau. Và 100 phần trăm học sinh phải có mặt ở trường trước 5 giờ chiều vào hôm thứ Tư.
Đối với thị trấn có tỷ lệ học sinh quay trở lại trường học thấp nhất, trưởng thị trấn đó sẽ bị cách chức. Các quan chức khác trong chính quyền thị trấn sẽ phải đối mặt với các hình phạt khác nhau. Tài liệu không cung cấp thêm chi tiết.
Đối với giáo viên của các lớp có tỷ lệ học sinh quay trở lại thấp, họ sẽ không đủ điều kiện nhận bất kỳ giải thưởng nào trong ba năm, cũng như không được tăng lương.
Đối với những học sinh trung học không trở lại trường học trước ngày 16/9, nhà trường nên đuổi học các em ngay lập tức, tài liệu nêu rõ. Đối với những học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở không trở lại trường học trước ngày 16/9, tài liệu nói thêm rằng nhà trường nên coi họ là những học sinh “nghi ngờ bỏ học”, và nộp đơn kiện cha mẹ hoặc người giám hộ của những học sinh này.
Đối với những phụ huynh là nhân viên hợp đồng của các cơ quan chính phủ, họ sẽ bị sa thải.
Các ngân hàng phải ngừng phê duyệt bất kỳ khoản vay nào cho họ, và cắt các khoản chi trả cho an sinh xã hội của họ.
Hơn nữa, cấm tất cả các quan chức chính phủ và nhân viên tiết lộ các thông báo hoặc tài liệu nội bộ liên quan đến giáo dục bằng tiếng Trung Quốc cho bên thứ ba. Nếu không, họ sẽ bị giam giữ và trừng phạt bởi cơ quan thực thi pháp luật, tài liệu cho biết.
Cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ những hướng dẫn tương tự do chính quyền Khố Luân Kỳ (Hure Banner) ở thành phố Thông Liêu, chính quyền Khắc Thập Khắc Đằng Kỳ (Hexigten Banner) ở thành phố Xích Phong (Chifeng), và chính quyền Ô Châu Mục Thấm (Tây Ujimqin) Kỳ và Tô Ni Đặc Tả Kỳ (Sonid Right Banner) ở địa khu Tích Lâm Quách Lặc đưa ra.
Những tài liệu này lần đầu tiên được cư dân mạng Trung Quốc đăng tải từ Nội Mông, và sau đó những người Hoa ở hải ngoại nhanh chóng chia sẻ chúng trên Twitter trước khi các nhân viên kiểm duyệt Trung Quốc gỡ bỏ.
Kiểm soát có hệ thống
The Epoch Times đã nhận được một thông báo nội bộ do chính quyền A Lạp Thiện Hữu Kỳ (Alxa Left Banner) tại địa khu A Lạp Thiện (Alxa League) công bố vào ngày 30/8, trong đó cho biết chính quyền sẽ thành lập một nhóm đặc biệt để trả lời những người địa phương phản đối chính sách ngôn ngữ. Ở Trung Quốc, những người kiến nghị mong muốn gặp gỡ với các quan chức để giải quyết bất bình của họ.
Vào ngày 31/8, chính quyền Kỳ này đã ban hành một tài liệu khác trong đó liệt kê tên, chứng minh nhân dân và số điện thoại của những người kiến nghị. Văn bản yêu cầu các quan chức địa phương phải “giáo dục” những người kiến nghị và thông báo cho lãnh đạo chính quyền những người kiến nghị này đến từ đâu.
Các tài liệu nội bộ từ ngày 1/9 đến ngày 4/9 cho thấy các quan chức trong các chính quyền Kỳ khác nhau đã đến thăm những ngôi chùa Phật giáo Tây Tạng địa phương để yêu cầu các Lạt ma và nhà sư ủng hộ chính sách giáo dục này. Hầu hết người Mông Cổ tin theo Phật giáo Tây Tạng.
Để thúc đẩy chính sách này, nhà chức trách cũng sẽ tổ chức cuộc họp với các thành viên của Mặt trận thống nhất địa phương – một cơ quan chính quyền có nhiệm vụ thuyết phục người dân ủng hộ các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tác giả: Nicole Hao