Nỗi lo về giá tăng và tình trạng khan hiếm giữa bối cảnh giá phân bón, nhiên liệu tăng vọt
Giá phân bón và thuốc trừ sâu, các vấn đề về tính sẵn có của hàng hóa khiến nông dân phải vật lộn tìm các giải pháp sáng tạo để cung cấp lương thực cho chúng ta
Nhiều nông dân Hoa Kỳ đã phải vật lộn để chuẩn bị nguồn cung cấp phân bón và thuốc diệt cỏ để gieo sạ trên cánh đồng của họ.
Ngay cả khi họ có thể mua được các nguyên vật liệu này, thì giá cũng quá đắt. Giá dầu diesel ở mức cao kỷ lục, và đó là một công thức cho tình trạng rối loạn. Nếu người Mỹ càu nhàu về giá hàng tạp hóa cao như hiện nay, thì họ nên chuẩn bị gánh chịu nhiều đau đớn hơn nữa ở phía trước. Một phần quan trọng của vấn đề này bắt nguồn từ sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu được kết nối với nhau – đặc biệt là các sản phẩm từ Trung Quốc, và cả Nga nữa.
Với mức giá hiện tại, người nông dân mong muốn thu được khoảng 900 USD cho mỗi mẫu ngô, tùy thuộc vào sản lượng. Con số này tăng từ khoảng 600 USD mỗi mẫu Anh vào đầu năm 2020. Trong năm 2020, họ đã trả khoảng 120 USD để bón cho ngô trên mỗi mẫu Anh. Năm 2021, con số này cao hơn khoảng 50% và vào năm 2022, nó có thể tăng thêm 80% nữa. Điều đó có nghĩa là nông dân vẫn có thể thua lỗ, mặc dù được trả nhiều tiền hơn cho vụ mùa của họ. Và đó chỉ là tính toán cho chi phí phân bón. Nhiên liệu diesel cho máy móc nông nghiệp tăng gần 70%. Giá thuốc diệt cỏ đã tăng gấp đôi hoặc gấp 3 kể từ năm 2020 và nhiều nông dân gặp khó khăn để mua được thuốc.
Gần đây, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo về tình trạng thiếu lương thực sắp xảy ra. Việc đó dường như có thể được đưa ra thảo luận, mặc dù phần lớn phụ thuộc vào mức độ tốt hay xấu của một vụ mùa mà nông dân thu hoạch vào năm 2022.
Tại sao?
Có một số lý do hiển nhiên khiến một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới phải đối mặt với vấn đề lương thực.
Hình thức nông nghiệp công nghiệp ngày nay ngày càng không giống với hình thức làm việc trên cánh đồng thời xưa. Đã qua rồi cái thời cày ải. Ngày nay, người nông dân trồng ngô bắt đầu mùa vụ mới bằng cách diệt trừ cỏ dại bằng một loại thuốc diệt cỏ cực mạnh. Sau đó, họ bón phân cho đất và gieo ngô đã được biến đổi gen để tồn tại với liều lượng thuốc diệt cỏ tiếp theo. Hạt giống này đã được cấp bằng sáng chế và cần phải mua hàng năm, điển hình là từ Monsanto, thuộc sở hữu của đại tập đoàn hóa chất Bayer của Đức. Glyphosate, một loại thuốc diệt cỏ tương thích, đã không được cấp bằng sáng chế nữa và có thể được mua từ một số nhà sản xuất, thường là ở Trung Quốc.
Việc phụ thuộc quá nhiều vào phân bón, thuốc diệt cỏ, và hạt giống đã được cấp bằng sáng chế thì thuận tiện và thường cho một vụ bội thu, nhưng nó cũng khiến người nông dân phải đối mặt với sự bất thường của thị trường toàn cầu. Nông dân có thể nhận trợ cấp từ bảo hiểm liên bang để bảo đảm rằng họ có khoản doanh thu nhất định — nếu họ bán hàng rẻ hơn hoặc gặp phải một năm tồi tệ, người đóng thuế sẽ chi trả một phần chênh lệch. Ngoài ra, khoảng 1/3 toàn bộ vụ ngô được chưng cất thành ethanol, vốn theo luật liên bang, sẽ được trộn với xăng, cung cấp một khoản trợ cấp dưới hình thức bảo đảm nhu cầu. Nhưng bảo hiểm này không trả những chi phí đầu vào ngày càng tăng, chẳng hạn như phân bón và thuốc diệt cỏ. Và khi giá cây trồng tăng lên, phí bảo hiểm cũng tăng theo, bất kể doanh thu bù trừ được bao nhiêu cho các yếu tố đầu vào.
Những khó khăn về phân bón
Phân bón là một nguồn quan trọng đối với nông dân trong việc sản xuất ra lượng thực phẩm tối đa với lao động tối thiểu. Chúng được chia thành ba loại: nitơ, phốt phát và kali.
Phân bón gốc nitơ là quan trọng nhất trong việc nâng cao năng suất. Hợp chất cốt lõi này được tạo ra từ khí tự nhiên. Do đó, cuộc cách mạng khai thác dầu đá phiến của Hoa Kỳ đã giúp làm cho lượng phân bón dồi dào và tương đối rẻ. Hoa Kỳ đạt được sự độc lập về năng lượng cũng dẫn đến việc Hoa Kỳ đạt được khả năng gần như độc lập về nhập cảng phân bón “gốc Nitơ” (N) dưới thời chính phủ Tổng thống Trump. Nước này vẫn sản xuất khoảng 90% nhu cầu phân bón.
Theo tạp chí nông nghiệp DTN, mặc dù sản xuất mạnh mẽ, giá N vẫn tăng mạnh trong năm 2021. Urê, một trong những loại phân bón N phổ biến nhất, đã vượt 950 USD/tấn vào tuần thứ 3 của tháng Ba, tăng so với mức dưới 500 USD của năm trước.
Nguyên nhân tăng giá phần lớn là do giá khí đốt tự nhiên. Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau các đợt phong tỏa do COVID-19, giá khí đốt tự nhiên tăng vọt, đặc biệt là ở Âu Châu, buộc một số nhà sản xuất phân bón phải tạm dừng hoặc hạn chế sản xuất. Sau khi các ca nhiễm COVID-19 vào năm 2020 giảm xuống, các nhà máy khoan dầu khí của Hoa Kỳ đã tăng sản lượng khí đốt trở lại, nhưng chỉ trong những tháng gần đây, sản lượng này mới đạt đến mức trước đại dịch, thấp hơn đáng kể so với nhu cầu thực phẩm, vốn tăng khoảng 12% kể từ tháng Hai năm 2020. Các nhà máy khoan dầu khí có thể tăng sản lượng hơn nữa, nhưng sự tập trung của chính phủ ông Biden vào việc “khử cacbon” nền kinh tế đã làm giảm triển vọng đầu tư vào ngành này. Chính sách của ông đã đóng vai trò như một lực cản.
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một con bài ngoài dự đoán khác đẩy giá khí đốt lên cao khi các nước cân nhắc triển vọng từ bỏ khí đốt của Nga, vì sợ rằng họ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Chiến tranh thậm chí còn ảnh hưởng nặng nề hơn đến một phần khác của phương trình phân bón. Hoa Kỳ chỉ sản xuất khoảng 10% lượng kali mà nông dân của họ cần. Phần còn lại được nhập cảng, phần lớn từ Canada. Tuy nhiên, khoảng một phần tư lượng hàng nhập cảng này đến từ Nga và Belarus, cả hai đều bị cắt bỏ theo các lệnh trừng phạt hiện hành. Các nhà sản xuất Canada có kế hoạch tăng sản lượng, nhưng điều đó có thể là chưa đủ. Giá kali đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua.
Trên thực tế, Hoa Kỳ có trữ lượng kali khá lớn, bao gồm một số mỏ tinh khiết nhất ở New Mexico. Nhưng mua kali từ các quốc gia khác lại rẻ hơn so với việc đầu tư vào việc mở rộng khai thác lớn ở trong nước. Chính phủ ông Biden đã dành 250 triệu USD để trợ cấp sản xuất phân bón trong nước, nhưng bất kỳ công suất mới nào sẽ mất nhiều năm để đưa vào hoạt động.
Việc thiếu kali sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cây trồng mà còn làm cho cây trồng kém khả năng chống chịu sâu bệnh.
Thành phần phân bón cuối cùng là phân lân (phosphate). Hoa Kỳ sản xuất khoảng 90% những gì họ cần với hầu hết thị trường được kiểm soát bởi một nhà sản xuất duy nhất, Mosaic. Năm 2021, theo yêu cầu của Mosaic, Bộ Thương mại Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với phân lân của Nga và Maroc vì các khoản trợ cấp [không công bằng]. Trung Quốc tạm dừng xuất cảng phân lân để giảm bớt tình trạng thiếu hụt trong nước, đồng thời áp đặt hạn ngạch điện đối với các tỉnh của họ. Hành động này đã gây khó khăn cho các hoạt động khai thác mỏ đang thiếu điện. Ngoài ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đối với Nga, giá phân lân hiện tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những khó khăn về thuốc trừ sâu
Glyphosate cho đến nay là loại thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều nhất ở Mỹ . Khoảng 135,000 tấn đã được phun trên các cánh đồng của họ trong năm 2019, chiếm khoảng 40% tổng lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trong năm đó, theo dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ. Loại thuốc này từng được mỗi Monsanto bán dưới thương hiệu Roundup, nhưng đã không còn bằng sáng chế từ năm 2002, cho phép các nhà sản xuất khác nhảy vào thị trường. Ngày nay, hầu hết thuốc này được nhập cảng từ Trung Quốc.
Năm 2020, Bayer đã trả hơn 10 tỷ USD để dàn xếp một vụ kiện do những người làm vườn nói rằng glyphosate khiến họ mắc bệnh ung thư. Công ty này vẫn khăng khăng rằng glyphosate là an toàn nếu được sử dụng theo quy định, nhưng họ cũng thông báo rằng họ sẽ thay thế thuốc bằng các thành phần khác trong thuốc diệt cỏ làm vườn của mình. Ngày càng có nhiều quốc gia loại bỏ dần hóa chất này.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) nói rằng glyphosate là an toàn, và Bộ Nông nghiệp đã lưu ý rằng glyphosate ít độc hơn các loại thuốc diệt cỏ được sử dụng trước đây. Vấn đề là, một số loài cỏ dại đã phát triển khả năng kháng glyphosate. Do đó, nông dân thường sử dụng glyphosate với liều lượng nhiều hơn khuyến cáo và kết hợp nó với các loại thuốc diệt cỏ khác. Và sự phụ thuộc vào hóa chất đi kèm với một rủi ro khác.
Vào khoảng nửa cuối năm 2020, các vấn đề về nguồn cung bắt đầu tác động vào thị trường, một phần chủ yếu là do các đợt phong tỏa vì COVID-19. Không chỉ các lô hàng glyphosate của Trung Quốc bị trì hoãn mà ngay cả các nhà sản xuất trong nước cũng đang chịu áp lực vì họ nhập các tiền chất từ Trung Quốc.
Tình hình chỉ trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021. Hồi tháng Tám, Trung Quốc đã áp đặt hạn ngạch điện trong nước, buộc các ngành công nghiệp phải đóng cửa nếu hết mức cho phép. Khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhà máy sản xuất glyphosate của Bayer ở Louisiana đã tạm thời ngừng sản xuất do ảnh hưởng của Bão Ida. Sau đó vào tháng Một, chính phủ ông Biden đã khiến thị trường hoang mang khi vô tình công bố mức thuế 25% đối với glyphosate từ Trung Quốc. Chính phủ đã mất vài tuần để sửa lỗi này.
Cuối cùng, vào tháng Hai, Bayer viện dẫn điều khoản “bất khả kháng”, thông báo cho khách hàng rằng họ có thể không giao hàng trong một số hợp đồng do lỗi cơ học không xác định tại nhà máy của một nhà cung cấp. Do đó, giá glyphosate, cũng như các loại thuốc diệt cỏ khác, nhanh chóng tăng vọt. Vào giữa năm 2020, một pound (0.45 kg) glyphosate của Trung Quốc có giá dưới 2 USD. Vào cuối năm 2021, nó đã vượt quá 5 USD và chỉ giảm nhẹ kể từ đó.
Nông dân Kansas, Adam Baldwin nói với DTN : “Các sản phẩm như glyphosate và Liberty vẫn thực sự khó mua, và giá cả thì hầu như không liên quan vì dù sao thì các nhà cung cấp đầu vào cũng không sẵn sàng bán chúng cho quý vị.”
Làm thế nào để khắc phục khó khăn?
Do giá cao và tình trạng khan hiếm, người nông dân đã phải sáng tạo, bao gồm cả việc tái sử dụng các tập quán truyền thống. Đối với phân bón, họ sẽ cố gắng sử dụng phân chuồng và phân gia cầm nếu có thể. Họ cũng sẽ kiểm tra mức độ phốt pho của đất và cắt giảm phân bón phốt phát trên những cánh đồng có thể làm với hàm lượng ít hoặc không cần. Một số cũng đã rải một lớp phân bón vào mùa thu, khi dự đoán giá sẽ tăng.
Để kiểm soát cỏ dại, người nông dân dường như tìm kiếm bất kỳ loại hóa chất nào họ có thể có và đưa ra một hỗn hợp có thể sử dụng được. Họ cũng sẽ cố gắng dựa nhiều hơn vào thuốc diệt cỏ “còn sót lại”, chẳng hạn như atrazine, được sử dụng trước khi gieo hạt và có tác dụng ngăn cỏ dại phát triển ngay từ đầu. Điều đó giúp nông dân tiết kiệm thuốc glyphosate, vốn được sử dụng để diệt cỏ dại hiện có. Nếu vẫn thất bại, nông dân có thể phải cày ruộng, tiết kiệm lượng thuốc diệt cỏ mà nếu không họ sẽ cần để diệt cỏ dại trước khi gieo hạt.
Ông Randall Varnell, trợ lý giám đốc của Wheeler Brothers Grain ở Oklahoma, nói với CropLife : “Họ sẽ sử dụng lại máy cày — họ sẽ phải cày ải các cánh đồng. Những người không xới đất sẽ phải đối diện với vấn đề lớn nhất.”
Bất chấp tất cả các vấn đề, ngành công nghiệp này vẫn có thể vượt qua – miễn là vụ thu hoạch đạt kết quả tốt.
Một nông dân ở Missouri, Kyle Samp nói với DTN, “Tôi đã quen với sự bấp bênh của nghề nông, nhưng đây là một cấp độ mới đối với tôi. Chi phí đã tăng lên rất nhiều nên khoảng cách giữa khoản bảo hiểm và chi phí thực tế của chúng tôi sẽ là khoảng cách lớn nhất mà tôi từng trải qua. Một năm thấp hơn một chút so với APH [lịch sử sản xuất trung bình] có thể thực sự tồi tệ.”
Ông Petr Svab là một phóng viên của New York. Trước đây, ông đã đề cập đến các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và thực thi pháp luật.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: