Nội các của tân trưởng đặc khu Lý Gia Siêu gồm bốn quan chức bị Hoa Kỳ trừng phạt
Sáng 19/06, Bắc Kinh đã bổ nhiệm 26 quan chức cao cấp mới trong chính quyền Hồng Kông, chính quyền thứ sáu kể từ khi Anh trao trả đặc khu này cho Trung Quốc. Họ sẽ lên nắm chính quyền từ ngày 01/07.
Cùng ngày, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), Trưởng đặc khu được bầu chọn, đã dẫn đầu nhóm quan chức mới của mình đến gặp gỡ giới báo chí. Bốn trong số các quan chức hàng đầu bị chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt, mà bản thân ông Lý cũng nằm trong đó. Dư luận cho rằng những người trong khu vực thương mại không quá mặn mà với chính phủ mới, một trong những nguyên nhân là vì nguy cơ bị các nước khác trừng phạt.
Vị trí cánh tay phải đắc lực của chính phủ, Cục trưởng Cục Hành chính được chỉ định, sẽ do ông Trần Quốc Cơ (Eric Chan Kwok-ki) đảm trách. Điều này có nghĩa là chính phủ tiếp theo ở Hồng Kông sẽ do hai cựu quan chức của lực lượng kỷ luật lãnh đạo.
Radio Free Press (RFI) dẫn lời ông Thái Tử Cường (Ivan Choy Chi-keung), giảng viên cao cấp Khoa Chính trị và Chính sách Hành chính Công tại Đại học Trung văn Hồng Kông, cho biết: “Nhiều người hơn trong lực lượng kỷ luật đã nhậm chức, còn nhân sự hành chính thì lại rời đi. Bằng cách nào đó, chính Bắc Kinh đang thỏa hiệp: bằng cách bổ nhiệm cựu Cục trưởng Nhập cư, ông Trần Quốc Cơ (Eric Chan Kwok-kei), lên làm cánh tay phải, thay vì lựa chọn được đồn thổi trước đó, ông Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang Ping-keung), Bộ trưởng An ninh đương nhiệm.”
Bằng cách bổ sung cựu Ủy viên Sở Cải huấn Hồ Anh Minh (Woo Ying-ming) vào vị trí Cục trưởng Chống Tham nhũng, tổng cộng có tám vị lãnh đạo chủ chốt xuất thân từ lực lượng kỷ luật.
Ông Thái cũng chỉ ra rằng trong mắt Bắc Kinh, cục trưởng là người có cơ hội đảm nhiệm chức trưởng đặc khu. Vì vậy dù là ai thì cũng phải trung thành với Bắc Kinh. Việc có cả ông Trần Quốc Cơ và ông Lý Gia Siêu là hai lãnh đạo cao nhất của thành phố cho thấy mặc dù ông Lý đã nhấn mạnh sự phát triển của một chính phủ đa đại diện, nhưng chính quyền Hồng Kông vẫn sẽ hành xử thô bạo và cứng rắn với người dân Hồng Kông trong năm năm tới.
Bà Lý Tuệ Linh (Li Wei-ling), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, đã dẫn chứng trong chương trình trực tuyến của mình rằng chính quyền Hồng Kông đương nhiệm đã thay thế các chiến lược trước đây về “Quan chức Hành chính Quản lý Hồng Kông” bằng “Quan chức Cơ quan Kỷ luật Cai trị Hồng Kông” và sự nghiệp của bất kỳ ai có xuất thân từ lực lượng kỷ luật có vẻ sẽ tươi sáng hơn.
Bà Lý tin rằng cần lưu ý việc bổ nhiệm cựu Ủy viên Sở Cải huấn Hồ Anh Minh, vì viên chức sở cải huấn đã về hưu này chưa từng được bổ nhiệm làm quan chức cao cấp của chính phủ. Bà Lý cho rằng ông Hồ là người đầu tiên phá vỡ khuôn mẫu đó.
Quan chức nói tiếng phổ thông đầu tiên
Ông Tôn Đông Thành (Sun Dongcheng), một người nhập cư đến Hồng Kông, còn được gọi là một ‘Cảng phiêu nhân’ (tức người phiêu bạt đến Hương Cảng, tên gọi khác của Hồng Kông), trở thành quan chức nói tiếng Hoa phổ thông (tiếng Quan Thoại) đầu tiên trong chính quyền Hồng Kông. Sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, mặc dù đã ở Hồng Kông hơn 20 năm, nhưng đối với “Người Hồng Kông Mới” này, tiếng Quan Thoại vẫn là ngôn ngữ chính mà ông sử dụng.
Ông Tôn là nhà lập pháp và quan chức Putonghua (nói tiếng Hoa phổ thông) đầu tiên trong lịch sử của chính quyền Hồng Kông, nhưng có lẽ đây là xu hướng trong tương lai.
Bà Lý Tuệ Linh đề cập, “Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao đã đưa ra một tuyên bố, mô tả văn phòng của ông Lý Gia Siêu là sự tổ hợp của “mọi thành phần trong tầng lớp xã hội”, có cả “Người Hồng Kông Cũ” lẫn “Người Hồng Kông Mới.”
Bà Lý cho rằng việc nhấn mạnh đến “Những Người Hồng Kông Mới” cho thấy rằng chúng ta có thể dự đoán nhiều người như họ sẽ tham gia vào chính quyền Hồng Kông trong tương lai.
Ông Tôn, người đã ở Hồng Kông gần hai thập niên, có thể hiểu tiếng Quảng Đông, nhưng việc thực hành tiếng nói này sẽ nằm trong kế hoạch của ông.
Nhà bình luận Lý tin rằng so với việc ông Tôn luôn nói tiếng phổ thông sau khi được bầu vào Hội đồng Lập pháp, thhif thái độ của ông Tôn lần này dường như là nỗ lực đưa ra một thông điệp nhẹ nhàng cho người dân Hồng Kông khi nhóm [lãnh đạo] mới này ổn định vị trí.
Các quan chức bị Hoa Kỳ trừng phạt
Bốn thành viên của chính phủ mới đã bị Hoa Kỳ trừng phạt. Đồng thời nhiều người cho rằng rủi ro bị trừng phạt vẫn còn khá cao.
Sau phong trào chống dẫn độ quy mô lớn năm 2019 ở Hồng Kông, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã áp Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông lên Hồng Kông để trấn áp những người bất đồng chính kiến. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách công bố danh sách trừng phạt vòng đầu tiên vào tháng 08/2020, bao gồm 11 quan chức Hồng Kông và Bắc Kinh.
Bảy trong số 11 người là thành viên của chính quyền Hồng Kông, bốn người trong số họ sẽ vẫn ở lại trong chính quyền mới, bao gồm chính ông Lý Gia Siêu, Cục trưởng An ninh Đặng Bỉnh Cường, Cục trưởng Cục Các Vấn đề Hiến pháp và Đại lục Tăng Quốc Vệ (Erick Tsang), và Tổng thư ký đương nhiệm của Hội đồng An ninh Quốc gia Trần Quốc Cơ, người sẽ đảm nhiệm chức tân Cục trưởng Hành chính từ ngày 01/07/2022.
Nhà bình luận Lý nói rằng dư luận, đặc biệt là trong cộng đồng doanh nghiệp, không quá quan tâm đến việc gia nhập chính phủ mới. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi về rủi ro của các lệnh trừng phạt, mặc dù chính phủ đương nhiệm có thể không khó đối phó như vậy. Những lo ngại chưa được nói ra lớn nhất về việc gia nhập chính phủ mới là rủi ro về các lệnh trừng phạt cũng như sự ảnh hưởng đến gia đình họ.
Khi được hỏi liệu ông Lý có là người tuyển mộ các thành viên trong nhóm mới của ông ấy hay không, hay liệu các cơ quan của ĐCSTQ ở Hồng Kông có đưa ra ý kiến của họ hay không, câu trả lời của ông Lý Gia Siêu là: “Các quan chức tôi đã chọn là những người mà tôi đã chọn.” Tuyên bố khó hiểu của ông khiến mọi người bàn tán. Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Phan Trác Hồng (Poon Cheuk-hung) tin rằng tuyên bố của ông Lý có thể nói lên bất cứ điều gì: rất có thể ông Lý đã không tự tay chọn tất cả các quan chức chủ chốt. Hoặc có thể ông Lý đã chọn một vài người trong số họ, nhưng có lẽ không phải tất cả.
Ông Ninh Hải Chung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra nước ngoài và làm phóng viên chuyên về các vấn đề thời sự và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.