Nợ của các gia đình Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục gần 16 ngàn tỷ USD
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (Fed New York, FRBNY), tổng nợ của các gia đình Hoa Kỳ đã tăng lên gần 16 ngàn tỷ USD vào năm 2022, mức cao nhất mọi thời kỳ.
Theo Báo cáo Hàng quý về Nợ và Tín dụng Gia đình, tổng số tiền vay nợ của các gia đình Hoa Kỳ đã tăng thêm 266 tỷ USD, tương đương 1.7%, trong quý đầu tiên lên 15.84 ngàn tỷ USD. Báo cáo cho thấy số dư hiện cao hơn 1.7 ngàn tỷ USD so với cuối năm 2019.
Hầu hết số gia tăng tín dụng và nợ này là do số dư vay thế chấp ngày càng tăng thúc đẩy, tăng 250 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2022. Hồi cuối tháng Ba, tổng nợ vay thế chấp ở mức 11.18 ngàn tỷ USD. Số dư trên các hạn mức tín dụng sở hữu nhà tương đối không thay đổi, ở mức 317 tỷ USD.
Trung tâm Dữ liệu Kinh tế Vi mô của FRBNY cũng đã báo cáo rằng số nợ qua thẻ tín dụng đã giảm 15 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Ba xuống còn 841 tỷ USD. Nhưng tổng nợ qua thẻ tín dụng vẫn cao hơn 71 tỷ USD (9%) so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Nợ sinh viên đã tăng 14 tỷ USD trong quý đầu tiên, nâng mức tăng hàng năm lên 6.5%. Tổng cộng, nợ sinh viên là 1.59 ngàn tỷ USD.
Tổng nợ cho vay mua xe hơi là 1.47 ngàn tỷ USD, tăng 11 tỷ USD so với quý 4 năm 2021.
Ông Andrew Haughwout, giám đốc bộ phận nghiên cứu gia đình và chính sách công tại Fed New York, cho biết: “Quý đầu tiên của năm 2022 đã chứng kiến sự gia tăng vay thế chấp mua nhà và xe hơi cùng với sự sụt giảm điển hình theo mùa trong số dư nợ qua thẻ tín dụng.”
“Tuy nhiên, việc khởi tạo hợp đồng vay thế chấp giảm so với khối lượng cao lịch sử trong năm 2021, phản ánh nhu cầu vay tái cấp vốn suy giảm.”
Trong quý đầu tiên, lãi suất quá hạn nghiêm trọng (quá hạn từ 90 ngày trở lên) đã giảm đối với gần như tất cả các nhóm nợ trên cơ sở hàng năm. Các khoản nợ quá hạn của sinh viên đã tăng 0.03% lên 1.05%.
Trong một báo cáo riêng của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, tín dụng tiêu dùng đã tăng vụt thêm 52.43 tỷ USD trong tháng Ba, vượt mức dự báo của thị trường là 25 tỷ USD. Đây là mức tăng tín dụng tiêu dùng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2010. So với cùng thời kỳ một năm trước, tín dụng tiêu dùng đã tăng 14%.
Theo dữ liệu từ Viện Bank of America (pdf), bất chấp lãi suất cao hơn và giá cả tăng vọt, chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ vẫn tăng. Tháng trước, tổng chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ đã tăng 13%, và chi tiêu qua thẻ trên mỗi gia đình tăng gần 24% so với tháng Tư năm 2019.
“Mặc dù lạm phát cao hơn đang dẫn đến chi tiêu cao hơn, nhưng rõ ràng là sức mạnh của người tiêu dùng vượt quá hiệu ứng này, với mức tăng trưởng tổng chi tiêu vượt quá mức lạm phát giá tiêu dùng hiện tại của Mỹ là 8.5% trong tháng Ba,” báo cáo của Bank of America viết. “Sức mạnh của thị trường lao động có thể làm giảm bớt phần nào nỗi đau về giá cả cao hơn đối với những người có thu nhập thấp hơn.”
Khi nền kinh tế chấp nhận một môi trường lãi suất tăng, ngày càng có nhiều lo ngại về các khoản thanh toán để trả nợ. Do việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng đến thị trường tín dụng và mức nợ tiêu dùng đang gia tăng, các khoản thanh toán được dự báo sẽ tăng.
Một nghiên cứu gần đây của WalletHub dự đoán rằng đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed sẽ dẫn đến tăng thêm 3.3 tỷ USD nợ lãi thẻ tín dụng trong năm nay.
Theo công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng Bankrate, lãi suất cho sinh viên liên bang vay sẽ tăng lên mức trước đại dịch vào năm 2022 và 2023. Ví dụ, các khoản vay dành cho bậc đại học sẽ tăng lên 4.99%, tăng từ 3.73%.
Trang web của công ty viết: “Cứ tháng Năm hàng năm, các khoản vay dành cho sinh viên liên bang được áp dụng một mức lãi suất cố định mới cho năm học sắp tới. Các tỷ lệ này được tính bằng cách kết hợp lợi suất cao của trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm với một mức phí cố định chung là 2.05%.”
Đối với thẻ tín dụng, Bankrate dự báo lãi suất trung bình sẽ vượt 18% vào cuối năm nay, tăng từ mức hiện tại là 16.41%. Kỷ lục trước đó là 17.87% hồi tháng Tư năm 2019.
Người tiêu dùng tin rằng sự thay đổi về lãi suất có thể khiến việc vay tín dụng trở nên khó khăn hơn. Cuộc Khảo sát về Kỳ vọng Người tiêu dùng của Fed New York vào tháng Tư cho thấy hơn một nửa (52%) người tiêu dùng nói rằng sẽ khó hơn nhiều hoặc phần nào khó hơn để có được tín dụng trong 12 tháng tới.
Nghiên cứu này cũng cho thấy ¼ số người tiêu dùng nghĩ rằng tình hình tài chính gia đình của họ sẽ có phần tồi tệ hơn trong năm tới.
Điều kiện kinh tế hiện tại có thể làm giảm xu hướng kinh doanh và tiêu dùng không?
Chỉ số Lạc quan Kinh tế IBD/TIPP đã giảm xuống 41.2 trong tháng Năm, giảm từ mức 45.5 của tháng Tư. Triển vọng kinh tế sáu tháng của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 33.2.
Nhưng Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng của Đại học Michigan được dự báo sẽ giảm nhẹ trong tháng Năm.
Deutsche Bank đã viết trong một báo cáo nghiên cứu: “Mặc dù thị trường lao động vẫn ổn định, nhưng chúng tôi kỳ vọng tâm lý sẽ tiếp tục thăm dò các chỉ số thấp gần đây do lạm phát cao và giá tài sản suy yếu. Tức là, chúng tôi cũng sẽ rất chú ý đến những gì người tiêu dùng đang nói về triển vọng lạm phát vì đó là dữ liệu đầu vào cho chỉ số kỳ vọng lạm phát chung (CIE) của Fed.”
Chỉ số Lạc quan của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NFIB) không đổi ở mức 93.2 hồi tháng Tư. Nhiều chủ doanh nghiệp dự đoán điều kiện sẽ xấu đi trong sáu tháng tới. Đồng thời, tỷ lệ các công ty tăng giá để giảm bớt áp lực lạm phát đã giảm bớt từ mức cao nhất trong lịch sử hồi tháng Ba.
Trong một tuyên bố, nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết: “Các chủ doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn để đối phó với áp lực lạm phát. Nguồn cung lao động không đáp ứng mạnh mẽ với việc các doanh nghiệp nhỏ đưa ra mức lương cao và tác động của lạm phát đã làm gián đoạn đáng kể hoạt động kinh doanh.”
Theo cuộc khảo sát hồi tháng Tư của Fed New York, kỳ vọng của công chúng về mức độ lạm phát một năm kể từ bây giờ vẫn ở mức cao 6.3%.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: