Nợ chồng lên nợ: Bắc Kinh phát hành thêm trái phiếu trong bối cảnh kinh tế suy thoái
Bắc Kinh phát hành trái phiếu mới khi các khoản nợ tăng lên và các giao dịch hoán đổi rủi ro tín dụng tăng giá. Các chính phủ địa phương, từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái bất động sản, dự kiến sẽ phát hành thêm trái phiếu.
Đã có nhiều bài viết về số nợ của Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ. Tuy nhiên, Trung Cộng cũng đang tăng cường bán trái phiếu cho các chính phủ ngoại quốc một cách đều đặn. Hiện tại, khoản nợ của chính phủ trung ương Trung Quốc trị giá 354.11 tỷ USD do các chính phủ, cá nhân và nhà đầu tư tổ chức ngoại quốc nắm giữ. Tính đến cuối tháng Mười, trái phiếu chính phủ Trung Quốc (CGBs) đã được thêm vào Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới (WGBI) của Sở Giao dịch Chứng khoán Tài chính (FTSE).
Trong 5 năm qua, Bắc Kinh đã huy động được hàng tỷ dollar với đợt phát hành trái phiếu mùa Thu trên thị trường trái phiếu quốc tế. Vào tháng Chín, Bộ Tài chính thông báo sẽ phát hành trái phiếu kho bạc mệnh giá 8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.24 tỷ USD) tại Hồng Kông – đợt phát hành đầu tiên trong tổng số 20 tỷ nhân dân tệ trái phiếu kho bạc tại thành phố này trong năm nay. Chính phủ thành phố Thâm Quyến cũng phát hành trái phiếu nhân dân tệ ra ngoại quốc ở Hồng Kông, trở thành chính phủ địa phương đầu tiên làm như vậy.
Truyền thông nhà nước Global Times cho biết Bắc Kinh hy vọng rằng những đợt phát hành trái phiếu này sẽ làm tăng tính quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, cho đến nay, đồng nhân dân tệ đã không đạt được nhiều bước tiến trong việc trở thành một loại tiền tệ toàn cầu, khi chỉ chiếm 1.88% các khoản thanh toán toàn cầu và 1.95% dự trữ tại các ngân hàng ngoại quốc. Ngoài ra, nhân dân tệ chỉ là loại tiền tệ được giao dịch thường xuyên đứng thứ chín.
Theo Global Times, những đợt phát hành trái phiếu này “thể hiện niềm tin và quyết tâm của Trung Quốc trong việc mở cửa với thế giới bên ngoài.” Bất chấp Luật An ninh Quốc gia đã đe dọa vị thế của Hồng Kông như một trung tâm tài chính toàn cầu, Trung Cộng cũng hy vọng rằng các đợt phát hành trái phiếu này có thể duy trì vị thế của Hồng Kông như một thị trường nhân dân tệ ở ngoại quốc và một trung tâm tài chính quốc tế.
Các đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Trung Quốc có tác dụng đo lường những sự nhìn nhận của toàn cầu về tình hình và quỹ đạo chung của nền kinh tế Trung Quốc. Trong quý 3, nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4.9%, giảm so với mức 7.9% của quý trước.
Một số vấn đề đang gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm tình trạng thiếu điện và gián đoạn chuỗi cung ứng, cũng như việc tăng cường giám sát quy định đối với các lĩnh vực công nghệ, tài chính, và bất động sản. Một dấu hiệu xấu khác là doanh thu tài khóa của Trung Quốc so với năm trước đó đã giảm 2.1% trong tháng Chín.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (PMI), thước đo hướng đi chung trong lĩnh vực sản xuất, đang có xu hướng giảm dần. Chỉ số này dưới 50 có nghĩa là lĩnh vực này đang thu hẹp. Vào tháng Chín, PMI của Trung Quốc là 49.6. Cho đến nay, vào tháng 11, PMI là 49.2.
Một trở ngại khác đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước là rủi ro vỡ nợ cao, liên quan đến nhà phát triển bất động sản China Evergrande Group. Rủi ro này đang làm giảm niềm tin vào toàn bộ lĩnh vực bất động sản, hiện đang tràn sang các hoạt động liên quan đến bất động sản. Sản xuất xi măng và thép cũng như việc mua bán tài sản và các hợp đồng xây dựng mới, đã trải qua một sự suy giảm mạnh mẽ. Đầu tư bất động sản giảm, cũng như giá trị bất động sản ở hầu hết các thành phố lớn của Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc đã giảm dự báo tăng trưởng Trung Quốc của họ. Chẳng hạn, Oxford Economics đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng quý 4 từ 5% xuống 3.6% và tăng trưởng GDP năm 2021 từ 5.8% xuống 5.4%. Một chỉ báo nữa khiến nhìn nhận của thế giới đối với nền kinh tế Trung Quốc trở nên tồi tệ là chi phí hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng, vốn để bảo vệ các nhà đầu tư chống lại các khoản vỡ nợ bằng đồng USD của chính phủ Trung Quốc, đã đạt mức cao nhất kể từ các đợt phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt vào tháng 04/2020.
Giao dịch hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) là [việc thông qua] một chứng khoán tài chính phái sinh, hoặc hợp đồng, cho phép nhà đầu tư “hoán đổi” hoặc bù đắp rủi ro tín dụng của mình – rủi ro mà trái phiếu sẽ vỡ nợ – bằng cách mua hợp đồng CDS từ một nhà đầu tư khác. Một CDS có thể liên quan đến trái phiếu đô thị hoặc trái phiếu công ty, cũng như các công cụ nợ khác như trái phiếu thị trường mới nổi hoặc chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Phần bù rủi ro trả cho CDS tương quan trực tiếp với khả năng trái phiếu sẽ vỡ nợ.
Việc chi phí của CDS đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc tăng lên cho thấy thị trường ít tin tưởng hơn vào khả năng thanh toán lãi và gốc đúng hạn của Trung Quốc. Chi phí của CDS đối với nợ chính phủ Trung Quốc đã tăng 0.57%, do đó, hiện chi phí để bảo hiểm 10 triệu USD trái phiếu trước rủi ro vỡ nợ là khoảng 57,000 USD một năm.
Lĩnh vực bất động sản, vốn thường hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đã bị rung chuyển bởi các vụ vỡ nợ và nguy cơ vỡ nợ gia tăng. Hai phần ba các nhà phát triển lớn nhất của Trung Quốc bị phát hiện vi phạm chính sách nợ “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc, chính sách này cấm các công ty duy trì các khoản nợ phải trả lớn hơn tài sản, giá trị khoản vay lớn hơn giá trị cổ phiếu phổ thông hoặc nợ ngắn hạn lớn hơn tiền mặt thanh khoản. Việc mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng xấu đến các chính phủ địa phương vốn phụ thuộc vào việc bán đất để có khoảng 1/5 doanh thu của họ.
Doanh số bán đất đã giảm 17.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái vào tháng Tám, mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong khoảng thời gian từ tháng Sáu đến tháng Mười, 40% lô đất được chào bán đã bị thu hồi hoặc không có người đấu giá. Với thu nhập ít hơn từ việc bán đất, các chính phủ địa phương được khuyến khích bán trái phiếu, làm tăng mức nợ của họ. Trong 3 quý đầu năm 2021, các chính phủ địa phương đã phát hành trái phiếu trị giá 347 tỷ USD, bằng 61% hạn ngạch hàng năm của họ.
Chính phủ địa phương sử dụng thu nhập của họ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nhưng khi thu nhập của họ giảm và việc việc bán trái phiếu bị chậm lại, thì đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng giảm theo. Trong những tháng gần đây, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã giảm 10% so với một năm trước đó, mức giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Vào tháng Mười, trong nỗ lực duy trì tăng trưởng, Bắc Kinh đã đẩy 156 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng trong thời gian chỉ hai tuần. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã sử dụng các hoạt động thị trường mở để bơm tiền mặt vào hệ thống, hỗ trợ thanh toán thuế doanh nghiệp và việc phát hành [trái phiếu] nợ của địa phương. Biện pháp này được thực hiện để bảo đảm tính thanh khoản, vì có các khoản thanh toán lãi và gốc đến hạn từ các công ty phát hành bất động sản có lợi suất cao .
Trong tương lai, không có dấu hiệu nào cho thấy các hạn chế đối với lĩnh vực bất động sản sẽ được dỡ bỏ đi. Nền kinh tế dường như đang chậm lại thay vì phục hồi. Và có thể mong đợi rằng cả chính phủ trung ương và địa phương sẽ phát hành thêm trái phiếu, điều này sẽ làm tăng nợ công của Trung Quốc vốn đã hơn 300% GDP.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: