Niềm vui và những khó khăn khi làm ông bà
Một tác giả Khuyết danh đã để lại một câu cách ngôn nổi tiếng: “Ông bà vừa là cha mẹ, vừa là thầy cô, vừa là bạn thân.”
Sự kết hợp ba phần nhỏ thành “ông bà” đó tạo ra những niềm vui lớn nhất mà cuộc sống có thể ban tặng cho chúng ta. Làm ông bà khác hẳn làm cha mẹ. Nỗi lo lắng khi làm cha mẹ sẽ được thay thế bằng niềm vui khi làm ông bà, và sự nuông chiều chúng ta dành cho các cháu sẽ dạt dào hơn dành cho những đứa con. Người đàn ông hiếm khi được mẹ cho ăn kẹo thời bé vô cùng ngạc nhiên khi bà đưa cho con gái anh một thanh kẹo Hershey’s.
Và dưới đây, chúng ta hãy suy nghĩ sâu hơn một chút về ba vai trò này của ông bà.
Ông bà làm cha mẹ
Nhiều ông bà phải chăm sóc cháu khi cha mẹ đứa bé không ở bên cạnh. Một người bà mà tôi biết chăm sóc hai đứa trẻ mới biết đi vài ngày một tuần trong khi con gái và con rể của bà đi làm. Tôi nói chuyện với bà ấy, và với nhiều ông bà khác, bà ấy rất thích thời gian này với lũ trẻ. Không bị áp lực phải làm việc nhà và các công việc khác, bà có thể tập trung vào lũ trẻ hơn cả cha mẹ chúng, chơi trò chơi với chúng hoặc ngồi trên hiên nhà nhìn lũ trẻ chạy quanh sân. Điều tuyệt vời nhất là — hầu hết các ông bà đều hiểu cảm giác này — bà về nhà vào cuối ngày, chắc chắn là có phần kiệt sức, nhưng không có thêm trách nhiệm nào.
Tuy nhiên, có một số khó khăn khi đóng vai trò phụ huynh, điều này có thể được minh họa bằng một câu chuyện cười cũ: “Tại sao ông bà và cháu lại hòa hợp với nhau như vậy? Bởi vì họ có một kẻ thù chung.”
Câu chuyện đùa đó có thể mang lại tiếng cười, nhưng nó ẩn chứa một lời cảnh báo. Giống như nhiều ông bà khác, tôi đã học cách kiềm chế những lời chỉ trích về phương pháp giáo dục của các con mình, trừ khi được hỏi ý kiến. Đối với tôi, nếu tôi thấy cháu gái dành quá nhiều thời gian để xem tivi hoặc cháu trai mặc quần áo màu quá tối, thì tôi đã học cách nuốt suy nghĩ này của mình vào trong và uốn lưỡi bảy lần trước khi chỉ trích điều gì.
Một lời quở trách gay gắt đứa cháu có thể mang lại kết quả tai hại không kém. Nếu bạn khiển trách cháu trai về cách cư xử trên bàn ăn thì bạn có thể nhận được một cái nhìn sắc như dao từ mẹ nó.
Ông bà làm giáo viên
Nếu bạn trên 60 tuổi, thì rất có thể bạn là một cuốn bách khoa toàn thư về kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đã phải đối mặt với thiên tai và dịch bệnh, bạn đã chiến đấu theo cách của mình để vượt qua những khó khăn và vất vả trong cuộc sống, bạn đã trải qua biết bao thăng trầm. Nói cách khác, bạn đã sống cả một đời rồi.
Nhiều ông bà có thời gian và cơ hội để chia sẻ kho tàng này với những người trẻ. Họ dạy Johnny cách câu cá hồi, họ mời cháu mình vào bếp và chia sẻ công thức nấu món gazpacho và trứng tráng, họ dẫn cháu vào sân sau, dựng một chiếc hộp các-tông và chỉ cho cháu cách bắn trúng mục tiêu bằng súng BB Red Ryder mới của nó.
Trong thời gian trường học đóng cửa vì đại dịch, nhiều ông bà chắc chắn đã trợ giúp dạy dỗ cháu mình, bổ sung cho các lớp học online dạy toán, lịch sử và các môn học khác. Họ đã trở thành giáo viên chính thức gắn bó với các cháu mình vì khoảng thời gian cạnh cháu.
Nhưng trí tuệ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mới là điều quan trọng nhất. Như Robert Ruark đã viết trong “The Old Man and the Boy” về sự tôn kính anh dành cho ông mình: “Điều tôi thích nhất ở ông là ông luôn sẵn sàng nói về những gì ông biết và ông không bao giờ coi nhẹ một đứa trẻ, như tôi, người muốn biết mọi thứ.”
Ông bà là người bạn tốt nhất
Thay vì “bạn thân”, tôi thích “bạn tâm giao” hơn. Vì nhiều lý do khác nhau, trẻ thường tìm kiếm lời khuyên của ông bà hơn là anh chị em, bạn bè ở trường, hay cha mẹ của chúng. Chúng nhận ra sự uyên bác được đúc kết theo thời gian và chúng tin tưởng người đã nắm tay dắt chúng khi mới chập chững biết đi, dạy chúng đi xe đạp mà không cần bánh phụ, dùng bữa tối và hướng dẫn chúng giải quyết những khó khăn trong môn Ngữ pháp tiếng Anh lớp bảy.
Vai trò tư vấn và cố vấn này có thể khiến ông bà cảm thấy khó khăn, nỗi buồn và cả những giọt nước mắt. Cho dù đó là một cậu bé 11 tuổi khóc vì học bạ của mình trước khi đưa cho mẹ hay một cô bé 16 tuổi tiều tụy, ăn năn thú nhận rằng mình đã tham gia bắt nạt một bạn cùng lớp trên mạng, thì ông bà cuối cùng cũng phải chịu đựng một phần gánh nặng của những khoảnh khắc đau thương này.
Và những lời tâm sự này, dù đau đớn đến đâu khi chứng kiến, nhưng ngầm trao gửi một thông điệp đến ông bà rằng những đứa trẻ rất coi trọng và tôn kính họ.
Mặt khác
Những rạn nứt trong gia đình đôi khi làm chia cắt ông bà với các cháu của họ. Dù điều gì đã xảy ra, bất cứ ai đã xúi giục sự chia cắt – cha mẹ, ông bà hoặc chính các cháu – sự tan vỡ này thường mang lại niềm hối tiếc và đau buồn cho gia đình.
Tôi biết một số người đã rơi vào tình cảnh ấy. Một người phụ nữ từ chối không cho mẹ mình gặp cháu gái; một thanh thiếu niên khó chịu luôn coi thường ông bà, vì họ đã lỡ bỏ mặc con cái trước kia, nay họ không còn liên lạc với nhau. Những chia rẽ này và những chia rẽ khác có thể rất đau lòng, đặc biệt là đối những người tuyệt vọng đang cố gắng sửa chữa và khôi phục các mối quan hệ.
Đối với những người đang phải chịu đựng sự đau đớn này hàng ngày, câu nói của William Blake trong “The Divine Image” xuất hiện trong đầu tôi: “Lòng nhân từ, sự thương hại, yên bình và tình yêu”. Đó là bốn hương vị mà những linh hồn đau khổ này luôn hy vọng trải nghiệm.
Hãy giữ liên lạc khi còn có thể
“Không ai có thể làm cho những đứa trẻ những điều ông bà chúng làm,” nhà văn Alex Haley từng nói. “Ông bà như người rắc hạt bụi thần tiên lên cuộc đời của những đứa nhỏ.”
Chúng ta có thể rắc bụi cổ tích lên tất cả các cháu của chúng ta, dù ít hay nhiều, bằng những bức thư, cuộc gọi điện thoại và email. Và nếu bạn là một trong những người may mắn đang ở cùng các cháu của mình ngay bây giờ, tôi khuyên bạn nên dừng bất cứ việc gì bạn đang làm lại và rắc một ít bụi đó quanh nhà. Hãy dành cho những đứa cháu một nụ hôn lên trán và một cái ôm cực kỳ đặc biệt, ngay cả khi cậu thiếu niên đó trở nên cứng đơ như tấm ván khi được ôm hôn.
Đặc biệt là cậu thiếu niên đó.
Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt đang phát triển. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, N.C. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết “Learning as I Go” và “Movies Make the Man”. Ngày nay, ông sống và viết ở Front Royal, Va. Truy cập JeffMinick.com để theo dõi blog của ông.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times