Niềm tin của người tiêu dùng tăng vọt khi sự lạc quan về thị trường lao động vượt trội mối lo ngại về lạm phát
Niềm tin của người tiêu dùng Hoa Kỳ tăng trong tháng Mười sau ba tháng giảm liên tiếp, khi tâm lý lạc quan về triển vọng tài chính và việc làm vượt trội sự tăng vọt lo ngại về lạm phát.
Conference Board cho biết trong một báo cáo hôm 26/10 rằng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tính toàn phần của họ đã tăng lên mức 113.8 vào tháng Mười, tăng từ 109.8 trong tháng trước.
Bà Lynn Franco, Giám đốc cao cấp về các Chỉ số Kinh tế tại Conference Board, cho biết trong một tuyên bố: “Niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện trong tháng Mười, đảo ngược xu hướng giảm trong ba tháng khi lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta đã dịu bớt.”
Bà Franco cho biết, lo ngại về lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, nhưng lưu ý rằng tác động của giá cả tăng lên đối với niềm tin nói chung vẫn còn nhẹ.
Bà nói: “Tỷ lệ người tiêu dùng có kế hoạch mua nhà, xe hơi, và các thiết bị chính toàn bộ đều tăng trong tháng Mười—một dấu hiệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.”
Chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 2/3 sản lượng.
Một điểm dữ liệu khác phản ánh một sự phục hồi liên tục trong mức độ sẵn sàng đi du lịch và chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ trực tiếp là thước đo các kế hoạch đi nghỉ. Gần một nửa số người được hỏi nói với Conference Board rằng họ dự định đi nghỉ vào một thời điểm nào đó trong sáu tháng tới, với thước đo đạt mức cao nhất kể từ tháng 02/2020.
Hai thước đo khác, một đánh giá điều kiện kinh tế hiện tại và một phản ánh triển vọng tương lai của người tiêu dùng trong ngắn hạn, cả hai đều tăng trong tháng Mười.
Chỉ số tình hình hiện tại, đo lường đánh giá của người tiêu dùng về các điều kiện thị trường việc làm và kinh doanh hiện tại, đã tăng lên 147.4 từ 144.3 vào tháng Chín, mặc dù đánh giá còn mang tính hỗn hợp đối với một số thành phần riêng biệt.
Trong khi tỷ lệ người tiêu dùng cho biết điều kiện kinh doanh hiện tại là “tốt” đã giảm xuống 18.6% trong tháng Mười so với 19.1 của tháng trước, tỷ lệ người tiêu dùng cho biết điều kiện kinh doanh “xấu” đã giảm từ 25.3% xuống 24.9%.
Đánh giá về thị trường lao động hiện tại đã có phần lạc quan hơn. Tỷ lệ người được hỏi cho biết việc làm là “dồi dào” giảm xuống 55.6% từ 56.5%. Đồng thời, 10.6% người tiêu dùng cho biết “khó kiếm việc làm”, giảm so với mức 13.0% của tháng trước.
Các thành phần của kỳ vọng 6 tháng tới đối với các điều kiện kinh doanh cũng khác nhau, mặc dù triển vọng thị trường lao động trong tương lai lạc quan hơn hiện tại. Vào tháng Mười, 25.4% người tiêu dùng dự kiến sẽ có nhiều việc làm hơn vào 6 tháng phía trước so với 21.3% trong tháng Chín. Đồng thời, 18.3% trong tháng Mười dự kiến sẽ có ít việc làm hơn sáu tháng phía trước, so với 19.9% trong tháng trước.
Triển vọng tài chính 6 tháng phía trước cũng cho thấy sự cải thiện trong tháng Mười so với tháng trước, với 18.7% người tiêu dùng nói rằng họ mong đợi thu nhập của họ sẽ tăng, tăng từ mức 16.9% trong tháng Chín.
Đánh giá chung lạc quan về điều kiện thị trường lao động được đưa ra khi số lượng cơ hội việc làm ở Hoa Kỳ vẫn ở mức cao kỷ lục. Dữ liệu gần đây nhất của Bộ Lao động cho thấy số lượng công việc cần tuyển dụng đã giảm từ mức kỷ lục 11.1 triệu vào cuối tháng Bảy xuống còn 10.4 triệu vào ngày cuối cùng của tháng Tám—vẫn là một con số cao trong lịch sử.
Ngoài ra, cái gọi là tỷ lệ bỏ việc – phản ánh niềm tin của người lao động vào việc có thể tìm được một công việc tốt hơn—đã tăng lên mức cao kỷ lục là 2.9%, dữ liệu của Bộ Lao động cho thấy, vẽ nên bức tranh về sức căng của thị trường việc làm và quyền xác định giá cả (mức lương) ngày càng tăng của người lao động.
Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng đang ở mức cao nhất trong 30 năm và vượt xa mục tiêu 2% của Fed, gây áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải rút lại một số biện pháp kích thích khẩn cấp, bao gồm khoảng 120 tỷ USD mua tài sản hàng tháng.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ ông Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: