Niềm tin của các CEO suy yếu khi nước Mỹ chuẩn bị cho suy thoái
Niềm tin của các giám đốc điều hành (CEO) vào nền kinh tế Hoa Kỳ đang suy yếu khi kết quả khảo sát và nhận xét từ các giám đốc điều hành hàng đầu cho thấy một triển vọng mờ mịt.
Kết quả đo lường tâm lý của CEO trong quý II của Conference Board cho thấy 57% dự đoán nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ trải qua một cuộc suy thoái “rất ngắn, nhẹ”. Con số này thể hiện quý thứ tư liên tiếp giảm kỳ vọng.
Theo cuộc khảo sát thường xuyên của nhóm nghiên cứu kinh doanh, 61% CEO lưu ý rằng điều kiện kinh tế nói chung tồi tệ hơn so với 6 tháng trước, trong khi 37% nói rằng điều kiện trong ngành của họ tồi tệ hơn.
“Niềm tin của các CEO suy yếu hơn nữa trong quý hai, khi các giám đốc điều hành đối mặt với giá cả tăng cao và các thách thức về chuỗi cung ứng, mà cuộc chiến ở Ukraine và các hạn chế COVID mới ở Trung Quốc đã khiến tình hình thêm phần bế tắc,” bà Dana M. Peterson, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, cho biết trong một tuyên bố. “Kỳ vọng về các điều kiện trong tương lai cũng ảm đạm, với 60% giám đốc điều hành dự đoán nền kinh tế sẽ xấu đi trong 6 tháng tới – mức tăng rõ rệt so với 23% có quan điểm đó trong quý trước”.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, một cuộc suy thoái được định nghĩa là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 2 quý liên tiếp. Nhưng Cục này đã mở rộng các chỉ số suy thoái của mình, xem xét bốn lĩnh vực chính khác: việc làm trong biên chế, sản lượng công nghiệp, khối lượng bán hàng trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, và thu nhập cá nhân sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã cởi mở về sự bối rối của họ xung quanh nền kinh tế rộng lớn hơn.
Ông Bob Bilbruck, Giám đốc điều hành của Captjur, một công ty dịch vụ phát triển và công nghệ, đã chia sẻ nhận định bi quan của các đồng nghiệp về nền kinh tế.
“Tôi nghĩ rằng nhiều CEO như tôi biết chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái. Chúng ta cũng biết mọi thứ không phải toàn màu hồng như tầng lớp chính trị khiến quý vị tin tưởng vào.”
Ông cũng tin rằng giá xăng tăng cao, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 4.622 USD/ gallon hôm 31/05, sẽ buộc người tiêu dùng ngừng chi tiêu, đây là một tin xấu đối với nền kinh tế rộng lớn hơn có khu vực tiêu dùng chiếm hai phần ba.
Ông Bilbruck nói thêm: “Tôi nghĩ rằng nhiều CEO đang nỗ lực để vượt qua cơn bão và thực sự coi suy thoái kinh tế đang tồi tệ hơn là một điều tốt. Tiền đã quá dễ dàng quá lâu, và có tác động tiêu cực đến nền kinh tế thực. Wall Street đã ưa thích tình trạng tiền dễ dàng, nhưng mọi thời điểm tốt đẹp đều kết thúc — lần này tôi nghĩ rằng nó sẽ tồi tệ giống như năm 2008.”
Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, ông Elon Musk gần đây đã viết trên Twitter rằng suy thoái là “một điều tốt”, nói thêm rằng suy thoái kinh tế có thể kéo dài tới 18 tháng.
Ông nói, “Đúng, nhưng đây thực sự là một điều tốt. Đã có quá nhiều tiền giành cho những kẻ ngu ngốc quá lâu. Một số vụ phá sản cần phải xảy ra.”
“Các công ty vốn có dòng tiền âm (tức là những kẻ hủy diệt giá trị) cần phải chết, để chúng ngừng tiêu thụ tài nguyên.”
Nói chuyện tại Lễ hội Tương lai của Mọi thứ của The Wall Street Journal vào đầu tháng này, Giám đốc điều hành của Wells Fargo, ông Charlie Scharf, thừa nhận rằng đất nước đang phải đối mặt với một số dạng suy thoái kinh tế.
Ông nói với hội nghị, “Tôi nghĩ rằng sẽ khó tránh khỏi một số loại suy thoái.”
“Nhưng tôi cũng hiểu được thực tế là mọi người đều rất mạnh mẽ đi vào cuộc suy thoái này, [sự mạnh mẽ mà] hy vọng là sẽ cung cấp một bước đệm để bất kỳ cuộc suy thoái nào xảy ra, nếu có, đều là ngắn và không quá sâu.”
Giám đốc điều hành Morgan Stanley, ông James Gorman, nói với các cổ đông tại cuộc họp đại hội đồng thường niên của công ty hôm 26/05 rằng khả năng xảy ra suy thoái là dưới 50%.
Ông Anthony Capuano, Giám đốc điều hành của chuỗi khách sạn Marriott International, nói với các phóng viên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào tuần trước rằng: “có vẻ như chúng ta đang hướng tới một cuộc suy thoái.”
Ông Paul Knopp, Giám đốc điều hành KPMG, tiết lộ với Yahoo Finance Live rằng “chúng tôi đang theo dõi một cuộc suy thoái tiềm tàng.”
Ông nói thêm, “Không rõ liệu điều đó có xảy ra ở Hoa Kỳ hay không. Nhưng đó chắc chắn là thứ mà chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ.”
Nhưng không phải tất cả các nhà lãnh đạo của giới doanh nghiệp Hoa Kỳ đều cho rằng bầu trời đang sụp xuống.
Giám đốc điều hành Best Buy, ông Corie Barry, đã lưu ý trong một hội nghị công bố lợi nhuận gần đây rằng nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng “không có kế hoạch cho một cuộc suy thoái hoàn toàn”, mặc dù công ty đang “tính toán đến nhu cầu thấp hơn.”
Ông Mansoor Al Mahmoud, Giám đốc điều hành của Qatar Investment Authority, nói với CNBC rằng quỹ này không bi quan như nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu có một sự suy thoái trong nền kinh tế, thì “đó sẽ là một cuộc suy thoái nhẹ.”
Ông David Solomon, Giám đốc điều hành Goldman Sachs khuyến nghị, nếu nhìn về phía trước, thì các doanh nghiệp, người tiêu dùng, và nhà đầu tư nên thận trọng với những điều kiện này.
Nhìn chung, ông Mike Davis, đối tác sáng lập tại Olive Tree Ridge, một công ty quản lý tài sản đa chiến lược, lập luận rằng cuộc suy thoái tiếp theo sẽ khác so với những gì diễn ra vào năm 2008, đặc biệt là về mặt lao động.
Ông nói: “Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất mọi thời đại. Rất khó để có tuyển được người giỏi, giữ chân được người giỏi, và làm như vậy sẽ trở nên tốn kém hơn.”
“Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta rơi vào thời kỳ lạm phát. Từ góc độ công ty, tôi sẽ dành một chút thời gian để nhìn lại lịch sử. Chúng ta không đơn độc.”
Ai sẽ sống sót?
Kể từ khi đại dịch bùng phát hơn hai năm trước, các nhà đầu tư đã tỏ ra hào hứng với các công ty internet, từ hội nghị truyền hình (Zoom) đến giải trí gia đình (Netflix).
Tuy nhiên, năm nay lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Việc bán tháo công nghệ đã diễn ra rất dữ dội, với Chỉ số tổng hợp Nasdaq giảm mạnh 25%. Nhiều đại công ty công nghệ đã đưa ra những khoản thu nhập mờ nhạt và đưa ra những dự báo yếu kém.
Ông Davis nói, trong kiểu môi trường này, các công ty cần “thực sự lập kế hoạch cho điều tồi tệ nhất.”
Ông Davis nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta thậm chí còn chưa biết đáy [của thị trường] là ở đâu, nhưng rất nhiều người đang cố gắng chơi trò chơi chọn thời điểm. Tôi không nghĩ đó là bước đi đúng đắn chút nào. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.”
Cho đến khi các chỉ số của các công ty chứng minh có sự thay đổi trên cơ sở nhất quán, thì việc các doanh nghiệp tư nhân phải chuẩn bị là rất quan trọng, ví như tình huống này giống với câu chuyện ngụ ngôn kinh điển “Kiến và Châu chấu.”
Ông nói thêm: “Tiền mặt là thứ toàn năng.”
Thật vậy, các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận lành mạnh và sản xuất ra những thứ vật chất đang quay trở lại với sức bật lớn. Chỉ số FTSE 100 và Chỉ số Tổng hợp S & P/TSX, các điểm chuẩn tập trung vào hàng hóa và công nghiệp, đã giảm lần lượt 1.5% và 2%.
Ông Peter Oppenheimer, trưởng chiến lược gia cổ phiếu toàn cầu và là trưởng bộ phận Nghiên cứu vĩ mô ở Âu Châu tại Goldman Sachs, gọi đây là “chu kỳ hậu hiện đại.”
Ông Oppenheimer viết trong một ghi chú: “Chúng tôi đang thấy chu kỳ này khá nhanh. Đó là một lời nhắc nhở rằng chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới vật chất rất con người. Giá trị của những thứ vật chất đó, bao gồm cả vốn nhân lực, đang thực sự tăng lên.”
Ông Davis lưu ý, nếu các công ty có thể cung cấp thường xuyên các sản phẩm chất lượng cao thay vì thông báo cho khách hàng rằng họ đã hết hàng hoặc chất lượng hàng hóa bị giảm sút, thì khách hàng sẽ đánh giá cao điều đó, ngay cả khi chi phí tăng lên.
Các chuyên gia tài chính đồng ý: Nếu các yếu tố căn bản là rất tốt, thì các doanh nghiệp sẽ có thể chống chọi được với đợt suy thoái kinh tế tiếp theo.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).