Những ý định thực sự của ông Tập Cận Bình đằng sau việc phân phối lại của cải
Trong những năm gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã từng bước thắt chặt kiểm soát đối với nguồn vốn tư nhân. Các doanh nghiệp nhà nước tiếp quản vô số doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh làn sóng phá sản và nỗ lực phân phối lại của cải.
Trong cuộc hội đàm với các quan chức Trung Cộng hôm 17/08, ông Tập đã kêu gọi “thịnh vượng chung” và phân phối lại tài sản của khu vực tư nhân, nhằm vào một số cá nhân và nhóm giàu có ở Trung Quốc.
Hôm 01/07, ông Tập đã có một bài phát biểu tại lễ kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập Trung Cộng. Đáng chú ý là ông Tập đã mặc một bộ đồ kiểu của ông Mao, một kiểu áo cựu lãnh đạo Mao Trạch Đông mặc.
Biểu hiện này khiến thế giới bên ngoài tự hỏi liệu ông Tập có đang đưa Trung Quốc trở lại thời đại của ông Mao hay không.
Trung Cộng cũng đang nhấn mạnh chính sách cải cách và cởi mở, đồng thời hỗ trợ khu vực tư nhân.
Chẳng hạn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm tới khu vực Tây Nam Quảng Tây của Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 18/09. Ông nói rằng khu vực tư nhân là một “lực lượng quan trọng” trong việc tạo ra việc làm và của cải.
Trong một diễn đàn ở phía nam thành phố Quảng Châu hôm 16/09, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nói rằng Bắc Kinh “kiên quyết ủng hộ sự phát triển lành mạnh của kinh tế khu vực tư nhân.”
Vậy thực sự thì ông Tập muốn gì?
Ông Tập muốn thiết lập lại các quy tắc
Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Wang Juntao, đồng chủ tịch Đảng Dân chủ Trung Quốc, tin rằng ông Tập muốn xây dựng lại một xã hội cộng sản, nhưng không phải để tái tạo mô hình của ông Mao.
Ông Wang nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times: “Ý định thực sự của ông Tập là duy trì một xã hội cộng sản, nhưng theo một cách có vẻ văn minh hơn, theo định hướng thị trường.”
“Cuộc cách mạng của ông Mao là loại bỏ hoàn toàn các địa chủ và doanh nhân giàu có.”
Theo ông Wang, ông Tập khác ông Mao vì ông ấy cần khu vực tư nhân, vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc.
“Ông Tập đã có nhiều chuyến thăm tới các doanh nghiệp tư nhân trong thời gian đại dịch xảy ra để thể hiện sự ủng hộ của ông ấy.”
Nhưng ông Tập không muốn khu vực tư nhân trở nên quá giàu có và quyền lực. Ông Wang nói, vì vậy, ông ta đã thiết lập các quy tắc của riêng mình để duy trì sự kiểm soát đối với khu vực này.
Ông Wang phân tích rằng ông Tập đang thúc đẩy mô hình phân phối tài sản năm bậc. “Việc phân phối cấp một là thông qua thị trường. [Theo đó], trên thị trường, một số người kiếm được tiền, trong khi một số người khác mất tiền.”
Sau đó, chế độ này sử dụng phân phối cấp độ hai – đánh thuế. Ông Wang nói, ngoài các loại thuế hiện có, Trung Cộng có kế hoạch áp dụng các loại thuế mới đối với tài sản và thừa kế.
Ông Wang cho biết, việc phân phối theo cấp độ thứ ba liên quan đến việc yêu cầu người giàu đóng góp của cải của họ hoặc trả lại cho xã hội. Nếu họ không tuân thủ, thì Trung Cộng sẽ sử dụng phương pháp phân phối bậc 4 – làm phá sản những người giàu. Ông nói, sau đó, các công ty nhà nước hoặc chính quyền địa phương tiếp quản các công ty tư nhân đã phá sản đó.
Ông Wang nói: “Việc phân phối cấp độ thứ năm liên quan đến việc bắt giữ những người giàu có. Ông kể tên hai doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc đã bị hạ bệ—ông Xiao Jianhua, người sáng lập Tomorrow Group và ông Wu Xiaohui, cựu chủ tịch của Anbang Insurance Group.
Ông Tập đang ‘thực dụng’
Ông Li Linyi, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự, nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times rằng ông Tập chỉ là người thực dụng và cố gắng xoa dịu các đối thủ của mình và các đảng viên khác.
Ông Li nói, “Rẽ trái là một lựa chọn rất thuận tiện, vì hệ tư tưởng của Trung Cộng là cánh tả. Nếu ông Tập rẽ phải, ông sẽ vấp phải sự phản kháng to lớn từ Trung Cộng. Vì vậy, ông ta rẽ trái, điều này cho phép ông ta kiểm soát phần lớn những người trong Trung Cộng.”
“Rẽ trái” thường được coi là quay trở lại thời ông Mao và nền kinh tế kế hoạch/tập trung của chế độ cộng sản.
‘Lối rẽ trái’ của ông Tập nhằm che đậy các vấn đề của Trung Quốc
Ông Hu Ping, một học giả tại Hoa Kỳ và là tổng biên tập của ấn phẩm trực tuyến ủng hộ dân chủ Beijing Spring, nói rằng ông Tập chỉ đang giả vờ quay trở lại thời đại của ông Mao – một động thái có thể đánh lạc hướng công chúng khỏi sự bất bình ngày càng tăng về sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo.
Ông Hu nói, “Trung Cộng đã nắm quyền bằng các cuộc cách mạng vũ trang bạo lực. Trung Cộng đã giành được sự ủng hộ của người dân Trung Quốc bằng cách tuyên bố đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội vì lợi ích của người dân, đó là tính hợp pháp của sự cai trị của nó.”
Ông Hu nói, tuy nhiên, những gì Trung Cộng đã làm kể từ khi lên nắm quyền hoàn toàn khác với những gì đã hứa.
Cựu lãnh đạo Trung Cộng Đặng Tiểu Bình đã khuyến khích một số ít người trở nên giàu có vào cuối những năm 1970. Ông Hu chỉ ra rằng những người này có quan hệ mật thiết với các đảng viên có ảnh hưởng của Trung Cộng, và những gia đình đỏ này đã trở thành tầng lớp ưu tú mới ở Trung Quốc.
Ông Hu nói: “Họ [đảng viên Trung Cộng] đã giết các địa chủ và nhà tư bản Trung Quốc, bây giờ gia đình họ đã trở thành địa chủ và tư bản. Đây là điều cực kỳ tồi tệ, điều chưa từng thấy trong lịch sử Trung Quốc.”
Một báo cáo tháng 12/2012 của Bloomberg tiết lộ rằng ba người con trai của các nhân vật chính trị quyền lực đã kiểm soát “các công ty nhà nước với tổng tài sản khoảng 1.6 ngàn tỷ USD trong năm 2011,” chiếm “hơn một phần năm sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc” và gia đình của họ được hưởng lợi từ sự kiểm soát của họ và đã tích lũy được khối tài sản tư nhân rất to lớn.
Ông Hu chỉ ra rằng các gia đình ưu tú đỏ được lãnh đạo bởi hai phe – phe của Đặng, đại diện cho các thành viên kỳ cựu của Trung Cộng; và phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đại diện cho phe tân cổ điển.
Ông Hu nói thêm rằng ông Tập nhận thức được sự phẫn nộ ngày càng tăng của người dân Trung Quốc, đó là lý do tại sao ông ta phất lên ngọn cờ đỏ của chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ông Tập cũng biết mình không thể quay trở lại nền kinh tế mà ông Mao đã thiết lập — một bài học mà ông Tập đã học được trong Cách mạng Văn hóa.
“Ông Tập phải tiếp tục tuyên bố rằng ông ấy là một người theo chủ nghĩa xã hội; nếu không, Trung Cộng không có tính hợp pháp cầm quyền.” Ông Hu nói rằng chủ nghĩa xã hội chỉ là vỏ bọc của ông Tập và “để cho mọi người thấy rằng ông ấy khác với Đặng và Giang.”
Trung Cộng chưa bao giờ từ bỏ chủ nghĩa xã hội
Nhà bình luận thời sự Tang Jingyuan đã phân tích sự khác biệt của ba thời đại ông Mao, ông Đặng, và ông Tập.
Theo ông Tang, ông Mao nhấn mạnh vào các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa xã hội, trong khi ông Đặng đã sử dụng các chiến lược rất khôn ngoan để đánh lừa phương Tây trong những thập kỷ qua, giả vờ rằng Trung Quốc đang tiến tới một nền kinh tế mở, định hướng thị trường. Bằng cách đánh lừa phương Tây, Trung Cộng đã thu hút đầu tư và công nghệ ngoại quốc vào Trung Quốc, nhờ đó tích lũy được của cải và sức mạnh của mình. Giờ đây, ông Tập cảm thấy sẵn sàng sử dụng sức mạnh để thôn tính thế giới với sự thống trị của Trung Cộng.
Ông Tang nói với The Epoch Times, “Bất kể họ sử dụng chiến lược hay phương pháp nào, mục tiêu của họ đều giống nhau: thống trị thế giới bằng chủ nghĩa độc tài.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Haizhong Ning từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra ngoại quốc và làm phóng viên tập trung vào các vấn đề chính trị và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: