Những vần thơ mỹ diệu nghênh đón Tháng Thi Ca Quốc Gia Hoa Kỳ
Ôi tháng Tư, tháng Tư đáng mến.
Tháng Ba xộc xệch với những cánh cổng có sư tử ngự trị và sự khởi hành của chiên con cuối cùng đã cúi đầu giã biệt, và vào thời khắc này, tháng Tư đang bước đến sàn diễn. Gắn với hình ảnh của nữ thần tình yêu Hy Lạp Aphrodite, tên gọi của nữ thần được bắt nguồn từ chữ “aperire,” trong tiếng La tinh, có nghĩa là “khai mở”, nàng tiên tháng Tư đương vẫy chiếc đũa, ban phép thần cho những trảng cỏ thô thốc bừng nở tươi xanh, cho những cây nhánh khô gầy trổ lộc non, và cho những đoá hoa đỗ quyên, mẫu đơn và hoa thủy tiên vàng rực rỡ vây quanh chúng ta. Những ngọn gió dần ấm lên, ngày dài hơn, những người hàng xóm vui thú hàn huyên nơi vườn sau, và những vị khách bộ hành cũng ung dung duỗi thẳng người, thay vì lom khom trong chiếc áo khoác và khăn choàng nặng chịch.
“Ôi, ở nước Anh của tôi. Tháng Tư đang ở đó rồi,” là những câu thơ trong bài “Nơi viễn xứ vọng cố hương” (Home Thoughts, From Abroad) của nhà thơ Robert Browning, và với những quốc gia bắc bán cầu, những cảm nhận về thời khắc này cũng tương đồng với nhau. Ai đó có thể không thích cái lạnh thấu xương tháng Giêng, hay những buổi trưa nóng như đổ lửa tháng Tám, nhưng liệu có ai nỡ buông lời phàn nàn cho tháng Tư nhã nhặn chứ. Nàng vùi mình trong màn hương ngọt thắm, trong ánh rạng ngời của lộc non xanh và hoa cỏ đương lúc nở rộ nhất, mà kiểu cách của nàng lại rất dễ nuông chiều. Vậy thì, ai có thể?
Và một trong những nguyên do nữa để thưởng thức ánh quang huy của chương thứ tư này, thì đây chính là Tháng Thi Ca Quốc Gia [Hoa Kỳ].
Một bữa tiệc Thơ
Tháng Thi Ca Quốc Gia Hoa Kỳ do Viện Hàn lâm các Thi nhân Hoa Kỳ sáng lập vào năm 1996, nhằm “nhắc nhở công chúng về tầm quan trọng của thơ ca và tính gắn bó chặt chẽ giữa các thi nhân và nền văn hóa của chúng ta.” Chương trình đã dần phát triển hơn về quy mô, và trở thành lễ kỷ niệm về văn học lớn nhất trên thế giới, với sự tham gia của mười triệu học sinh sinh viên, giáo viên và những người mến mộ thơ ca cho vô số các hoạt động. Viện Hàn lâm đã tài trợ rất nhiều ấn phẩm, kêu gọi các trường học phổ biến việc đọc và viết thơ đến học sinh, các tấm áp phích được mang đến từng lớp học, và internet được sử dụng sáng tạo để mang thơ ca trực tiếp tiếp cận đến độc giả.
Cho dù chúng ta tận dụng nguồn tài nguyên do Viện Hàm lân trao cho hay chọn cách xây dựng một chương trình riêng để nghiên cứu sâu hơn về các thi nhân và thơ ca, thì tất thảy đều không quan trọng bằng việc để chính mình được đắm chìm trong niềm vui thú, trong các rung cảm và trong sự uyên bác của thơ ca mà chúng ta cảm nhận được.
Nghênh đón tháng Tư
Lấy thí dụ, chúng ta có thể tìm cụm từ “những bài thơ về tháng Tư” trên mạng, và rồi ấn vào poemhunter.com để tra điểm cho các bài thơ đó. Chúng ta sẽ thấy hiện ra ở dòng đầu tiên những dòng thơ ở đầu cho “Các chuyện kể vùng Canterbury” của Chaucer:
“Tháng Tư chực đổ cơn mưa,
Tháng Ba khô khốc cắm sâu rễ cằn.”
Và nhiều thế kỷ về sau, thi nhân người Mỹ Ogden Nash đã mang đến cho chúng ta bài thơ “Hãy luôn cưới cô gái tháng Tư.” Bài thơ thoạt xa lạ đối với tôi, nhưng khi đọc những dòng đầu tiên ấy, tôi bất giác mỉm cười:
“Tạ ân thệ ước, dây tơ
Cho tôi tìm thấy nàng thơ của mình
Tháng Tư vàng, mây chung chinh,
Nhân từ, gian ác, khép mình, huyên thuyên
Tháng Tư mềm rũ hoa duyên
Tháng Tư lặng ngắt điên cuồng bỗng dưng,
Tháng Tư thay đổi không ngừng,
Nhưng nàng luôn đúng, nàng – người tôi yêu,
Ôi tháng Tư ấy yêu kiều,
Tôi yêu tháng ấy, cũng yêu lấy nàng.”
Thi nhân Shakespeare nghênh đón tháng Tư bằng vô vàn bài sonnet, thi nhân Edna St. Vincent Millay lại tỏ ra lãnh đạm với tháng Tư, bởi nó “đến như một kẻ ngốc, lắp bắp và rồi lại rải hoa vung vãi,” và thi nhân Robert Service lại bày tỏ,
“Bầu trời đầy những áng mây,
Khe trong, suối khẽ rầm rì cười vui,
Ánh trời hạ thấp xuống rồi,
Hương tháng Tư bỗng bồi hồi thổi qua.”
Những thi nhân lão làng
Một lẽ dĩ nhiên để tôn vinh Tháng Thi Ca Quốc gia là đọc lại những tác phẩm đã từ lâu ta tôn thờ. Ai đó có thể thích thơ của Elizabeth Barrett Browning hay Alfred, Lord Tennyson. Và cũng có ai đó lại thích gắn bó với quê hương và hay đọc những vần thơ của các thi nhân Mỹ như Emily Dickinson, Robert Frost, hay Mary Oliver.
Thí dụ như bản thân tôi thích những ca từ nghịch ngợm của Robert Service hay Rudyard Kipling. Một số nhà phê bình hay nhà mỹ học có thể lên án những tình cảm đó như của kẻ ít học hay những kẻ qua đường; nếu thế thật, tôi cũng đành nhận cả hai tội trạng ấy. Tôi đã đọc rất nhiều, nhưng vẫn thấy thích thú với bài thơ “Lễ hỏa táng của Sam McGee” và nhận ra triết lý trong bài thơ “Nếu –.” Dưới đây là một ví dụ về những niềm vui thích của tôi từ những đoạn thơ ca tràn đầy nhựa sống: đây là khổ đầu tiên trong bài thơ về một anh lính bình thường, “Tommy”:
“Tôi đến một quán rượu công cộng và gọi một vại bia,
Chủ quán đứng dậy và nói “Ở đây không phục vụ lính áo đỏ.”
Những cô gái đứng ở quầy bar khúc khích cười như lả đi.
Tôi lại bước ra đường, và thầm thì:
Ôi Tommy thế này, Tommy thế khác, và “Tommy, hãy biến đi,”
Nhưng rồi, bản nhạc “Đa tạ Quý ông Atkins” vang lên, và ban nhạc bắt đầu chơi
Ban nhạc bắt đầu chơi, ôi những chàng trai của tôi, ban nhạc bắt đầu chơi,
Ôi, bản nhạc “Xin đa tạ, Quý ông Atkins” vang lên, và ban nhạc bắt đầu chơi.
Ôi tôi như nghe được lời hát toả ra từ những vần thơ này vậy.
Tại sao lại là thơ ca?
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Trung tâm nghiên cứu Pew, trung bình người Mỹ đọc 12 quyển sách mỗi năm. Đây là một số liệu giả, bởi rất nhiều người Mỹ đọc ít hơn bốn quyển sách mỗi năm. Rất nhiều độc giả chỉ chọn những quyển sách bán chạy nhất hay những thể loại kinh điển – tiểu thuyết, lịch sử, tiểu sử và sách hướng dẫn cải thiện bản thân – nhưng theo số liệu của [Tổ chức] Tài nguyên Quốc gia về Nghệ thuật, thơ ca đang ngày càng lan tỏa rộng rãi hơn.
Sự phát triển về số lượng các nhà thơ và các tác phẩm thơ ca cũng không phải là điều gì đó quá bất ngờ. Trong thế giới vội vã này, khi rất nhiều người chỉ lướt qua tiêu đề bài báo trực tuyến và khi lướt các trang mạng xã hội lại còn nhanh hơn nữa, thơ ca là một phương diện khiến người ta có thể nắm bắt được những suy tư và cảm xúc một cách nhanh chóng. Nếu ví những bài thơ là cuộc chạy đua dài trăm thước, thì một quyển tiểu thuyết trung bình quả là một đường chạy marathon. Lấy ví dụ với một bản sonnet trau chuốt có thể biểu đạt nội hàm phong phú và cô đọng chỉ với 14 dòng ngắn ngủi, nhưng những tiểu thuyết gia lại cần đến 300 trang giấy. Dưới đây là một minh chứng, bài thơ “Hiệu sách” (Bookstore) của William Baer trong tuyển tập thơ “Sự nghênh đón trang trọng” (Formal Salutations).
Cô giở hồi ký về “ngôi sao” mới nổi
Quyển sách bán chạy nhất thời báo Times.
Lật chương, mục sách, cô bổi hổi,
Tìm tên mình ở đầu và cuối các trang.
Nhưng không gì cả, những trang sách im lìm,
Đâu điều cô mong ước?
Rằng anh sẽ nhớ đến Lisbon, nhiều năm về trước
Những tuần lễ dài ở Cascais,
Những điệu nhảy xoay vòng của cặp tình nhân?
Liệu câu nói “không” có làm anh ngơ ngẩn
Nhớ thương, và hối tiếc?
Và cô, liệu anh còn da diết?
Đặt quyển sách xuống, cô xoay chân bước tiếp
Bình tĩnh vào xe, rồ máy đến phố trên
Chẳng màng đọc đến chương hai mươi bốn,
Về “Marie” trong ngoặc gọi tên,
Người đã “từ chối anh”
Người “là một, là riêng, là mãi mãi”
Là tình yêu “hoàn hảo” trong anh.
Người mà anh “vẫn và luôn luôn” khắc khoải.
Bài thơ “Hiệu sách” đã kể một câu chuyện hoàn chỉnh: chuyện tình yêu đã diễn ra từ lâu, người đàn ông và người phụ nữ có thể tái ngộ sau nhiều năm xa cách, có thể lại tìm thấy tình yêu và niềm hạnh phúc ở trong nhau, và rồi số phận xoay vần, họ lại trở về xa cách. Một tiểu thuyết gia – và tôi cũng thế thôi, cũng như bao nhiêu người khác, trung thành với câu chuyện giả tưởng – sẽ dùng hàng vạn từ để kể nên câu chuyện đó.
Cốt lõi của vấn đề
Dĩ nhiên rằng, hầu hết chúng ta đều đọc thơ vì sức mạnh nội tại, vì vẻ đẹp và cả nội hàm chứa trong thơ. Chúng ta tìm đến những ngọn lửa trong thơ ca cũng giống như cha ông chúng ta đã nhóm lên ngọn lửa khi tụ họp với nhau trong hang động hay trong những gian phòng lớn, cùng bị thu hút bởi những câu chuyện kể. Quanh ánh lửa, họ rạo rực lắng nghe những vần điệu, họ trông đợi sự thật hiển lộ bởi những thi nhân, tất thảy gợi nhắc chúng ta về những điều tốt đẹp: tình yêu, tiếng cười, sự cao quý, gia đình, tầm quan trọng của danh dự, nhân phẩm, những anh hùng và chiến công, và cả dòng chảy của thời gian.
“Thi ca” của Thomas Gray, tác giả của kiệt tác thơ ca “Lời ca thán viết ở nhà thờ trong làng”, “Thi ca là những suy tư biết thở và những từ ngữ rực ngời ánh lửa.”
Phải, hoàn toàn chuẩn xác.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Hạnh Dung biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: