Những trường hợp điển hình về quan chức Trung Cộng phản bội, ‘không trung thành tuyệt đối’
Bài viết được viết vào dịp đánh dấu 10 năm ngày ông Vương Lập Quân đào thoát đến lãnh sự quán Hoa Kỳ.
Mười năm trước, vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tức ngày 06/02/2012 dương lịch, đã xảy ra một sự kiện lớn chấn động thế giới: cựu giám đốc công an Trùng Khánh đã đào thoát đến lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô.
Mười năm trôi qua trong nháy mắt, không khỏi khiến người ta cảm giác như “thế sự như một ván cờ, thời thế nháy mắt đã đổi thay”.
Điển hình 1: Vương Lập Quân
Vương Lập Quân từng là một nhân vật “máu mặt” trong giới cảnh sát, chính trị và học thuật của Trung Cộng.
Vương Lập Quân làm trong giới cảnh sát 28 năm, từ một cảnh sát cấp thấp, sau đó được thăng chức làm đội trưởng đồn cảnh sát, trưởng công an cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc trung ương, được trao cấp bậc cao nhất mà một cảnh sát địa phương có thể đạt được: Phó giám đốc Công an thành phố.
Vương Lập Quân được trao tặng nhiều danh hiệu hiển hách như anh hùng hạng nhất của hệ thống an ninh quốc gia, anh hùng lao động quốc gia, một trong mười nhân vật kiệt xuất hàng đầu Trung Quốc đương thời, anh hùng bảo vệ nhân dân Trùng Khánh, v.v.
Về chính trị, Vương Lập Quân từng là Phó thị trưởng Trùng Khánh phụ trách an ninh công cộng, an ninh quốc gia, tư pháp, văn phòng nhà nước, v.v.
Ngoại ra, Vương Lập Quân còn được biết đến là một chuyên gia pháp y với nhiều bằng thạc sĩ, tiến sĩ, EMBA và hơn 100 bằng sáng chế. Ông Vương là giáo sư, tiến sĩ giám sát và nhà nghiên cứu tại 29 trường đại học và tổ chức nghiên cứu, bao gồm cả Đại học Bắc Kinh.
Nếu không có chuyện bất trắc xảy ra, con đường quan lộ của Vương Lập Quân chắc chắn sẽ lên như diều gặp gió. Nếu Bạc Hy Lai được thăng chức Ủy viên Thường vụ Tổng cục Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) và Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18, ông Vương có khả năng sẽ được thăng chức Ủy viên Quốc vụ và Bộ trưởng Bộ Công an.
Tuy nhiên, bởi vì một vụ án cố ý giết người, Vương Lập Quân và vợ chồng Bạc Hy Lai biến thành trở mặt. Khi cảm thấy mạng sống của mình bị đe dọa, ông Vương đã không báo cáo cho tổ chức đảng hoặc cơ quan chính quyền cấp trên mà mình đã tham gia hàng chục năm. Ngược lại, đã phản bội “Đảng, chính phủ, đất nước và nhân dân” mà ông ta thường hay nói đến, hốt hoảng chạy trốn đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô.
Vương Lập Quân cho rằng mình là một quan chức “hiển hách” của Trung Cộng, tưởng rằng với nhiều tài liệu tuyệt mật, cơ mật và bí mật trong tay, ông ta có thể nộp đơn xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Làm vậy, không những có thể bảo toàn tính mạng, mà còn giữ một lá bài trong tay, đổi lấy nửa cuộc đời về sau sống cuộc sống an nhàn, giàu có, tự do tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, dù tính toán kỹ càng thế nào, Vương lập Quân vẫn không thể ngờ được rằng mình lại trở thành con cờ trong cuộc giao dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Sau khi hai bên thương lượng, Hoa Kỳ đã trao trả ông Vương cho chính quyền Bắc Kinh.
Ngày 24/09/2012, Vương Lập Quân bị kết án 15 năm tù vì tội phản bội và đào tẩu.
Điển hình 2: Bạc Hy Lai
Cha của Bạc Hy Lai là ông Bạc Nhất Ba, là một trong tám cán bộ lão thành của Trung Cộng. Ông Bạc Nhất Ba rất thân thiết với Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, còn thân hơn cả quan hệ giữa cha của ông Tập Cận Bình là ông Tập Trọng Huân với Đặng Tiểu Bình và Trần Vân.
Vậy ai đã đề bạt trọng dụng Bạc Hy Lai? Đó là lãnh đạo tối cao của Trung Cộng, ông Giang Trạch Dân và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng. Dưới sự nâng đỡ của Giang và Tăng, Bạc Hy Lai đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng và bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Bạc còn được Giang và Tăng chọn làm người kế vị trong tương lai.
Mạng lưới quan hệ của cha Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba, cùng với mạng lưới quan hệ của Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đã trở thành nền móng cho “đại triển hoành đồ” [tiền đồ phát triển như vũ bão] của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh.
Tại Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã phát động chiến dịch lớn có tên “xướng hồng đả hắc” [đề cao tư tưởng Mao Trạch Đông, tấn công tiêu diệt các băng đảng xã hội đen – dịch giả], tạo nên một “Trùng Khánh kiểu mẫu” và tạo được tiếng vang lớn từ Trung ương đến địa phương.
Từng có một thời, buổi sáng lên nghe Bí thư thành ủy Bạc giới thiệu về “ngũ Trùng Khánh” (tiện nghi, thuận tiện, xanh mát, bình an, lành mạnh), buổi chiều đến Văn phòng công an thành phố xem “triển lãm càn quét các băng đảng xã hội đen”, buổi tối đến Đại lễ đường Nhân dân Trùng Khánh thưởng thức “nhạc đỏ”, đã trở thành bộ ba điệp khúc “một ngày du lịch Trùng Khánh” của các quan chức cấp cao Trung Cộng.
Nếu không phát sinh sự cố, ông Bạc sẽ thuận lợi trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Tổng cục Chính trị ĐCSTQ và Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương tại Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của ĐCSTQ. Sau đó rất có thể sẽ thẳng tiến trở thành lãnh đạo tối cao của Trung Cộng, chính quyền và quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối diện với tội đồng phạm trong vụ án cố ý giết người, Bạc Hy Lai đã phản bội “Đảng, chính phủ, đất nước và nhân dân” mà ông ta luôn miệng nói phải trung thành tuyệt đối, thay vào đó lại đứng về phía tội phạm giết người. Còn Vương Lập Quân, từng là thuộc hạ thân tín nhất của ông Bạc, đã từ “tuyệt đối trung thành” lật mặt thành “phản bội tuyệt đối” với ông ta. Vương Lập Quân không những đào tẩu, mà còn quay lại cắn ngược, khiến Bạc Hy Lai ngã ngựa trong cay đắng.
Vào ngày 25/10/2013, Bạc Hy Lai bị buộc tội hối lộ, tham nhũng, lạm dụng quyền lực và bị kết án tù chung thân.
Điển hình 3: Cốc Khai Lai
Vì Bạc Hy Lai là lãnh đạo tối cao của Trùng Khánh, với tư cách là vợ của Bạc, bà Cốc Khai Lai chính là đệ nhất phu nhân Trùng Khánh.
Nếu Bạc trở thành nhân vật số một của Trung Cộng, bà Cốc nghiễm nhiên trở thành đệ nhất phu nhân Trung Quốc.
Với quyền cao chức trọng, Bạc Hy Lai trở thành mục tiêu của những đối tượng theo đuổi quyền lực và địa vị. Và phu nhân của Bạc, bà Cốc Khai Lai nghiễm nhiên trở thành cầu nối quan trọng nhất để những người này tiếp cận được Bạc. Họ không từ thủ đoạn đút lót tiền bạc, tặng lễ phẩm và thú vui cho bà Cốc.
Ví dụ, ông Từ Minh, cựu Chủ tịch tập đoàn Thực Đức Đại Liên, cũng chính là “đại kim chủ” của gia tộc họ Bạc. Bà Cốc thân ở Trung Quốc, nhưng tâm hồn lại khao khát một cuộc sống xa hoa ở nước ngoài. Bà Cốc có một “người bạn tốt” ở Anh tên là Neil Heywood, và “một người bạn tốt” ở Pháp là Devillers. Ông Từ Minh đã đưa cho bà Cốc 16.24 triệu NDT. Bà Cốc đã nhờ hai ông Neil Heywood và Devillers giúp bà mua tài sản ở nước ngoài.
Một trong những bất động sản ở nước ngoài của bà Cốc là Villa Fontaine Saint-Georges ở Cannes, Pháp. Căn biệt thự có diện tích 3.950m2, có sân vườn, hồ bơi, gara xe hơi riêng, v.v.
Ở Trung Quốc, với tư cách là đệ nhất phu nhân Trùng Khánh, bà Cốc thỏa sức muốn gió được gió, muốn mưa được mưa, hưởng thụ vinh hoa phú quý. Ở nước ngoài, bà cũng được nhóm bạn nước ngoài tiếp đón nồng hậu, có biệt thự cao cấp, ăn chơi hưởng lạc, muốn gì có nấy.
Theo ông Lưu Ngạn Bình, cựu Bí thư Ủy ban Kỷ luật Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, bà Cốc Khai Lai, ông Từ Minh và cả những người bạn nước ngoài của bà Cốc đều dùng ma túy, hễ dùng là trở nên điên loạn. Có nguồn tin ở nước ngoài cho biết, bà Cốc và những người bạn ở Anh, Pháp của bà ta đã có quan hệ nam nữ bất chính.
Nếu không xảy ra bất trắc, cuộc sống của đệ nhất phu nhân cũng sẽ theo chồng mà lên như diều gặp gió. Để có được sự tín nhiệm của Bạc, những kẻ nịnh hót chắc chắn sẽ cung phụng bà Cốc như bà hoàng.
Tuy nhiên, vì vụ án cố ý giết người, bà Cốc đã phản bội chồng, phản bội Đảng, đất nước và nhân dân, thậm chí còn trở mặt với Vương Lập Quân, người đã giúp bà bao che tội ác. Kết quả là, Vương Lập Quân phản công, ra đòn trí mạng, khiến giấc mơ vinh hoa phú quý của bà Cốc tan thành mây khói.
Vào ngày 20/08/2012, bà Cốc bị buộc tội cố ý giết người và nhận án tử hình.
Cốc Khai Lai thậm chí còn không nói cho chồng mình về vụ giết người, mà lại kể đầu đuôi mọi chuyện cho Vương Lập Quân trong phòng ngủ của bà. Có thể thấy, quan hệ giữa bà và Vương thân thiết đến mức nào. Do đó chuyện Bạc Hy Lai nói trước tòa rằng ông Vương và bà Cốc “gắn bó keo sơn” có thể không phải là lời bịa đặt.
Tuy nhiên, bà Cốc không ngờ được rằng chuyện tối mật của bà đã bị Vương Lập Quân lặng lẽ ghi âm lại. Nó đã trở thành một trong những bằng chứng quan trọng nhất khiến bà cay đắng lãnh án tử hình.
Một vụ án cố ý giết người đã thay đổi lịch sử
Vương Lập Quân từng tham vọng, khát khao vị trí Bộ trưởng Bộ công an; Bạc Hy Lai từng ôm mộng lớn về “ngôi vị Hoàng đế”. Nhưng giờ đây, cảnh còn người mất, nước chảy hoa rơi, giấc mơ xuân kia cũng hoàn toàn tan nát!
Biến động này là do bà Cốc Khai Lai đã sát hại “người bạn tốt” của mình là Neil Heywood.
Về động cơ giết người, bà Cốc khai trước tòa rằng Neil Heywood đã uy hiếp tính mạng của con trai bà. Nhưng đó chỉ là lời nói phiến diện của bà.
Theo Tuần báo Nam Đô (tuần báo xuất bản tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông), sau khi bà Cốc báo án, Vương Lập Quân đã chỉ thị cho Quách Duy Quốc (Guo Weiguo), lúc đó là Phó Giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, đích thân điều tra. Kết quả điều tra của ông Quách là: “Không có tin nhắn uy hiếp”. Nói cách khác, lý do giết người của bà Cốc là không thích đáng.
Tại sao bà Cốc lại giết người?
Theo lời khai của “bạn thân” Devillers người Pháp của bà Cốc, Neil Heywood nói rằng ông ta đã bị bà Cốc lừa đảo, yêu cầu bà Cốc bồi thường cho ông ta 1.4 triệu bảng Anh (khoảng 15 triệu NDT theo tỷ giá hối đoái vào thời điểm đó), và đe dọa rằng nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ “phơi bày tất cả”.
Như vậy, lý do thực sự khiến bà Cốc giết người có thể là vì sợ ông Neil Heywood “phơi bày tất cả”.
Vậy “phơi bày tất cả” là những gì? Ông Neil Heywood đã bị giết người diệt khẩu, cho nên mọi người cũng không cách nào để biết. Tuy nhiên, theo suy luận thông thường, khả năng liên quan đến việc Bạc Hy Lai tham nhũng nghiêm trọng và chuyển khoản tài sản khổng lồ ra nước ngoài. Cũng có nguồn tin cho rằng, có khả năng liên quan đến việc Bạc Hy Lai và Cốc Khai Lai thu hoạch nội tạng sống và bán ra nước ngoài để thu lợi nhuận khổng lồ.
Sau khi bà Cốc giết người, Vương Lập Quân đã lạm dụng chức vụ Giám đốc Công an thành phố Trùng Khánh để biến chuyện lớn hóa nhỏ, biến vụ án cố ý giết người trở thành ông Neil Heywood chết tự nhiên – “đột tử sau khi uống rượu”.
Vương Lập Quân nghĩ rằng, ông ta đã giúp bà Cốc một mối ân huệ lớn, thì bà Cốc sẽ “có qua có lại”, giúp ông ta thăng quan tiến chức.
Tuy nhiên, bà Cốc sau khi giết người thì giống như bị ma nhập, cả ngày tinh thần không thể tập trung, hơn nữa không ngừng giày vò. Cứ như vậy, sau đó còn vạ lây đến Bạc Hy Lai, cuối cùng lâm vào bước đường cùng trở mặt với Vương Lập Quân.
Vương Lập Quân vì lo bị ông Bạc và bà Cốc giết người diệt khẩu, nên đã nhanh chóng đào tẩu và khai báo về ông Bạc và bà Cốc. Hai bên cuối cùng đi đến cái kết “cá chết lưới rách”.
Con đường quan lộ của Bạc Hy Lai đột nhiên bị dừng lại. Ông Bạc vắng mặt tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 và 19 của Trung Cộng, đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 cũng không thấy bóng dáng của ông Bạc.
Còn Vương Lập Quân, người cũng từng một thời oai phong lẫm liệt, không ai bì nổi, nhưng chưa một ngày ngồi vào ghế ở Bộ công an đã phải vào ăn cơm tù ở trại giam Tần Thành.
Kết luận
Trong “Hồng Lâu Mộng” có câu thơ rằng: “Việc đời tính rất thông minh; Còn mình, mình tính phận mình vẫn sai!”. Ba người, bà Cốc Khai Lai, ông Bạc Hy Lai, ông Vương Lập Quân đều tự cho mình là thông minh, biết tính toán, nhưng dù họ có giỏi tính toán đường đi nước bước thế nào, cũng không thể tính ra được kết cục của ngày hôm nay.
Chốn quan trường Trung Cộng thường bàn luận về chủ đề “lòng trung thành”. Tuy nhiên, khi đứng trước một chữ “tư”, vì cái tư lợi của bản thân, thì lòng trung thành ấy cũng hoàn toàn biến mất.
Năm xưa, cha của Bạc Hy Lai, ông Bạc Nhất Ba, đã không chung thủy với người vợ cả Lý Như Minh mà kết hôn với nữ thư ký Hồ Minh, rồi sinh ra Bạc Hy Lai. Bạc Hy Lai noi gương cha, không chung thủy với người vợ Lý Đan Vũ mà kết hôn với tiểu tam Cốc Khai Lai. Bạc, Cốc không chung thuỷ với nhau, đều làm chuyện gian díu bên ngoài, và lại có chung một “thân tín” là Vương Lập Quân. Vương Lập Quân không trung thành với Bạc và Cốc, tàn nhẫn vung đao từ phía sau suýt nữa lấy mạng của Bạc và Cốc. Một số “huynh đệ” mà Vương đưa từ Liêu Ninh đến Trùng Khánh cũng không trung thành, xém chút nữa cũng lấy mạng của Vương.
Những người không biết đến trung nghĩa là gì như Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai, Vương Lập Quân, v.v. có hợp tác với nhau thì cũng chỉ có phản bội và tính kế mưu hại lẫn nhau. Họ đã xuất sắc phối hợp diễn một vở kịch về sự bất trung bất nghĩa, và cuối cùng là gặp lại nhau trong nhà ngục.
Vương Hữu Quần
Ông Vương Hữu Quần (Wang Youqun) tốt nghiệp bằng Tiến sĩ về Luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc. Ông từng là người viết diễn văn cho ông Úy Kiện Hành (1931–2015), Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Cộng từ năm 1997 đến năm 2002.
Cao Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: