Những thiệt hại đối với hình ảnh của Trung Quốc
Từ đầu thế kỷ này cho đến Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng và giới lãnh đạo của nước này đã dành những nguồn lực khổng lồ để xây dựng hình ảnh của đất nước. Trong lúc đó, chính phủ ông Bush thì bận tâm đến việc chống lại chủ nghĩa khủng bố và Trung Đông, điều này đã tạo một cơ hội cho Trung Quốc mở rộng phạm vi, đặc biệt là ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Chính phủ ông Obama đã cố gắng khôi phục thế cân bằng, nhưng tiến triển hữu hạn.
Tổng thống Donald Trump đã lo ngại về mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông đã gây các áp lực kinh tế lên Trung Quốc và đối đầu với Trung Quốc để tranh giành sự ủng hộ của quốc tế trên đấu trường ý thức hệ. Truyền thông chính thống và dư luận ở Hoa Kỳ đã bắt đầu đánh giá lại chế độ Cộng sản Trung Quốc. Việc Bắc Kinh đàn áp Hồng Kông và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng đã gây ra rất nhiều phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Trong khoảng một thập niên trở lại đây, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng khiến các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu phổ biến quan điểm chính thức của Trung Quốc. Nguồn lực tài chính của họ có thể tuyển dụng được nhân tài, nhưng việc không có quyền độc lập biên tập không xóa bỏ được dấu vết về sự tuyên truyền, và kết quả là kém xa so với Singapore và Qatar. Khó mà lúc nào cũng lừa được tất cả mọi người.
Gần đây, quan điểm của Trung Quốc về cuộc xâm lược Ukraine của Nga và các biện pháp chống lại đại dịch ở Thượng Hải của nước này đã phải trả giá đắt về việc làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc. Kể từ giữa những năm 1950, chế độ Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố với thế giới rằng họ ủng hộ Năm Nguyên tắc Chung sống Hòa bình, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, và rằng đây là cốt lõi của đường lối riêng biệt về hòa bình trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Trung Quốc rõ ràng là lâm vào tình thế bấp bênh trong cuộc chiến ở Ukraine. Họ từ chối lên án Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này; và họ tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt là vô ích. Mặt khác, họ nói rằng họ ủng hộ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia. Thế giới hết sức ủng hộ những người Ukraine anh hùng trong việc chống lại sự xâm lược của Nga, lập trường của Trung Quốc không chỉ không có sức thuyết phục mà còn đạo đức giả. Các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc cho thấy sự cô lập của Trung Quốc.
Các quốc gia vừa và nhỏ khác nhau có thể khác nhau về hệ thống và quan điểm, nhưng họ chắc chắn đều phản đối việc xâm lược một nước nhỏ (Ukraine) của một cường quốc (Nga), đặc biệt khi nước này chiếm đóng lãnh thổ của nước kia và phạm phải các tội ác chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường cố gắng để chiếm lĩnh vị trí cao về mặt đạo đức, nhưng trong cuộc chiến Ukraine, nước này lại dành sự ưu tiên cho các lợi ích chiến lược của một cường quốc lớn và đã làm mất lòng tin của Thế giới thứ ba.
Cuộc chiến ở Ukraine là một vấn đề chính sách đối ngoại. Việc giải quyết đại dịch ở Thượng Hải là một vấn đề trong nước. Chế độ Cộng sản Trung Quốc thường được nhìn nhận là có được sự cai trị hữu hiệu và quyền lực huy động cao. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tự hào về điều này khi được thể hiện qua việc họ công khai ngăn chặn đại dịch. Nhưng chính quyền Trung Quốc cấm mọi người thảo luận về các lựa chọn chính sách liên quan và các kinh nghiệm thích hợp của ngoại quốc. Cách tiếp cận “không có ca nhiễm” là một chính sách nhà nước không thể lay chuyển và chỉ có quan hệ đến thanh thế của giới lãnh đạo.
Việc phong tỏa ở Thượng Hải rõ ràng là khá hiệu quả. Nhưng năng lực của đội ngũ cán bộ lại có giới hạn. Một số cư dân không có đủ nguồn cung cấp thực phẩm; người bệnh không thể tìm được thuốc men hay điều trị y tế kịp thời, và sức khỏe tâm thần của cộng đồng đã bị bỏ qua. Các phương tiện truyền thông ngoại quốc mô tả tình huống này là một “thảm kịch nhân đạo,” và sự tức giận lẫn thất vọng của người dân đã được đưa tin rộng rãi. Kết luận thì là hiển nhiên: thanh thế của giới lãnh đạo quan trọng hơn những cân nhắc chính sách hợp lý và các quyền cơ bản của người dân.
Công dân Đài Loan ở Thượng Hải hiện đang lưu truyền những trải nghiệm cá nhân của họ tại thành phố này trong cộng đồng người Đài Loan, vì vậy mọi người sẽ hiểu rõ hơn về sự quản lý của Trung Cộng. Phòng Thương mại Cộng đồng Âu Châu đã viết thư cho chính phủ Trung Quốc yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh. Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải đã phàn nàn với chính quyền thành phố này về các vấn đề hoạt động của hơn 10,000 doanh nghiệp Nhật Bản ở đó; và phía đối tác Nam Hàn đã yêu cầu Đại học Phúc Đán để cho các sinh viên Hàn Quốc về nước.
Nhiều chính phủ đã bộc lộ sự tự mãn, sự sao lãng, và các sai sót về chính sách trong việc chống lại đại dịch. Nhưng tình hình ở Thượng Hải thì khác. “Bi kịch nhân đạo” của nó phản ánh bản chất của chế độ Cộng sản Trung Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà các phương tiện truyền thông ngoại quốc lại so sánh “chính sách không” của Trung Quốc với chiến dịch tiêu diệt toàn bộ chim sẻ trong thời Đại Nhảy Vọt. Chúng là các chính sách của những nhà lãnh đạo độc tài mà đã bác bỏ các cân nhắc hợp lý và phớt lờ sinh kế của người dân.
Cuộc chiến ở Ukraine và cuộc phong tỏa ở Thượng Hải giống như những tấm gương phản chiếu cách thức hoạt động của chế độ Cộng sản Trung Quốc. Chúng tác động đáng kể đến hình ảnh của quốc gia này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Time.
Ông Joseph Trịnh Vũ Thạc (Yu-shek Cheng) là một giáo sư khoa học chính trị đã nghỉ hưu tại Đại học Thành phố Hồng Kông. Ông viết nhiều về các diễn biến chính trị ở Trung Quốc và Hồng Kông, chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và sự phát triển ở miền nam Trung Quốc. Ông là một nhà hoạt động tham gia phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông trong bốn thập niên. Khi nghỉ hưu, ông tiếp tục làm việc với tư cách là một nhà bình luận các vấn đề thời sự và ký giả chuyên mục. Email của ông là: [email protected]