Những thảm họa tương đồng tại dãy Himalayas được xem xét khác nhau ở Trung Quốc và Ấn Độ
Được phân cách bởi một ranh giới thời thuộc địa giữa Tây Tạng và Ấn Độ, và hiện tại là ranh giới tranh chấp giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, dãy Himalaya giờ đây được dẫn dắt bởi hai mô hình hoàn toàn khác biệt dựa trên hai đường lối chính trị khác nhau – dân chủ và cộng sản.
Theo ông Gabriel Lafitte, tác giả và là một chuyên gia nổi tiếng về môi trường của Tây Tạng, sự chia tách này đang dẫn đến việc hiểu sai về những gì đang xảy ra tại dãy Himalaya.
Ông Lafitte là tác giả của cuốn sách, “Phá hủy Tây Tạng: Trung Quốc và Chủ nghĩa dân tộc Tài nguyên trên nóc nhà của thế giới,” đã so sánh hai thảm họa, trận lụt Uttarakhand hồi tháng 02/2021 ở Ấn Độ và các sự kiện bi thảm hồi tháng 10/2018 gây ngập sông Dương Tử và sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra trong vòng hai tuần ở Tây Tạng.
Theo tờ nhật báo Hindu của Ấn Độ, lũ lụt ở Uttrakhand xảy ra sau khi một phần của sông băng Nanda Devi bị vỡ vào ngày 07/02 và gây ra một trận lở tuyết cùng đại hồng thủy, dẫn đến ngập lụt bất ngờ ở ba nhánh hạ lưu sông Hằng. Trận lụt đã làm hư hại 2 dự án thủy điện, nhiều người lao động bị mắc kẹt, khiến 32 người thiệt mạng cùng 190 người khác mất tích.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin, mặt khác, thảm họa ở Tây Tạng là do lở đất làm tắc nghẽn các con sông, tạo thành các hồ lớn gây ra lũ lụt.
“Cả ba sự kiện đều có nhiều điểm chung: các thung lũng dốc do những con sông chảy mạnh khoét sâu vào núi tạo thành, cùng với sự trồi lên của dãy Himalaya; các sông băng nằm ở xa trên sườn của những ngọn núi cao đang trồi lên, với khoảng cách thẳng đứng giữa sông băng và lòng sông là 2, 3 km hoặc xa hơn,” ông Lafitte cho biết trong một bài báo trên blog của mình vào ngày 11/02.
Ông lưu ý rằng trong khi thông tin về lũ lụt ở phía Ấn Độ trên dãy Himalaya được thảo luận công khai, thì đây lại là bí mật quốc gia đối với phía Trung Quốc.
Ông Lafitte cho biết khi hàng triệu tấn hỗn hợp băng, nước, đá và đất đổ ập xuống đáy sông từ một khoảng cách rất xa, thì thảm họa là điều không thể nghĩ bàn. Theo ông, thế giới đang chỉ ra rằng những con sông ở Himalaya đang gặp nguy hiểm.
“Một khi hy vọng giải cứu của con người tan biến, thì những gì còn lại là cuộc tranh luận về nguyên nhân và hậu quả. Tại Ấn Độ dân chủ, người ta nhanh chóng bị cuốn vào những cuộc tranh luận về sự điên rồ của các đập thủy điện. Nhưng bên phía Tây Tạng thì lại im lặng, những cuộc tranh luận như vậy đều không được phép,” ông Lafitte nói.
Trong một bài viết luận trên tạp chí Open của Ấn Độ, bà Brahma Chellaney cho biết Trung Quốc đã kiểm soát bản đồ nguồn nước của Á Châu sau khi sáp nhập cao nguyên Tây Tạng vào năm 1951, nơi họ đang thúc đẩy chính trị thủy văn (hydro politics, các vấn đề chính trị xung quanh sự sẵn có và khả năng tiếp cận với nguồn nước) ở Á Châu. Bà Chellaney là một nhà địa chiến lược nổi tiếng, đồng thời là tác giả của hai cuốn sách đoạt giải viết về nước: “Nước, Hòa bình và Chiến tranh” và “Nước: Trận địa mới của Á Châu.”
“Hầu hết tất cả các con sông lớn của Á Châu đều bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, và Trung Quốc đang mở rộng cơ sở hạ tầng thủy điện để biến mình thành nơi kiểm soát nguồn nước ở thượng nguồn. Trong những ngày gần đây, quốc hội bù nhìn của Trung Quốc đã phê chuẩn một kế hoạch gây tranh cãi nhằm xây dựng một con đập lớn trên sông Brahmaputra (người Tây Tạng gọi là Yarlung Tsangpo) [ở vị trí] ngay trước khi con sông có độ cao cao nhất thế giới này chảy vào Ấn Độ,” ông Chellaney cho biết và nói thêm rằng kế hoạch này có khả năng gây ra sự tàn phá ở khu vực hạ lưu ở Ấn Độ.
‘Sự ngớ ngẩn từ thế kỷ trước’
Ông Henry McMahon là một sĩ quan quân đội Anh Quốc gốc Ấn Độ và là một nhà ngoại giao trong thời kỳ Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh Quốc, đã vẽ ra một đường biên giới kéo dài qua các đỉnh núi băng của dãy Himalaya, phân định ranh giới giữa Ấn Độ thuộc Anh Quốc và Tây Tạng (gọi là “Đường McMahon”).
Đường McMahon được Ấn Độ chấp nhận là biên giới hợp pháp của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận và thay vào đó coi Đường kiểm soát thực tế (LAC) là biên giới trên thực tế, vốn khác với đường McMahon. Theo ông Lafitte, điều này đã gây ra rất nhiều sự nhầm lẫn vì nó đã chia cắt những vùng tiếp giáp thuộc dãy Himalaya, sự tồn tại của đường này [LAC] không tuân theo bất kỳ logic chính trị nào cả.
“Sự sụp đổ dữ dội và đột ngột gần đây của một dòng sông băng từ trên cao đổ xuống lòng sông dưới thung lũng sâu ở Uttarakhand, Ấn Độ, cũng là một tai nạn cho đường biên giới nối từ đỉnh này đến đỉnh khác của McMahon, vốn hợp logic nhưng cũng rất vô lý,” ông Lafitte cho biết. Ông nói thêm rằng việc phân định ranh giới thời thuộc địa và thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc bị các hệ tư tưởng chính trị trái ngược nhau chi phối, khiến việc vẽ một bức tranh hoàn chỉnh về thực trạng của dãy Himalaya trở nên khó khăn.
“Báo cáo ban đầu về sự gia tăng sức tàn phá của trận lũ bất ngờ này (theo cách gọi của các nhà khoa học) khiến họ bối rối về nguyên nhân và hoàn toàn không biết về những sự kiện tương tự xảy ra gần đây ở phía bên kia đường biên của McMahon, do đó thiếu nhiều cơ sở để so sánh.”
Các cảnh quay về trận lũ lụt ở Uttrakhand đã được phi cơ không người lái ghi lại và được công khai. Tuy nhiên, ông Lafitte cho biết cảnh quay bằng phi cơ không người lái về thảm họa sông Dương Tử và sông Yarlung Tsangpo/Brahmaputra chỉ được cung cấp cho các quan chức đảng-nhà nước [Trung Cộng] và đó là bí mật quốc gia.
Theo ông, có thể phải mất nhiều năm để hiểu được những thảm họa ở khu vực Himalaya trong khi không có các phân tích khoa học đầy đủ.
“Sự thiếu sót [của đường biên] mà ông McMahon vẽ ra để phân chia mặt nam với mặt bắc của dãy Himalaya là một món quà đang tiếp tục gây ra các thiếu sót. Trong bối cảnh không có bất kỳ sự quan tâm hay nhận thức nào về đập Yarlung Tsangpo, các ký giả ở Ấn Độ, vốn cần phải đưa câu chuyện đến hồi kết, chỉ tập trung vào sự dại dột của các đập thủy điện, mặc dù các con đập mà Ấn Độ xây dựng trên các dòng sông ở Himalaya (cho đến nay) đều rất nhỏ so với các con đập mà Trung Quốc xây dựng trên sông Yarlung Tsangpo hoặc các con sông khác chảy từ Tây Tạng, bao gồm sông Za Chu/Lan Thương/sông Mê Kông và sông Dri Chu/Kim Sa/Dương Tử,” ông Lafitte nói.
Tiếp tục lẫn lộn
Ông Lafitte cho biết có những câu chuyện khác về những thảm họa vốn không có thật và gây nhầm lẫn, chẳng hạn như những câu chuyện về trận lũ ở Uttrakhand được tạo ra bởi thiết bị giám sát chạy bằng năng lượng nguyên tử của CIA được đặt trên một đỉnh núi gần đó vào năm 1965.
“Các nhà bảo vệ môi trường Ấn Độ đã nhanh chóng đổ lỗi cho những người làm đập thủy điện, đây là điều có thể xảy ra trong một nền dân chủ; thậm chí họ gợi ý rằng Uttarakhand là một bài học mà Trung Quốc nên lưu ý và không tiến hành kế hoạch xây đập 60MW ở hẻm núi Yarlung Tsangpo,” ông nói thêm rằng nếu các ký giả được nghe về thảm họa năm 2018 ở Tây Tạng, họ sẽ hiểu mức độ tương tự giữa hai vụ vỡ sông băng này và rằng không bao giờ nên xây lên những con đập như vậy.
Ông nói: “Không một con đập nào, cho dù được thiết kế tốt đến đâu, có thể chịu được hàng chục triệu tấn băng và đá rơi xuống từ độ cao 4 hay 5 km, với tốc độ còn nhanh hơn cả tàu siêu tốc.”
Ông cũng cho biết trái ngược với lối ẩn dụ rằng Himalayas là “mỏng manh,” thì dãy Himalayas thực sự “mạnh mẽ và dửng dưng với ý chí của con người.”
“Người Tây Tạng luôn biết và tôn trọng điều này, và thường xuyên cúng tế các vị thần địa phương, đốt lá cây bách xù mỗi buổi sáng tạo khói thơm để làm hài lòng các vị thần,” ông Lafitte nói.
“Ngày nay, chúng ta đặt niềm tin vào những con số và các phương pháp khoa học để tạo ra những con số đó; trong khi các vị thổ địa và thần linh ngụ trên những ngọn núi thì bị chối bỏ là mê tín. Chúng ta gieo rắc thuyết âm mưu về các thiết bị giám sát của CIA trên đỉnh núi, cũng như ẩn nấp dưới đường biên giới của Henry McMahon, và cũng không muốn bỏ đi những điều tưởng tượng nữa.”
Do Venus Upadhayaya thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Xem thêm: