Những thách thức ngoại giao mà Thủ tướng Nhật Bản đang phải đối mặt
Vào ngày 31/10, Nhật Bản đã tổ chức cuộc tuyển cử vào Hạ viện và Đảng Dân chủ Tự do do Thủ tướng Fumio Kishida lãnh đạo đã giành được đa số ghế. Mặc dù ông Kishida sẽ tiếp tục nắm quyền nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông phải đối mặt với hàng loạt thách thức về ngoại giao và an ninh. Một trong những thách thức khó khăn nhất là làm thế nào để đối phó với Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ)
Ông Kishida Fumio xử lý thế nào với liên minh Nhật – Hoa Kỳ, bang giao Nhật – Trung trong khuôn khổ cạnh tranh Mỹ – Trung, các mối đe dọa an ninh do Bắc Hàn gây ra, và làm thế nào để làm dịu mối bang giao với Nam Hàn, những việc này đều đang là tâm điểm chú ý của thế giới bên ngoài.
Bang giao Nhật – Trung thu hút nhiều sự chú ý
Thuận theo việc ĐCSTQ tiếp tục leo thang thách thức ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Nhật Bản có xu hướng xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Vào hôm Chủ nhật (31/10), Thủ tướng Fumio Kishida cho biết ông hy vọng sẽ có thể đến thăm Hoa Kỳ sớm nhất có thể và gặp gỡ Tổng thống Biden.
“Xét từ việc bang giao Nhật – Mỹ là nền tảng bang giao của Nhật Bản, tôi hy vọng sẽ đến thăm Hoa Kỳ sớm nhất có thể và tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhật – Mỹ”, ông Kishida nói vào hôm Chủ nhật sau khi xác nhận liên minh cầm quyền tiếp tục duy trì đa số ghế trong cuộc bầu cử Hạ viện.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin rằng trước sự trỗi dậy nhanh chóng về chính trị, quân sự và kinh tế của ĐCSTQ, ông Fumio Kishida và các quan chức cấp cao khác cho biết Nhật Bản cũng sẽ tăng cường bang giao với các nước cùng chí hướng như Hoa Kỳ, Úc và Ấn Độ trong khuôn khổ Đối thoại An ninh “Bộ tứ” (Quad). Việc này tiếp tục tạo ra xích mích giữa Nhật Bản và đối tác thương mại lớn nhất của họ – Trung Quốc, trong tình huống năm tới sẽ là năm kỷ niệm 50 năm bình thường hóa bang giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Các quan chức và chuyên gia an ninh Nhật Bản tin rằng, lập trường cứng rắn của ĐCSTQ đối với Đài Loan và chưa bao giờ từ bỏ lựa chọn thống nhất bằng quân sự, là thách thức cấp bách nhất mà Nhật Bản đang phải đối mặt.
Các quan chức và chuyên gia an ninh này cũng tin rằng nếu ĐCSTQ gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan, Hoa Kỳ có khả năng sẽ tìm kiếm sự hợp tác từ phía Nhật Bản.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Fumio Kishida đã bày tỏ quan ngại về vấn đề Đài Loan. Ông nói rằng, Nhật Bản và Hoa Kỳ cần cùng nhau mô phỏng cách đối phó với nguy cơ mà Đài Loan đang phải đối mặt.
Nhật Bản đã nhiều lần đề cập đến tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh ở eo biển Đài Loan. Vào ngày 5/7, Phó Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Taro Aso nói rằng cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ có thể sẽ đe dọa “sự sống còn” của Nhật Bản. Trong trường hợp đó, Nhật Bản sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để bảo vệ Đài Loan.
Ông Taro Aso đã nói tại một cuộc họp gây quỹ chính trị rằng việc ĐCSTQ tiếp quản Đài Loan sẽ phá hủy trật tự an ninh ở Á Châu trong nửa thế kỷ qua, và gây ra mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với Nhật Bản vì hòn đảo ở cực nam của Nhật Bản tiếp giáp với Đài Loan. Ông nói thêm: “Okinawa có thể là mục tiêu tiếp theo”.
Vào ngày 27/10, Thủ tướng Fumio Kishida đã tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và cam kết tăng cường hợp tác với các nước ASEAN nhằm hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Những thách thức ngoại giao khác
Ngoài vấn đề tại eo biển Đài Loan, các dự án phát triển hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn, cùng vấn đề Bắc Hàn bắt cóc người Nhật cũng mang đến những thách thức ngoại giao khác cho ông Fumio Kishida.
Vào ngày 19/10, Bắc Hàn đã phóng ít nhất một hỏa tiễn đạn đạo từ cảng thành phố Sinpo xuống Biển Nhật Bản. Sau nhiều tháng yên bình, nước này đã đẩy mạnh các cuộc thử nghiệm vũ khí và đưa ra đề nghị hòa bình có điều kiện với Nam Hàn.
Những thách thức nghiêm trọng khác mà ông Kishida Fumio phải đối mặt bao gồm sự bế tắc lâu dài giữa Nhật Bản – Nga về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril, và vấn đề về phụ nữ trong thời kỳ chiến tranh cũng đang khiến mối bang giao giữa Nhật Bản và Nam Hàn trở nên căng thẳng.
Do Trương Đình, Hoa Tử Minh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: