Những tác phẩm bất hủ từ các vị Tổng thống vĩ đại
Nhiều vị Tổng thống Hoa kỳ thời nay đã viết sách. Khi tranh cử, họ thường đưa ra những tuyên ngôn chính trị phác thảo tầm nhìn của bản thân đối với quốc gia hoặc những cuốn tự truyện mô tả những thách thức mà họ đã vượt qua để vươn tới đỉnh cao quyền lực. Khi rời nhiệm sở, họ lại xoay ngược quá trình này và viết về những tháng ngày của mình trong Tòa Bạch Ốc, những khủng hoảng mà họ phải đối mặt, những ân huệ và dũng khí giúp họ chiến thắng nghịch cảnh, những người bạn mà họ kết giao hay những kẻ thù mà họ đánh bại.
Chỉ có thời gian mới trả lời được rằng liệu sách của những quý ông này sẽ tiếp tục thu hút độc giả trong những năm tới hay chỉ lặng lẽ phủ bụi trên các kệ sách thư viện, vốn chỉ được các nhà sử học và người viết tiểu sử để mắt đến. Ví dụ như tác phẩm “Phần Còn Lại Của Tôi Ở Đâu?: Tự Truyện Của Tổng Thống Ronald Reagan” (Where’s The Rest of Me?: The Autobiography of Ronald Reagan), tường thuật về giai đoạn đầu đời và quãng thời gian hoạt động ở Hollywood của ông, đã không còn được tái bản. Và mặc dù đang là cuốn sách bán chạy nhất, “Một Miền Đất Hứa” (A Promised Land), cuốn hồi ký của Tổng thống Barack Obama về nhiệm kỳ của ông, có thể sẽ bị lãng quên trong 20 năm tới.
Nhưng nếu quay ngược thời gian một hoặc hai thế kỷ, chúng ta sẽ phát hiện ra một số vị tổng thống mà những áng văn của họ có ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước, hay tài năng văn học của họ vẫn thu hút biết bao người ngưỡng mộ đến tận ngày nay. Trong số này có các Tổng thống Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, Ulysses S. Grant, và Theodore Roosevelt.
Người con của vùng đất Virginia
Được bao quanh bởi hàng tá những nhân vật sở hữu tài hùng biện và có văn phong đầy sức thuyết phục, Tổng thống Thomas Jefferson vẫn nổi bật là người có năng khiếu văn chương xuất chúng trong số những người cùng thời với ngài. Ngoài Tuyên ngôn Độc lập, cùng với Hiến pháp là văn kiện nền tảng của Hoa Kỳ, tác phẩm của Tổng thống Jefferson còn bao gồm cuốn sách “Những Ghi Chép Về Tiểu Bang Virginia” (Notes on the State of Virginia), bản thảo của ngài về “Quy Chế Tự Do Tôn Giáo Của Virginia” (The Virginia Statute of Religious Freedom) mà ngài coi là một trong những thành tựu vĩ đại của cuộc đời mình, cùng vô vàn những bút tích được các nhà sử học ngày nay coi là những tiểu kiệt tác về nền dân chủ và nước Mỹ.
Với nền tảng giáo dục tốt, Tổng thống Jefferson đã tích lũy được nhiều lợi thế so với những Tổng thống kế nhiệm sau này. Ngài thừa hưởng nền giáo dục tốt nhất trong thời đại của mình, trải qua sự hướng dẫn nghiêm ngặt về văn chương cổ điển, luật, và hùng biện. Ngài theo học tại Đại học William and Mary, và sau đó thực tập dưới sự cố vấn của luật sư nổi tiếng George Wythe. Hơn nữa, ngài luôn đồng hành cùng những con người cẩn trọng trong ngôn từ và văn phong, do đó ngày càng nâng cao khả năng giao tiếp của bản thân.
Năm 1776, Quốc hội thành lập “Ủy ban 5 người,” bao gồm ngài John Adams, ngài Benjamin Franklin và ngài Thomas Jefferson, để viết một bản kiến nghị yêu cầu độc lập. Mặc dù nhiều người trong Quốc hội Lục địa muốn ngài Adams viết bản thảo đầu tiên, nhưng ngài Adams đã rất ấn tượng với khả năng của ngài Jefferson nên đã thúc giục ông trở thành kiến trúc sư trưởng của bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngài Jefferson tự hào về sứ mệnh này và điều đó được thể hiện ở những dòng chữ ngài tự viết trên bia mộ của bản thân. Ngài không đề cập đến nhiệm kỳ tổng thống của mình, mà thay vào đó, mô tả về những thành tựu của ngài với tư cách là tác giả của Tuyên ngôn Độc lập và Quy chế Tự do Tôn giáo của Virginia, cũng như vai trò “Người sáng lập Đại học Virginia.”
Ngoài Hiến pháp ra, không có văn kiện nào khác có tác động sâu sắc đến vậy tới người dân Mỹ.
Người thợ đóng đường ray mộc mạc
Nền tảng giáo dục của Tổng thống Abraham Lincoln dường như ngược hẳn lại với Tổng thống Jefferson. Tổng thống Lincoln phần lớn là tự học — ngài đi học chưa đầy một năm và sau đó học luật bằng cách mượn sách và nghiên cứu không chính thức với các luật sư. Tổng thống Lincoln đã tìm thấy cảm hứng sáng tác trong Kinh thánh (King James Bible) cũng như trong các vở kịch và thơ ca của đại văn hào William Shakespeare.
Chúng ta sẽ thấy nhịp điệu và âm vực của những tác phẩm nói trên ảnh hưởng xuyên suốt các bài diễn văn của Tổng thống Lincoln, đặc biệt là Bài diễn văn Gettysburg và Bài diễn văn nhậm chức lần thứ hai của ông. Không giống như nhiều vị tổng thống trong thế kỷ 20 của Hoa Kỳ, Tổng thống Lincoln đã tự mình viết những bài diễn văn này, chỉnh sửa, và thỉnh thoảng đọc chúng trước những đồng sự [của mình] và các thành viên nội các.
Dù vụng về và kém duyên, nhưng Tổng thống Lincoln đã chinh phục các khán giả và độc giả qua những lời văn của mình. Bài diễn văn “Ngôi Nhà Bị Chia Rẽ” (House Divided Speech) – mà người nghe đã nằm lòng câu kinh thánh “Ngôi nhà bị chia rẽ thì không thể đứng vững” – có thể đã khiến ngài phải trả giá khi tranh cử vào Thượng viện năm 1858, nhưng đã giúp ngài giành được chức Tổng thống Hoa Kỳ sau đó. Bài diễn văn tại Học viện Cooper (Cooper Union Address) năm 1860 của ngài đã được đóng thành một tập sách nhỏ và được in trên nhiều tờ báo. Trong Bài diễn văn nhậm chức đầu tiên của Tổng thống Lincoln, chúng ta có thể nghe thấy những lời hùng biện đi vào lòng người được chắt lọc từ cả cuộc đời đọc và viết của ngài:
“Chúng ta không phải kẻ thù, mà là những người bạn. Chúng ta không thể là kẻ thù của nhau. Mặc dù tình thắm thiết có thể đã nhạt phai, nhưng không gì có thể phá vỡ những gắn kết tình cảm ấy. Những vang vọng thẳm sâu của ký ức, trải dài từ khắp các chiến trường, qua từng nấm mồ của tử sĩ, đến từng trái tim và phiến đá, trên khắp vùng đất rộng lớn này, sẽ vang lên bản hợp ca của khối Liên minh, khi một lần nữa được khơi gợi lên, như một điều tất yếu, bởi những thiên sứ mỹ hảo trong mỗi chúng ta.”
Mặc dù bài diễn văn không thuyết phục được các tiểu bang miền Nam bởi quan điểm đối lập về chế độ nô lệ, nhưng nó là một kiệt tác về văn phong, tư tưởng, và sức thuyết phục.
Không lâu sau, “Tuyên ngôn Giải phóng nô lệ” (Emancipation Proclamation) của Tổng thống Lincoln, tài liệu mà ngài đã giúp soạn thảo và đưa đến sự kết thúc của chế độ nô lệ, đã thay đổi tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ.
Vị tổng tư lệnh
Trong suốt thời trung học phổ thông và đại học của mình – tôi theo học các khóa học lịch sử – cả những cuốn sách giáo khoa và các thầy cô giáo đều, một cách quả quyết, mô tả Tổng thống Ulysses S. Grant là một trong những vị tổng thống tồi tệ nhất của Hoa Kỳ. Tôi được dạy rằng ngài ấy là [một con người] yếu đuối, bị cấp dưới xỏ mũi, và kết quả là nhiệm kỳ tổng thống của ngài đầy rẫy những tham nhũng.
Mặc dù cũng có phần đúng trong những cáo buộc này, nhưng các nhà sử học đã đính chính một số nhận thức [sai lầm] đó. Họ thừa nhận hành vi hối lộ và tham nhũng do một số người trong nội các của ngài Grant làm ra, nhưng cũng ghi nhận [những nỗ lực của] ngài trong việc chiến đấu chống lại bọn khủng bố Ku Klux Klan ở miền Nam [Mỹ quốc]. Ngài ấy cũng đã cố gắng giải quyết các xung đột của [người] miền Tây với những người Mỹ bản địa – [và] đã bổ nhiệm ông Ely Parker, một người Mỹ bản địa, làm Ủy viên phụ trách các vấn đề người da đỏ (Commissioner of Indian Affairs) – cũng như củng cố mối quan hệ với Vương quốc Anh, chủ yếu nhờ vào [các chính sách] ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ Hamilton Fish.
*Ku Klux Klan: đảng 3K là một tổ chức khủng bố khai sinh tại Mỹ. Nó được thành lập bắt nguồn từ sau cuộc nội chiến ở Mỹ với chủ trương phá hoại và trả thù những người da đen vừa thoát khỏi số phận nô lệ ở miền Nam nước Mỹ.
Sau khi rời Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Grant bị một đối tác kinh doanh lừa, và đã gần như phá sản, rồi lại được các bác sĩ cho biết ngài sắp qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Ngài đã dành năm cuối cùng của cuộc đời mình nhanh chóng viết [cuốn] hồi ký về cuộc Nội chiến [với mong muốn có thể] chu cấp cho gia đình sau khi ngài ra đi. Với sự khích lệ và hỗ trợ từ văn hào Mark Twain, Tổng thống Grant đã hoàn thành tác phẩm có hai tập [này] chỉ vài ngày trước khi ngài mất. Một lần nữa, với sự trợ giúp của Mark Twain và những khoản tiền bản quyền hậu hĩnh, cuốn “Những hồi ức cá nhân của Tổng thống Ulysses S. Grant” (The Personal Memoirs of Ulysses S. Grant) đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và mang lại sự bảo đảm về tài chính cho vợ ngài, bà Julia.
Cuốn tự truyện đó, chủ yếu tập trung vào sự nghiệp quân sự của ngài Grant, hiện được đánh giá là một trong những tác phẩm hiện thực hay nhất trong nền văn học của chúng ta. Tài viết lách thiên phú của Tổng thống Grant, khả năng mô tả các trận chiến phức tạp, và những lời bình luận của ngài về rất nhiều các nhà lãnh đạo vẫn còn nguyên giá trị như một [bản] hướng dẫn [cách tiếp cận và hiểu] cuộc Nội chiến và là một hình mẫu cho việc viết lách.
Mặc dù Mark Twain hiển nhiên vô cùng say mê việc quảng bá cuốn “Những hồi ức cá nhân” của Tổng thống Grant (vì ông có thể hưởng lợi từ việc đó), nhiều nhà phê bình cũng đồng ý với đánh giá của ông về cuốn sách:
“Tôi đã từng so sánh cuốn những hồi ức với cuốn ‘Những bài bình luận’ của Caesar. … Với tất cả sự chân thành, tôi có thể nói rằng, cả hai cuốn sách đều đề cập đến những giá trị cao đẹp ở một tầm vóc tương xứng – sự rõ ràng minh bạch của tuyên bố, sự thẳng thắn, giản dị, khiêm tốn, [cùng với] sự thật hiển nhiên, công bằng như nhau đối với bạn bè hay kẻ thù, sự ngay thẳng, bộc trực, không hoa mỹ của một người lính. Tôi đặt hai cuốn sách này cạnh nhau ở vị thế cao tương xứng, và tôi vẫn luôn nghĩ rằng chúng thuộc về vị trí đó.”
Quả là một lời khen tốt lành và hào phóng đến từ một nhân vật xuất chúng trong làng văn học Mỹ.
Người truyền cảm hứng
Trong tất cả các vị tổng thống của chúng ta, Tổng thống Theodore Roosevelt vừa là một nhà văn, vừa là một chính trị gia. Nhiều người ngày nay, những người biết về cuộc đời của ngài, đánh giá ngài là một người vô cùng say mê sách vở. [Ngài] thường đọc hai hoặc ba cuốn sách mỗi ngày và đã đọc qua hàng chục ngàn cuốn sách trong suốt cuộc đời. [Điều này,] không còn nghi ngờ gì, đã khiến ngài Roosevelt trở thành nhà lãnh đạo ham đọc sách nhất của chúng ta.
Bên cạnh việc đã đọc cả một thư viện sách, ngài Roosevelt còn là một nhà văn có nhiều sáng tác phong phú. Trong cuộc đời của mình, ngài đã viết và xuất bản hơn 30 đầu sách. Các đề tài [của sách ngài] rất rộng lớn, từ những tiểu sử của Oliver Cromwell, Hộ Quốc công người Anh và Thomas Hart Benton, thượng nghị sĩ nổi tiếng người Mỹ, cho đến những tác phẩm đa dạng như “Trận Hải Chiến Năm 1812,” (The Naval War of 1812) “Thợ Săn Nơi Hoang Dã,” (The Wilderness Hunter) “Những Kỵ Binh Hung Hãn,” (The Rough Riders) “Các Nguyên Tắc Cấp Tiến,” (Progressive Principles) và “Những Kỳ Nghỉ Ngoài Trời Của Một Người Yêu Sách.” (A Booklover’s Holidays in the Open)
Có lẽ, tác phẩm được biết đến nhiều nhất của ngài là cuốn “Tự Truyện Của Tổng Thống Theodore Roosevelt,” (Theodore Roosevelt: An Autobiography) được xuất bản vài năm trước khi ngài rời Tòa Bạch Ốc. Những hồi ký này, vẫn đang được in ấn và cũng có thể tìm được trực tuyến, [là sự] kết hợp giữa những sự cố và những sự kiện lớn trong cuộc đời ngài Roosevelt, cùng với triết lý sống của ngài. Lấy ví dụ, ở cuối “Chương II: Sức Mạnh Của Cuộc Sống,” liên quan đến chủ đề “sức mạnh thể chất” và lòng can đảm, ngài viết về một người đàn ông đang nỗ lực để có được sự dũng cảm:
“Hãy để anh ta mơ ước bản thân mình trở thành một người đàn ông dũng cảm, và khi anh ta càng mong muốn [như vậy], anh ta càng trở nên tốt hơn, với điều kiện là anh ta [sẽ] nỗ lực nhất có thể [trong khả năng của mình] để hiện thực hóa ước mơ. Anh ta có thể thực hiện tốt phần việc của mình một cách đầy vinh dự và tự hào chỉ khi anh ta coi sự can đảm như lý tưởng sống [của mình]; tự huấn luyện bản thân coi [những] hiểm nguy chỉ như là điều gì đó cần đối mặt và vượt qua; và nhìn cuộc sống như [cách] anh ta nên nhìn nhận nó, không phải là thứ gì đáng bỏ đi, mà là một quân tốt thí trong tình huống hiểm nguy, khi mà nguy cơ [đó thực ra lại] đưa [anh ta] đến những lợi thế lớn hơn trong trò chơi vĩ đại mà tất cả chúng ta đều đang tham gia vào.”
Vận động viên, thợ săn, chàng chăn bò, người lính, người chồng, người cha, chính trị gia, tổng thống, và nhà văn – ngài Roosevelt có một cuộc chơi vĩ đại và đã chơi nó một cách ưu việt.
Lời nói và hành động
Có một câu ngạn ngữ Latin nổi tiếng “Facta non verba,” nghĩa là “Hãy hành động, chứ đừng chỉ nói.” Câu ngạn ngữ này vẫn đúng một cách phổ biến. Chúng ta [thường] đánh giá người khác qua những gì họ làm, hơn là những gì họ nói họ sẽ làm.
Các vị tổng thống được nêu trên đây đều là những con người của hành động. Chức vị của họ yêu cầu ở họ điều đó. May mắn thay cho chúng ta là, họ cũng được phú cho tài năng [khiến] những lời nói và tư tưởng [của họ] tỏa sáng rực rỡ. Nhờ những ngọn lửa đó mà Giấc mơ Mỹ được bừng sáng.
Tổng thống Theodore Roosevelt từng viết: “Hãy cống hiến những gì bạn có thể, với những gì bạn có, dù bạn ở nơi đâu.”
Bằng tấm gương và lời nói của mình, bốn vị tổng thống này thôi thúc chúng ta hãy sống theo câu châm ngôn đó.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và sáng tác tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Hải Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: