Những sơ hở khó bào chữa của thuyết tiến hóa (P.3): Người vượn Bắc Kinh
Mời quý vị đón đọc Chuyên đề đặc biệt “Nhìn thấu Thuyết tiến hóa.”
Người vượn Bắc Kinh không phải là tổ tiên của người Trung Quốc
Nguồn gốc của người vượn Bắc Kinh
Vào ngày 2/12/1929, hộp sọ của người vượn Bắc Kinh đầu tiên được phát hiện ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ các đặc điểm như độ dày của hộp sọ, kích thước của não, xương mày dày và trán thấp, v.v. người ta suy đoán rằng quá trình tiến hóa là từ người vượn Java thành vượn người Bắc Kinh, rồi thành người vượn Neanderthal ở Âu Châu, và sau đó là người hiện đại. Đồng thời đặt tên người vượn Bắc Kinh là “người Bắc Kinh”. 26 ngày sau, vào ngày 28/12/1929, Hiệp hội Địa chất Trung Quốc đã tổ chức một buổi đại hội long trọng, thông báo việc phát hiện ra hóa thạch của tổ tiên Trung Quốc.
Sau đó, bằng cách xác định niên đại chuỗi uranium người ta đã xác định được rằng “người Bắc Kinh” này sống trong khoảng 500,000 đến 400,000 năm trước (nghiên cứu mới nhất xác định rằng đó là 770,000 năm trước, theo tạp chí Nature số tháng 3/2009). Kể từ đó, người đàn ông Bắc Kinh này nghiễm nhiên được đặt vào địa vị “không thể chối cãi” là tổ tiên của người Trung Quốc. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập chính quyền đã đưa điều này vào sách giáo khoa, thế hệ mới “sinh ra ở Trung Quốc mới và lớn lên dưới lá cờ đỏ” đã bị tẩy não từ đây.
Mã DNA và giám định quan hệ cha-con
Hiện tại chỉ có hai cách tiếp cận khoa học để tìm ra bí mật của tổ tiên xa xôi trong quá khứ:
- Phương pháp sinh vật học truyền thống: So sánh hình dạng hộp sọ, kích thước não, hình dạng các xương chân để xác định mối quan hệ tiến hóa. Chúng tôi đã chỉ ra trong bài phần 1 rằng điều này là vô nghĩa, tất cả các sinh vật sống đều không tiến hóa, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết về vấn đề này sau.
- Phương pháp nhân chủng học phân tử: Tìm kiếm từ trong DNA. Con đường này thực chất là sự mở rộng và kéo dài của phương pháp xét nghiệm quan hệ cha con DNA. Người ta phân tích DNA của con người tại các nơi trên thế giới để tìm ngược lại tổ tiên ở hàng nghìn, hàng vạn năm trước và xa hơn nữa.
Trước tiên giới thiệu một chút về xét nghiệm quan hệ cha con DNA. Vào cuối năm 2009, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam thông báo đã phát hiện lăng mộ của Tào Tháo và khai quật được 3 bộ xương, trong đó có một bộ hài cốt nam giới được xác định là khoảng 60 tuổi, nhóm khảo cổ tỉnh Hà Nam phán đoán rằng đây chính là Tào Tháo. Ngay sau khi tin tức được công bố, nó đã lập tức thu được rất nhiều sự chú ý của dư luận trong nước, nhưng cũng có không ít người nghi ngờ.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Bởi vì nhiễm sắc thể Y rất ổn định và sẽ được truyền lại cho các thế hệ sau, nên chỉ cần tìm được hậu duệ của Tào Tháo là có thể tìm được nhiễm sắc thể Y độc quyền của Tào Tháo. May mắn thay, các nhà nhân chủng học phân tử từ Đại học Phúc Đán đã tìm thấy 118 cây gia phả họ Tào trong thư viện Thượng Hải. Thông qua các gia phả này, người ta đã tìm thấy hậu duệ của Tào Tháo và lấy được mẫu máu của 280 người. Những người này và xương người khai quật được đều có dấu hiệu di truyền là M268, cuối cùng người ta xác định được đó chính là Tào Tháo [1].
Điều thú vị là trong những người tham gia kiểm định, có một số người khẳng định họ không phải là hậu duệ của Tào Tháo mà là hậu duệ của Tào Tham, trong DNA của họ cũng thực sự không có dấu hiệu của M268. Tào Tham là tể tướng thứ hai của nhà Hán, “Tiêu quy Tào tùy” (quy định của Tiêu Hà, Tào Tham lên thay vẫn thực hiện theo) chính là chỉ ông ấy. Một bí ẩn cổ xưa cứ thế đã được giải ra một cách dễ dàng: Tào Tháo không phải là hậu duệ của Tào Tham.
Mã DNA: Người Trung Quốc không có ai là hậu duệ của người vượn Bắc Kinh
Tuy nhiên, về mặt xác định tuổi của tổ tiên, mã DNA có một nhược điểm là bề rộng niên đại khá lớn. Ví dụ trong giám định người thân, có thể tìm thấy đứa con riêng cách đây 200 năm của Thomas Jefferson, nhưng lại không thể xác định ngày sinh của ông ấy.
Các nhà nhân chủng học phân tử chỉ có thể phỏng đoán tuổi từ các đột biến ở nhiễm sắc thể Y và ti thể. Bởi vì mặc dù nhiễm sắc thể Y và ti thể ổn định, nhưng với quy mô thời gian hàng chục nghìn năm thì vẫn sẽ xảy ra các đột biến nhỏ, vì vậy có thể dựa trên số lượng đột biến mà suy ra niên đại. Tuy nhiên chỉ nhìn vào một cá thể là không đủ, vì vậy khái niệm quần thể đã được đưa ra, để xem trung bình có bao nhiêu đột biến đã xảy ra trong một quần thể [2]. Kết quả của việc làm này sẽ không ảnh hưởng đến độ chính xác của việc xác định tổ tiên, nhưng độ rộng về niên đại là rất lớn.
Sau khi “Thuyết Eva” và “Thuyết Adam” xuất hiện, đã ảnh hưởng rất lớn tới các học giả nghiên cứu nhân chủng học cổ đại trên toàn thế giới. Ông Ngô Tân Trí (Wu Xinzhi), một viện sĩ nổi tiếng của Viện Nhân loại cổ học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, đã phản bác lại. Ông tuyên bố rằng “thuyết tiến hóa đa vùng” có đầy đủ căn cứ hóa thạch ở Trung Quốc, “Nguồn gốc chính của người Trung Quốc hiện đại là những người cổ đại sống ở đây vào hàng trăm nghìn năm trước, và chỉ tiếp nhận một lượng rất nhỏ gene ngoại lai” [3], cũng chính là nói, hầu hết người Trung Quốc hiện đại là do người vượn địa phương, tức người vượn Bắc Kinh tiến hóa mà thành.
Vào năm 2000, trường Đại học Phúc Đán đã thành lập một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm 22 thành viên do ông Kha Việt Hải (Ke Yuehai) đứng đầu (ông Kha Việt Hải là một học trò ít được biết đến của Giáo sư Kim Lực). Họ là các nhà nhân chủng học phân tử đến từ các trường đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ, Anh và Indonesia, trong số đó có Giáo sư Kim Lực (người sau này là phó hiệu trưởng của Đại học Phục Đán). Ngoài ra còn có Tiến sĩ Spencer Wells (tác giả của cuốn sách rất nổi tiếng “The Journey of Man: A Genetic Odyssey”). Họ đã lấy mẫu máu từ 12,127 người đàn ông ở trong quần thể người Đông Á, bao gồm Siberia, Trung Quốc đại lục, người bản địa Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, New Guinea, Melanesia và Đông Bắc Ấn Độ v.v. và kiểm tra trình tự DNA nhiễm sắc thể Y của họ.
Kết quả nghiên cứu của nhóm này đã được công bố trên tạp chí Science của Mỹ số tháng 5/2001. Tiêu đề của bài viết là “Bằng chứng DNA về nguồn gốc Phi Châu của người Đông Á hiện đại” (Dịch ý) [4]. Bài viết kết luận rằng: “Để kiểm tra giả thuyết về nguồn gốc của loài người hiện đại ở Đông Á, chúng tôi đã lấy mẫu của 12,127 cá thể nam đến từ 163 quần thể – trong đó có 4,592 người thuộc 14 dân tộc Hán ở miền bắc Trung Quốc, 5,127 người thuộc 13 dân tộc Hán ở miền nam Trung Quốc và 58 người thuộc 5 nhóm người bản địa Đài Loan – để xác định 3 dấu hiệu DNA nhiễm sắc thể Y (YAP, M89, M130). Phát hiện tất cả các cá thể đều mang một trong ba dấu hiệu đột biến này. Ba đột biến này (YAP, M89, M130) có thể sát nhập lại vào một đột biến khác, M168, có nguồn gốc từ Châu Phi trong khoảng 35,000 đến 89,000 năm trước”.
Nói cách khác, tất cả người hiện đại ở Đông Á đều là “hậu duệ của Adam nhiễm sắc thể Y ở Phi Châu”, và không ai trong số những người Trung Quốc là hậu duệ của người vượn Bắc Kinh.
Xem tiếp: Phần 4
Tài liệu tham khảo:
[1] Mời tham khảo trang web: “Nguồn gốc các loài dựa trên mã DNA” http://www.bydnacoding.org/index.html Phần 3.
[2] Cùng là trang web ở mục [1], phần 4.
[3] Wu Liu, et. al., các đặc điểm hình thái của hộp sọ người Liễu Giang và một số vấn đề về quá trình tiến hóa của người Liễu Giang.
[4] Yuehai Ke, et. al., African Origin of Modern Humans in East Asia: A Tale of 12,000 Y Chromosomes, Science Vol 292, May 11 2001.
Giới thiệu giản lược tác giả:
Tác giả Trương Duy Khắc (Victor Chang) là người Vũ Hán, Hồ Bắc, tốt nghiệp Học viện Thủy lợi Điện lực Bắc Kinh. Vào đầu những năm 1990, ông được mời làm học giả thỉnh giảng tại Đại học California, Berkeley, và sau đó làm kỹ sư máy tính ở California. Hiện ông đã nghỉ hưu.
Năm 2009, ông bắt đầu bắt tay vào phân tích mã DNA sinh học bằng toán học, dựa vào đó để truy tìm nguồn gốc của sự sống. Ông đã xuất bản 7 cuốn sách, trong đó bao gồm “Nguồn gốc của các loài được mã hóa bằng DNA – Tìm kiếm Adam khoa học và Eve khoa học” (The Origin of Species by DNA Coding ━Looking For Scientific Adam & Scientific Eve), và 7 bài báo liên quan trên các tạp chí. Từ năm 2010, ông đã đăng các bài báo như “Tìm kiếm Adam nhiễm sắc thể Y (Thuyết Adam)” trên trang web “Maoyan Kanren” của Trung Quốc, đã nhận được gần 1 triệu lượt truy cập và được hầu hết độc giả khẳng định.