Những quyết sách hỗn loạn và lặp lại nhiều lần của chính quyền ông Tập Cận Bình
Những năm gần đây, ông Tập Cận Bình thường xuyên đưa ra những chính sách hỗn loạn và vô trật tự khiến dư luận hết sức kinh ngạc. Điển hình là lúc mới đầu “viết án tử” với những gã khổng lồ công nghệ và giáo dục, sau đó lại xoa dịu thị trường. Các phương tiện truyền thông chạy theo chính quyền, chỉ trích doanh nghiệp khiến thị trường hỗn loạn, giá cổ phiếu trong nhiều ngành hàng giảm mạnh.
Tiếp theo là tung hô “đại kế nghìn năm”, xây dựng quận mới Hùng An thành siêu đặc khu kinh tế mang đẳng cấp thế giới. Và chỉ sau vài năm, công trình đã rớt hạng thảm hại. Ngoài ra, các chính sách trục xuất “lao động phổ thông”, chỉnh đốn “khoét vách, đục tường” còn đang thực hiện dang dở, các cửa hàng rong quanh tàu điện ngầm Bắc Kinh lại bắt đầu hoạt động trở lại. Tất cả nói lên những quyết sách của Trung Cộng trong những năm gần đây hết sức hỗn loạn.
Ngày 30/7, Tổng cục Chính trị Trung Quốc đã tổ chức hội nghị kinh tế, thông báo sau cuộc họp đã vô tình tiết lộ tình thế khó khăn của Trung Quốc hiện nay: “Hiện tại, đại dịch đang hoành hành khắp thế giới, hoàn cảnh bên ngoài ngày càng căng thẳng và phức tạp, trong khi nền kinh tế trong nước vẫn đang trong quá trình phục hồi.”
Ba ý trong nội dung câu nói trên đều là những thông tin bất lợi: dịch bệnh tiếp tục lây lan nghiêm trọng, hoàn cảnh quốc tế căng thẳng và phức tạp, kinh tế trong nước còn nhiều bất ổn. Những yếu tố trên khiến các nhà cầm quyền Trung Quốc rơi vào thời kỳ sóng gió. Trước tình hình tiến thoái lưỡng nan đó, ông Tập Cận Bình đã lựa chọn đưa ra những chính sách nào?
Đầu tiên, bắt đầu từ ngày 2/7, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Cộng lấy lý do đảm bảo an ninh quốc gia, đã điều tra hãng gọi xe Didi Chuxing (Didi) vừa mới lên sàn giao dịch Hoa Kỳ và ra lệnh gỡ khỏi sàn ứng dụng ở Trung Quốc. Sau đó, các tổ chức trong và ngoài nước đã đồng tâm hiệp lực đánh đổ Didi, kéo giá cổ phiếu của công ty này xuống giá sàn, thậm chí có tin tức về việc công ty phải hủy niêm yết.
Cuối tuần trước, Trung Cộng ban hành “chính sách song giảm”, yêu cầu chấn chỉnh nghiêm khắc ngành giáo dục và đào tạo. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư trở tay không kịp, giá cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ và Hồng Kông liên tục giảm.
Cơ quan quản lý của Hoa Kỳ vẫn luôn nghi ngờ về rủi ro của cổ phiếu Trung Quốc, cũng có người Mỹ kêu gọi tách rời tài chính khỏi Trung Quốc. Trung Cộng thẳng tay “xử trảm” những gã khổng lồ công nghệ và ngành giáo dục muốn lên sàn chứng khoán Hoa Kỳ.
Vào cuối tháng 7, có thông tin cho rằng Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã dừng các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Chủ tịch của SEC sau đó đã làm rõ rằng đó không phải là dừng bán mà là tăng cường xem xét các thông tin và rủi ro.
Tân Hoa Xã đưa ra một bài đăng vào tối muộn ngày 28/7, nêu rõ “Quyết tâm mở cửa với thế giới bên ngoài của Trung Quốc chưa từng thay đổi.”
Cùng ngày, cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Cộng đã triệu tập một cuộc họp với các giám đốc điều hành của các ngân hàng đầu tư lớn, bao gồm cả những gã khổng lồ ở Phố Wall, nhằm xoa dịu thị trường.
Theo Financial Times đưa tin, ông Phương Tinh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc, nói với các công ty quốc tế tại cuộc họp rằng, chỉ chấn chỉnh, điều tra một số công ty công nghệ và giáo dục. Nhưng ai mà tin nổi lời ông ta nói?
Bài báo trích dẫn một nguồn tin nói rằng, cơ quan quản lý “không ngờ rằng chính sách này có ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư như vậy và họ chỉ mong muốn gửi đi một thông điệp bình thường… nhưng mọi người đều cảm thấy rằng chính phủ ra đòn quá mạnh và không hề có ranh giới rõ ràng. Các nhà đầu tư sẽ phải đánh giá lại những rủi ro của Trung Quốc trong tương lai.”
Hành động ngầm thừa nhận lỗi sai, vừa đánh vừa xoa này cho thấy Trung Cộng đưa ra quyết sách nhưng không hề lường trước được các rủi ro và biện pháp khắc phục hậu quả.
Sau khi làm nhiễu loạn thị trường, truyền thông đổ lỗi cho nhau
Những chính sách hỗn loạn của các lãnh đạo Trung Cộng khiến các kênh truyền thống vốn “đoàn kết” quay sang chỉ trích, đổ lỗi cho nhau.
Vào ngày 5/8, Tờ Thương mại Thâm Quyến thuộc thẩm quyền của Thành ủy Thâm Quyến đã đăng một bài viết với tiêu đề “Cẩn thận với sự can thiệp của phương tiện truyền thông vào thị trường chứng khoán”. Bài viết nói: “Gần đây, thị trường chứng khoán có một hiện tượng bất thường, một số phương tiện truyền thông đã chỉ đích danh các công ty niêm yết, các lĩnh vực và đưa ra những nhận xét thiếu trách nhiệm. Kết quả là, giá cổ phiếu của các ngành liên quan và các công ty niêm yết đã giảm mạnh, thậm chí có lúc giảm sàn. Một số cư dân mạng thiếu hiểu biết cũng kéo nhau tham gia vào cuộc “chỉ trích” trực tuyến này. Những công ty chịu thiệt hại đầu tiên là ngành công nghiệp game, công nghiệp rượu, công ty thuốc lá điện tử và công ty thực phẩm chức năng. Các ngành này đều trở thành đối tượng bị dư luận “ném đá”. Trước tâm lý bất bình và hiệu ứng số đông, giá cổ phiếu đã giảm mạnh, các nhà đầu tư thua thiệt nặng nề.”
Bài viết cuối cùng kêu gọi “Hãy cẩn thận sự can thiệp của phương tiện truyền thông vào thị trường chứng khoán.”
Một người bình thường chỉ cần xem thoáng qua cũng hiểu bài viết này là nhắm vào tờ Tham khảo Kinh tế của Tân Hoa Xã.
Vào ngày 3/8, tờ Tham khảo Kinh tế đã đăng tải một bài báo mang tên: “Thuốc phiện tinh thần” đã phát triển thành một ngành công nghiệp hàng trăm tỷ”. Bài báo chỉ trích các trò chơi trực tuyến là thuốc phiện tinh thần và chỉ đích danh Tencent có trụ sở tại Thâm Quyến và trò chơi “Vương giả vinh quang” của Tencent. Kết quả là, ngay ngày hôm đó giá cổ phiếu của những gã khổng lồ về game như Tencent và NetEase đã giảm mạnh 10%.
Ngày 5/8, Thời báo Chứng khoán trực thuộc Tờ Nhân dân Nhật báo, cũng bồi thêm một nhát dao vào ngành công nghiệp game nói rằng, cần bắt công ty trò chơi trực tuyến “đóng thuế nhiều hơn”, khiến giá cổ phiếu của Tencent và các công ty trò chơi trực tuyến khác lại tiếp tục giảm mạnh.
Các công ty thuốc lá điện tử và công ty thực phẩm chức năng cũng không tránh khỏi bị liên luỵ trong cuộc chỉ trích của dư luận lần này. Ngày 4/8, Tân Hoa Xã đăng bài “Cảnh giác với trào lưu thuốc lá điện tử cho trẻ vị thành niên” và “Muốn cao thì tiêm “thuốc tăng chiều cao”? Nguy hiểm rình rập!”. Ngày 5/8, Tân Hoa Xã lại đăng bài nói rằng, các chuyên gia cảnh báo việc sử dụng sữa bột pha chế sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bài viết cũng khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp sữa khác như Mông Ngưu rớt giá.
Còn về ngành công nghiệp rượu, vào ngày 4/8, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã đăng tải một bài báo về “Nghiên cứu của Canada cho thấy một số bệnh ung thư có liên quan đến uống rượu”. Khi thị trường mở cửa vào ngày 5/8, các cổ phiếu trong ngành rượu đồng loạt rớt giá, giá cổ phiếu của Công ty công nghệ cao Trường Xuân còn giảm sàn.
Do đó, việc Trung Cộng thao túng truyền thông thực ra là một con dao hai lưỡi, các biện pháp quản lý hỗn loạn của Trung Cộng khiến các nhà đầu tư không biết phải làm gì, và thị trường tài chính trở nên bất ổn. Khi truyền thông đăng tải một bài viết nào đó, dư luận không thể xác định được đây là ngôn luận phiến diện của truyền thống hay tín hiệu cho cuộc đại chỉnh đốn từ chính phủ. Bởi vì khi Trung Cộng muốn phát động một chiến dịch hoặc thủ đoạn chỉnh đốn nào đó thì sẽ đánh vào dư luận đầu tiên.
“Đại kế nghìn năm” của ông Tập Cận Bình bỗng nhiên rớt hạng thê thảm
Còn có nhiều ví dụ khác về những chính sách lặp đi lặp lại của Trung Cộng trong những năm gần đây. Khi bắt đầu xây dựng quận mới Hùng An, Hà Bắc, Trung Cộng tâng bốc nó lên thành “Đại kế nghìn năm, quốc gia đại sự”. Tuy nhiên, chỉ 4 năm sau, “Đại kế nghìn năm” đã hoàn toàn chìm trong dĩ vãng, và cũng không thấy bất cứ tiến triển gì lớn. Theo truyền thông đưa tin, quận mới đã rớt hạng thê thảm.
Vào ngày 29/7, Tân Hoa Xã đưa tin tỉnh Hà Bắc đã thông qua “Quy định của quận mới Hùng An, Hà Bắc”. Theo đó, Ủy ban quản lý quận mới Hùng An là cơ quan được điều động bởi Chính quyền nhân dân tỉnh Hà Bắc. Đây là quy định địa phương đầu tiên của quận mới Hùng An và sẽ được thực hiện kể từ ngày 1/8. Ngay sau khi đăng tải thông tin, mọi người đều hiểu quận mới Hùng An đã bị tụt hạng thê thảm.
Vào ngày 1/4/2017, báo chí Trung Quốc tâng bốc Hà Bắc sẽ xây dựng quận mới Hùng An thuộc cấp quốc gia, xây dựng thủ đô thứ hai, và có thể sánh ngang với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến và quận mới Phố Đông ở Thượng Hải. Ngoài ra, báo chí còn đồn thổi quận mới Hùng An là một “sự lựa chọn chiến lược trọng đại tầm vóc lịch sử”, là “Đại kế nghìn năm, quốc gia đại sự”. Ngoài ra, nó còn mang tham vọng của Tập Cận Bình trong việc lập thành tích chính trị, để tiếng thơm ghi danh thiên cổ.
Chỉ sau một đêm, giá bất động sản địa phương tăng vọt từ 4,000 NDT/m2 lên 40,000 NDT, ngang bằng với các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tuy nhiên, đã hơn bốn năm trôi qua, công trình quy mô tầm cỡ quốc gia này vẫn chưa hề được thi công, đường phố vắng tanh, công nhân dần dần sơ tán.
Các chuyên gia giải thích rằng, việc chính quyền trung ương giao “Đại kế nghìn năm” cho tỉnh Hà Bắc chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Chính quyền trung ương hết tiền nên đành bàn giao lại cho chính quyền địa phương.
Trong một bài viết của mình, chuyên gia về Thuỷ lợi Vương Duy Lạc đã nói “lựa chọn quận mới Hùng An là sai lầm”, đây là khu vực thấp nhất ở Đồng bằng Hoa Bắc và không có khả năng phát triển cao. Những trận lũ lụt lớn gần đây khiến Trịnh Châu chìm trong biển nước xem ra chính là một gậy cảnh tỉnh cho Tập Cận Bình. “Đại kế nghìn năm” về quận mới Hùng An cuối cùng trở thành một công trình “đắp chiếu”.
Chính sách thất bại, Trung Cộng càng làm càng loạn
Nói đến những chính sách thất bại, không thể kể đến chính sách ngoại giao chiến lang khiến quan hệ Trung- Âu sụp đổ, quan hệ với Hoa Kỳ xấu đi, cả bàn cờ do các đời Chủ tịch Trung Cộng dày công xây dựng coi như hỏng bét. Để bảo toàn thế cục, Tập Cận Bình đề nghị tuyên truyền quảng bá hình ảnh Trung Quốc “đáng yêu, đáng mến”.
Trong Thế vận hội Tokyo gần đây, Trung Cộng đã kích động chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Các dư luận viên Trung Quốc không ngớt lời mạ lỵ, công kích và bạo lực mạng đối với các vận động viên. Tuy nhiên, chẳng được bao lâu, báo chí lại một lần nữa kêu gào: Dư luận viên phỉ báng vận động viên và sản phẩm quốc nội, đây mà là chủ nghĩa yêu nước à? Ngờ đâu “gậy ông đập lưng ông”, dư luận quay ra nghi ngờ giới tính của các vận động viên điền kinh Trung Quốc….
Vào ngày 25/7, Trung Cộng cho mở thí điểm ba cửa hàng tiện lợi tại tàu điện ngầm Bắc Kinh lại dấy lên câu chuyện bắt tháo dỡ các hàng quán nhỏ mấy năm trước. Kinh doanh buôn bán tại tàu điện ngầm vốn là một việc có từ lâu năm tại rất nhiều nơi. Vào những năm 1990-2000, còn có những cửa hàng rong ở tàu điện ngầm Bắc Kinh. Mấy năm sau, Trung Cộng khuyến khích công nhân bỏ việc để khởi nghiệp, rất nhiều người thất nghiệp đã thông qua cái gọi là “khoét vách đục tường”, mở các cửa hàng nhỏ, quán nước, quán cà phê cạnh tàu điện ngầm.
Đến năm 2017, Bắc Kinh lại hạ lệnh đóng cửa một loạt các cửa hàng nhỏ, chấn chỉnh “khoét vách đục tường”, trục xuất “các lao động phổ thông cấp thấp”, điều này đã gặp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Tuy nhiên, hiện tại kinh tế lại tụt dốc, các cửa hàng nhỏ lại được nhà nước cho hoạt động trở lại…
Hiện nay, biến thể virus đang hoành hành trong nước, còn ngoài nước thì đấu đá với Hoa Kỳ và các nước khác. Nền kinh tế trong và ngoài nước Trung Quốc đều đang ngày càng xấu đi. Xem ra với những chính sách hỗn loạn và lặp lại nhiều lần này, Trung Cộng sẽ còn phải đối mặt với nhiều rắc rối hơn trong tương lai.
Do Tôn Vân thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: