Những nơi giàu nhất thế giới: Luxembourg xếp thứ nhất, Macau thứ nhì, Hồng Kông xếp thứ 15 sau Đài Loan
Tạp chí “Global Finance” mới đây đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ) giàu có nhất thế giới vào năm 2024. Lần này, Hồng Kông đã tụt lại sau Đài Loan, và xếp ở vị trí thứ 15. Đối với những nơi khác, Macau đứng thứ hai, trong khi Hoa lục đứng thứ 78, kém xa các nền kinh tế phát triển khác ở châu Á.
Báo cáo cho thấy những nơi giàu có đều là các quốc gia (hoặc vùng lãnh thổ) nhỏ. Và ngay cả những thảm họa toàn cầu như COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, và căng thẳng địa chính trị cũng không có ảnh hưởng gì đáng kể đến sự thịnh vượng của các nền kinh tế này. Điều này được thể hiện rõ ràng khi quốc gia Âu châu nhỏ bé là Luxembourg đứng ở vị trí thứ nhất, Macau đứng ở vị trí thứ hai, tiếp theo là Ireland và Singapore lần lượt ở vị trí thứ ba và thứ tư.
Tiếp theo là Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ở vị trí thứ năm và thứ sáu; cả hai đều là các quốc gia siêu giàu với trữ lượng hydrocarbon (dầu khí) khổng lồ hoặc các tài nguyên thiên nhiên có giá trị khác. Tuy nhiên, một số quốc gia nhỏ nhưng rất giàu có như Luxembourg, San Marino (ở vị trí thứ tám), và Thụy Sĩ ở vị trí thứ bảy, đều được hưởng lợi từ lĩnh vực tài chính và hệ thống thuế phát triển, thu hút đầu tư ngoại quốc, nhân tài chuyên nghiệp, và những khoản tiền gửi ngân hàng lớn.
Trong thời điểm lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị, việc nói một quốc gia giàu có chính xác có ý nghĩa gì? Nếu chỉ tính dựa vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lẽ ra Hoa Kỳ đã thắng trội, trong khi các quốc gia nhỏ như Luxembourg sẽ không bao giờ có thể cạnh tranh với những hùng cường kinh tế này. Tuy nhiên, GDP chỉ đo lường giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một quốc gia, do đó, việc đánh giá sự thịnh vượng của một quốc gia chỉ dựa trên GDP khó có thể phản ánh chính xác mức độ phúc lợi của người dân. Global Finance chỉ ra rằng chia GDP tổng thể cho số lượng dân cư hoặc GDP bình quân đầu người là thước đo tốt hơn để xác định mức độ giàu hay nghèo của dân số một quốc gia so với quốc gia khác.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề khi sử dụng GDP bình quân đầu người: cùng một mức thu nhập có thể không mua được nhiều ở một số nước, nhưng lại mua được nhiều hơn ở những nơi khác. Vì vậy, để đo lường mức độ giàu có của công dân một quốc gia, cũng cần phải hiểu được sức mua của họ. Ở góc độ đó, “Global Finance” cho rằng khi so sánh GDP bình quân đầu người của các quốc gia khác nhau cũng cần được căn cứ theo sức mua tương đương (PPP). Bằng cách này, lạm phát và giá hàng hóa, dịch vụ ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có thể được tính đến, và chỉ số này có thể phản ánh tốt hơn mức độ sung túc của người dân.
Dựa vào các tiêu chí đánh giá trên, Luxembourg, một quốc gia nhỏ bé ở châu Âu đã trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới. GDP bình quân đầu người theo PPP của đất nước là 143,743 USD. Tạp chí Global Finance cho biết, quốc gia nhỏ bé này, với dân số khoảng 670,000 người, nằm ở trung tâm Âu châu, sử dụng phần lớn tài sản của mình để cung cấp nhà ở, chăm sóc sức khỏe, và giáo dục tốt hơn cho công dân của mình, khiến người dân nước này được hưởng mức sống cao nhất trong khu vực đồng Euro.
Đối với Macau, nền kinh tế của đặc khu này đã phục hồi sau đại dịch COVID-19 và lần này được xếp thứ hai, với GDP bình quân đầu người theo PPP là 134,141 USD. Đặc khu này được hưởng lợi chủ yếu từ ngành du lịch và trò chơi điện tử. Báo cáo của “Global Finance” cho rằng Macau vẫn là thành viên độc lập của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và có thể cung cấp môi trường hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư so với các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc và có ít sự hạn chế hơn đối với hoạt động đầu tư từ ngoại quốc.
Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, xếp thứ chín, với GDP bình quân đầu người theo PPP là 85,373 USD. Hoa Kỳ, vốn chỉ đứng dưới vị trí thứ 10 trong suốt hai thập niên qua, lần đầu tiên lọt vào top 10 vào năm 2020. Thứ hạng của nước này không có gì thay đổi so với năm 2023.
Hoa Kỳ đã duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm qua. Vào tháng Tư năm nay (2024), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ năm 2024 lên 2.7% (cao hơn 0.6% so với dự báo của tổ chức này vài tháng trước).
Đài Loan đứng thứ 14 trong danh sách, với GDP bình quân đầu người theo PPP là 76,858 USD. Đây là thứ hạng tương tự như năm 2023 và vượt qua Hồng Kông (thứ 15), một trong các trung tâm tài chính của châu Á. Báo cáo chỉ ra rằng Đài Loan là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn, đóng góp hơn 60% nguyên liệu bán dẫn thô của thế giới và hơn 90% vi mạch bán dẫn tân tiến nhất thế giới. Đồng thời, Đài Loan có khuôn khổ thể chế doanh nghiệp được xây dựng chặt chẽ, giúp tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư ngoại quốc.
Hồng Kông lần này đứng ngay sau Đài Loan, xếp thứ 15, với GDP bình quân đầu người theo PPP là 75,128 USD. Báo cáo của “Global Finance” nhấn mạnh Hồng Kông từng là nền kinh tế thị trường tự do bùng nổ và là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư ngoại quốc. Là một trung tâm thương mại, tài chính và du lịch toàn cầu, nước này tự hào về cơ sở hạ tầng thuộc vào hàng bậc nhất, hệ thống ngân hàng lớn mạnh, và nền tư pháp công bằng. Tuy nhiên, sau khi ban hành Luật An ninh Quốc gia (NSL) và “Điều 23,” các nhà đầu tư lo ngại về tính độc lập và tự do của hệ thống pháp luật Hồng Kông, cũng như sự ổn định của đồng dollar Hồng Kông với đồng bạc xanh (USD).
Những cái tên được đề cập phía trên là các vùng lãnh thổ (hoặc quốc gia) ở châu Á được xếp trong top 20, đứng trước Nam Hàn (thứ 30), và Nhật Bản (thứ 36). GDP bình quân đầu người theo PPP của Trung Quốc là 25,015 USD, đứng thứ 78, kém xa các nền kinh tế phát triển khác ở châu Á.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times