Những nhượng bộ của ông McCarthy đối với Freedom Caucus và ý nghĩa của những điều này
Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã phải đưa ra một số nhượng bộ để giành được sự ủng hộ của một nhóm đối kháng gồm các thành viên Đảng Cộng Hòa theo chủ nghĩa dân túy nhằm thu được phiếu bầu từ họ. Dưới đây là những nhượng bộ quan trọng mà ông McCarthy đã phải thực hiện, bao gồm điều mà một số chiến lược gia Đảng Cộng Hòa xem là điểm mấu chốt — cho phép duy nhất một thành viên kiến nghị để bãi nhiệm Chủ tịch Hạ viện, khiến ông McCarthy không thể nắm giữ quyền lực một cách chắc chắn.
Ông McCarthy được bầu làm Chủ tịch Hạ viện thứ 55 vào những giờ đầu tiên ngày 07/01 với tỷ lệ phiếu bầu 216–212.
Mặc dù thông thường cần 218 phiếu bầu — một khối đa số trong Hạ viện — để trở thành Chủ tịch Hạ viện, nhưng ngưỡng đó có thể giảm xuống nếu các thành viên vắng mặt hoặc chỉ bỏ phiếu có mặt.
Chính quy định này đã mang lại cho ông McCarthy chiến thắng mà ông mong muốn, khi sáu dân biểu Đảng Cộng Hòa bỏ phiếu “có mặt” thay vì phiếu “thuận” trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng. Đó là các Dân biểu Andy Biggs (Cộng Hòa-Arizona), Lauren Boebert (Cộng Hòa-Colorado), Eli Crane (Cộng Hòa-Arizona), Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), Bob Good (Cộng Hòa-Virginia), và Matt Rosendale (Cộng Hòa-Montana).
Trong một bài diễn văn dài 20 phút sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng này, ông McCarthy đã đưa ra các ưu tiên của mình cho Quốc hội nhiệm kỳ 118, bao gồm bảo vệ biên giới phía nam, chống lại sự truyền bá “thức tỉnh” trong các trường học ở Mỹ, và tạo thuận lợi cho khai thác năng lượng nội địa.
“Chúng ta phải đưa nước Mỹ trở lại đúng hướng,” ông nói. “Chúng ta sẽ buộc đầm lầy [Hoa Thịnh Đốn] phải chịu trách nhiệm.”
Hạ viện hiện dự trù bỏ phiếu về một gói quy định mang tính cải cách lớn, trong đó có một loạt các nhượng bộ mà 20 thành viên Đảng Cộng Hòa đối kháng nói trên đã thúc đẩy.
Một số chiến lược gia của Đảng Cộng Hòa đã ca ngợi những thay đổi về quy định này là một chiến thắng lớn cho Hội nghị Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện — một nhóm họp kín của đảng gồm các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện — và nói rằng điều này đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều thập niên, họ có quyền độc lập với ban lãnh đạo.
Nhượng bộ then chốt
Con đường đến với chức vụ lãnh đạo của ông McCarthy đầy những chông gai, bao gồm 14 vòng bỏ phiếu thất bại sau đó mới đến vòng bỏ phiếu thứ 15 mang lại chiến thắng. Để giành được sự ủng hộ của những dân biểu Đảng Cộng Hòa đối kháng này, ông McCarthy đã phải đưa ra một loạt nhượng bộ.
Các chiến lược gia của Đảng Cộng Hòa cho biết nhượng bộ then chốt được tìm thấy trong tiểu mục “q” của gói quy định mới của Hạ viện (pdf). Tiểu mục này khôi phục một quy định có từ hàng thế kỷ trước cho phép chỉ một thành viên kiến nghị để có thể phế truất vị trí chủ tịch Hạ viện.
Một kiến nghị như vậy sẽ được thực hiện thông qua cái gọi là “giải pháp đặc quyền,” vốn thay thế cho tất cả các hoạt động khác ngoại trừ việc tạm hoãn cuộc họp.
“Bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào [cúng có thể làm điều đó]” Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida) cho biết hôm thứ Năm (05/01) trên Capitol Hill, bình luận về quyền lực mà sự nhượng bộ này trao cho các thành viên để cố gắng phế truất chủ tịch Hạ viện của họ trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Nếu đề nghị này được đưa ra, thì ông McCarthy sẽ cần một đa số 218 phiếu bầu để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hạ viện.
Luật sư Jenna Ellis, người đại diện cho chiến dịch tranh cử của ông Trump hồi năm 2020, cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng, “Điều này hoàn toàn [có thể] vô hiệu hóa ông McCarthy.”
“20 thành viên ban đầu có một thỏa thuận rằng nếu ông McCarthy làm bất cứ điều gì khác đi so với lời hứa của ông, thì họ sẽ bỏ phiếu không thừa nhận và ông ấy sẽ phải ra đi,” bà đề cập đến 20 dân biểu Đảng Cộng Hòa kiên quyết phản đối ông McCarthy làm chủ tịch Hạ viện.
Dưới thời Chủ tịch Hạ viện thuộc Đảng Dân chủ Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), một đề nghị lật đổ vị trí chủ tịch Hạ viện chỉ có thể được thực hiện khi có sự ủng hộ từ một khối đa số của một trong hai đảng.
Là một phần trong các cuộc đàm phán của mình với những dân biểu Đảng Cộng Hòa đối kháng nói trên, đầu tiên ông McCarthy đã đồng ý giảm số lượng thành viên có thể đề nghị để phế bỏ ghế chủ tịch Hạ viện xuống còn năm người — rồi sau đó xuống chỉ còn một người.
Bà Rachel Semmel, cựu giám đốc truyền thông của Văn phòng Quản lý và Ngân sách Tòa Bạch Ốc, cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng ông McCarthy “sẽ là chủ tịch Hạ viện ít quyền lực nhất mà chúng ta từng chứng kiến trong một thế hệ.”
“Đây có thể là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của phe bảo tồn truyền thống kể từ @DaveBratVA7th,” bà nói thêm, đề cập đến cựu Dân biểu Dave Brat (Cộng Hòa-Virginia), người hồi năm 2014 với tư cách là giáo sư kinh tế được phong trào Tiệc Trà (Tea Party) hậu thuẫn đã khiến các thành viên Đảng Cộng Hòa đầy quyền uy bất ngờ bằng cách đánh bại Lãnh đạo Đa số Hạ viện Dân biểu Eric Cantor (Cộng Hòa-Virginia) trong một cuộc bầu cử sơ bộ, với việc ông Brat công kích ông Cantor là mềm mỏng về vấn đề nhập cư.
Tuy rằng sự nhượng bộ đề nghị phế truất này có lẽ đã nhận được nhiều sự chú ý nhất, nhưng các thành viên của Freedom Caucus — mà hầu hết những dân biểu Đảng Cộng Hòa đối kháng thuộc về nhóm này — đã giành được một thỏa hiệp lớn hơn dưới hình thức có nhiều ghế hơn trong các ủy ban then chốt.
Các thành viên Freedom Caucus có mặt trong Ủy ban Quy tắc Hạ viện
Ông McCarthy đã cam kết trao cho các thành viên của Freedom Caucus nhiều ghế hơn trong Ủy ban Quy tắc Hạ viện đầy quyền lực.
Ủy ban này có quyền lực to lớn trong Quốc hội vì họ thiết lập các điều khoản của cuộc tranh luận, quyết định những sửa đổi nào có thể được thêm vào dự thảo luật, và xác định những gì sẽ được đưa ra phòng họp — hoặc bị chặn.
Ủy ban Quy tắc này thường hoạt động như một công cụ của Chủ tịch Hạ viện nhưng với nhiều đại diện hơn, những thành viên theo phái bảo tồn truyền thống sẽ không chỉ có khả năng giúp đưa những sửa đổi then chốt ra phòng họp đối với các vấn đề ưu tiên của họ — như chi tiêu của chính phủ hoặc vấn đề phá thai — mà họ sẽ còn có nhiều cơ hội hơn để ý kiến của họ được tiếp nhận.
Không rõ có bao nhiêu ghế trong Ủy ban Quy tắc gồm 13 thành viên này sẽ được trao cho các thành viên Freedom Caucus, nhưng tờ Time đưa tin rằng nhóm này sẽ có bốn ghế, mặc dù hãng thông tấn này không trích dẫn nguồn, còn tờ Politico đưa tin là ba và trích dẫn các nguồn ẩn danh.
Trong các khóa Quốc hội gần đây, đảng đa số nắm giữ chín ghế trong ủy ban này và đảng thiểu số giữ bốn ghế.
Chủ tịch kế nhiệm của Ủy ban Quy tắc, Dân biểu Tom Cole (Cộng Hòa-Oklahoma) nói với Politico rằng “trước đây chúng tôi đã có rất nhiều thành viên Freedom Caucus” và rằng “chúng tôi sẽ ổn thôi.”
Nhìn chung, ông McCarthy đã đồng tình với một số cải cách trong các thủ tục của Hạ viện nhằm trao quyền cho các thành viên bình thường và giảm bớt quyền lực của chủ tịch Hạ viện.
Quan điểm cứng rắn về mức trần nợ
Một trong những nhượng bộ gây sự chú ý khác của ông McCarthy đối với những người bảo tồn truyền thống được đưa vào trong gói quy tắc dự thảo nói trên liên quan đến việc đồng ý thay thế các yêu cầu “chi trả theo mức sử dụng” hiện tại bằng biện pháp “cắt giảm theo mức sử dụng.”
Điều này sẽ ngăn cản việc xem xét dự luật vốn làm tăng chi tiêu bắt buộc trong thời hạn ngân sách năm năm hoặc mười năm.
Gói quy tắc dự thảo này cũng bãi bỏ cái gọi là “Quy định Gephardt” khi thiết lập một cuộc bỏ phiếu riêng về mức trần nợ. Hiện tại, với quy định hiện hành thì Hạ viện tự động gửi một nghị quyết chung để nâng mức trần nợ khi Hạ viện thông qua một gói ngân sách, tuy nhiên sự thay đổi này mang lại cho phe bảo tồn truyền thống nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy giảm chi tiêu.
Dân biểu Jerry Nadler (Dân chủ-New York) nói với tờ The Independent, “Họ [phe bảo tồn truyền thống] sẽ nói rằng trừ khi họ chứng kiến các khoản cắt giảm chi tiêu rất lớn đối với các chương trình trong nước … nếu không họ sẽ không bỏ phiếu cho [dự luật] đó.”
Đảng Cộng Hòa vẫn còn chưa hết bàng hoàng với việc thông qua dự luật chi tiêu lớn trị giá 1.7 ngàn tỷ USD hồi tháng trước, khi nhiều nghị sĩ phản đối cả về mức chi tiêu và quy trình, trong đó các thành viên Freedom Caucus bày tỏ sự phản đối kịch liệt nhất.
Cắt giảm chi tiêu
Hai dự luật ngân sách khác trong gói quy tắc dự thảo này liên quan đến việc khôi phục một đề nghị chính thức phản đối sự gia tăng ròng của thẩm quyền ngân sách cho các sửa đổi đối với các dự luật phân bổ chung và khôi phục một đề nghị chính thức phản đối các chỉ thị điều chỉnh ngân sách làm tăng chi tiêu trực tiếp ròng.
Gói quy tắc dự thảo này cũng khôi phục một yêu cầu phải có đa số 3/5 (từ một đa số đơn thuần) để có thể tăng thuế suất, một chiến thắng khác dành cho những người bảo tồn truyền thống phản đối các sáng kiến thuế và chi tiêu không bị giới hạn của Hoa Thịnh Đốn.
Một biện pháp khác liên quan đến các điều khoản cho các sửa đổi về việc tính toán giảm chi tiêu chuyển đổi và yêu cầu tất cả các dự luật phân bổ chung phải có các phần tính toán giảm chi tiêu.
Các nhượng bộ khác bao gồm một nhượng bộ quy định rằng sẽ cần 72 giờ trước khi một dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu và thành lập một số hội đồng để điều tra các vấn đề đáng lo ngại khác nhau, bao gồm cả việc thành lập một tiểu ban về việc “vũ khí hóa” chính phủ liên bang.
Đề nghị thành lập tiểu ban này được đưa ra sau khi gần đây Đảng Cộng Hòa báo hiệu rằng họ muốn có một cuộc điều tra toàn diện đối với FBI theo sau cái gọi là “Hồ sơ Twitter” vốn đã tiết lộ rằng cơ quan này đã gây áp lực buộc Twitter phải kiểm duyệt quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.
Trước khi gói quy tắc này có thể được biểu quyết, thì quy trình này yêu cầu các thành viên trước tiên phải tuyên thệ nhậm chức.
Bà Ellis nói trong một bài đăng trên Twitter: “Nếu ông McCarthy cố gắng thay đổi bất kỳ sự nhượng bộ nào, thì ông sẽ không có những phiếu bầu đó cho bất kỳ gói quy tắc nào và chúng ta sẽ lại bế tắc. Quốc hội không thể hành động nếu một gói quy tắc không được xác nhận.”
Bà cho biết thêm: “Điểm mấu chốt là: Với gói quy tắc này, 20 dân biểu đó đã đạt được sự giám sát về trách nhiệm giải trình mang tính lịch sử và kiềm chế khả năng lãnh đạo cũng như quyền lực của Chủ tịch Hạ viện.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times