Những nhân viên cứu hộ chuyến bay số hiệu 93 nhớ lại thời nước Mỹ đồng lòng sau vụ tấn công 11/09
Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay số hiệu 93 gần Shanksville, Pennsylvania, đã từng là một mỏ than.
Tại khu đất lân cận, ông Duane Slade, Giám đốc Điều hành đương thời của Trại Allegheny nhớ lại, khu mỏ này đã từng dùng nhiều chất nổ cùng một lúc, tạo ra những tiếng nổ lớn khi chúng làm sụp mặt đất. Nhưng điều này chẳng là gì so với những gì ông nghe được vào ngày 11/09/2001, khi Chuyến bay số hiệu 93 bị rơi tại đó.
“Tiếng nổ khi chiếc phi cơ đó lao xuống, có lẽ lớn hơn gấp mười lần so với bất kỳ tiếng nổ nào mà tôi từng nghe,” ông Slade nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi không thể nhìn thấy nó, nhưng tôi chắc chắn đã nghe và cảm nhận được âm thanh đó.”
Địa điểm va chạm nằm ở phía bên kia của một dãy núi. Ông Slade đã nhanh chóng lái xe đến nhà con trai mình, cách nơi xảy ra vụ va chạm 1/8 dặm. Ông thấy khói, cây cối cháy âm ỉ, và chiếc xe cứu hỏa đầu tiên từ Shanksville đến.
Ông Slade nói: “Quý vị không thể nhìn ra được một chiếc phi cơ. Chỉ có một cái hố to trên mặt đất. Đó là một hố lõm sâu. Tôi đã quay trở lại văn phòng của mình vì tôi chẳng thể làm được gì.”
Đêm đó ông nghe tin những nhân viên cứu hộ đầu tiên cần đá và nước uống; và Cứu Thế Quân (Salvation Army) cần thực phẩm cho các nhân viên. Cuối cùng, nhu cầu là 300 suất ăn cho mỗi bữa sáng, trưa, và tối; và 100 suất ăn vào lúc nửa đêm cho các nhân viên qua đêm giữ gìn an ninh hiện trường.
Trại Allegheny là một trong số các địa điểm cung cấp nơi ăn ở cho những người làm việc tại hiện trường. Trại cũng cung cấp một chuồng ngựa cho 16 con ngựa của cảnh sát kỵ binh tiểu bang. Ông Slade cho biết có tám con ngựa làm việc cùng một lúc, và cảnh sát đã tuần tra các khu vực cây cối xung quanh nơi xảy ra vụ va chạm.
Ông Slade nói: “Chúng tôi có một số người của Hội Chữ Thập Đỏ và Cứu Thế Quân ở trại. Tuyên úy của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, người điều hành nhà xác tạm thời tại hiện trường, đã ở lại nhà của chúng tôi vì ông ấy không thể nghỉ ngơi tại kho vũ khí.”
Ông Slade nói: “Khi tôi nhìn lại, chúng tôi đã nhận hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác hỏi rằng, ‘tôi có thể giúp gì không?’ Họ muốn làm điều gì đó. Chúng tôi đã cho mọi người vào bếp và nấu ăn. Tôi không biết liệu ngày nay có còn tâm thái giống như vậy không. Có lẽ sẽ có. Những người trên chuyến bay ấy — họ đã cống hiến hết mình, và có rất nhiều người trân trọng điều đó. Đó là loại cảm giác sẽ đọng lại trong mọi người và thôi thúc người ta trợ giúp khi họ không thể làm gì khác.”
Giám đốc bảo trì của Trại Allegheny, ông Chuck Wagner, đã giúp giao thực phẩm đi đi về về từ hiện trường xảy ra vụ va chạm, nhưng ông có một kỹ năng khác được cần đến. Ông Wagner từng vận hành các thiết bị hạng nặng tại mỏ. Trước khi tình nguyện giúp đào bới khu mảnh vỡ, ông đã cầu nguyện để được chỉ dẫn bởi ông không chắc ông có thể chịu đựng được những cảnh tượng mình sẽ trông thấy.
Sử dụng các máy xúc, nhân viên đào vào hố để lấy ra những gì họ có thể. Họ rải đất [xúc được] lên mặt đất và các điều tra viên sẽ tìm kiếm lớp đất đó bằng cách sử dụng các dụng cụ làm vườn để nhặt ra các vật dụng. Đó là hiện trường một vụ án và công việc này rất tỉ mẩn.
Ông Wagner nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng, “Những điều tôi chứng kiến và những người tôi đã gặp khiến tôi cảm thấy mình hữu ích và có mục tiêu. Tôi thật may mắn khi được ở đó.”
Họ đã tách riêng các di hài, đồ dùng cá nhân, và các bộ phận phi cơ. Có khoảng 3,000 pound thư từ của Hoa Kỳ đã được gửi trên chuyến bay này. Các thợ đào đã thu thập những gì họ có thể tìm thấy và gửi lại cho dịch vụ bưu chính. Có cả những mảnh phi cơ và thảm bị đâm vào lòng đất.
Ông Wagner nói rằng vì nơi này trước đây từng là một mỏ lộ thiên nên nền đất rất lỏng lẻo. Chuyến bay số hiệu 93 đã đâm xuống với tốc độ hơn 500 dặm/giờ, do đó một số bộ phận của phi cơ này đã đâm sâu xuống lòng đất và không bốc cháy.
Ông cho biết thêm, “Đây là nơi xảy ra vụ rơi phi cơ duy nhất cung cấp bằng chứng hiện vật về những kẻ khủng bố. Đó là những gì FBI đã nói với tôi. Chúng tôi tìm thấy dao cắt hộp, tiền xu từ Canada (nơi một tên không tặc được cho là đã khởi hành) trong một chiếc áo khoác, và vé máy bay có tên của một kẻ khủng bố trên đó.”
Một dòng người đều đặn đã đến thăm địa điểm này và đến năm 2002, người dân địa phương đã tổ chức các đại sứ Chuyến bay số hiệu 93, để bảo đảm có người ở đó để nói về vụ rơi phi cơ và trả lời các câu hỏi. Điều này đã phát triển thành việc đào tạo các tình nguyện viên và [đặt] các bìa còng lưu trữ thông tin chia sẻ.
Ông Wagner đã đi tình nguyện và nhận một ca làm việc thông thường hàng tuần để kể những câu chuyện về các hành khách trên Chuyến bay số hiệu 93. Trước khi Sở Công viên Quốc gia thiết kế đài tưởng niệm này, thì địa điểm viếng thăm là một hàng rào lưới, cao 10 feet (3 mét) và dài 40 feet (12.2 mét) ở một khu đất trống vắng vẻ.
Ông Wagner cho hay: “Người ta từng đến đây bằng xe buýt. Đây từng là một nơi khá nhộn nhịp. Quý vị tới gần nơi này vào một chiều Chủ nhật và quý vị sẽ không biết có bao nhiêu xe buýt sẽ ở đó.”
Hàng rào treo đầy cờ và kỷ vật. Một người lính đã đến thăm, cởi đôi ủng của mình, và để chúng ở đó.
Ông Wagner nói: “Cách mà cậu ấy đã làm điều đó rất cảm động. Đó là một phần trong cuộc sống của tôi.”
Ông đã chụp những bức ảnh về hàng rào tưởng niệm và địa điểm [xảy ra vụ rơi phi cơ] khi chúng thay đổi, và cuối cùng đã cho xuất bản hai cuốn sách ảnh của mình, có nhan đề “Ký ức từ Đài tưởng niệm” và “Ký ức từ Đài tưởng niệm Tạm thời.”
Ông Wagner nói: “Đó là một thời cả nước thực sự đồng lòng. Mọi người hầu như đều muốn làm một điều gì đó. Có một tinh thần hiệp lực ở nước Mỹ. Mọi người đều muốn tham gia. [Nhưng] điều đó đã thay đổi rất nhiều kể từ thời ấy. Đã từng không có [sự phân chia nào giữa] các thành viên Đảng Cộng Hòa hay Đảng Dân Chủ. Chúng ta chỉ là người Mỹ mà thôi. Thật đáng tiếc khi người ta lại mau quên như vậy. Nước Mỹ vẫn là một nền dân chủ và chúng ta có Hiến pháp – chỉ khác là – tâm thái tự hào và tâm thái ích kỷ. Điều này thật nản lòng. Chúng ta đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn trước đây. Tôi hy vọng và cầu xin Chúa nhân từ hãy thương xót và ban cho các nhà lãnh đạo có đức tin trong tương lai.”
Ông nói rằng điều quan trọng là phải nói cho các thế hệ tiếp theo về chủ nghĩa anh hùng và sự đồng lòng của thời đó.
Ông Wagner cho biết, “Chúng ta đã mất rất nhiều nhân chứng trên suốt hành trình này, nếu chúng tôi không kể lại câu chuyện này, thì nó sẽ bị lãng quên. Chúng ta có xu hướng nghe nói về Tòa Tháp Đôi và Ngũ Giác Đài. Câu chuyện về hai nơi này và câu chuyện về Chuyến bay số hiệu 93 cần được dạy trong trường học. Bây giờ chúng ta đang cách gần hai thế hệ kể từ khi đó.”
Bà Beth Brelje là một ký giả điều tra đưa tin về chính trị, tòa án, cũng như những tin tức thú vị nhất và đôi khi bị che giấu của khối thịnh vượng chung Pennsylvania. Quý vị có thể gửi các ý tưởng cho bà qua địa chỉ: BethBrelje và BethBrelje.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: